Việt Trì/Ngày 20 tháng 5 năm 2009
Sáng nay chúng tôi được Ban Tổ Chức lớp học KCDS Việt Trì mời đi dâng hương đảnh lễ ở đền Hùng.
Trước khi leo lên đỉnh Nghĩa Lĩnh đảnh lễ các Vua Hùng. Chúng tôi vào dâng hương đảnh lễ ở đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền Mẫu Tổ Âu Cơ trước.
Mấy hôm trước, cứ buổi chiều trời lại mưa rào. Nhưng sáng hôm nay trời nắng đẹp. Gió mát và rừng cây xanh chập chùng. Xe chúng tôi đi qua những con đường nhựa phơi đầy rơm rạ và lúa mới. Chúng tôi mở cửa xe và chạy thật chậm để hương lúa mới, hương ngàn thông, tiếng cười, tiếng nói của bà con nông dân theo gió rừng lồng lộng vào xe.
Khi đứng trước đền Quốc Tổ Lạc Long Quân, Thầy đưa tay chỉ về phía cánh đồng vàng ươm lấp ló sau những quả đồi um tùm cây xanh và nói với chúng tôi mà như nói với quá khứ từ ngàn xưa đang hội tụ về đây:
- Mô Phật, đây là nơi phát tích việc trồng lúa, nhất là lúa nước của người Việt ta. Từ đó mà định hình thành quốc gia nông nghiệp lúa nước. Chư huynh biết không, khi còn du canh du cư để hái lượm và săn bắn, người xưa còn lang thang trên rừng chưa định hình để lập thành làng xóm được. Tù khi đức Đế Minh và sau này là đức Kinh Dương Vương dạy dân ta cách trồng lúa, thì cư dân xưa mới định cư dọc ven các bải bồi các dòng sông lớn và bình nguyên mà trỉa lúa và cấy lúa nước. Từ đó mà lập thành buôn làng thôn ấp và hình thành quốc gia cổ xưa của nền nông nghiệp lúa nước. Và cái áo xanh mà Mẫu Tổ mặc cũng là tượng trưng cho cây cối, nhất là cây lúa nước.
- Thưa thầy xin Thầy kể lại truyền thuyết về cây lúa nước của người Việt, chúng con có nhiều người chưa có duyên biết việc này.
Thầy cười hề hề rồi bắt đầu kể:
- Này chư huynh, truyền thuyết của dân gian ta kể rằng: " Một hôm Ngọc Hoàng Thượng Đế trông xuống cõi trời Nam, thấy trên mặt đất phần lớn là hoa quả, ít ngủ cốc mới bảo Thần Nông rằng:
- Ta sắc chỉ sai ngươi xuống trần gian giúp giống người da vàng trồng lúa làm lương ăn.
Thần Nông bèn hội họp con cháu kể lại sắc chỉ của Ngọc Hoàng. Đế Minh là cháu 3 đời nói rằng:
- Công việc mùa màng của hạ giới rất vất vả. Vậy cháu xin đi thay
Thần Nông khen Đế Minh là hiếu thảo, đưa cho 2 hạt thóc, một để ăn, một để làm giống đem đi.
Đế Minh và vợ đáp mây lành xuống ở núi Nghĩa Lĩnh. Hàng ngày hai vợ chồng cạy một hạt thóc lấy bột gạo ăn, còn chiếc võ trấu để lại, sau dân thờ làm trấu thần. Lại nói việc dạy dân trồng lúa. Vùng cao thì ông bà dạy họ phát nương đốt trà, chọc lỗ tra hạt (đao canh). Vùng thấp thì đợi nước sông rút cạn,ruộng bải đã thối ngấu cây cỏ, lấy trang cào mà đẩy cho sục bùn, đều phẳng, rồi gieo giống (thủy đậu). Lại dạy dân bỏ gạo vào ống tre đốt làm cơm ăn, bắt cá tôm làm mắm, dùng gừng riềng làm gia vị, chưng cất gạo lấy rượu uống, bắc gỗ làm nhà sàn để tránh hổ sói, cưới xin thì lấy gói đất làm đầu, giết trâu dê làm đồ lễ, nấu cơm nếp nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm. Khi có người chết thì giã cối làm hiệu để bản làng đến cứu giúp. . . . .. . .Đế Minh sanh ra hai người con, Lộc Tục và Lộc Linh. Lộc Tục là anh xưng là Kinh Dương Vương làm vua cai quản phương Nam nhường cho em là Lộc Linh làm vua cai quản phương Bắc. Kinh Dương Vương có tài đi lại dưới nước, gặp Thần Long Nữ con gái vua Động Đình Hồ nhan sắc đẹp tươi, bèn lấy làm vợ. Thần Long Nữ sinh ra một người con trai mình đầy vẩy rồng, đặt tên là Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi cha xưng hiệu là Lạc Long Quân. . . .và đấy chính là Quốc Tổ. . . .hề hề. . .
. . . . . .
Đền Vua Cha Lạc Long Quân tọa lạc trên một ngọn đồi thấp nhìn xuống một thung lũng đẹp, chung quanh là những dãy đồi xanh tươi như bát úp. Đền tuy ở trên đồi, nhưng thấp hơn đền của Mẫu Tổ Âu Cơ. Với dụng ý ngài là Rồng nên ở gần nước. Bởi vậy mà người phụ trách đền nói với chúng tôi. Ít nữa sẽ làm một cái đập nhỏ ở chổ kia, khiến nước dâng lên chung quanh và phía trước đền.
Ngôi đền đang được xây dựng chưa hoàn chỉnh nhưng đã khá đẹp. Ấn tượng nhất là hệ thống cổng với những trụ đá cao vút, vòm cổng như hình cái trống đồng cắt dọc, hai bên có hai con chim hạc bằng đá đứng chầu hùng dũng và uy nghiêm. Bên trong nhà thờ làm bằng gỗ quí. Tượng Quốc Tổ và Lạc Hầu Lạc Tướng hầu hai bên đều bằng đồng rất đẹp.
Không hề thấy rồng phượng và các hoa văn lai Trung Quốc như thường gặp ở các chùa chiền đình tháp khác. Ở đây tính dân tộc toát lên vẽ trang nghiêm thanh tịnh mà đầy uy lực với hoa văn theo các họa tiết trên trống đồng, với các phù điêu bằng đá lấy hứng từ các hoa văn cách điệu của người Việt xưa tả lại cách sinh hoạt của đồng bào mình thời Hùng Vương dựng nước.
Chúng tôi đứng sau thầy cùng dâng hương đảnh lễ Quốc Tổ. Mùi hương thơm ngan ngát, ánh sáng mờ mờ huyền ảo thiêng liêng. Tôi thấy hai bàn tay thầy rung lên nhè nhẹ, rồi đại thủ ấn hiển thị. Thầy yên lặng quì lạy, đảnh lễ Quốc Tổ, đốt hương khấn nguyện, rồi đứng dậy chấp tay trước ngực cung kính đi vòng chung quanh tượng Quốc Tổ rất nhiều vòng , trước khi hành đại lễ và lui ra.
Dâng hương Quốc Tổ xong chúng tôi ra sân cùng đứng nhìn về phía trung du, nhìn về phía ngả ba sông Bạch Hạc, trong lòng tràn đầy cảm xúc. Mọi người đều yên lặng không nói gì, mỗi người đều có cảm nhận riêng, nhưng tôi thấy niềm rưng rưng đang trào lên trong từng ánh mắt.
Lạy Quốc Tổ, chúng con là con cháu Việt, nay chúng con lại về mái nhà chung của người Việt. Về lại mái nhà xưa. Cái nhà mà từ đó chúng con đã sinh ra, đã đầu thai nhiều kiếp rồi, đã đi đi về về với dòng máu Việt luân lưu trong huyết quản và với cái hùng khí Con Rồng Cháu Tiên luôn rực cháy trong tâm.
Cổng đền Quốc Tổ Lạc Long Quân/20/5/2009
Trống Đồng. . . .đồng trống /Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân/20/5/2009
Đảnh lễ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân/20/5/2009
Tượng Lạc Hầu (Lạc Tướng) hầu hai bên Quốc Tổ/Đền Lạc Long Quân
Con đường nhựa phơi đầy rơm rạ, lượn quanh những quả đồi thấp và những vạt ruộng vàng ươm. Lác đác đó đây những cây cọ xòe ô che bóng mát. Hai bên đường, sấu, dâu ta, hoa sửa, đang ra lá non, bằng lăng nở hoa tím và phượng vĩ đang rực lửa mùa hè.
Dừng xe ở chân núi, chúng tôi bắt đầu leo lên những bực cấp xây bằng đá. Một bên có hàng rào bằng bê tông giả trúc vàng rất sinh động. Một bên là hàng rào bằng cây lưu ly, lá xanh có gai, hoa nở li ti trắng muốt. Hai bên đường lên núi cây cổ thụ và tán rừng che mát. Con dốc đá như được trải một tấm thảm lốm đốm muôn ngàn hoa nắng. Hôm nay không phải dịp lễ hội nên đường lên núi vắng teo. Gió ngàn lồng lộng, ve kêu râm ran trong rừng cây, tiếng chim tu hú nghe buồn tênh.
Ngang bờ vực một cây đa cổ thụ thân nó như hàng chục hàng trăm con mảng xà đang quấn vào nhau, rể phụ um tùm chồm mình ra vực thẳm. Một vị huynh đứng nhìn hồi lâu rồi nói:
- Cái cây tuy to lớn như vậy nhưng ở trong ruột lại bị mục rỗng hết rồi chắc nó sắp chết.
Thầy cười:
- Mô Phật, không phải vậy đâu, nó là cây đa bóp cổ. ban đầu nó chỉ là một một cây nhỏ bám vào sát thân cây chủ. Nó sẽ ăn bám vào cây chủ, quấn chung quanh cây ấy để vươn lên, lớn lên. . . lớn dần. . . .lớn dần. . . .và cuối cùng nó sẽ bóp chết cây chủ ở bên trong, nên bên trong bị rỗng mục , đó là cây chủ chết và mục chứ không phải nó. Nó sẽ phát triển ngày càng lớn hơn chứ không chết đâu.
Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp xác một vài con ve sầu đã chết, bị kiến bù nhọt bu đầy chung quanh.
Một vị huynh thở dài:
- Mô Phật, cuộc đấu tranh để sinh tồn khốc liệt thật.
Thầy nhìn vị huynh ấy rồi từ tốn:
- Này ông, "Đối cảnh Vô Tâm mạc vấn thiền". . . .hềhề. . .
Chúng tôi nghĩ chân, uống trà ở một cái bàn đá giả hình trống đồng nằm ở lưng chừng núi. Gió rừng mát rượi, nhen sóc chạy nhảy khắp nơi và chim rừng chuyền tanh tách trong những bụi cây gai.
Một vị huynh chỉ tay xuống thung lũng rồi nói với thầy:
- Thưa thầy, đồng ruộng ở đây có vẽ rất trù phú. . . .
Thầy cười hiền hậu:
Chúng tôi đứng sau lưng thầy, cùng dâng hương đảnh lễ Mẹ. Điển quang rất mạnh. Cảm xúc trào dâng, khiến người chúng tôi rung lên nhè nhẹ, đâu đây có tiếng mấy bà mấy cô đi theo đoàn khóc thút thít.
Khi bước ra sân ngồi nghĩ bên cây vạn tuế cổ thụ. Một cô đi trong đoàn nói với thầy:
- Thưa thầy dù chúng con vẫn đang tỉnh giác, nhưng điển quang của mẹ rất mạnh, vả lại chúng con thấy như đàn con xa nhà đã lâu nay quay về quây quần bên Mẹ nên cảm động không cầm được nước mắt.
- Này cô, chúng ta là những người con của Mẹ Việt, thì dù có đi đâu chăng nữa cũng chẳng thể xa nhà.
- Thưa Thầy sao thế được ạ?
- Hề hề. . .muôn vạn kiếp rồi chúng ta vẫn đang loanh quanh trong bào thai của Mẹ. . . .hề hề. . . .
Hoa Lưu Ly nở trắng núi rừng
Trụ đá trước đền Mẹ Âu Cơ
Lễ Mẹ Âu Cơ/5/2009
Uống Trà nơi nhà của Mẹ/20/5/2009
Chúng tôi tham quan Bảo Tàng Đền Hùng, trước khi leo lên núi dâng hương đảnh lễ các Vua Hùng ở Đền Thượng và lễ mộ vua Hùng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh.
Bảo Tàng Đền Hùng có nhiều hiện vật quí. Nhưng qui mô hiện tại chưa xứng với tầm vóc của một bảo tàng tại nơi đất Tổ. Ấn tượng nhất là cái Trồng Đồng Đền Hùng thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á, Cái Thạp Đồng Đồng Thịnh trên nắp có tượng mấy cặp nam nữ đang tính giao, biểu thị cho tính phồn thực trong tín ngưỡng của người Việt cổ xưa và cặp Nha Chương tượng trưng cho uy quyền của người nắm quyền lực trong thời sơ khai của nước Việt.
Qua một cái cổng lớn là đường leo lên núi Hùng. Cổng rất uy nghi bề thế, giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu 2 võ sĩ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp ngực trang trí hổ phù. Có bức đại tự đề 4 chữ" Cao Sơn cảnh hành"nghĩa là "lên núi cao nhìn xa rộng. Chữ hành này có thể đọc là "hạnh" cho nên 4 chữ ấy có thể đọc là "cao sơn cảnh hạnh" nghĩa là đức lớn như núi cao. Chúng tôi leo lên các bực cấp để đến đền Hạ, đền Trung rồi tới đền Thượng. Đền Hạ là nơi Mẹ Âu Cơ đã sinh ra cái bọc với 100 trứng, sau đó nở thành 100 người con trai. Và phía bên kia là đền Giếng, gọi thế vì có cái Giếng cổ là Mắt Rồng. Đó là nơi Mẹ Âu Cơ đã múc nước ở giếng này tắm cho 100 người con trai của Mẹ.
Trong đền Hạ có 4 cổ long ngai, 3 cổ long ngai chính điện có bài vị thờ:
- Ất Sơn Thánh Vị
- Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng thị Thập Bát Thế Thánh Vương Vị
- Viễn Sơn Thánh vương vị
Cổ long ngai thứ 4 không có bài vị. Trong văn tế thời phong kiến ghi thờ hai bà công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái vua Hùng Vương thứ 18.
Đên Trung rất cổ kính và rất đẹp. Đặc biệt nhất là 3 bức hòanh phi nội dung:
- Gian giữa: "Hùng Vương Tổ Miếu" (Miếu thờ Hùng Vương)
- Gian bên phải: "Hùng Vương linh tích" (vết tích linh thiêng của Vua Hùng)
- Gian bên trái: " Triệu Tổ Nam Bang (Tổ muôn đời của nước Nam)
Đền Trung bài vị thờ cũng giống như đền Hạ cũng có 4 cổ long ngai, 3 cổ long ngai chính điện có bài vị thờ:
Nếu Đền Hạ và đền Trung, đền Giếng, đẹp tuyệt vời, cổ kính trang nghiêm với các hoa văn họa tiết theo hoa văn trên trống đồng, kết hợp với đá và gỗ rất hài hòa, nổi rõ cái Hồn Việt. Thì Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh ít đẹp hơn. Vì cái chương đắp hình rồng phượng gắn mẻ chén, hai bên có đắp phù điêu hai ông hộ pháp như ở các chùa, nét đắp chưa sắc sảo, màu sắc nhợt nhạt. Cái chương này không gắn kết với cái Đền đằng sau nó làm bằng gỗ và các điêu khắc đá bày ở phía trước.
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4
Nằm trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, cây cao bóng cả, gió ngàn lồng lộng. Hai câu đối khắc trên 2 trụ phía ngoài đền, đã phần nào định hình vị trí của đền Thượng:
(vế phải): Qua cố quốc, miện Lô Thao, y nhiên bích lãng hồng đào, khâm đái song lưu hồi Bạch Hạc
(vế Trái): Đăng tân đình, bái lăng tẩm, do thị Thần Châu Xích huyện, sơn hà tứ diện khổng Chu Diên.
Dịch nghĩa;
(Vế phải) Qua cố quốc ngắm Lô Thao, sóng hồng nước biếc như xưa, sông hai dãi bao quanh chầu Bạch Hạc.
Chúng tôi theo thầy vào dâng hương đảnh lễ các vua Hùng. Một vị huynh hỏi thầy:
- Thưa thầy đây là bài vị thờ các vua Hùng
Thầy mỉm cười từ tốn:
- Mô Phật, chư huynh hỏi người phụ trách đền thì chính xác hơn. Nhưng hôm nay không có ai ở đây, nên ta đành phải nói theo sự hiểu biết của mình vậy. Này chư huynh, đền Thượng còn được gọi là Kính Thiên Lĩnh Điện (Điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Tương truyền rẳng thời Hùng Vương các vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ Trời Đất, thờ Thần Lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Truyền thuyết kể rằng thời Vua Hùng Vương thứ 6. Sau cuộc kháng chiến chống giặc Ân thắng lợi. Cảm kích vị anh hùng đã có công đánh giặc cứu nước, nên đã cho lập miếu thờ Thánh Gióng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Hiện nay các kiến trúc này đều không còn. . . . . .
Trong cấm cung đền Thượng này có 4 cổ long ngai, 3 cổ long ngai chính điện có bài vị thờ:
- Ất Sơn Thánh vương Vị
- Đột Ngột Cao Sơn hiển hùng ngao thống thủy điện an hoằng tế chiêu liệt ứng thuận phả hộ thần minh thọ quyết ứng quảng huệ y diễn vệ hàm công Thánh vương vị.
(Tạm chú giải: Vị: bài vị, đột ngột: chót vót, cao sơn: núi cao, hiển: linh hiển, hùng ngao: phô bày vẽ oai hùng, thống thủy: nắm giữ đàu mối, điện an: giữ cho yên ổn, hoằng tế: che chở khắp nơi, chiêu liệt:làm rõ công đức, ứng thuận: giúp cho lẽ phải, phả hộ: che chở giúp đở, thần minh: sáng suốt, quảng huệ: ân rộng lớn, diển vệ: giúp đở, che chở rất nhiều, hàm công: có nhiều công lao.)
Như vậy ở đền Thượng các Vua Hùng đã được tục thờ Thần Núi thiêng liêng hóa trùng với Trời Đất.
Cho nên về tâm linh cảm nhận riêng của ta là : bài vị ở giữa có thể được xem như tương ứng với đức Hùng Quốc Vương là vua Hùng thứ nhất. Bên phải ngài là bài vị của Đức Hùng Hy Vương là con trai ngài, và bên trái ngài là bài vị đức Hùng Diệp Vương là cháu ngài, tức là trực hệ 3 đời( Hề hề. . .đây chỉ là cảm nhận của ta thôi. . . .)
Dâng hương đảnh lễ ở đây xong, chúng tôi sang mộ vua Hùng nằm chếch bên phải ngôi đền. Như ông bà ta thường nói: "mệt thấy mồ tổ" Đúng là leo núi Nghĩa Lĩnh, khi nào mệt thì sẽ thấy được Mộ của Tổ thật!
Tương truyền đây là mộ của Vua Hùng Vương thứ 6. Lăng nằm ở phía đông đền Thượng. Có vị trí đầu đội sơn chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Lăng hình vuông cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược. ba mặt tây, Đông , nam đều có cửa vòm, hai bên cửa đều có dắp kỳ lân, xung quanh có tường bao trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong Lăng có Mộ vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài 1,30m, rộng 1,80m, cao 1m. Mộ có mái mui luyện.
- Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính)
- Phía trên 3 mặt lăng đều có đề: Hùng Vương lăng (lăng Vua Hùng).
Một vị huynh hỏi thầy:
- Thưa thầy đây là mộ vua Hùng nào? Có phải Hùng Vương thứ 6 như một số tài liệu nghiên cứu đã nói không?
- Tài liệu thì khác nhau rất nhiều. Chỉ nói là mộ Vua Hùng.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Nguyễn Xuân Đài cùng đi với đoàn, đưa tay chỉ vào phía bên trái cửa chính lăng Mộ Vua Hùng và nói với chúng tôi:
- Bên trong lớp vữa này là Hoa Biểu của Đền Hùng. Nó là một hiện vật quí hiện nay chưa cho khai mở. Trong dịp đại trùng tu ở Kính Thiên Lĩnh Điện (Đền Thượng) chúng tôi đã may mắn phát hiện ra nó. Cột Hoa Biểu này là một cột đá hình dáng là một biểu tượng cao 1.105 mm đáy vuông 210x210 mm, hơi thon từ đáy lên tới đỉnh. trên đầu tạc nhọn hình tháp có đáy vuông 160x 160 mm, cao 850 mm, khối này đục lõm để tạo thành gờ chung quanh, dưới khối trụ là hai gờ nổi bao quanh lấy thân trụ, toàn bộ phần trụ trên được đặt trên một bệ đá vuông nhỉnh hơn đáy cột một chút. Phía trước là con nghê đá rất sinh động. Thưa thầy và các vị, đây là một phát hiện mới. Hai hàng chữ Hán trên cột đá Hoa Biểu này được phiên âm như sau: " Nguyệt tà lĩnh biểu hạc qui laI - Vân ám Động Đình long đồ giáng". Tạm dịch nghĩa là: "Trăng lên hạc bay về núi Nghĩa Lĩnh - Mây đưa rồng giáng chầu sân lăng".
Cây rừng xào xạc lá, ve kêu ran ran, có tiếng chim cu gáy xa xăm, khói hương nghi ngút. Sau khi dâng hương đảnh lễ. Chúng tôi cùng thầy quì gối, đặt tay lên mộ của Vua Hùng. Ôi!. . . Cái lạnh của đá truyền vào người như luồng điện chạy, hay là anh linh của Tổ Tiên đã về để tiếp thêm cho chúng tôi nguồn sức mạnh tâm linh. Ha ha. . . .ha. . .giây phút này đây mọi cái khác như chẳng còn chi. . . .tất cả đều chẳng ý nghĩa gì trước sức mạnh vĩ đại của tình dân tộc của nghĩa đồng bào. . . .Trong niềm xúc cảm mênh mông tôi chợt nghe có tiếng ai đang khóc thút thít trong cái lặng yên nơi đỉnh non thiêng Nghĩa Lĩnh. . . .Haha. . .ha. . . .tất cả. . .tất cả. . . .đều từ một bọc của Mẹ mà ra, đừng quên. . . .đừng quên. . . .đừng ai quên!
Khi leo lên chúng tôi đi vào cổng chính và từ đền Hạ qua đền Trung rồi đến đền Thượng. Khi xuống núi chúng tôi đi ngõ hướng đông qua Lăng Mộ Vua Hùng rồi xuống đền Giếng ở sát chân núi.
Đền Giếng (còn gọi là đền Ngọc Tỉnh) là nơi thờ hai bà công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái vua Hùng thứ 18. Tương truyền đây là nơi 2 bà thường soi gương vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa và trị thủy, nên dược nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Nhà tiên bái của Đền có treo 3 bức đại tự rất đẹp:
- Ẩm hà tư nguyên (Uống nước nhớ nguồn) ( Gian giữa)
- Nam quốc anh hoàng ( Anh hùng nước Nam) (Bên phải)
- Sơn thủy kim ngọc(Núi sông quí báu như vàng ngọc) (Bên trái)
Chúng tôi nghồi nghĩ dưới gốc một cây si già rể phụ um tùm buông xuống một cái hồ nuôi đầy cá chép mắt đỏ.Thầy chỉ vào bực thềm đền Giếng và nói với chúng tôi:
- Này chư huynh, Nơi bực thềm này, chổ cửa ngách bên phải Đền Giếng, vào ngày 19 tháng 9 năm 1954, Bác Hồ đã về thăm Đền Hùng đã nói chuyện với Đại Đoàn Quân Tiên Phong. Bác đã ngồi ở bực thềm này và có lời dạy:
"Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"
Cổng đền Giếng như cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn. Trên cổng có bức đại tự đề: "Trung Sơn Thiểu Thất"nghĩa là ngôi miếu nhỏ trong núi.
Chúng tôi xuống núi, lặng im không nói với nhau lời nào. Nhưng tôi biết cái Hồn Nghĩa Lĩnh hôm nay nhất thiết sẽ vẫn còn đọng mãi. . .đọng mãi. . . vẫn còn sống mãi. . .sống mãi trong tim chúng tôi, những người con dân nước Việt.Bóng chiều bảng lảng, rừng núi linh thiêng. Trong tiếng ve sầu kêu ran ran và tiếng chim tu hú buồn tênh. Tôi nhẩm lại bài thơ của Dương Bá Trạc mà trong lòng tràn đầy cảm xúc:
Đền Vua, Lăng Tổ đế đô xưa
Lên núi lòng ai luống ngẩn ngơ
Muôn dặm Thục đô quyên khóc mãi
Nghìn năm hoa biểu hạc về chưa?
Long Tiên dòng họ nơi sum họp
Lô Tản non sông dáng thẩn thờ
Phảng phất hồn quyên xưa chứng giám
Dời non chí ấy dễ quên ư?
(Dương Bá trạc)
Đường về non thiêng Nghĩa Lĩnh/20/5/2009
Thạp đồng Đồng Thịnh ở Bảo Tàng Đền Hùng/20/5/2009
Nha chương có lỗ để mang sau lưng, biểu tượng quyền lực của người Việt cổ/Bảo Tàng Đền Hùng/20/5/2009