A/ Núi Bà Đen/25/1/2010:
Lớp KCDS Thành Phố HCM đã kết thúc thắng lợi. Số lượng người tham gia tập ước đến hơn 600 người. Tỷ lệ đắc khí hơn 90%. Trong số ấy hơn 70% có chuyển biến tốt về sức khỏe và bệnh. Đây là lần thứ 2 thầy phát công ở TP. HCM, lần trước ở chùa Phổ Quang và lần này ở Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi Quân 1. Lần này được chính quyền và các cơ quan ban ngành giúp đỡ. Một Câu lạc Bộ KCDS đã được thành lập chính thức và đã đi vào hoạt động ổn định với 2 sân tập thường xuyên giữa lòng TP. Câu Lạc Bộ KCDS được Hội Đông Y Quận Phú Nhuận thành lập và được Hội Đông Y Thành Phố bảo trợ. Đài Truyền Hình TP/HCM cũng đã đến ghi hình đưa tin và phát hình liên tiếp trong nhiều ngày và trên nhiều kênh về lớp Tập KCDS. . . .
Xong lớp KCDS liệu trình A ở Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi, chư huynh ở đây theo Thầy lên núi Bà Đen để lễ Phật, lễ Bà và luyện huyền công. Để có thể tập tại chùa và tại điện Bà với Thầy vào lúc ban đêm, và lúc gà gáy. Chúng tôi phải khởi hành từ TP.HCM ngay từ xế chiều để đến nơi kịp đi cáp treo lên núi là vừa tối. Học xong rồi, buổi sáng hôm sau mới đi tham quan lễ Phật các nơi trên núi. Như vậy sẽ vừa tập được vừa tham quan được mà không bị du khách làm phiền.
Núi Bà Đen cao 986 m là ngọn núi cao nất Nam bộ. Nó còn được gọi là Núi Một vì nổi lên giữa bình nguyên và tên chữ là Vân Sơn vì thường có mây bao phủ/Dã ngoại núi Bà/25/1/2010
Khi tới nhà ga cáp treo dưới chân núi Bà thì trời đã tối. Ông Mập đang ngồi chơi ở cái bàn đá bên hiên nhà chờ thì một thằng bé bán cà rem tò mò:
- Ông ơi, ông từ đâu tới?
- Ta cũng không biết nữa
- Hề hề. . .sao lạ kỳ vậy?
Nó nhìn ông Mập như nhìn quái vật, rồi cười hì hì. . .
- Thế bây giờ ông có biết mình sẽ đi đâu không?
- Không
Thằng bé toét miệng cười rồi chỉ vào cái bảng hiệu nhà ga xe lửa:
- Chẳng phải ông đang chờ tàu lửa bánh cao su để lên nhà ga cáp treo sao?
- Bây giờ "cái đấy" nó lại có tên là nhà ga cáp treo sao. . . .hề hề. . .
Tới chân núi Bà thì trời đã tối/ Dã ngoại Núi Bà Đen/25/1/2010
Trăng lên trên núi Bà/Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010
Chùa Trung và nhà Tổ /Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010
Haha. . .ha. . .Ta nay luôn có cái nguồn vui này thì còn cần gì nữa chớ. . .!
Núi Bà Đen là thắng cảnh nổi tiếng của Tây Ninh. Đây là ngọn núi cao nhất Nam bộ, 986m, có mây phủ ngọn quanh năm nên núi có tên chữ là Vân Sơn. Bên cạnh tên núi Một, người ta còn gọi là núi Điện Bà, theo huyền thoại: Có một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng Phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là "Linh Sơn Thánh Mẫu".
Một tương truyền khác, vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, dân chúng lầm than. Lúc ấy có thanh niên Lê Sĩ Triệt, quê ở Quang Hóa, nay là Trảng Bàng (Tây Ninh) tài cao, chí lớn, vì nước nhà nên chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước. Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp với làn da bánh mật và có đức hạnh. Người yêu lên đường vì nghĩa lớn, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Một hôm, cô bị cưỡng bức, vì giữ tiết hạnh nên cô gieo mình xuống núi quyên sinh. Ít lâu sau, Thiên Hương về báo mộng cho sư trụ trì chùa núi biết nơi thân thể cô đang bị gió sương bào mòn. Thi thể khô đen của cô được đem về mai táng, phụng thờ. Vì sự linh thiêng của cô, người ta gọi cô là Bà Đen, cùng tụ họp trên núi chiêm bái và cầu nguyện xin cô phù hộ độ trì. Từ đó, nhà chùa cho lập đền thờ để nhân dân tiện cúng bái. Việc hành hương về chùa vào mùa xuân - lễ Thượng ngươn, còn gọi là Hội xuân núi Bà - đã trở thành tập tục tâm linh quen thuộc từ đây.
Ăn tối ở sân chùa Hang núi Bà/ Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010
Trong bữa ăn Cu tý hỏi ông Mập:
- Ông Mập ơi thế nào là lý sự viên dung ?
Ông Mập cười hề hề. . .
- Như ăn cơm thì có nhai và nuốt. Nếu chỉ nhai không thì tuy có cảm nhận được vị ngon của thức ăn nhưng nếu không nuốt thì không nuôi sống cơ thể được.
Hề hề. . ."Lý sự viên dung" như ăn thì nhai rồi phải nuốt / Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010
Núi Bà Đen nằm cách thị xã Tây Ninh khoảng 8 km. Quần thể di tích núi Bà trải rộng 24 km... Lên cao, nhìn về hướng Đông Nam, sẽ thấy ngọn núi Phụng, nhìn về Tây Bắc thấy ngọn núi Heo. Lên đến chùa Vân Sơn, bạn sẽ thấy một hồ nước trong veo, lặng im soi bóng cây rừng. Điểm đến quan trọng nhất tại núi Bà là Điện Bà. Hệ thống Điện Bà gồm có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà...Rải khắp từ chân núi lên đến đỉnh là những quần thể kiến trúc gồm điện, chùa, miếu, tháp... hầu hết đều phản ánh những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Nổi bật trong số những quần thể ấy là điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu (Điện Bà), bên trong có bức tượng đồng Bà Đen
Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu/Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010
Tượng Bà Đen trong điện Linh Sơn Thánh Mẫu/Dã ngoại núi bà Đen/25/1/2010
Để lên Điện Bà, có nhiều cách. Đến Khu di tích lịch sử văn hóa núi Bà Đen, đi xe lửa (bánh cao su) hoặc xe điện đến chân núi rồi đi cáp treo hoặc máng trượt. Hệ thống máng trượt có hai tuyến: tuyến lên (tuyến kéo) dài khoảng 1.190 m và tuyến xuống (tuyến trượt) dài khoảng 1.700 m. Đến Điện Bà (Linh Sơn Thánh mẫu) và chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) không khí thoáng đãng, dù rất đông khách hành hương. Nếu ở lại vào buổi chiều, nhất là nghỉ đêm trên núi, sẽ được chứng kiến cảnh quang hoang sơ và tĩnh lặng không đâu có tại quần thể có tên Ma Thiên Lãnh này. Rừng Ma Thiên Lãnh là một lòng chảo được bao quanh bởi 3 ngọn núi gồm núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Cả 3 ngọn núi này nối với nhau bằng những cánh rừng bất tận, ăn thông với nước bạn Campuchia. Như các đỉnh núi cấu thành quần thể núi Bà Đen, rừng Ma Thiên Lãnh là mái nhà của nhiều loài cây gỗ và động vật quý hiếm, phong phú như ốc núi, dơi, thằn lằn, cheo, mễnh, beo, heo rừng, voọc, khỉ lông vàng...
Hàng quán ở đây bán đủ thứ: cơm, canh, xào, hủ tiếu, mì, phở. Đặc sản Tây Ninh có bánh canh Trảng Bàng và bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Nhưng đặc sản độc đáo nhất ở đây vẫn là món thằn lằn núi chiên giòn. Thằn lằn được các tay thợ rình rập, săn bắt trên các gộp đá, hang hốc của núi Bà Đen. Do bị cánh phường săn và đám con buôn tuyên truyền "toàn thân thằn lằn (có tên khoa học là Gekko ulinovskii) và ốc núi là kho dược liệu khổng lồ chữa được đủ chứng bệnh, kể cả ung thư nên khách du lịch trước khi rời Tây Ninh ai nấy đều cố tuyển vài ký đặc sản về làm quà cho người thân hoặc để dành tẩm bổ...
+ Thằn lằn núi Bà Đen đã trở thành thú vui câu thằn lằn và là món ăn rất ngon của những du khách khi đến đây.
+ Thằn lằn núi Gekko ulinovskii (thuộc họ Tắc kè Gekkonidae) là loài đặc hữu của Việt Nam, được ghi nhận và mô tả lần đầu tiên ở Kon Tum vào năm 1994 bởi Darevsky và Orlov. Năm 2005, Nguyễn Ngọc Sang và nnk đã công bố những dẫn liệu sinh học đầu tiên về loại này tại núi Bà Đen trong Hội nghị khoa học toàn quốc (tháng 11/2005). Như vậy đến nay chỉ có hai nơi trên thế giới ghi nhận sự hiện diện của thằn lằn núi là Kon Tum và núi Bà Đen.
+ Thằn lằn ở đây là Thằn lằn núi mắt lồi, thân vàng, to gấp năm, sáu lần thằn lằn nhà.
Trước kia, loài bò sát này có rất nhiều trên núi. Nhưng từ khi trở thành đặc sản thì ngày càng hiếm, nên giá cả cũng ngày một "leo thang". Hiện tại, giá thằn lằn núi 200.000 đ/kg. Người ta nói "ăn gì bổ nấy", nên cái đuôi thằn lằn rất được các ông "tán thưởng"!
(Bán thằn lằn núi cho du khách/Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010)
Người bán thằn lằn núi chào hàng: "Thòi lòi hay tắc kè hoa đều một rứa. Giống này chỉ sống trong các hang đá ăn sâu vào lòng núi, chuyên ăn các loài côn trùng, trái rừng, uống nước suối nên toàn thân nó chứa nhiều dược tính chứ không lôm côm như mấy con tắc kè đen sì mà người ta nuôi đâu.Tắc kè bình thường cắn hổng sao chứ tắc kè núi Bà đớp dễ chạy nọc lắm. Thằng này sống trong hang núi thân màu nâu nhưng khi ra ngoài ánh sáng thì nó đổi màu hoa lá vầy đó. Đây là đặc điểm để phân biệt nó với các loài tắc kè bình thường khác". Nếu việc mua bán công khai không sớm được ngăn chặn bằng các biện pháp chế tài nghiêm khắc thì e rằng trong tương lai gần, số phận của thòi lòi, tắc kè vạch nói riêng, các loài bò sát tại núi Bà Đen nói chung sẽ rơi vào vòng xoáy tuyệt diệt là điều không thể tránh khỏi.
Khi mặt trời bắt đầu thức dậy, chim chóc ca hát véo von, gió thổi nhè nhẹ, rừng cây còn đang ngái ngủ trong sương mù, thì chúng tôi vừa cười đùa vui vẻ vừa theo thầy xuống ngồi ở cái quán bên bờ suối. Thầy bảo 15 năm trước, thầy đã gặp một người "tóc kết" nơi đây và đã hướng dẫn ông ta tu Phật. Sương núi đang dần tan, chúng tôi uống trà, uống cà phê, tán dóc, ngắm đàn khỉ núi đang đùa chơi trong nắng mai.
Gió đưa mây đến núi Bà.
Mây đang lãng đãng kiếm trà uống chơi . . .hề hề. . . Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010
Khỉ núi ở chùa Bà Đen/Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010
Một môn sinh mới hỏi ông Mập:
- Có người nói Đại Thừa Phật giáo là ngụy tạo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Mập chỉ vào ly cà phê người ấy đang uống và cười hề hề. . .
- Ly cà phê này cũng được tạo ra từ hạt cà phê nguyên thủy đấy và ông phải trả tiền để uống cái ngụy tạo ấy đấy. . . . hề hề. . .Ai muốn trồng cà phê thì cứ trồng. Ai muốn chế biến cà phê thì cứ chế biến. Cả 2 khâu đều là quan trọng. Nếu thiếu 1 thì sẽ không có ly cà phê ông đang uống đây.
(Tiếng cười tiếng nói trong như tiếng nắng mới . . ./Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010)
Thầy chỉ mấy con khỉ đang ngồi ăn chuối trên mái nhà và bảo với bà chủ quán:
- Cô có muốn làm ăn phát tài hơn không?
- Có chứ, nhưng thầy có bùa phép gì cho con không?
- Cô đừng đánh khỉ nữa. Để nó vào quán chơi, du khách sẽ thích đến quán cô nhiều hơn. Cô bán đồ cho khỉ ăn, du khách sẽ mua để chơi với đám khỉ núi này. Chúng nhờ ăn no sẽ bớt phá đi. Quán được thu nhập khá hơn. Mà du khách cũng vui thích hơn khi tới nơi này.
Chúng tôi ăn sáng ở nhà trù chùa Bà rồi leo lên chùa Hòa Đồng là chùa Thượng. Đường đi dốc đá chập chùng và quanh co xuyên vào gữa rừng sâu.
- Thầy ơi, thầy hộ để con đi theo kịp mọi người.
Một học viên thần kinh tọa đã lâu năm đi đứng khó khăn nói với thầy. Thầy cười hề hề. . .
- Cứ thụ khí, niệm hồng danh A Di Đà, giữ tịnh và tỉnh giác thì khắc đi được
Lát sau thầy chỉ về phía trước và cười . . . .Chúng tôi thấy vị ấy đang leo núi thoải mái và đang đi trước chúng tôi.
Hoa gạo nở đỏ rực như phun lửa, bám đầy đá là dây rừng to lớn, lá xanh đậm to bản rễ phụ tua tủa như con rồng đang uốn lượn. Phía dưới thung lủng đồng ruộng nhà cửa nhỏ xíu như đồ chơi trẻ con. Gặp một vị Ni đang cùng leo dốc mới biết hôm nay là ngày an vị Phật ở chùa Hòa Đồng. Thật là phúc lớn, thầy bảo lần đầu đến đây thì thầy cũng may mắn dự lễ rước Xá Lợi Phật ở chùa Trung. Sau bao năm, nay quay về thì lại vừa đúng dịp chùa Thượng an vị Phật.
(Leo lên chùa Hòa Đồng (Chùa Thượng)/Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010)
Ngồi nghỉ ở một cái quán thì gặp một vị sư già cũng đang leo lên chùa Thượng. Ngài mệt nên cũng vào nghỉ. Mọi người mời ngài dùng nước và tranh thủ hỏi về đạo.
Thầy cười và cung kính hỏi vị sư già:
- Thưa Thầy, thầy trụ ở chùa nào?
- Ta vô sở trụ, mà chùa nào cũng trụ
Thầy im lặng nghe, rồi cười hề hề. . .
- Mắt thì không thấy được mắt, tay thì không gãi được tay.
(- Ta vô sở trụ mà chùa nào cũng trụ / Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010)
Bắt gió nhốt vô hang
Để gió khỏi lang thang vô định . . . ./Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010
Tượng Phật nhập niết bàn trên đường lên chùa Thượng/Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010
Đường lên chùa Thượng cao và dốc. Thầy bảo một vị huynh dìu vị sư già lên chùa.
Trời nắng chang chang, nhưng ở đây vẫn mát, cây rừng xòe tán, gió thổi hây hây, chim hót trong các vòm lá xanh tươi. Cu Tý hỏi ông Mập:
- Ông Mập ơi, người xưa có nói: "Quân tử hòa nhi bất đồng. Tiểu nhân đồng nhi bất hòa"thế mà sao đây lại là chùa Hòa Đồng?
- Hề hề. . .Đấy là vì chùa không chấp vào sắc tướng. Hòa Đồng ý nói rỗng không hợp nhất với rỗng không.
Hộ vị sư già leo lên chùa Thượng/Dã ngoại nhúi Bà Đen/25/1/2010
Lên đến chùa Hòa Đồng (chùa Thượng) /Dã ngoại núi Bà/25/1/2010
Đảnh lễ Phật ở chánh điện chùa Thượng /Dã ngoại núi Bà/25/1/2010
Quán bên đường/Dã ngoại núi Bà Đen/25/1/2010
Từ trên cao nhìn xuống, chùa Bà lấp ló giữa ngàn cây/Dã ngoại núi Bà/25/1/2010
Ở chùa Thượng ra chúng tôi đi vào rừng chơi một lát nữa rồi mới quay xuống về lại chùa Hang. Ngang qua một cây mít mọc lên từ kẽ đá trông giống như hòn đá hóa ra cây mít vậy, thế mà nó vẫn ra quả. Thầy ngồi nghĩ bên cây "Mít đá". Nhìn sức sống vô biên của vạn vật, tôi chợt thấy thầy cũng vậy. Cũng vượt qua mọi khó khăn chướng ngại, luôn tiến về phía trước với cái tâm từ và nụ cười luôn nở trên môi. . . .Ôi cây "Mít Đá" và ông Thầy già. . . . .giữa núi Bà linh thiêng !
Mọi người tập trung chung quanh nghe thầy kể chuyện vui và chụp hình cây mít. Thầy cười hề hề chỉ xuống mông của mình và nói với mọi người:
- Ta có một câu đối, ai đối lại cho vui: "Má đít ngồi bên mít đá"
Mọi người nghĩ mãi mà không ra, hoặc có ra cũng đối không chỉnh. Thầy cười và hẹn:
- Nếu các vị chưa nghĩ ra thì ta hẹn khi nào lên lại đây, ta sẽ nói. . . .hề hề. . .
Khi chúng tôi cùng thầy quay xuống núi. Đi ngang Linh Sơn Tiên Thạch tự, tôi thấy một con khỉ lông xám thật to nó đang ngồi trên hàng rào nhìn chúng tôi ra chiều lưu luyến. Chắc nó là một trong các con đã được thầy cho chuối hôm qua.
Con khỉ ra tận hàng rào chùa để đưa tiễn chúng tôi xuống núi/Dã ngoại núi Bà/25/1/2010
Máng trượt núi Bà Đen/Dã ngoại núi Bà/25/1/2010
Cáp treo chùa Bà/Dã ngoại núi Bà/25/1/2010
Chúng tôi xuống núi bằng máng trượt. Cảm giác mạnh, xe lao ào ào, tiếng phanh rít lên, tiếng người cười nói la hét. Qua mỗi khúc cua là mỗi lần được dịp hú hồn và cười vui thật vui! Phía sau tôi, mấy cô nường hốt hoảng không thắng kịp khi qua khúc quanh, làm xe tông cái rầm vào xe chúng tôi, xe tôi lại lao xuống tông vào xe trước. . . .hềhề. . .mọi người hoảng hồn la oai oái. . .nhưng lại được dịp cười đùa thoải mái!. . . .
Vui ơi là vui ! Đúng là một ngày đi chơi đầy thú vị ! Thôi chào núi Bà nhé, khi nào có dịp ta lại đến.
Đồng Tháp Mười là một vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 697.000 hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong đó Long An chiếm non phân nửa. Nơi chúng tôi đến là Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đồng Tháp Mười là một trong những chiến khu quan trọng nhất. Trong thập niên 1980, ba tỉnh nói trên đã đẩy mạnh khai hoang vùng Đồng Tháp Mười. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo quan trọng trên thế giới. Đồng Tháp Mười cũng là bối cảnh của bộ phim Cánh đồng hoang nổi tiếng tại Việt Nam. Hôm chúng tôi đến Khu Bảo Tồn Nghiên Cứu và Phát Triển Dược Liệu Đồng Tháp Mười thì nơi đây đoàn làm phim "Cánh Đồng Bất Tận " dựa theo tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư cũng vừa kết thúc đợt quay dài ngày ở đây.
Một góc Đồng Tháp Mười/ Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Đồng Tháp Mười là một đồng lụt kín được bao quanh bởi các giồng đất cao ven biên giới Việt Nam - Campuchia, đê tự nhiên dọc sông Tiền và giồng biển cổ dọc theo quốc lộ 1A (Tân Hiệp - Nhị Quý, Cai Lậy) và chặn lại bởi sông Vàm Cỏ Đông (Long An).
Đồng Tháp Mười được thành tạo trong phân đại đệ Tứ (Qiv), trên hai đơn vị trầm tích Pleistocen và Holocen cùng với giai đoạn trung gian của Hậu Pleistocen. Quá trình thành tạo hoàn tất của Đồng Tháp Mười được bắt đầu sau thời kỳ Hậu Pleistocen cách đây khoảng 8.000 năm. Nền trầm tích Pleistocen với các vật liệu phù sa cổ không đồng đều được phủ lên bằng vật liệu mới của trầm tích Holocen. Do đó, có thể tìm thấy những gò phù sa cổ và những giồng cát cổ nằm chen lẫn giữa cánh đồng phù sa mới. Dước tác động của nhiều yếu tố tự nhiên và con người, thông qua sự phong hóa với các tiến trình sinh - hóa xảy ra đã hình thành nhiều nhóm đất khác nhau trong Đồng Tháp Mười. Đất phù sa cổ, đất giồng cổ, đất phèn, đất phù sa và phù sa ven sông. Sự tương tác giữa các yếu tố tự nhiên: địa mạo, trầm tich, đất, nước và các yếu tố khác đã hình thành những cảnh quan tự nhiên với các hệ sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Hệ sinh thái rừng tràm (Melaleuca spp.) có thể tìm thấy khá nhiều trong đồng bằng ngập nước. Phạm vi xuất hiện của hệ sinh thái này khá đa dạng, từ vùng triền của đất dốc tụ cho đến đất phèn hoạt động. Những cánh rừng tràm có thể phát triển trên những cánh đồng, đồng thời cũng có thể phát triển khá nhiều dọc theo sông rạch.
Rừng tràm tự nhiên ở Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Nơi chúng tôi đến có nhiều cánh rừng tràm gió tự nhiên. Khu bảo tồn đã được đào nhiều kênh dẫn nước ngang dọc đều khắp. Nơi đây chim chóc, cá, hệ động thực vật phong phú và dược liệu đang được Trung Tâm bảo tồn nguồn gien. Tuy nhiên, những cánh rừng tràm nguyên sinh như vậy dường như không còn nhiều nữa mà chỉ có thể tìm thấy một phần rừng tràm tái sinh với diện tích quá nhỏ so với một vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn.
Hệ sinh thái đồng cỏ ngập nước theo mùa khá phổ biến và chiếm ưu thế trong vùng này xưa kia. Thảm thực vật với các quần xã thay đổi theo môi trường tự nhiên trong từng vùng. Những cánh đồng hoàng đầu ấn (Xyris indica), cỏ năng (Eleocharis sp.), cỏ ống (Panicum repens), cánh đồng cỏ mồm (Ischaemum sp.), cỏ lác (Cyperus sp.) trải rộng khắp vùng này xưa kia vẫn còn tìm gặp khá nhiều ở các khu bảo tồn và vườn quốc gia, mặc dù tính phong phú giữa các loài đã và đang bị suy giảm. Các loài sen-súng (Nymphaea sp.) cùng các loài thực vật thủy sinh khác chiếm ưu thế và đặt trưng ở các vùng đầm lầy đã bị thu hẹp diện tích do quá trình thoát thủy cải tạo đất cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp.
Có thể cho rằng các hệ sinh thái tự nhiên cùng với tính đa dạng sinh học đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười đã bị suy giảm nghiêm trọng, cảnh quan tự nhiên đã thay đổi sau một thời gian khai phá cho mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp chung cho vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long. . . .
Muốn đến Núi Đất và khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười, du khách sẽ khởi hành từ thị xã Tân An (Long An) đến ngã ba Bưu Điện, rẽ theo Tỉnh lộ 49 khoảng 65km đến thị trấn Mộc Hóa, gặp ngã tư Biên Phòng, rẽ trái chừng 300m là tới Núi Đất. Từ Núi Đất đi chưa đầy 1km là đến bến tàu Mộc Hóa. Từ đây khách phải đi ngược dòng Vàm Cỏ Tây về hướng Campuchia để đến với vùng Đồng Tháp Mười... Sau 3 giờ đồng hồ lênh đênh trên sông, thuyền rẽ mũi vào một rạch nhỏ là đến khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười. Trong ký ức của nhiều người, Đồng Tháp Mười là "rừng thiêng nước độc", nơi đó chỉ có "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh". Đó là dấu ấn của ngày xưa, còn hôm nay giữa vùng nước mênh mông ấy có cả một khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều cây dược liệu quý nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Nguyễn Văn Bé - Giám đốc khu bảo tồn cho biết, nhiệm vụ chính ở đây là bảo tồn, phát triển và trồng mới nhiều loại dược liệu, hiện nay có hơn 1.000 loại dược liệu sinh thái. Ngoài ra trung tâm còn trực tiếp sản xuất nhiều loại thuốc chống ung thư, viêm siêu vi, sốt rét, viêm xoang và các loại thuốc đặc trị khác... và làm nhiều loại theo đơn đặt hàng của các xí nghiệp dược trong và ngoài nước.
Hoàng hôn buông xuống, những đàn chim, cò... hàng ngàn con bay về đậu trắng xóa trên những ngọn cây rừng xung quanh khu bảo tồn. Đêm xuống, gió lồng lộng giữa một vùng đồng trống mênh mông cơ man nào là nước, xen lẫn những cánh rừng bạt ngàn, nghe các bản tài tử cải lương Nam bộ, nghe những bản tân cổ giao duyên thật ngọt ngào cảm nhận cái hương vị của sông nước nam bộ đang làm ấm lòng mình trên bước đường thiện thệ độ sanh rày đây mai đó. Mùa nước nổi, người dân thu hoạch cá linh, lươn, ếch, chuột đồng, rắn, bông súng, bông điên điển... Mùa khô, du khách đến rừng tràm nguyên sinh bạt ngàn này có thể câu cá giải trí trên kênh nước nổi và đi săn chuột trên cánh đồng mênh mông đã thu hoạch lúa.
. . . . .
Bắp ngon quá, tranh thủ xơi một cái. . . .ai ăn hông thì nhào dzô. . .hì hì. . ./Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Đi thôi các bạn ơi. . . ./Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Ở TP. HCM ăn trưa rồi chúng tôi mới đi, xế chiều thì tới bến đò. Mọi người kéo vào quán nước sát bến đò để nằm võng đu đưa, để mấy bà mấy cô uống trà, mấy ông uống cà phê và tán dóc cười đùa chờ tí nữa mới đi xuống thuyền. Để khi đi, vừa lúc hoàng hôn, mới ngắm được cảnh hoàng hôn trên sông nước và cảnh chim cò kéo nhau từng đàn bay về các vạt rừng tràm tối đen dọc hai bên bờ sông đầy gió.
Ở quán nước chúng tôi gặp 2 chú bé vô cùng kỳ dị.Đứa kia còn bé tẹo mới tập nói, đã biết chạy biết đi, mắt nó tròn xeo, kháu khỉnh rất dể thương. Thầy cho nó quả trứng đã luộc chín và bóc vỏ rồi. Nó cười toe toét, cầm lấy và ngoạm luôn vào miệng, Thế mà rất lâu sau nó chẳng chịu nhai nuốt. Bấy giờ thấy lạ, hỏi, mẹ nó mới biết, nó sinh ra khi biết ăn chỉ toàn ăn chay, chứ nhứt quyết không ăn thịt cá. Vừa biết nói nó đã biết niệm Phật ngay và hay đòi mẹ bế lên chùa chơi. Thằng bé nhả quả trứng ra, nó chỉ ăn chút lòng trắng còn không chịu ăn lòng đỏ. . . .hì hì. . .mấy người còn ăn chay kỳ thấy nó lè lưỡi kính phục.,. . .
Một thằng bé khác lớn hơn, chắc đang học cấp 1. Nó cầm một con trăn quấn ngang cổ để chơi. Thầy mọi người nhìn có vẻ sợ, nó cười hì hì. . .ngậm cái đầu trăn vào miệng. . . .mọi người hoảng hồn la oai oái. . .còn nó thì cười toe toét . . .Huy Ròm thấy vậy mượn con trăn của nó quấn ngang cổ để chụp hình. . . .hề hề. . .hóa ra con trăn hiền khô hè , ai cầm chơi cũng được.. . .
Hì hì. . .Xem cháu đây nè. . .sợ chưa. . . .hì hì. . ./Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Huy Ròm với con trăn mượn và chú bé mới sinh ra đã biết ăn chay niệm Phật/ Dã ngoại Đồng Thap Mười/29/1/2010
Chúng tôi về Đồng Tháp Mười theo con sông Vàm Cỏ Tây trên một chiếc ca nô lớn có ghế ngồi và một chiếc tắc ráng. Thầy và mấy vị huynh ngồi trên nóc chiếc ca nô để dễ ngắm nhìn cảnh sông nước Nam Bộ.
Chúng tôi đi thuyền ngược sông Vàm Cỏ Tây về phía Campuchia để vào Đồng Tháp Mười/ Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Trời cười., Đất cười, Sông cười, Nước cười. . . .tớ cũng cười. . .hề hề. . .đúng là chuyển hóa Khổ Đế thành Lạc Đế /Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Trên chiếc tắc ráng /Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Sông rộng thênh thang, dòng nước trôi lững lờ, lục bình hoa tím tụ lại thành từng đám lớn dập dềnh theo con nước. Chim bay từng đàn trên trời. Gió thổi lồng lộng. Bim bịp kêu buồn thiu trong đám tràm khẳng khiu đang ngã nghiêng theo chiều gió. Hai bên bờ sông, nhà cửa đa số nhỏ xíu bằng lá dừa nước, thỉnh thoảng mới có nhà lợp tôn hay mái ngói. Trên bờ sát mép nước, có cái tiệm tạp hóa sơ sài và một cái trạm xăng dầu nhỏ xíu đều quay mặt ra sông. Nhà ai cũng quay mặt ra sông, cũng đều có cầu thang xuống nước, ở đấy có cột cái thuyền ba lá. Chắc ở đây phương tiện đi lại chính là trên con sông to lớn và hệ thống kênh rạch chằng chịt ở nội đồng.
Nhà đồng bào đều quay mặt ra sông/ Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Một tiêm bán tạp hóa và trạm xăng dầu đều quay mặt ra sông / Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Trên sông Vàm Cỏ Tây /Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Hoàng hôn trên sông Vàm Cỏ Tây/dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Anh Ba Đất Phèn/ Dã ngoại Đồng Tháp Mười /29/1/2010
Tiếp chúng tôi là anh Ba Đất Phèn (tên thật của anh là Nguyễn Văn Bé) Giám Đốc Khu Bảo Tồn này. Anh nước da đen nhẻm, dáng chắc nịch, giọng Nam Bộ đặc sệt. Lúc vui chuyện anh thường kể lại thời mình còn đi ở đợ, sau tham gia kháng chiến, rồi đi học, đi đây đi đó khắp năm châu bốn biển. Cuối cùng nay về làm ông thầy thuốc Nam và tôn Tuệ Tĩnh làm ông Tổ của mình. Chẳng thế mà trên cái chuông lớn trong tầng trên cùng của cái tháp 6 tầng ở khu bảo tồn này. Anh đã khắc câu: "Nam Dược cứu Nam Nhân".
Trong bữa ăn tối và những lần gặp mặt sau này. Anh Ba Đất Phèn thường kể lại "giang hồ tự sự" của mình bằng lối kể chuyện tiếu lâm hóm hỉnh, khiến chúng tôi cười nôn cả ruột. . .hề hề. . .vui ơi là vui. . . .Anh đúng là quái kiệt của vùng Đồng Tháp Mười. . . /Dã ngoại Đồng Tháp Mười/29/1/2010
Các loài chim thường gặp gồm cò trắng, cò bợ, cò lửa, cò lép, vạc, diệc lửa, diệc xám, điên điển, cồng cộc, tu hú, cu ngói, cu cườm, cu...đặc biệt có diệc lửa và nhan điển - hai loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Thủy sản ở đây phong phú, đủ loài như cá lóc, cá bông, cá sặc, cá chốt, cá lăng, cá bống, cá nhái... Mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm, nước từ sông Mekong tràn về phủ ngập đồng. Mùa này, cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) theo con nước trôi về từng đàn. Đó cũng là lúc điên điển trổ bông vàng. Cá linh non nấu me non chấm bông điên điển là món ăn đặc trưng mang đậm sắc thái của người dân Nam bộ. Nhưng "ngon nhứt xứ" là mắm kho bằng mắm cá linh xay và cá linh tươi chấm bông điên điển, bông súng, rau dừa... Càng ăn càng thấy thấm câu ca dao: "Muốn ăn bông súng mắm kho/Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm".
Nói thì nói cho biết vậy chứ chúng tôi ăn chay, nên chỉ khoái chấm bông điên điển vàng với tương kho, ăn nóng với cơm gạo Lúa ma hấp lá sen thì tuyệt cú mèo. . .
Ăn tối xong, chúng tôi ngồi chơi ở sân trước. Trăng sáng vằng vặc, nước lên rào rào, chim ăn đêm kêu buồn thiu. Có tiếng con công tố hộ ở cuối vườn. Trong tiếng gió xa xa, đâu đấy trên cánh đồng mênh mông và rừng tràm bạt ngàn có tiếng đàn lục huyền cầm, tiếng ca vọng cổ và tiếng hò nam bộ mênh mang bàng bạc theo ánh trăng phủ bụi mơ màng trên sóng nước. Lục bình rập rờn, đom đóm bay đầy trên cánh đồng mênh mông với cỏ bàng, cỏ năng, cỏ lác và lúa ma chen nhau. Trăng cô đơn, lạnh và run rẩy. Dơi bay xập xòe xuyên qua xuyên lại giữa những tán rừng tràm tối đen. Gió sông lồng lộng, ếch nhái côn trùng kêu ri rỉ, muỗi bay như trấu. Dù đã xức thuốc chống muỗi rồi nhưng vẫn không ăn thua. Mê cảnh đẹp đêm trăng trên đồng tháp, nên mặc kệ muỗi, chúng tôi vẫn ngồi đấy lặng im cảm nhận và rung động, trải lòng mình ra với gió muôn phương. . . .
Ha ha. . .ha. . . .Mới hôm trước đây còn ngồi ở Ma Thiên Lãnh với rừng thiêng thú dữ, hôm nay đã ngồi giữa lòng Đồng Tháp Mười với muỗi mòng và sông nước mênh mang. Mới hôm nào đây còn ngồi vắt vẻo trên lưng voi vượt sông SêrêPốc tiến vào Trường Sơn đại ngàn, hôm nay đã ngồi trên vỏ lãi xuyên rừng tràm Đồng Tháp. . . .Ôi cuộc đời. . .cuộc đời. . . .ta như mây, bay đi vì gió, vô hình vô tướng mà tướng nào cũng có. . . .ha ha. . .ha. . .bay đi rồi chẳng để lại gì trên bầu trời trong xanh. . . .gặp hạn thì mưa. . .gặp nắng thì che mát. . . .gặp gió thì rong chơi. . . .haha. . .ha. . .còn gì vui thú cho bằng!. . . Ta nay luôn thường có cái vui này, thì còn cần gì nữa chớ!
Có tiếng huynh Hà gọi. . . .Đã đến giờ tập.. . . .Mọi người tập huyền công với thầy trong phòng đóng kín cửa để chống muỗi. Tiếng hải triều âm của thầy vang vang hợp nhất với tiếng gió, tiếng sóng, tiếng chim kêu, tiếng côn trùng tấu nhạc, tiếng ca buồn buồn trên sóng nước và tiếng con chim cuốc cô đơn gọi bạn thâu đêm.
Ôi. . .Như Lai bàng bạc khắp nơi, trong ánh trăng, trên sóng nước, lẩn quất trong những khu rừng nguyên sinh tối đen, mênh mang theo gió ngàn lồng lộng rồi rồi âm thầm vào ngự nơi con tim đang bồi hồi rung động của mọi người. . . .Ôi . . .khí trường của Đồng Tháp Mười mênh mang đang hợp nhất với khí trường trong từng huyết quản của chúng tôi. . .. Cái Một hợp nhất với Cái Toàn Diện. . . .Rỗng Không hợp nhất với Rỗng Không. . . Lặng yên đang tan ra trong yên lặng cùng cực. . . . và nhận biết hợp nhất với ánh trăng đang thường chiếu, đang lặng yên viên chiếu, đang lặng yên tịch chiếu trên sông nước mênh mông và rừng tràm trải dài đến tận chân trời. . . .