A/ Dã ngoại Hòn Bà/27/12/2009
1/ Vi vu suối Giăng
Trời còn tối, mới 4 giờ sáng thôi. Gió biển lồng lộng mang theo hơi muối mằn mặn. Phố phường còn đang yên giấc, chúng tôi tập trung ra đình Phương Sài để lên xe đi dã ngoại Hòn Bà. Vui ơi là vui. . . .cười cười, nói nói, lăng xăng tíu tít, mấy cô mang theo cả một sọt bánh mì to và mấy cái làn thức ăn chay trông thấy mà thèm. Phe nam chia nhau xách. . . .nhưng chưa được ăn đâu đấy nhé. . . .cô Bảy bảo chừng nào tới suối thì mới ăn. . .
- Thưa thầy sao người dân ở đây gọi A.Yersin là ông Năm. Ông có phải người Pháp không?
- À, theo các tài liệu mà ta thu thập được thì Alexandre Émile Jean Yersin sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại Lavaux, bang Vaud, Thụy Sĩ . Mất ngày 1 tháng 3, 1943 tại Nha Trang, Việt Nam. A.Yersin là một bác sĩ và nhà vi khuẩn học người Pháp. Ông sinh ra ở Thụy Sĩ trong một gia đình người Pháp gốc Cevennes-Languedoc. Yersin đã khám phá ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, sau này được đặt theo tên ông (Yersinia pestis). Từ năm 1883 đến 1884, Yersin theo học y khoa tại Lausanne, Thụy Sĩ; sau đó tại Marburg, Đức và Paris, Pháp (1884-1886). Năm 1886, ông gia nhập viện nghiên cứu của Louis Pasteur tại Trường Sư phạm Paris và đã tham gia việc phát triển huyết thanh ngừa bệnh dại. Năm 1888 ông nhận bằng tiến sĩ với luận án Étude sur le Développement du Tubercule Expérimental (Nghiên cứu về sự phát triển của bệnh lao bằng thực nghiệm) và cộng tác với Robert Koch trong hai tháng tại Đức. Ông gia nhập Viện Pasteur ở Paris mới được thành lập vào năm 1889 làm người cộng tác với Roux và hai người đã cùng khám phá ra độc tố bạch hầu (do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae tạo ra). Để hành nghề y tại Pháp, ông Yersin đã xin lại và nhận được quốc tịch Pháp vào năm 1888. Sau đó (1890), ông rời Pháp đến Đông Dương (lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp) để làm bác sĩ trong công ty Messageries Maritimes (Vận tải Hàng hải). Năm 1894 Yersin được chính phủ Pháp và Viện Pasteur mời đến Hồng Kông để điều tra đợt bùng phát của bệnh dịch hạch. Tại đây ông đã khám phá ra nguyên nhân của bệnh này. Ông cũng là người lần đầu tiên chứng minh rằng trực khuẩn hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh là một, vì thế đưa ra cách giải thích phương thức truyền bệnh. Năm 1895 ông trở về Viện Pasteur tại Paris và cùng với Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borrel đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Cùng năm đó, ông trở về Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh (năm 1905 viện này trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur). Ông quyết định sống tại Việt Nam, và đã hoạt động tích cực để thành lập trường Đại học Y Hà Nội vào năm 1902 và là hiệu trưởng đầu tiên cho đến 1904. Yersin cũng tham gia lĩnh vực nông nghiệp, là một người mở đầu trong việc nhập cây cao su từ Brasil vào trồng tại Việt Nam. Vì lý do này ông đã xin phép Toàn Quyền thành lập một nông trại ở Suối Dầu. Ông cũng mở một trại ở Hòn Bà năm 1915, nơi ông đã gây dựng những đồn điền canh ki na đầu tiên ở Việt Nam (nhập từ Nam Mỹ) để sản xuất ký ninh chữa bệnh sốt rét. Nhà riêng của Yersin tại Nha Trang, nay là vị trí Nhà nghỉ Bộ Công An.
(Nhà riêng của Yersin tại Nha Trang, nay thành nhà nghỉ của Bộ Công An )
Năm 1934 ông được đề cử làm giám đốc danh dự của Viện Pasteur, Paris và là ủy viên Ban quản trị. Ông để lại nhiều ký ức sâu đậm tại Việt Nam, nơi những người gần gũi ông gọi ông là Ông Năm. Ông là người đề nghị xây dựng một thành phố Đà Lạt. Trong chuyến thám hiểm đầy khó khăn, gian khổ kéo dài 7 tháng, Yersin đã vượt qua các chặng đường từ Sài Gòn đi Phan Thiết, băng qua vùng núi đầy hiểm trở Tánh Linh, Phan Rí, Phan Rang... để rồi dừng chân ở mảnh đất đầy thơ mộng Đà Lạt. Đến năm 1897, chính ông lại là người đề xuất với Toàn quyền Đông Dương, Paul Dumer, chọn nơi này làm điểm xây dựng trạm điều dưỡng. Sau đó, bằng chuyến đi lên cao nguyên với vị Toàn quyền Đông Dương, ông đã tham gia quyết định việc thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang - tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này. Giờ đây chúng ta đi dọc theo dải đất miền Trung từ Phan Rang, Phan Thiết, Bình Thuận, Ninh Thuận... sẽ thấy ngút ngàn, xanh ngắt những cánh rừng cao su trải dài tới tận chân trời. Có được những cánh rừng đó, có được một Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về sản lượng cao su tự nhiên như ngày hôm nay, đó là nhờ công lao của người đã nhập cây cao su từ Brazil vào trồng ở Việt Nam - Yersin! Không chỉ nhập cây về, ông còn đặc biệt quan tâm đến phương pháp trồng, khai thác và chế biến cao su sao cho có hiệu quả cao nhất. Ông đã thiết lập một phòng thí nghiệm nông hóa. Tại đây, những biện pháp chọn giống, những thao tác cạo mủ và làm đông cao su đã được nghiên cứu một cách có hệ thống. Nhờ đó, người trồng cao su ở Đông Dương không còn phải vất vả như trước nữa. Năm 1940, do tình hình sức khỏe giảm sút, Yersin trở về Pháp - quê hương của mình lần cuối. Sau đó, ông lại trở về ngôi nhà thân thương ở Nha Trang. Tại đây, ông đã sống những ngày cuối đời và trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943.
(A.Yersin)
Theo ước nguyện của ông, khi khâm liệm, người ta đặt ông nằm sấp, đầu quay ra biển để ông mãi mãi ôm lấy mảnh đất quê hương thứ hai của mình. Cạnh mộ ông tại Suối Dầu (cách Nha Trang 20 km) có một miếu thờ được nhiều người viếng. Dừng chân trên quốc lộ 1A ngay cột km 1473, nơi cách Đà Lạt 191km và cách Nha Trang 20km, bạn sẽ thấy ngay tấm biển đề "Khu mộ Bác sĩ Yersin" (mặt bên kia ghi dòng chữ Pháp "Tombeau du Dr. Yersin"). Rẽ vào 800m theo hướng mũi tên là đến mộ "Ông Năm Yersin", nằm trên ngọn đồi nhỏ ở Suối Dầu thuộc xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Lối đi lượn hình cánh cung rợp bóng cây canh-ki-na dẫn đến một ngôi mộ rất đỗi đơn sơ, lặng lẽ quanh năm nghe gió hát trên những vòm cây. Một nhân cách lớn yên nghỉ trong ngôi mộ nhỏ với dòng chữ giản dị: "Alexandre Yersin 1863-1943".
(Mộ A.Yersin ở Suối Dầu Nha Trang, bên cạnh là cái miếu nhỏ để thờ Ông Năm)
Trời nắng như đổ lửa, nhưng không nóng mấy vì ở độ cao, nên nhiệt độ mát như Đà Lạt. Núi rừng im phăng phắc, chẳng có một cơn gió nào, dốc càng ngày càng cao, cây số 19 rồi cây số 18, 17, 16, 15. .14 . .13. . .có 2 người tụt lại phía sau. Chúng tôi cùng thầy ngồi bệt xuống đất giữa đường đèo, uống Trà để chờ. . . .Lại cười vui, lại hát và kể chuyện tiếu lâm, thầy cum hai bàn tay làm loa và hú mấy tiếng thật to, chẳng nghe tiếng đáp lại, đành phải chờ mấy con nhạn la đà vậy. . .
Hề hề. . .mấy người lót áo nằm xuống đèo, ngửa mặt nhìn trời xanh và mây trắng bay qua đầu. . . .Một anh hứng chí đọc mấy câu thơ cổ:
Bình bát cơm nghìn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh nhìn trần thế
Mây trắng hỏi đường qua
Có tiếng con chim gì kêu buồn bả trên đỉnh núi đá. Rừng cây xanh đen, lung linh hoa nắng, thông hai lá, dầu, chò chỉ, sến, táu, Pơmu. . .và nhiều loại cây quí khác, dây mấu bò như trăn núi, chùm gởi và phong lan đu đưa trên những cành cây bám đầy rêu xanh và địa y nở hoa lấm tấm như bụi phấn. . .đổ quyên và Bích Thủy khoe hương sắc bên cạnh vô vàn loài hoa dại. . . Suối chảy róc rách, thác đổ ào ào khi gần khi xa, sườn non mây núi mờ mịt, cảnh trí hùng vĩ, đẹp và hư ảo như trong một giấc mơ. .
- Nhanh lên đi. . . .cố lên. . .cố lên. . . .có nước trà và trái cây đây. . . lên đây mau lên kẽo hết. . . .hề hề. . . .
Khi mấy người chúng tôi leo lên đến cây số thứ 10 thì nghe phía sau có tiếng còi xe. . . .Hóa ra đám người ở lại đã gọi điện về Thành Phố mướn chiếc xe khác, còn chiếc xe của bác tài dở chứng thì cho về rồi. . . Thế là chúng tôi chỉ đi có 10 km đường rừng thì được xe đón. Chắc Mẹ chỉ thử thách tí cho vui thôi. . . Khi thấy đàn con vẫn quyết tâm về nhà thì mẹ cho Long Xa đến rước. . . .hề hề. . .
Mời các bạn xem phim
. . . . . .
Chè xanh là một trong những loại thực vật quí hiếm trên đỉnh Hòn Bà mà ông Năm Yersin đã có công sưu tầm phát hiện, nên giờ đây loại chè này mang tên ông Thea yersinii (Chè Hòn Bà). Ngồi ở hành lang nhà Yersin, uống chén trà Hòn Bà, ngắm sương mù mờ mịt núi rừng, kéo cao cổ áo chống cái se se lạnh của cao nguyên hùng vĩ, nheo mắt nhìn về phía xa kia, thấy Trường Sơn xanh đen như con rồng đang bò dọc biển Đông mà cái đầu của nó đang nằm tại Hòn Bà này. . . .ha ha . . .ha. . .trong lòng cảm hứng vô chừng bèn rót một chén Trà Hòn Bà đổ xuống đất để tặng con rồng thiêng của trời đất chén trà muôn kiếp trước của Mẹ đã pha, để nó bốc cao lên . . .cao lên. . .cao hơn nữa . . . chở đàn con của Mẹ bay về nơi thượng giới. . . .haha. . .ha. . .
- Thưa thầy, chúng ta đi vào rừng nguyên sinh thôi. Tôi sẽ dẫn thầy đi thăm chuồng ngựa của ông Năm Yersin, thăm cánh rừng Pơmu thơm phức và thăm những bãi đá tuyệt đẹp đầy rêu như trong phim kiếm hiệp của Kim Dung.
- Này anh Báu, anh có thể giới thiệu sơ qua về khu rừng bảo tồn Hòn Bà này được không?
Cầm cái trựa dài cán, vừa đi vừa phát đường. Anh Báu vừa giảng giải về khu bảo tồn Hòn Bà mà anh đang làm việc:
- Thưa Thầy, Hòn Bà nằm ở phía Tây nam TP. Nha Trang, cách 30 km theo đường chim bay. Bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp, có độ cao tuyệt đối 1.578m. Thuộc địa phận của 4 huyện: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và Diên Khánh. Ở độ cao 1.578m so với mặt biển, rừng Hòn Bà có hệ sinh thái phong phú và rất đa đạng, nhiều tài nguyên động - thực vật quí hiếm; nhiều nơi hầu như chưa hề bị sự tác động của con người, có vai trò ổn định và điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường không khí cho TP Nha Trang. Hòn Bà còn có ý nghĩa và tác dụng to lớn về phòng hộ và điều tiết nguồn nước cho suối Dầu, cho sông Cái Nha Trang. Nhiệt độ trung bình ở Hòn Bà là 170C và độ ẩm là 89,2%; toàn bộ các suối nhỏ ở đây đều đổ về suối Dầu có chiều dài 32km, trong đó gần 19km nằm trong khu vực rừng Hòn Bà. Con đường lên đỉnh Hòn Bà sau ba năm thi công xây dựng đã được khánh thành vào tháng 4-2004 đưa du khách đến "Đà Lạt thứ hai" trong lòng thành phố biển. Từ năm 1891 A.Yersin đã đến đây khảo sát, xây dựng nơi ở và làm việc, trồng hai vườn cây thuốc, làm đường mòn hình chữ Z từ khu vườn thuốc phía nam đi xuống suối. Nơi đây đã thực hiện nhiều chương trình thực nghiệm, gây trồng và sử dụng các loài cây thuốc (ngày nay vẫn còn vài dấu tích). Trong số đó, có cây kí ninh (Cinchona ledgeriana)được nhập từ Nam Mỹ. Để tưởng nhớ đến BS. Yersin, tỉnh đã cho phục dựng ngôi nhà của ông trên nền cũ tại đỉnh Hòn Bà. Đặc biệt ông còn có công điều tra phát hiện nhiều loài thực vật quý hiếm tại Hòn Bà, được vinh danh mang tên cho vài loài tiêu biểu như: Trương hùng (Reevesia yersinii), Chè Hòn Bà (Thea yersinii) ...Theo số liệu điều tra thống kê ban đầu có khoảng 592 loài thực vật bậc cao, thuộc 401 chi và 120 họ; trong đó: ngành Thông đất và Dương xỉ có 73 loài, ngành hạt trần có 8 loài và ngành hạt kín có 511 loài. Ngoài các thành phần cây lá kim, tại đây còn có sự hiện diện của những loài thuộc các họ chỉ phân bố ở đai khí hậu á nhiệt đới hoặc ôn đới như: họ Đổ quyên (Ericaceae), họ Thích (Aceraceae), họ Re (Lauraceae), họ Ráng tiên tọa (Cyatheaceae) ...Trong danh lục thực vật Hòn Bà đã thống kê được 43 loài quý hiếm được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam, trong đó đáng kể là các loài Thông 2 lá dẹp (Pinus krempfii), Pơ mu (Fokienia hodginsii), Hồng quang (Rhodoleia championii), Gỏ đỏ (Afzelia xylocarpa), Trắc dây (Dalbergia annamensis), Mun (Diospyros mun), Xoay (Dialium cochinchinensis), ...Một số loài mang tên các địa danh Nha Trang, Hòn Bà như: Dẻ gai Nha Trang (Castanopsis nhatrangensis), Thị Nha Trang (Diospyros nhatrangensis), Đỗ quyên Nha Trang (Rhododendron nhatrangensis), Sồi Hòn Bà (Lithocarpus honbaensis), Bùi Hòn Bà (Ilex honbaensis), Minh điền Hòn Bà (Medinilla honbaensis). Có những nguồn gen đặc biệt quý hiếm, như Thông 2 lá dẹp là loài đặc hữu của Việt Nam, cây Ớt làn mụn cóc (Tabernaemontana granulosa) là loài đặc hữu hẹp mới chỉ tìm thấy ở Hòn Bà và Ninh Hòa (Khánh Hòa) ...Hòn Bà là nơi có nguồn dược liệu tự nhiên hết sức phong phú và giá trị cao: Nấm Linh chi (Ganoderma lucidum), Sa nhân (Amomum xanthioides), Dó bầu (Aquilaria crassna), Lười ươi (Scaphium lychnophorum), Cốt toái bổ (Drynaria fortunei), Ngũ gia bì (Schefflera octophylla), Ba gạc (Rauwolfia cambodiana), Bời lời chanh (Litsea cubeba), ...Hòn Bà có nhiều loài cây gỗ quý như: Pơ mu, Hoàng đàn giả, Gỏ đỏ, Giáng hương, Mun, Sơn huyết, Sến, Gỏ mật, ... Nhiều lâm đặc sản khác như: Song mây ...Theo kết quả thống kê sơ bộ cho thấy hệ động vật rừng bao gồm 255 loài thuộc 88 họ; nằm trong 4 lớp thú, chim, bò sát và ếch nhái. Đặc biệt có sự hiện diện của các đàn Chà vá chân đen và Vượn bạc má.
Anh Báu cầm rựa dẫn đầu, chúng tôi bám theo nhau để khỏi lạc. Rừng thiêng huyền bí âm u. Cây cổ thụ đứng chen với dây leo bụi rậm. Hơi nước mát lạnh và ẩm ướt. Rêu xanh và địa y bám đầy các hòn đá kỳ quái và các gốc cây . Trông như chúng vừa được mặc bộ quần áo nhung non xanh lốm đốm hoa nắng vàng tươi. Lá mục ngập đường đi, chắc nhiều vắt lắm đây:
Hồ nước trong veo, thác chảy ào ào trên đá. Cây rừng xào xạc. Chim hót líu lo. Mây trời gió núi và nắng chiều bảng lảng trên đám đá già đầy rêu xanh. Tiếng cười sảng khoái hồn nhiên. . . Thân bệnh và Tâm bệnh tiêu tan đâu mất rồi, chỉ còn lại niềm vui, an lạc và tràn đầy hạnh phúc . Tập xong chúng tôi cùng nhau tắm và bơi lội ở hồ Đá Giăng. Nơi dòng suối tuyệt đẹp được các vách đá bao bọc tạo thành một hồ bơi thiên nhiên trên đỉnh núi cao lộng gió.
Cảnh trí thơ mộng hoang dại và lảng mạn. Nước suối mát lạnh tẩy rửa sạch biết bao điều phiền muộn bức xúc trong cuộc sống. Năng lượng thiên nhiên và sự hòa hợp đồng cảm trong tình nhân ái có sức mạnh phục sinh con người thật trong mỗi chúng ta. . . .
Ha ha. . .ha. . .hãy đến đây và cùng chúng tôi leo núi, tắm suối, bơi lội và nô đùa để phục hồi sinh lực sau thời gian bạn đã tận lực làm việc. Như thế bạn sẽ dưỡng sinh, bạn sẽ trường sinh và luôn ngập tràn trong niềm vui trong sạch.
Đi hái rau rừng, phe ta gọi là "đi chợ". Chợ ở đây là nương, rẫy, núi đồi chung quanh chùa, nơi nhiều loại rau rừng mọc tự nhiên. Nó là đọt non của các loại cây thân gỗ như: chòi mòi, đọt trâm, đọt xoài, đọt non lộc vừng, đọt khế rừng, đọt ổi rừng, đọt non thiên tuế rừng, đọt mít rừng, măng trúc, măng tre rừng, . . . .Đọt lá non của các loại thân bụi thấp như: Lá rau ranh, rau sưng, thân cây chuối rừng, hoa chuối, mít rừng . . . .Các loại dây leo như: đọt gai mắc mèo, lá giang,. . . .Các loại lá mọc ngay trên mặt đất như: rau tàu bay, cúc núi, ngỗ điếc, chua lẻ, tai nghé, rau má, me đất, đọt dương xỉ. . .Các loại mọc trên bùn ven suối như: rau mát, bạt bợ, môn ngọt, ngó hoa súng, ngó hoa sen, . . .đọt non hoa vạn thọ. . . .v.v. . . Ôi thôi. . .rất nhiều loại, vô số loại mà tui chỉ mới biết có bấy nhiêu thôi! Hôm nào học được thêm tui sẽ hái thêm cho chư huynh chư tỷ ăn. Bảo đãm vừa ngon, vừa bồi dưỡng thể lực, điều trị rất nhiều loại bệnh. . .hề hề. . . .mà lại không tốn tiền, chẳng mắc công chi lắm, chỉ ra quanh quẩn chung quanh chùa tí chút là có sẵn ngay đấy mà.
Đầu tiên là phải theo các vị huynh ở chùa đi hái để nhận mặt rau cho đúng và biết chỗ nào có loại rau gì. Sau đó phải biết tính năng trị bệnh, mùi vị của từng loại lá để phối hợp, làm rổ rau hợp nhất hài hòa được các mùi vị tự nhiên của lá rừng như: vị chát ngọt của chòi mòi. . . .Vị chua của lá giang, me đất. . . Vị chua chua ngòn ngọt của tai nghé. . .Vị hăng nồng nồng cay cay của mắc mèo. Vị thơm thuốc bắc của rau tàu bay. Vị đăng đắng của tần ô núi, rau đắng, lá giằng. Vị mát ngọt của đọt dương xỉ, ngó sen, ngó sung, rau mát, bạt bợ. . .Vị nhớt mà ngọt của đọt vừng. Vị thơm mùi nếp hương của rau ranh. Vị cay của lá ớt. Vị đăng đắng ngòn ngọt mằn mặn của đọt hoa vạn thọ. Vị nhám và thơm nồng của đọt tần bì. Vị đăng đắng của rau má, ngỗ điếc. Ôi thôi. . .vô số loại, mà mỗi loại lại có một mùi thơm và mùi vị, màu sắc khác nhau.
Người hái rau rừng giỏi là người biết phối hợp hài hòa màu sắc các loại rau cho đẹp mắt, phối hợp mùi vị cho hợp lý để ngon nhất, phối hợp dược tính của rau để có tác dụng dưỡng sinh phù hợp với người ăn. . .v.v. . . .
Ăn sống thì dể rồi. Rổ rau rừng bắt mắt, chấm tương chưng của chùa ăn với cơm nấu nồi đất thì hết chê. . .Nhưng chế biến thành các món khác như canh, gỏi, xào, mặn. . .v.v. . .thì khó hơn nhiều. . .
Tui cũng học được một số chiêu từ chư huynh tỷ và Bà SáuTrầu, khiến khả năng bếp núc của tui giữa nơi hoang dã này kỳ này có tiến bộ rõ . . .hề hề. . .
Bà Sáu Trầu truyền nghề cho tui nhiều chiêu, nhưng tui chỉ nhớ được sơ sơ thôi:
- Này Cậu Hai, cậu nhớ nghen. Muốn nấu canh lá giang chuối cây cho ngon, cho ngọt mà không có chua lét và đắng thì phải làm như sau:
Cậu phải vò lá giang cho dập rồi đổ nước lạnh và nêm nếm vào trước rồi mới đun nhỏ lửa cho đến sôi mới bỏ chuối cây bào bằng dao 2 lưỡi vào sau. Ninh nhừ cho rục, thì canh chua vừa phải, có vị ngọt mà không có vị đắng. Nếu cậu nấu nước sôi rồi mới bỏ lá giang vào thì hư hết, canh chua lét mà lại có vị đắng khó ăn.
- Còn cái lá sâm nam này bổ và mát phải biết. Nhưng muốn nó đông, cậu nhớ: phải vò lá sâm nam trong nước lạnh, rồi lọc sạch. Sau đó lấy cái thìa cà phê cào chút nang mực khô quậy vào thau nước, thì sâm nam mới đông cứng, ăn rất ngon. Chứ nếu cậu lấy máy xay sinh tố để quay thì ăn không được vì lọc sẽ không hết lợn cợn. Còn nếu cậu không cạo chút nang mực khô, thì nó cũng sẽ đông nhưng độ cứng kém, khiến khi múc ăn sẽ bị nát, bị mềm làm giảm ngon đi.
- Còn đọt thiên tuế, sau khi hái về, cậu nhớ phải vò nó với tro bếp để nó rụng lông đi trước khi luộc hoặc ăn sống hay chế biến. . .
- Còn cây môn rừng này cậu nhớ phải nhìn kỷ cái chấm đỏ trên tàu lá của nó, chứ nếu hái lộn loại khác ăn sẽ bị ngứa. Ngoài ra khi nấu nó thì đừng trở ngược đầu cây củi trong bếp, nếu không ăn xong sẽ bị ngứa trong đóc họng.
Khi nấu cháo môn, thì bỏ đọt môn vào gạo hầm thật nát nhừ ra, quậy đánh với cháo cho sánh. Cháo môn tuy chỉ nấu lá và cọng môn thôi nhưng ngọt và ngon. Mấy người dưới làng đi làm rẩy ngang qua chùa, tui gọi vào ăn chơi. Ăn xong ai cũng khen, ngon hơn cháo thịt. . . hề hề. . .
- Đọt lạc tiên, lá vông, ngó sen. . .v.v. . .cậu bỏ vừa phải nếu quá nhiều họ ăn xong cứ buồn ngủ thì không tụng kinh ngồi thiền được.
Ôi thôi. . .nói chung Bà Sáu Trầu truyền nghề cho tui rất nhiều. Nhưng tui dốt nghe trước quên sau, nhất thời quen bén đi hết. Khi nào nhớ, tui sẽ kể lại cho để quí huynh tỷ nào lên chùa Núi thì áp dụng các độc chiêu của bà Sáu Trầu. . . Bảo đảm, ngon, rẻ, bổ, và. . . không mất tiền. . . .một lần là ghiền . . . .hề hề. . .
Nè, nói nhỏ với chư huynh chư tỷ, khi mình leo lên núi là tập luyện thể lực, gân cơ xương khớp, hơi thở và giải phóng stress với cảnh núi rừng, suối, thác, mây, gió, chim, thú. . . . .v.v. . .Khi mình ăn rau rừng như là uống thuốc nam của Mẹ. Khi mình luyện công thì quân bình âm dương. Khi mình nghe pháp và tham vấn với thầy và chư huynh thì tăng kiến thức và khai mở trí huệ. Khi mình giữ tỉnh giác và an lạc mọi hành động, lời nói, trong suốt đợt tập với nhiều người ở nhiều nơi khác nhau đến, thì mình phát huy được tính cộng đồng, hạnh lục hòa khiêm cung và đồng cảm của người tu Khí Công. . . .hề hề. . .cho nên tui thấy rỗ rau rừng cũng chính là một phần bài tập ứng dụng của pháp môn nơi chùa Núi này vậy.
Lên chùa Núi/1/1/2010
Bốn phương tụ hội về đây
Uống chén trà nầy, cười với ngàn cây Chùa Suối Ngỗ/1/1/2010
Thầy và bà Sáu Trầu/chùa Suối Ngỗ/1/1/2010
Lên chùa vui bạn
Vào mạng tìm Trăng /Chùa Suối Ngỗ/1/1/2010
Thầy phát công trên đỉnh Hòn Chùa/1/1/2010
Sông Cái Nha Trang nhìn từ Hòn Chùa/1/1/2010
Xin Thầy từ bi cứu con của con. . . ./Chùa Núi/1/1/2010
Hề hề. . .ai đang hỏi ta, ông hay cái người bên trong ông ? /Chùa Núi/1/1/2010
Hoa sống đời trước điện Quan Âm/chùa Núi/1/1/2010
Ngủ trưa /Chùa Núi/1/1/2010
Hai mươi năm trước khi chùa Suối Ngỗ còn là cái thảo am bốn bề lộng gió. Rừng thiêng còn rậm rạp, cọp còn ở dông Hòn Chùa, mảng xà mồng đỏ còn ở dưới thạch động âm u. Suối Ngỗ nước chảy ào ào, ngổ điếc mọc đầy 2 bên bờ suối. Đường lên chùa khó đi, nên quanh năm chẳng có ai lên. Chùa vắng tanh, cô liêu. Cây cầy sau chùa rụng trái lộp bộp trên mái và đêm đêm sương sa mù mịt, vượn hú đầu non nghe buồn tênh. . . .
Ngày ấy ông Bảy Bụng tu ở chùa. Quanh năm rau rừng tương chao, cơm ít sắn nhiều. . .Khi chùa bắt đầu phát triển. Nhiều người lên chùa, nghi thức và hình tướng cũng lên theo, thì ông Bảy Bụng nhường chùa cho người khác, chuyển xuống che cái cái lán bằng cỏ tranh sát bên gốc đa này để tu tập. Ngày ấy, thỉnh thoảng thầy có lên chùa ghé thăm ông bạn già tốt bụng, khi thì mang cho ông ít gạo, khi mang cho ông ít xì dầu, tương chao. . .nhưng chủ yếu là tâm sự, nói chuyện đạo, uống chè núi, làm thơ, luyện công, dợt thần quyền với nhau. . . .
Mấy năm sau cơ trời đã chuyển, thầy ra Bắc hành thiện độ sanh, ở nhà ông Bảy Bụng già và chết tại gốc đa này. Từ ngày ấy cây đa có tên là cây đa ông Bảy Bụng.
Cây đa khổng lồ này một thân mà 2 gốc. Mỗi gốc 4, 5 người ôm không hết. Bám vào cây đa còn có cây sắn thuyền, mỗi khi ra trái chim chóc đủ loại về tranh ăn, đập cánh hót líu lo, vui ơi là vui. . . Đá lớn chồng chất ngổn ngang chung quanh. Suối Ngỗ chảy vòng quanh. Cua đá, cá tràu cửng, và cá chình sống trong ngách đá rất nhiều. Khỉ đít đỏ đuôi dài và nhen sóc thường đùa nhau chạy nhảy trên đám quái thạch rêu phủ xanh rì. Chim công thường tố hộ bên dông Hòn Ông mỗi buổi bình minh. . .và mang tác trên rẩy tranh xanh non trước cổng chùa. . . .
Ngày còn chiến tranh. Bên dưới đống đá này có một cái động lớn. Nhưng cửa vào rất hẹp. Người nhỏ con mới chui vào được. Đó là căn cứ bí mật của du kích. Ban đêm họ bò ra lấy gạo ở cái bát hương đặt dưới gốc cây đa này. Gạo do chùa bỏ vào để cắm hương, thật ra là để ngầm tiếp tế cho du kích dưới thạch động. . . .Bây giờ hòa bình rồi, thạch động bỏ hoang, thỉnh thoảng thầy và chư huynh cũng có chui vào đó để luyện huyền công.
Bộ băng phát công liệu trình A/KCDS đầu tiên ở Việt Nam, Thầy làm tại gốc cây đa này. . . .Khi thầy đang phát công, huynh Hà ghi hình và ghi âm thì thấy 2 con rắn lớn từ dưới động đá bò lên nằm im, nhen sóc chạy nhảy chung quanh, mấy con cua đá cũng bò lên nằm bên hòn đá Thầy đang ngồi. Chim bay về hót líu lo và có một con chim gì đuôi thật dài cứ bay qua bay lại suốt buổi.
Ngày nào cũng vậy, ban đầu mấy người theo thầy thấy lạ, nhưng sau quen dần nên cứ kệ. Khi thày trò thu máy móc về chùa thì chúng cũng bỏ đi. Liên tục như vậy hàng tuần mới xong bộ băng đầu tiên ấy. . . .
Hôm nay là ngày tết dương lịch 1/1/2010. Chúng tôi theo thầy đi dã ngoại Hòn Chùa và luyện công ở gốc cây đa kỷ niệm này. . .
. . . . .
Cánh đồng Diên Khánh nhìn từ cây đa ông Bảy Bụng/Chùa suối Ngỗ/1/1/2010
Thầy giảng pháp ở cây đa ông Bảy Bụng/Chùa suối Ngỗ/1/1/2010
Tập huyền công ở gốc đa ông Bảy Bụng/1/1/2010
Mời các bạn xem phim: