Về thăm chiến khu Lê/ 17/7/2010
Như cánh chim thiên di, chúng tôi lại lên đường . Sài Gòn trưa nay trời đổ mưa. Gió từ sông thổi về ào ào. Xe chúng tôi đi trong màn mưa trắng đục. Lần này chúng tôi rời TP. Hồ Chí Minh lên đường đi Bình Thuận để về với chiến khu Lê.
Mười bảy năm trước, cụ già khi làm lớp KCDS ở Phan Thiết. Cụ đã được Chính Quyền mời tham quan chiến khu Lê. Ngày ấy nơi đây là hoang mạc, chỉ có nắng và gió. Chưa có đường nhựa, xe chạy trong màn bụi đỏ bay ngất trời. Nắng chói chang và cả vùng không có nước. Chỉ có cát trắng và những vùng đất đỏ mênh mông khô hạn, cây bụi lúp xúp không có cây to. . . .nắng ơi là nắng. . .không trồng tỉa được gì vào mùa hạn. . . . Không có nước ngầm, nên đào giếng không được. Bà con phải hứng nước mưa để dùng dần, khi thiếu thì cả vùng chỉ trông chờ vào nguồn nước ngọt duy nhất ở Bàu Trắng. Bà con ở đây rất nghèo. Nhà cửa nhỏ xíu đa số là là nhà tranh vách đất. Trẻ con thất học nhiều và cuộc sống tuy đã hòa bình rồi, nhưng vẫn còn vô cùng cực khổ. . . .
Thế rồi hôm nay quay trở lại. Chúng tôi vô cùng vui mừng, khi thấy Chiến Khu lê đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Đường nhựa mở đi khắp nơi. Nhà cửa phố phường tấp nập đông vui. Điện nước đến tận từng nhà. Trường học, Trạm xá khang trang. . . .Và màu xanh. . . màu xanh đã bắt đầu phục hồi trên sa mạc trắng. Rừng dương, cây dầu lai, cây trôm, cây xoan và các cây họ đậu đã từng bước làm sa mạc hồi sinh. Khu du lịch Bàu Trắng đông vui. Và nhà nghỉ chúng tôi đang ở có internet, mạng không dây 3G rất mạnh. . . .điều hòa, tắm nóng lạnh. . . .haha. . .ha. . . những điều này mười bảy năm trước tưởng trong mơ cũng không có được. Bây giờ đó là điều tự nhiên. Mừng cho bà con chiến khu Lê.
Cuộc sống tuy đã từng bước đổi thay. Nhưng đại bộ phận bà con vẫn còn nghèo, bệnh tật nhiều. Do vậy nhận lời mời của UBND xã Hồng Thắng Quận Bắc Bình. Thầy và chúng tôi đã lên đường đến tận nơi đây để hướng dẫn bà con tập KCDS nhằm tăng cường sức khỏe, phòng và tự điều trị bệnh cho mình. . . .Đây là lớp thứ 3 ở chiến khu Lê. Hai lớp trước do huynh Thiện Hà hướng dẫn.
Hôm nay là ngày 17/9/2010. Theo chương trình còn 2 ngày nữa lớp học mới bắt đầu. do vậy chúng tôi mời Thầy dạo chơi các nơi: Bàu Ông, Bàu Bà, Cồn cát, chùa Bình Nhơn, chùa Cổ Thạch. . .v.v. . . .Mời các bạn xem một số hình ảnh về Chiến Khu Lê đang mùa sen nở. . . .
Màu xanh đang hồi sinh trên Chiến Khu Lê /17/7/2010
Chiến khu Lê - "Lê Hồng Phong" thuộc 2 xã Hòa Thắng và Hồng Phong, huyện Bắc Bình ( Bình Thuận). Khoảng từ 1790 - 1805, cư dân của các tỉnh miền ngoài như : Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngải... trên bước đường đi về phương nam đã tìm đến vùng đất này là xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận lập nên làng làm ăn sinh sống. Làng của những người dân hồi ấy, tên là Bình Nhơn. Điểm đặt làng ở phía bắc Bàu Bà, mặt trông ra động cát, lưng tựa vào bàu. Chiến khu Lê là một vùng hoang mạc, đất đai cằn cỗi, tứ bề chỉ có nắng, cát và gió. Trụ lại nơi đây chỉ có những cành xương rồng già nua, xơ xác. Chiến khu Lê được biết đến như là nơi có nguồn nước khan hiếm nhất Việt Nam. Cuộc sống nhân dân nơi đây vô cùng khó khăn thiếu thốn. Thời kỳ chiến tranh, nơi đây là khu rừng rậm bạt ngàn với nhiều loài cây gỗ quý hiếm và cũng là chiến trường ác liệt. Sau giải phóng, diện tích rừng bị mất dần do nhiều nguyên nhân: đốt rừng làm rẫy, khai thác trái phép gỗ, hầm than ... cùng với sự tác động mạnh mẽ của môi trường tự nhiên nắng nóng, những cơn bão cát hàng ngày kéo qua khiến cho những con đường bị vùi lấp. Đời sống người dân ở Chiến khu Lê ngày càng khốn khó. Giữa sa mạc cát mênh mông chỉ có những tán rừng ôrô và cây xương rồng mới sống được. Người dân ở đây, không chỉ chiến đấu với bom đạn mà còn với kẻ thù dai dẳng và khắc nghiệt hơn là nguồn nước. Chính tại nơi này mới có cụm từ "tắm lửa". Do không có nước nên muốn tắm người ta cứ đốt lửa trùm khăn cho vã mồ hôi rồi lau khô thế là đã...tắm". Bây giờ nước tắm không còn thiếu tới mức ấy nhưng nước vẫn là một thứ xa xỉ. Sống trong vùng hoang mạc thiếu nước, đời sống cơ cực là thế, nhưng không có hộ dân nào muốn rời bỏ quê cha đất tổ.
(Hiện tượng cát bay tạo ra các cồn cát đẹp.Nhưng cát đã lấp dần làng mạc, ao hồ, cây cối, tạo ra hoang mạc nóng bỏng đầy nắng và gió)
Để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt bà con ở đây đã thu trữ nước mưa bằng hồ làm bằng: xi măng đất và vật liệu HDPE. Kết hợp trồng cây xanh chống sa mạc hoá. Dự án được sự tài trợ của Quỹ phát triển môi trường toàn cầu. Đây là mô hình sinh thái bền vững: bên ngoài là hàng rào bảo vệ bò, dê vào phá bằng những trụ bê tông dây thép gai, kế tiếp là 2 hàng cây Neem (Cây Xoan chịu hạn) và cây dầu lai. Đây là 2 loại cây chịu hạn tốt, tỉ lệ sống cao được trồng ở vùng khô hạn phủ xanh đồi trọc, chống cát bay. Bên trong là những hàng cây Trôm được trồng với khoảng cách (7x7m) xen giữa là những loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cây họ đậu cải tạo đất như cây đậu phộng, cây dưa lấy hạt... Những loại cây này sau khi thu hoạch được sử dụng để ủ vào các gốc cây trôm nhằm bổ sung hàm lượng chất hữu cơ, làm tăng độ phì nhiêu và khả năng giữ nước của đất. Phía trên là các hồ thu trữ nước mưa với sức chứa từ 7- 17m3 để tưới vào mùa khô hạn và thả cá từ các hồ chứa này. Nhờ những cố gắng không ngừng, đến nay Chiến khu Lê đã có một hệ thống thu trữ nước mưa trên cát và hệ thống tưới bố sung vào mùa khô gồm 17 hồ chứa nước lớn mỗi hồ 17m3 và 12 hồ chứa nước nhỏ mỗi hồ 7m3; trồng hơn 2.200 cây xoan chịu hạn và 4.500 cây dầu lai. Thành công bước đầu của mô hình là căn cứ khoa học đáng tin cậy cho việc cải tạo, phát triển sinh thái bền vững và cần được nhân rộng cho hơn 52.000 ha đất sa mạc hoang hóa ven biển thuộc 2 xã Hồng Phong và Hòa Thắng. Những vùng đất cằn cỗi đã dần biến mất và thay vào đó là màu xanh bạt ngàn của một sức sống mới. Con đường về chiến khu Lê (thuộc hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) hôm nay mênh mông một màu xanh của lá, mát rượi những tán cây sum sê tràn đầy nhựa sống. Cuộc sống người dân cũng đổi thay theo từng ngày.
Nhắc tới chiến khu Lê, không thể không nhắc tới một loại động vật thổ cư của sa mạc cát Bắc Bình là con dông (kỳ nhông). Loài dông này mình đỏ màu lửa vàng, sống vùi trong cát nóng. Từ chỗ là một loài hoang dã, nay được nuôi trong vườn nhà để cung cấp thịt làm món ăn đặc sản, gọi là "dông khu Lê".
(Về với hoang mạc chiến khu Lê/ 18/7/2010)
Nhân dân trong vùng hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong ngày nay vẫn phải đánh vật với sự thiếu nước vào mùa khô. Những hồ chứa nước mưa không đủ dùng cho cả năm. Vào lúc thiếu nước thì nước sinh hoạt phải mua từ nơi khác tới với giá đắt đỏ. Đây là vùng khô hạn nhất Việt Nam do địa thế cao hơn mực nước biển gần 200 mét, không có nước ngầm để có thể đào giếng lấy nước sinh hoạt. Tất cả dựa vào hai bàu nước ngọt trong vùng là Bàu Ông và Bàu Bà. Cho tới nay, hai bàu nước ngọt này vẫn không ngừng bị thu hẹp lại do cát lấn và khô hạn. Nếu so với các bản đồ cổ thì 2 bàu nước hiện nay chỉ còn là một phần rất nhỏ so với diện tích lớn của nó trước đây. Các chuyên gia lo ngại rằng thời gian qua đi, nếu cả vùng này không thể xanh hóa và cân bằng tự nhiên trở lại thì bàu nước sẽ chỉ còn là ảo ảnh trên sa mạc cát mà thôi.
Bàu Ông và Bàu Bà, hai hồ nước ngọt giữa hoang mạc
Năm 1867 khi Nguyễn Thông đi ngang qua đây, thấy cảnh đẹp của Bàu Sen giữa những động cát trắng phau cụ bèn đặt tên là "Bạch Hồ".
Bàu Bà hay Bàu Trắng (bạch Hồ) là một hồ nước ngọt, trước đây thuộc xã Bình Nhơn, huyện Hòa Đa, Tỉnh Bình Thuận, nay thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình cách Phan Thiết khoảng 62km về hướng Đông Bắc. Bàu Trắng hình thành từ lâu đời, nằm giữa vùng đồi cát rộng mênh mông xen lẫn nhiều nhóm cây rừng thấp. Nước trong hồ rất ngọt và trong. Từ xa nhìn lại một màu xanh mát dịu phủ lên những đồi cát trắng. Bàu Trắng hay Bàu Bà cách Bàu Ông bởi một đồi cát vắt ngang qua. Nơi sâu nhất của Bàu Trắng là 19m và cạn dần về phía bờ. Quanh bờ có nhiều bông sen, vào mùa hạ sen nở rộ tô thêm cho vùng cát trắng những màu sắc rực rỡ.
(Bàu Bà /Chiến Khu Lê/ lúc này đang vào mùa sen /18/7/2010)
Bàu Ông nhỏ hơn Bàu Bà, hai hồ ngăn cách bởi một động cát lớn chạy ra tận biển. Trên động cát ngăn đôi Bàu Ông và Bàu bà có chùa Bình Nhơn và Miếu thờ đức Bà Thiên Y Ana, vị nữ thần được Người Chăm tin rằng đã mang đến nguồn nước cho con người và động vật rừng ở đây trong những mùa khô hạn. Bàu ông nước cạn hơn và không ngọt bằng Bàu Bà.
Rong chơi nơi Bàu Ông / Chiến Khu Lê /18/7/2010
Các thắng cảnh khác
Cách Hòn Rơm khoảng 15 km, đi theo con đường hướng đến Bàu Trắng sẽ có 1 ngã 3, rẽ phải (phía bên trái đi Bàu Trắng), chạy thẳng hết đường sẽ thấy Hòn Hồng. Ở đây có thể câu cá lúc đêm hay ngày đều được, chỉ cần chờ nước lên cao vì ta chỉ có thể câu trên bãi cát, phía trước là vùng trũng, nước khá sâu. Cá đây chủ yếu là cá Tráp, cá Hanh, cá Vồ. . . .
Rời khỏi Bàu Trắng chừng 5km, du khách sẽ đến được Bãi Chùa. Đây quả là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp rất thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng.
Cạnh Bãi Chùa là Hòn Hồng. Nhìn từ phía xa, Hòn Hồng trông kỳ vĩ, hiên ngang, bất khuất giữa đất trời. Thực ra, Hòn Hồng là một ngọn núi nằm sát bờ biển thuộc thôn Hồng Chính, có độ cao 236m. Hòn Hồng trải dài hơn 10km dọc bờ biển với nhiều bãi đá tuyệt đẹp như: Bãi Ốc, Bãi Gành, Bãi Xếp, Bãi Dơi. Đứng ở mũi Bãi Xếp ngay dưới chân Hòn Hồng, nơi những ghềnh đá chồng chất lên nhau, sóng biển dội vào vách đá tung bọt trắng xóa tạo nên những khúc nhạc xao động của biển khó mà tả hết được cảm xúc. Người dân ở đây cho biết sở dĩ có tên gọi như vậy vì vào những buổi xế chiều nhìn lên đỉnh núi dễ nhận thấy ánh hào quang màu hồng tỏa ra từ núi đá.
Từ Hòn Hồng nhìn về phía biển rất dễ nhận ra một thắng cảnh khác là Hòn Nghề, hay còn được gọi là Hòn Đú, bởi hình dáng rất giống với một con đú biển. Đó là một cù lao nhỏ nhô lên giữa biển khơi với độ cao trên 15m so với mặt nước. Hòn Nghề cách Hòn Rơm chừng 15km theo đường biển.
Trên đồi cát / Chiến Khu Lê / 18/7/2010
Miếu Cô Hồn /Chùa Cổ Thạch/Bình Thuận /19/7/2010 :
Khi Ba Gàn leo lên núi có 2 đứa bé chạy theo. Một đứa đốt hương cắm các nơi. Một đứa thuyết minh. . . - .Hề hề. . .Nhóc ơi, chỗ này khấn sao đây ? - Chỗ này cậu xin thật nhiều tiền. . . . - Ông gì kia ? - À, ông Phật Thiền định - Sao gọi vậy? - Tại ổng ngồi trên chiếc thuyền và định làm gì đấy nên gọi là thuyền định - Này Nhóc ơi, 2 ông gì đây, khấn sao đây? Nó liền chỉ vào ngài Hộ Pháp Vi Đà Thiên Tôn và Ngài Tiêu Diện rồi cười hì hì. . .: - Ông này là Long Thần, còn ông này là ông chư vị. . . . - Hề hề. . .Còn sao gọi là Cổ Thạch Tự? - À, cổ là xưa, thạch là đá, còn tự là tự nhiên. . . .tức là chùa Đá Tự Nhiên. . . - Chứ không phải tự là chùa à? - Con không biết nữa, là gì thì kệ mẹ nó. . . .đều do người ta đặt mà. . . .để ý chi cho mệt. . . .cậu cứ thưởng thức cái đẹp của nó là xong. . . hi hi. . .
Trời nắng chang chang, nó đầu trần không có nón, đen nhẻm, cười hì hì và nói liên tục, điệu bộ làm ra vẻ quan trọng, làm Ba Gàn cười nôn cả ruột: - Ông này, cậu cúng xong xin trái cây của ổng ăn thì hết bịnh, Phật Bà thì nắm chéo áo của Bà thì tai qua nạn khỏi . . .v.v. . . và . . v.. . .v. . . . - Này Nhóc ơi, tao không có tiền, lạy Phật xong đói bụng biết làm sao? Nó thiệt tình: - Cậu đừng lo, mình lạy Phật xong xuống núi , con sẽ vào chùa xin cơm, con với cậu ăn. Chùa không lấy tiền đâu. - Mày xin cơm ở đây ăn mãi hả? - Ừ, bây giờ thêm cậu nữa con xin thêm một chút là đủ ăn lo gì. . . .hì hì. . . - À, cậu ơi bây giờ nắng quá, mà mình lạy cũng hết rồi, mình xuống đi cậu. . . . - Hề hề. . . nắng mệt quá, làm biếng rồi phải không. Ông Phật nói với tao là còn 2 tượng nữa trên cao chưa lễ. Bây giờ mình lên lễ nốt. Xong mình xuống núi luôn. . . .hề hề. . . Nó trợn mắt: - Đúng là còn 2 tượng nữa, nhưng con mệt rồi nên nói vậy. Bộ cậu nói chuyện với Phật được hả? - Ừ - Nếu vậy nhờ cậu hỏi giùm ông Phật, từ khi con mới sinh ra còn bé tẹo. Con đã làm gì nên tội mà khổ vậy. Bạn cùng trang lứa thì đều đi học, còn con suốt ngày leo núi với khách nắng nóng cực khổ mà vẫn không đủ ăn. . . . - Hề hề. . .con mệt rồi thì thôi chúng ta bái vọng ở đây rồi xuống núi. Còn việc hỏi ông Phật thì khi nào ta thấy ổng mở mắt ra nói chuyện thì ta mới hỏi được chớ. Chứ bây giờ con thấy không, ông nào cũng nhắm mắt ngồi im, làm sao ta dám hỏi. . . .hề hề. . . . Thằng bé gục gặt đầu tỏ vẻ đồng tình. Khi xuống núi, nó cười hì hì trong cái nắng chói chang. Còn Ba Gàn nghĩ tới câu nói thơ ngây của nó, lòng hắn đau như xát muối. Xuống tới chùa Ba Gàn vét túi cho chúng, mỗi đứa 100.000 đồng và mời chúng ăn chè ở cái quán chè bên đường đi.
Phần chùa chiền và các am cốc hay các miếu nhỏ xây dựng trên cùng miêu tả cuộc đờ Đức Phật và các chư vị Bồ Tát. Trên mỏm núi đá nhỏ sát bờ biển có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Tại đây có đỉnh gọi là đỉnh Linh Thứu mô tả các tích điển trong Phật Giáo.
Hề hề. . .ngươi tưởng chỉ là đi chơi sao ?. . .. .Người rỗng rang thì đi chơi. . . .Còn người tu thì là cơ hội để gặp nhiều thiện tri thức. Chuyện trò với họ để học tập và kiểm tra cái biết cái hiểu của mình. Cọ xát với thực tiễn muôn màu muôn vẻ của cuộc sống để tập thích ứng tình huống. Xem Thầy mình giải quyết các việc cụ thể ấy như thế nào? . . . .Có dịp gặp muôn ngàn cái chùa, thấy muôn ngàn kiểu tượng Phật, tiếp xúc với nhiều pháp tu khác nhau, là dịp tốt để học về giáo lý, hạnh tu và pháp tu của các vị ấy, . . Gặp gỡ nhiều người thuộc nhiều môn phái khác nhau, ứng dụng bát nhã và mật pháp trong giao tiếp. Tận mắt thấy cảnh đời muôn màu muôn vẻ để học về lý nhân duyên, ứng dụng từ bi hỷ xả trong giao tiếp để luôn giữ được tịnh và an lạc giữa cảnh chợ đời lừa lọc và thói đạo đức giả.
Có thể nói, công lực, kiến thức và hạnh tu của mình được dịp ứng dụng và kiểm tra từng giây từng phút khi cọ xát với thực tiễn sinh động. Cuộc đời này chính là trường học lớn với thực tiến muôn màu muôn vẻ. Thầy ngươi sẽ thông qua giáo cụ trực quan ấy mà giảng giải cắt nghĩa và áp dụng giáo pháp Như Lai để thực tiễn đạt được cảnh tịnh, cảnh an lạc và đồng cảm với bá nhơn bá tính.
Này Cỏ May, khi đến một địa phương nào đấy mở lớp KCDS theo lời mời của chính quyền địa phương ấy. Thì lớp học KCDS là của bà con bệnh nhân nhằm rèn luyện, tăng cường sức khỏe và điều trị bệnh cho họ.. Còn các cuộc "rong chơi" là để rèn luyện cho chư huynh tính Thiền trong cuộc sống. . . .hề hề. . .
Những cuộc "rong chơi" như vậy, thường là vượt đèo leo núi và phải đi bộ qua những quãng đường dài. Đi với Thầy ngươi, nếu ngươi không có nội lực sung mãn thì nhất định sẽ theo không kíp. Nắng mưa và các nghịch cảnh sẽ làm ngươi được trui rèn với sự hướng dẫn tức thì tức khắc của bổn sư ngươi.
Hề hề. . . .Này Cỏ May, đi thực tiễn như vậy qua các cuộc rong chơi. Thì mới thực sự có Thầy ra Thầy, Trò ra Trò và Pháp thực Pháp, mà không phải hí luận, hí sự suông hay là học vẹt theo lối mòn của phàm phu.
Này Cỏ May, ông theo Thầy mình đi vào giữa cuộc đời sinh động như vậy thì tu mới ra tu, sống mới ra sống, học mới thực học và dụng mới thực dụng. . . .Lửa thử vàng, gian nan thử sức, lôi cuốn thử đại định, lừa lọc gian trá thử bát nhã, ngoại đạo thử thần thông, hí luận thử thiền ngữ, tình huống nghịch cảnh thử khế lý khế cơ. . . .tham sân si thử "Con người thật" và đau khổ thử niết bàn.
Hề hề. . . . Này Cỏ May, như vậy từng giây từng phút trôi qua khi ông có duyên được "Rong chơi" với Thầy và chư huynh của mình, thực sự chính là lúc ôngi đang trì, đang tụng, đang học, đang ứng dụng bộ kinh Pháp Hoa vô tướng vĩ đạị và huyền nhiệm là thực tiễn sinh động của cuộc đời này. Chơi mà học, học mà chơi. . . .chẳng biết đâu mà lần. . . .Học và Dụng như thế mới thật là thú vị chứ ! . . . .Hề hề. . . .
Thôi ta mắc đi chơi đây, không rảnh đâu mà nói với ông nhiều. Hôm nay ta leo núi Tà Cú chơi, ông có muốn đi chơi với ta không thì đi..Núi này có mật pháp của Tổ Sư Lâm Tế ẩn tàng trong từng gốc cây hòn đá. Ta đưa chư huynh lên đấy chơi để đón lấy hương vị thiêng liêng bất tư nghì. Ông có muốn "Rong chơi" không thì đi. . . .
Hề hề. . . .núi vẫn còn đủ chỗ cho ông đấy.
. . . . . .
Vài nét về chùa Tà Cú / Bình Thuận
Chùa núi Tà Cú (người địa phương hay gọi đơn giản là chùa Núi) là một ngôi chùa tọa lạc trên núi Tà Cú ở độ cao hơn 400 m, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, gần quốc lộ 1A, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam. Chùa này là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Vào giữa thế kỷ 19 nhà sư Trần Hữu Đức (1812-1887) pháp danh Thông Ân, pháp hiệu Hữu Đức từ Phú Yên vào Bình Thuận dựng một thảo am ở làng Kim Thạnh (Bàu Trâm) vừa tu hành vừa bốc thuốc. Ông đã từng tu hành và góp nhiều công sức chăm lo Phật sự ở nhiều chùa tại Bình Thuận như chùa Cổ Thạch, Linh Sơn (Tuy Phong), Phước Hưng (Phan Thiết) và một số chùa ở đảo Phú Quý. Năm 1872 nhà sư lên núi Tà Cú tu hành trong một hang đá (sau này gọi là hang Tổ). Cho đến lúc mất, sư Hữu Đức không xuống núi nữa. Lúc đương thời nhà sư Hữu Đức là một thầy thuốc giỏi. Năm Tự Đức thứ 33 (1880) hoàng thái hậu bệnh nặng, chư thần tâu xin rước sư về giúp trị bệnh nhưng nhà sư từ chối, chỉ gởi người về triều. Bệnh hoàng thái hậu hết, vua Tự Đức mới ban cho tên chùa là Linh Sơn Trường Thọ và nhà sư là "Đại lão hòa thượng". Đến khi nhà sư Hữu Đức viên tịch (nhằm ngày 5 tháng 10 năm 1887 âm lịch) thì sư Tâm Hiền lập ngôi chùa mới ở phía dưới, sau này gọi là chùa Dưới hay chùa Long Đoàn và chùa Linh Sơn Trường Thọ là chùa Trên.
. . . . .
Cổng vào khu du lịch sinh thái Tà Cú /21/7/2010
Hàng lưu niệm dưới chân núi Tà Cú /19/7/2010
Cáp treo Tà Cú /19/7/2010
Rừng Tà Cú với thảm thực vật, cây cổ thụ, dây leo, trúc và hoa tìm băng lăng nở khắp núi rừng /19/7/2010
Hề hề. . . lên núi tà Cú chơi ;
Chùa Long Đoàn (chùa dưới) / Núi Tà Cú /19/7/2010
Trên đỉnh Tà Cú nhìn xuống /19/7/2010
Tượng Phật nhập Niết bàn lớn nhất Đông Nam Á, dài đến 49 m /Núi Tà Cú /Bình Thuận /19/7/2010
Phía trên chùa, cách Hang Đá của Tổ khoảng 50 m là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 49 m, cao 7 m. Tác phẩm do ông Trương Định Ý chủ trì, được đúc bằng bê tông cốt thép trong đợt trùng tu năm 1963.
Tượng Di Đà Tam Tôn ở núi Tà Cú /Bình Thuận /19/7/2010.
Cách pho tượng Phật Nhập Niết Bàn khoảng 50 m về phía dưới là nhóm tượng Di đà Tam tôn xếp thành hàng ngang, xây trên đài sen: Tượng A Di Đà ở giữa cao 7 m, bên trái là tượng Quán Thế Âm và bên phải tượng Đại Thế Chí đều cao 6,5 m
Tượng đức Đạo Dư A Di Đà trong bộ Di Đà Tam Tôn bằng xi măng sau chùa Linh Sơn Trường Thọ /Tà Cú/19/7/2010
Đường lên Núi Tà Cú quanh co hiểm trở, dốc dựng đứng, đá già hình thù kỳ quái, cây đại thụ và dây leo chằng chịt / Tà Cú/19/7/2010
Lớp KCDS Chiến Khu Lê/ Ngày 24/7/2010
Tối hôm nay, Thầy phát công buổi chót để sau đó cùng huynh Thiện Hà đi công tác nơi khác. Lớp KCDS của Khu Lê sẽ giao cho huynh Thiện Ngọc thuộc Câu Lạc Bộ KCDS Nha Trang đảm trách. Bác Hai thay mặt Câu Lạc Bộ KCDS Hòa Thắng và bà con học viên cảm ơn Thầy và chư huynh đã đến giúp địa phương.Thay mặt Câu Lạc Bộ và bà con, Bác Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ đã xin Thầy tài liệu hướng dẫn tập KCDS , băng hình và băng tiếng phát công của Thầy.Thầy đã tặng Câu Lạc Bộ và lớp tập một tập tài liệu tóm tắt về phương pháp tập KCDS và một bộ băng đĩa luyện công có tiếng phát công của Thầy để Câu Lạc Bộ in sao cho bà con. Sau đấy Thầy giới thiệu huynh Thiện Ngọc với bà con học viên. Mọi người vỗ tay hoan hô. Chúng tôi cười bà con cũng cười. Lòng chúng tôi tràn đầy cảm xúc, tôi nghĩ chắc bà con cũng vậy. Xúc động trước mối chân tình của bà con Khu Lê. Chúng tôi tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng tu học nghiên cứu và hành thiện ngày càng nhiều hơn nữa, hiệu quả ngày càng lớn hơn nữa. Góp phần nhỏ bé của mình, làm lợi cho bà con, làm lợi cho đời ngày càng nhiều hơn.
Gió từ hoang mạc thổi về lồng lộng, sao trời lung linh, hàng dương reo vi vu. Bà con đang ngồi đấy, da mặt nám đen, tay chân thô ráp, nụ cười chân chất hồn nhiên như đất như cát. Tôi chợt hiểu ra một điều đơn giản: Đối tượng của người tu là ở những nơi như nơi này. Chứ không phải ở cảnh niết bàn xa vời nào đấy trong tâm trí. Lý tưởng của người tu là làm nụ cười luôn nở trên môi mọi người nhất là đối với những người còn nghèo còn khổ, chứ không phải những bài giảng xa rời thực tiễn sinh động của cuộc đời này. Mọi cái khác là vô nghĩa. Hành động của bạn đối với cộng đồng mới là quan trọng. Chánh giáo hay chân lý diệu nghĩa chỉ là chót lưỡi đầu môi khi không nhập thế triệt để hòa nhập với cộng đồng để vừa tu học vừa hành thiện độ sanh.
. . . . . . .
Bác Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ KCDS Hòa Thắng thay mặt bà con cảm ơn Thầy và chư huynh / Lớp KCDS Chiến Khu Lê/24/7/2010
Ngày mai giã từ chiến Khu Lê, Thầy và chư huynh lại lên đường đến nơi khác. Đất nước mình đâu cũng là nhà. Ai ai cũng là bà con ruột thịt. Đi đâu mà chẳng vậy. Chỗ nào nơi nào cũng đều thân tình đầm ấm, tự do thân thiện như ở nhà mình. Huynh Thiện Ngọc ở Nha Trang vừa vào đến nơi. Thầy sẽ bàn giao lớp KCDS Khu Lê cho Huynh ấy đảm trách tiếp. Chư huynh đã trưởng thành, đã dần dần làm được những việc Thầy thường làm cho đồng bào. Hiện nay đã có nhiều vị huynh trưởng phát công được liệu trình A. Như vậy bà con sẽ được nhờ và chư huynh cũng có môi trường thực tiễn để tu học rèn tâm dưỡng tính hành thiện độ sanh. Nếu không có khả năng thực sự và đem lại lợi ích cho bà con thật sự thì chính quyền sẽ không mời và vị huynh ấy sẽ không thể mở lớp KCDS được. Nếu vị huynh ấy không đủ đạo hạnh và đức độ thì khi cùng ăn cùng ở cùng làm với bà con nhất định bà con sẽ phát hiện ra những điều bất toàn của vị huynh ấy và vị huynh ấy sẽ mất đi sự ủng hộ về nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt để có thể hằng ngày phát công đảm trách lớp học được. Mô Phật, xã hội và đồng bào mình sẽ là thước đo về phẩm hạnh, đức độ và tài năng của từng vị huynh và là cái gương để chư huynh soi vào đấy mà trau dồi đường tu của mình.. Chẳng tựa vào uy tín của Phật, của Tổ, của Thầy. từng vị huynh phải bằng nội năng của chính mình làm cho bà con thương yêu đùm bọc mình và làm cho chính quyền cho phép, ủng hộ , tạo điều kiện giúp đỡ để hoàn thành tâm nguyện Bồ Tát Đạo theo đúng luật pháp và thuần phong mỹ tục của cha ông ta. Chào hoang mạc Khu Lê đầy nắng, đầy gió, đầy cát và cũng đầy nghĩa tình. Chào Bàu Trắng nên thơ, chào đồi cát cô liêu hùng vĩ, chào núi, chào rừng, chào những gương mặt sạm đen với nụ cười chân chất, chào những bàn tay thô ráp mà xiết chặt nghĩa tình, chào mây trời và sóng biển, chào những tầm nhìn không giới hạn ở Khu Lê, chào những cơn gió mười phương bay về tụ hội giữa mênh mông đồng cát. . . .
Ha ha. . .ha. . . .ta lại lên đường rong chơi. . . .cuộc chơi này mới thú vi làm sao. . . .Ha ha. . . .ha. . .!