Lớp KCDS của Câu Lạc Bộ KCDS Vĩnh Phương-Nha Trang đã đi vào ổn định. Thầy đã phát công một tuần qua. Đã hướng dẫn cho Huynh Thiên Hà và Huynh Thiên Ngọc thay Thầy ngồi phát công để giúp đở bà con tập luyện tăng cường sức khỏe, tự trị lành Thân và Tâm bệnh của mình.
Hôm nay Thầy bàn giao lớp lại cho Câu Lạc Bộ tổ chức tập tiếp, còn Thầy thì lại đi nơi khác để hành thiện độ sanh.
Nhận lời mời của Câu Lạc Bộ KCDS Vĩnh Nguyên/Nha Trang. Thầy đã đến sân tập buổi sáng thường xuyên của Câu Lạc Bộ, lên lớp, phát công và giao lưu với bà con ở đây.
Trong đợt này, do Thầy tập huấn kỹ thuật phát công, nên rất đông chư huynh các tỉnh bạn cũng về họp mặt tại Nha Trang. Gồm có chư huynh các tỉnh: Ban Mê Thuột, Gia lai, Phú Yên, Phan Thiết, Sài Gòn, Hà Nội, và địa phương Nha Trang. . . . .
Nhân cơ hội này, mọi người thỉnh Thầy đi dã ngoại với bà con cho vui trước khi chia tay. Địa điểm được chọn là Hòn Bà - Nha Trang.
Hòn Bà cách Nha Trang 37km về phía Tây được ví như một Đà Lạt thứ hai của thành phố biển. Ngay giữa trưa hè, nhiệt độ ở đây ở mức 20oC và mây mù giăng trên đỉnh núi. Đứng từ độ cao 1.500m có thể nhìn thấy Nha Trang chan hòa nắng ấm. Đây là điểm du khách nghỉ trưa, tham quan các địa điểm có dấu tích còn lại khi Bác sĩ Yersin sống và làm việc tại đây: Khu nhà làm việc, đài quan trắc, khu chuồng ngựa, khu vườn ươm cây thuốc... Hòn Bà còn có thác Giăng Mây ở độ cao 300m. Đây là nơi lý tưởng để tắm suối và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng thiêng. Đây cũng là nơi lý tưởng để cắm trại qua đêm, mở tiệc barbecue và đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, huyền bí.
Ngừng giữa đèo để chụp hình chơi /Dã ngoại Hòn Bà/6/2010
Con đường đèo uốn lượn trong nắng sớm. Chim chóc hót vang. Gà rừng đập cánh gáy le te trong khu rừng tối lờ mờ. Dưới xa kia con Suối Đá Giăng ánh lên như một cái gương khổng lồ giữa màu xanh trùng điệp và sương mù mờ mịt giăng phủ khắp nơi.
Khi Thân và Tâm đều rỗng
Trên đỉnh đèo mây trời lồng lộng
Thế sự thăng trầm bổng hóa Không. . . .hề hề. . . .
Xe chúng tôi đã đến cây số 19. Đây là điểm xuống chơi Suối Giăng rất đẹp. Nhưng môt cơ sở tư nhân đã cất quán chận ngay đường xuống suối để làm du lịch. Nhiều cái lán cất lên giữa rừng, núp dưới bóng mát của rừng cây cổ thụ và men theo bờ suối đầy đá chập chùng. Cảnh trí thơ mộng. Nước chảy ào ào. Ai vào thuê thì 90.000 một lều/ một ngày. Giá vào cửa là 5.000 một người. Ngay đầu hè nhà có 2 chậu kiểng trồng cây Minh Điền hoa thòng xuống rất dài, nở đỏ như máu. Rừng núi âm u, chim kêu vượn hú. Không khí trong lành và yên tĩnh. Cơm mưa rào chiều hôm qua làm cỏ non ướt sũng và đá trơn vì đầy rêu xanh. Quán không bán trà và cà phê, chỉ bán bia rượu và đồ nhậu, nên chúng tôi không vào mà xuống suối lội qua bờ bên kia leo lên mấy hòn đá bàng thật to, ăn sáng, vui đùa, tắm suối. Suối Găng từ trên đỉnh Hòn Bà chảy xuống đây thì 2 nhánh của nó hội tụ, nên nước nhiều, thác chảy mạnh. Đá lớn chồng chất núi rừng hùng vĩ kỳ bí.
(Qua cầu vào Quán)
Đưa đây con mang cho /Dã ngoại Hòn Bà-Nha Trang/6/2010
Hề hề. . . Bin Laden mới qua Việt Nam / Dã ngoại Hòn Bà/6/2010
Con suối Đá Giăng hiện ra huyền ảo và thơ mộng trong nắng sớm
Vịn cây đạp đá mà đi
Bốn phương tụ hội về đây
Ngất ngây cười với trời mây núi rừng
Xăn quần cao lên và tụt dép cầm ở tay nếu không muốn mất dép. . .
Đá trơn như thoa mỡ, coi chừng khai huyệt Hội Âm . . .hề hề. . . .
Xuống suối chơi đi
Dắt nhau đi giữa cuộc đời
Sơn hà sâu cạn, rong chơi đã từng
Suối vượt rừng sâu ra tận biển
Ta đã đến bờ bên kia. . . . Ta đã đến bờ bên kia. . . .
Tới chỗ thác kia ngồi chơi đi
Ghi lại cái rỗng không giữa muôn ngàn chuyển động
Nhất tiếu khinh
Máy và bánh mì. . . .cái chi anh cũng thích. . . .hề hề. . .
Vô sự tiểu thần tiên
Mại dzô. . . .mại dzô. . . .bánh mì khô kẹp đồ chay. . . .bỏ thêm chút cay cay. . . .ai ăn thì tới nhận ngay kẻo hết. . . .
Điểm tâm giữa rừng Hòn Bà
Thổi kèn tây bên suối Găng/Hòn Bà
Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi theo Thầy men theo nhánh suối bên trái tiến về phía thượng nguồn. Thầy bảo sâu trong kia, chỗ cây xộp bộng ruột là nơi mười bảy năm trước Thầy đã dạy KCDS cho các vị huynh đầu tiên ở Khánh Hòa. Chúng tôi men theo những bờ đá cheo leo hiểm trở trơn tuột vì rêu xanh ngấm nước mưa, tay vạch gai rừng, đi về phía có tiếng nước chảy ào ào
Rừng già mờ hơi sương. Chim hót véo von trong những tán lá đen sì loang lỗ bóng hoa nắng chập chờn nhảy múa. Trúc đá bám vào vách núi khẳng khiu và cây ngổ điếc rung rinh giữa làn nước lạnh. Mười bảy năm trước khi Thầy đưa chư huynh tới đây. Chỗ nầy còn chưa có ai đi du lịch. Rừng già còn hoang dại. mang còn tác bên kia suối chỗ có rẫy tranh xanh non. Công và chim trĩ còn nhảy múa bên cạnh con đường đá đỏ. Vượn còn hú giữa rừng xanh và thú rừng còn thấp thoáng dưới tán rừng thưa. bây giờ thì hết cả rồi. Con người đi tới đâu thì thiên nhiên lùi xa đến đấy.. . .tiếc thật. . . .tiếc thật. . . .
Mẹ ơi!
Đá già và suối vắng
Mười bảy năm nhớ chăng ?
Khí thiêng hồn đất Mẹ
Bầy trẻ nay lại về.
Đây là nơi mà mười bảy năm trước Thầy đã dạy lớp Huynh đầu tiên cho Khánh Hòa
Cây xộp bộng ruột vẫn còn đây. Tôi chui đầu nhìn vào bên trong cái bộng cây tìm xem có tổ ong nào không. Xưa kia trong cái bộng cây này bao giờ cũng có tổ ong cư ngụ. Đã nhiều lần chúng tôi lấy mật ăn rất thích. Bây giờ không có tổ ong nào. Chắc vì du khách phá, nên chúng đã bỏ đi. Còn kia là dòng suối nước trong và mát lạnh, trước kia khi tập xong Thầy trò thường xuống tắm. Cảnh cũ người xưa, mười bảy năm rồi Thầy vẫn còn đây, chư huynh và phong trào vẫn còn đây và ngày càng phát triển. Tiếc thay trong số học trò cũ ngày ấy, bây giờ người còn người mất, vật đổi sao dời, đời người vô thường là vậy !
Khoảng nửa buổi chúng tôi lội suối quay trở lại đường đèo để lên đỉnh Hòn Bà.
Mọi người đều đã ra xe. Nhưng Thầy và chư huynh ở lại để tắm chơi cho thỏa thích
Hề hề. . . . Nhảy đại xuống đii, đừng chần chờ. . . .
Nhập lưu. . . .
Tắm xong, mọi người ngồi trên một tảng đá lớn để chụp hình kỷ niệm. Một anh mau miệng nói đùa:
- Đất lành chim đậu
Anh khác không kém cũng mau miệng phụ họa ngay tức khắc:
-Lấy trứng chọi đá
Thế là mọi người cùng cười vang lên, cười ra nước mắt, thật là thỏa thích khi trong lòng chẳng chút bận bịu gì. . . .
Đường lên đỉnh Hòn Bà quanh co uốn lượn với rất nhiều khúc quanh cùi chỏ. Đường tựa vào vách núi, dựng đứng men theo triền vực sâu hun hút. Trời nắng chang chang. Tiếng ve kêu râm ran trong khu rừng đại ngàn xanh đen. Trên đầu mây trắng phất phơ. Phía dưới là tán rừng cổ thụ, lên cao dần là rừng lồ ô tre nứa, cao hơn nữa là rừng lá kim. Trên đỉnh Hòn bà và phân bố trong các vùng rừng sâu là rừng Bơmu quí hiếm, lá và gỗ nó có mùi thơm khiến khu rừng bơmu không có ruồi muỗi hay vắt, du lịch sinh thái rất thích. Rừng Hòn bà còn có thông 2 lá dẹp và nhiều loại gỗ quí như dầu, chò, sến , sao. . .v.v. . . . nhiều loại hoa quí và lạ như hoa Minh Điền và các loài phong lan đặc chủng. Trong rừng còn có chè núi, một loại chè rất ngon, vị ngọt hậu, khi pha nước có màu vàng sánh như mật ong rừng. . . . Vì dốc cao khó đi, nguy hiểm, khi xuống đèo phải dậm thắng liên tục nên xe nào xuống cũng cháy bố thắng. . . Bởi vậy thuê xe lên đỉnh Hòn bà ít tài xế thích đi..
Nhớ năm ngoái Thầy và chúng tôi cũng đi lên đỉnh Hòn Bà để luyện công và lễ Mẹ. Nhưng xe chỉ chở đến cây số 19 rồi không chịu đi nữa. Nói mấy cũng không được. Đại bộ phận bà con phải dừng ở đây. Còn Thầy và vài vị huynh thì leo bộ lên đỉnh Hòn Bà. Đi gần tới nơi thì mới có xe đến đón.. . . .
Hôm nay có kinh nghiệm, chúng tôi đã chuẩn bị tốt, nên một đoàn 7 chiếc xe đều trèo đèo vượt dốc đưa mọi người lên tận đỉnh Hòn Bà, nơi có nhà ông Năm Yersin đang đứng cô đơn trong sương mù và gió lạnh.
Đường lên đỉnh Hòn Bà quanh co uốn lượn trong mây
Hoa dại bên đường đi
Từ trên đèo Hòn Bà nhìn xuống, núi rùng trùng điệp, mây trời lãng đãng, gió ngàn lồng lộng, tâm hồn ta như hòa tan vào cõi vô cùng
Hòn Bà có đặc trưng điển hình của hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới với trên 36 loài động vật và 14 loài thực vật đặc hữu quý hiếm được ghi vào Sách đỏ của Việt Nam. Ngoài ra, còn có rất nhiều loại động thực vật khác rất đa dạng, trong đó có những loài chỉ riêng rừng Hòn Bà mới có như Sôi Hòn Bà, Bùi Hòn Bà, Mõ Nha Trang, Đỗ Quyên Nha Trang. Tại đỉnh Hòn Bà, khí hậu không thua gì Đà Lạt, nhiệt độ trung bình trong năm là 17,4oC, mùa hè là 20oC, thường xuyên có sương mù bao phủ. Nhiệt độ thấp nhất trong năm là 6,5oC và cao nhất là 26,5oC. Không khí ở đây mát dịu và trong lành đến tuyệt vời. Trong khu bảo tồn còn có nhiều dòng suối rất đẹp như suối Dầu, suối Đá Giăng và đặc biệt do địa hình có độ dốc cao nên đã tạo ra một số thác nước thiên nhiên rất đẹp như thác Giăng Mây rất phù hợp với loại hình du lịch sinh thái leo núi và thám hiểm.
Đã lên tới nhà ông Năm Yersin tại nơi tấm biển chỉ độ cao 1.500m so với mặt nước biển. Đây chưa phải là điểm cao nhất. Điểm cao nhất ở Hòn Bà tại trạm kiểm lâm cao 1.574m.
Thầy mời mọi người vào nhà ông Năm Yersin, để lễ nhà bác học tài danh, ân nhân của nhân loại và bà con Nha Trang Khánh Hòa. Nhà ông Năm chìm trong mây mù và gió núi.
Nhà ông Năm Yersin khi xưa đã hư hại từ lâu. Năm 2004 bà con Xóm Cồn và Suối Dầu / Nha Trang đã góp tiền để làm lại ngôi nhà này. Y hệt ngôi nhà xưa kia ông Năm Yersin đã xây dựng để làm nơi trồng dược liệu, trạm quan trắc, chế vacxin và chế thuốc trừ bệnh sốt rét. Giống như ngôi nhà đầu tiên, ngôi nhà này 2 tầng cũng làm bằng gỗ sao đen chịu được nước và khí hậu ẩm ướt ở nơi đây. Nhà dựng trên một cái nền xi măng gần bên cạnh có hầm chứa nước mưa cũng do Yersin làm từ thời ấy. Có ống dẫn nước từ trên mái xuống. Vào mùa hè không có mưa, thì có sương mù dày đặc, nước cũng chảy vào hầm đủ dùng. Cầu thang bố trí ngay bên ngoài hiên tạo cảm giác thân thiện mời gọi. Trên tầng 2 nhìn về phía Diên Khánh và Nha Trang, có lắp kính để tiện việc theo dõi thời thiết khí hậu giúp dân Nha Trang ra khơi hoặc làm mùa. Chung quanh nhà có nhiều cái máng được Yersin đắp bằng xi măng trên đá để ươm dược liệu. Nhiều chậu kiểng Yersin mua từ các lò gốm ở Sài Gòn mang về trồng thuốc từ thời xưa, nay cũng còn sót lại nơi đây. . Hiện tại chỉ có vài ba người kiểm lâm ở tại nhà ông Năm Yersin, còn chung quanh là mây trời gió núi, sương mù và thú rừng đá núi. . . .
Tham quan các vết tích Yersin còn để lại quanh đây: Máng trồng thuốc, Cây chè cổ thụ, chuồng ngựa, vườn ươm. . .v.v. . .
Cách đây gần 90 năm nhà bác học A.Yersin đã sống và làm việc tại ngôi nhà gỗ này. Ông đã phát hiện ở đây có nhiều loại thuốc và cây gỗ quý có giá trị và đã được giới khoa học công nhận, đặt tên ông cho loài cây để ghi nhớ công trạng nhà khoa học đi đầu khám phá thiên nhiên như: cây Trương Hùng (Reevesia Yersinii A.Chev), cây Chè Hòn Bà (Thea Yersinii A.Chev).
(Thầy leo lên cây chè Hòn Bà cổ thụ do Yersin trồng để hái lá pha chè mời mọi người uống chơi. Đây là loại chè núi chỉ có ở đình Hòn Bà, uống rất ngon, nước ngọt hậu có màu vàng nhạt rất quí.)
Hầm nước mưa do ông Năm Yersin làm từ hồi ấy, bây giờ vẫn còn
Giàn su su tại nhà Yersin do cán bộ kiểm lâm ở đây trồng
Trên tầng trên, ngay trên bục cửa ra vào có đặt một miếng ván mỏng làm bàn thờ Yersin. Thầy và mọi người đảnh lễ nhà bác học thiên tài, ân nhân của nhân loại và bà con Nha Trang-Khánh Hòa
- Mộ Yersin ở Suối Dầu. Con biết không, khi Yersin mất ông trối nên chôn ông nằm sấp để hai tay ôm trọn mảnh đất Nha Trang Khánh Hòa quê hương thứ 2 của ông. Và người ta đã làm y như vậy! Ông đã cống hiến trọn đời mình cho nhân loại và người Việt mình. Một người Tây mà yêu nước Việt đến thế. Còn chúng ta con cháu Lạc Hồng, chúng ta đã làm gì lợi ích cho đồng bào và tổ quốc mình chưa?
Đứng trên ban công nhà Yersin ngắm quanh cảnh núi rừng hùng vĩ, chợt mây mù kéo đến bao phủ nơi nơi. Nhà ông Năm chìm trong biển mây. Chúng tôi cũng chìm trong mây mù và giá lạnh. Lòng bồi hồi nhớ đến người xưa đã hành Bồ Tát Đạo giữa núi rừng thâm u hiu hắt, cống hiến trọn đời mình cho lợi lạc của chúng sanh. Chẳng cạo đầu, chẳng gõ mõ, chẳng tụng kinh, chẳng ở chùa, cũng chẳng lớn tiếng rao truyền giảng đạo. . . .thậm chí cũng chẳng phân biệt tôn giáo. . . Đối với tôi, ngài quả thật là bồ tát hiện thân giữa cõi đời thị phi ô trọc này
(Yersin: sinh 1863 tại Thụy Sĩ - Mất 1943 tại Nha Trang Việt nam)
Ly sanh hỷ lạc
Vào rừng chơi đi,
Trong rừng nguyên sinh sương mù dày đặc, không khí ấm ướt, rêu và địa y bám xanh rì trên đá như thảm nhung. Dây leo và hoa dại nở khắp nơi. Chim kêu buồn bã dưới thung sâu. Và ve kêu râm ran trong tiếng gió thổi ào ào qua các gộp đá già đầy dây leo. Hai anh kiểm lâm và 2 con chó dẫn đường đi trước. Chúng tôi theo sau thành một đoàn dài xuyên qua khu rừng đại ngàn để thăm di tích chuồng ngựa của Yersin, thăm di tích vườn uơm trồng thuốc của ông và thăm cánh rừng Bơmu cùng khu rừng thông 2 lá dẹp. Lá rụng ngập lối đi và hơi nước ẩm ướt làm dép cứ muốn trơn tuột. Thỉnh thoảng mọi người lại dừng lại để kiểm tra các kẽ ngón chân có bị vắt bu không. Thấy mấy bà mấy cô sợ vắt bâu, Thầy cười và bảo:
- Để Thầy và các chú kiểm lâm đi trước, nếu có vắt thì nó sẽ bu thầy và mấy chú này trước. . .hề hề. . .
(Hai anh kiểm lâm dẫn đường đi trước, chúng tôi đi phía sau thành một đoàn dài)
Đoàn chúng tôi như một dòng sông chảy êm đềm trên đỉnh rừng nguyên sinh Hòn Bà. Rừng cây râm mát, bóng hoa nắng lưa thưa, gió ngàn lồng lộng. Tâm hồn rỗng không cực kỳ khoan khoái. Nhớ lời người xưa đã dạy: Ta dạy con pháp này là để đi chơi rồi về với Phật. Nay quả đúng như vậy.
Muốn rong chơi thì đừng chấp thị phi, vất hết, bỏ hết mọi thứ giả tạo, thân và tâm rỗng không chẳng chất chứa điều gì, chẳng vướng bận điều gì. Thế thì khinh an, nhẹ hơn lông hồng, nhẹ hơn mây trời, muốn chơi đâu thì nương cơn gió đời mà vui thú. . . .hề hề. . . .
Di tích chuồng nuôi ngựa của ông Năm Yersin và máng cho ngựa uống nước
Kỷ niệm trong rừng nguyên sinh Hòn Bà:
Độ ẩm cao, trong rừng lại thường có sương mù dày đặc nên địa y bám đầy đá và các thân cây
Hai bên đường đi, đá già rêu phủ xanh rì. Lá rụng ngập lối đi. Cây rừng râm mát. Dạo chơi thật là thú vị
Thầy dặn bà con đi phía sau nếu thấy hơi ngứa ở kẻ chân thì nhớ vén quần lên xem có vắt cắn không. Nếu có thì nhổ nước bọt vào nó, rồi gở ra mới được. Sau đó lấy lá nón dán vào chỗ bị cắn thì sẽ không ra máu nữa. Vừa nói xong Thày cuối xuống bắt một con vắt đang bâu vào kẻ chân dơ lên rồi gọi ai hồi giờ chưa thấy vắt thì đến xem cho biết. Sau đó thầy vất nó đi chứ không giết.
(Thầy bắt vắt và cầm ở tay cho mọi người xem)
Bão rừng năm ngoái làm cây gãy đổ ngổn ngang. Chúng tôi phải chui qua để đến khu vực di tích vườn ươm trồng dược liệu của Yersin
Rừng thiêng hùng vĩ :
Đến đoạn rẽ vào Chốt Kiểm Lâm, Thầy gọi mọi người lại và chỉ cho xem chất đất ở đây là cát trắng pha phù sa như ở vùng biển. Chính trên đỉnh Hòn Bà này có loại đất này, độ ẩm cao và nhiệt độ luôn duy trì khoảng 15 đến 20 độ C nên rất thích hợp với việc ươm trồng dược liệu, Do vậy mà Yersin đã làm vườn ươm ở đây. Chứ đất núi không trồng cây thuốc được vì rắn và dễ thoát nước.
Chúng tôi đi qua một cái trảng toàn lau lách và cây bụi thấp. Thầy bảo xưa kia đây chính là vườn ươm trồng dược liệu của Yersin
Thầy luyện công trong rừng nguyên sinh Hòn Bà
Ai bảo đá cản đường đi
Tại đường đi cứ phi vào đá
Tựa vào đá ta nghỉ ngơi
Biến sức cản thành đồ chơi
Dùng nó làm đẹp cho đời
Mắc mớ chi
ráng dời đá đi cho mệt. . . .hề hề. . .
Kỷ niệm ở nhà sàn ông Năm Yersin/6/2010
Cả đoàn ăn cơm trưa và nghỉ ngơi ở nhà ông năm Yersin trước khi xuống suối luyện công
Thức ăn gồm có bánh hỏi, bánh ướt, cơm chay và chè Hòn Bà hái ở cây chè ông Năm trồng gần hòn đá lớn sau nhà
Gia đình Khí Công ngày càng đông vui đầm ấm
Chào Mẹ, chào chư Thiên, chào anh linh ông năm Yersin, chào núi, chào rừng cây, chào mây mù, chào con chim con thú. . . . .đoàn KCDS Nha Trang Khánh Hòa bắt đầu xuống núi. . . .Rồi đây trong bước đường vân du hành thiện độ sanh, những kỷ niệm êm đềm trên đỉnh Hòn Bà hôm nay, chắc sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí.
. . . . . .
Mời các bạn xem phim:
1/ Tắm suối Đá Giăng / Hòn Bà /6/2010
2/Rong chơi trên đỉnh Hòn Bà /6/2010