Ngài vẫn ngồi đấy lặng im với nụ cười từ bi!
1/Thăm đền Động Cá Mồng 3 tết Kỷ Sửu, Ba Gàn khoan khoái xuất hành du xuân. Hồ Tuy Lai, trời rét căm căm, gió thổi phần phật. Bầu trời mùa xuân miền bắc màu xám tro, mấy con le le đang bập bềnh trên mặt nước màu tai tái in hình vài ba cụm núi lơ thơ lờ mờ thấp thoáng bóng cờ xanh đỏ.

Hắn đưa tay chỉ vào một cái hốc đá bên trên có cây si rễ phụ um tùm, phía dưới là nước hồ mênh mang đang vỗ sóng oàm oạp vào vách núi:

-        Nè, chỗ đó bên dưới có dòng suối nước nóng từ trong núi chảy ngầm ra hồ, nên bây giờ dù trời đang lạnh mà đến chỗ ấy tắm cũng thấy rất ấm áp khoan khoái. . .hềhề. .!

Mọi người trên thuyền nhao nhao đòi đến tắm thử. Ba Gàn cười hì hì không nói gì, hắn chèo thuyền điệu nghệ lách qua mấy hòn đá già đầy rêu để cập vào một cái miếu hoang xiêu vẹo bên trên có bát hương thờ Mẫu Thượng Thiên. Mọi người đảnh lễ rồi theo con đường ruột dê lởm chởm đá tai mèo phía trước miếu, vượt núi để vào Đền Động Cá.

Núi rừng xanh mơn mởn, chim chóc hót líu lo, sương núi mờ mịt, văng vẳng tiếng hát chầu văn từ chùa Bàn Long theo gió vọng về.

Ba Gàn đưa tay chỉ vào một chỗ đường mới làm, đá trải đường vẫn còn sắc cạnh:

-        Này, hôm trước tết làm con đường này, khi đào đất anh em nhặt được rất nhiều tiền cổ, bát, chén, bình hoa. . .hềhề. . .có cả một cây kiếm cổ rất đẹp.

-        Bây giờ đâu rồi?

-        Đang để thờ ở Đền Động Cá

Đi một lát, khi mọi người đã bắt đầu thấm mệt thì hồ Cá hiện ra giữa núi rừng hoang vắng.

Như viên ngọc mani màu xanh lung linh bóng nước mây trời, hồ Cá yên lặng, thanh tịnh và thơ mộng.

Như nàng tiên lạc lối xuống trần gian, mặc áo lụa màu xanh lơ đang nằm ngủ giữa khu rừng đại ngàn hoang vắng.

Nước hồ trong vắt, lau lách um tùm, cây rừng soi bóng. Le le, vịt nước bập bềnh, mấy con cò ma đang đứng một chân ngủ gà ngủ gật trên những mõm đá già nhú trên mặt nước. Gà rừng gáy te te, bìm bịp áo già và chim bù chao bạc má kêu vang trong khu rừng ngập tràn bụi nước.

Đền Động Cá bé tí xíu, trông như một món đồ chơi của trẻ con. Mái ngói rêu phong núp dưới bóng cây già uốn mình quằn quại. Ngôi đền của mẹ Thượng Ngàn như đang nhập thiền yên lặng. Nó như một nét bút lông mờ nhạt chấm phá trên bức tranh thủy mặc mờ mịt hơi sương, đầy lộc non và ngan ngát hoa xuân. Lạ thay! Chỉ cách một cái hồ Tuy Lai mà ngoài kia là trần gian bề bộn thị phi, còn ở đây, thì mơ màng và hư ảo như ở một cảnh Thần Tiên nào đấy xa lắc xa lơ.

-        Này chú Ba ơi sao gọi là Đền Động Cá?

-        Vì Đền nằm bên bờ hồ Cá?

-        Sao gọi là hồ Cá?

-        Vì có rất nhiều cá to, đặc biệt theo những người già trong vùng kể lại. Nếu có một vị đạo cao đức trọng đến đốt hương lễ Mẹ Thượng Ngàn trong đền, thì Ông Cá sẽ nổi lên múa lượn để chào mừng.. . .hìhì. . .đó chắc phải là một con cá to. . .rất to. . .nên bà con gọi là Cá Thần.

-        Sao gọi là Động Cá? Có thấy cái động nào đâu?

-        Có đấy, nó nằm phía dưới cái đền này, cửa động chìm dưới nước. Động ấy là nơi cá thần ở. Các cụ già trong vùng nói là nếu thả cái bưởi ở đây, nước sẽ cuốn chui vào động Cá và sẽ trồi ra ở tận Ninh Bình lận.

Ba Gàn cười hìhì. . .Hắn làm ra vẻ quan trọng để dọa mọi người chơi:

-        Này, mọi người đứng ở đây, để tôi vào đền trước xem có rắn không rồi hảy vào. . .hìhì. . .

-        Chú ba ơi, tui sợ rắn lắm! mà ở đây có rắn thật sao?

-        Có chứ, đa số là rắn hổ mang và trăn gió rất to. Năm ngoái tui với Tam Mao vào đây chơi, trúng mùa nước lên. Hồ Cá mênh mang, nước ngập cả nền miếu. Lúc tui này cập ghe vào cây dúi cổ thụ này, định lội nước vào đền thì nghe có tiếng khè. . .khè. . .trong ban Quan Ngũ Dinh. Biết là có rắn to bị nước làm ngập hang nên vào trú trong đền.. . .hìhì. . .sợ người khác vào không biết, sẽ bị nó cắn chết, nên tụi này đã bắt nó đem lên rừng thả rồi. May cho nó nếu gặp bợm nhậu thì nó tiêu đời rồi. . . .hìhì. . .

Gió rừng xào xạc, hương trầm ngan ngát, cá quẫy dưới hồ tung nước và nhen sóc kêu chộc. . .chộc. . .giật đuôi từng chặp, chạy nhảy tung tăng khắp nơi.

Chỉ có mấy người chúng tôi và khu rừng già hoang vắng. . .

Tôi ngồi yên lặng, ngắm mùa xuân đang trở mình chầm chậm chung quanh. Trong lòng thanh thản, từ trong sâu thẳm tôi biết rằng kể từ phút giây này, cái yên lặng thần thánh nơi đây sẽ còn mãi. . .còn đọng mãi trong trong trái tim tôi và sẽ theo tôi đi trọn cuộc đời này.

. . . . .

 

Thăm chùa Bàn Long

 

Chúng tôi quay trở ra, không đi bộ dọc bờ đê, mà đi bằng thuyền lên chùa Bàn Long. Trên bờ đê, dân trẩy hội đông nghìn nghịt, xe gắn máy, xe hơi, người đi bộ, chen nhau thành một dòng rồng rắn kéo dài vô tận núi.

Từ trên thuyền chúng tôi không thấy chùa được vì nó khuất sau dãy núi đá vôi kia.

-        Này chú Ba, sao gọi là Bàn Long?

-        Hềhề. . .bộ không thấy dãy núi đá ấy có hình con rồng đang há miệng sao. Đấy. . .đấy. . .cái chùa nằm lọt thỏm trong miệng con rồng đá này. . . .hìhì. . .

Thuyền chúng tôi lướt đi nhẹ như mây trôi trên mặt nước lấp lánh muôn ngàn vì sao đang nhấp nháy. . .Nắng xuân vàng tươi, nước hồ trong vắt thấy cả rong rêu và cá bơi dưới đáy hồ. Mấy con chim cuốc, đập cánh chạy trên mặt nước, vài con le le bập bềnh thỉnh thoảng lại lặng mất tăm. Trên thuyền mọi người cười nói râm ran. Cái bề bộn, thị phi của cuộc đời trần tục như đã tan biến theo sương mù dưới nắng xuân tràn đầy sức sống.

Từ bờ đê vào chùa nếu đi đường bộ thì phải đi ngang một cái Phật đài rất lớn.  Tượng đức Thích Ca Mâu Ni Phật được an vị trên đỉnh một hòn núi đá mồ côi, cây xanh um tùm nổi lên giửa trời nước bao la của hồ Tuy Lai.

Khi chúng tôi cập thuyền leo lên Phật đài, thì thấy có mấy cặp nam nữ đang âu yếm nhau. Thấy chúng tôi đốt hương, đảnh lễ họ vẫn tự nhiên như Tây.

Một lá cờ Phật giáo cực lớn đang tung bay phần phật trong gió lạnh. Tượng rất to, rất đẹp, ở vị trí tuyệt vời sơn thủy hữu tình. Tiếc thay! Lại bị người đời bôi bẩn, viết và vẽ bậy khắp châu thân. . !

Những bài thơ bậy bạ viết trên cánh sen, những hình hai con chim bồ câu đang khớp mõ nhau, những hình hai quả tim rỉ máu có mũi tên xuyên ngang qua vẽ cả lên đài sen, trên cánh sen, trên đầu gối tượng Phật, trên bả vai, và ngay cả trên mặt tượng Phật, người ta cũng đang tâm viết bậy. . .

Tôi đọc được cả dòng chữ viết trên mặt tượng Phật: Thuần yêu Thủy. . . .

Than ôi! Những đôi tình nhân ghi dấu kỷ niệm cuộc tình của mình bằng những vết khắc vào đài sen, vào thân và cả vào mặt tượng Phật!

Thấy mọi người có vẻ bức xúc, Ba Gàn liền đưa tay chỉ vào bức tượng và cười hềhề:

-        Này, người đời viết bậy lên mặt ngài, thế mà ngài vẫn ngồi đấy lặng im với nụ cười từ bi. Thế thì chúng ta cũng nên “Đối Cảnh Vô Tâm” chứ. . . .hềhề. . .!

. . . . .

Con đường ven hồ dẫn vào chùa Bàn Long có nhiều cây lộc vừng cổ thụ đang ra hoa. Chùa ở men sườn núi, cây cối um tùm, tựa lưng vào một vách đá cao vút hùng vĩ. Khách hành hương lễ phật đông nghịt, chen nhau chật cứng như nêm. Từ cái loa đã rè, tiếng Xuân Hinh hát chầu văn nghe nhão nhẹt chua chua. Tiếng khấn khứa rì rì rầm rầm, thỉnh thoảng có tiếng hít hà như ăn phải ớt. Khói hương mù mịt làm mắt ai nấy cay xè. Tiền lẻ 200 và 500 vất đầy các ban thờ, nhét vào tay các tượng Phật, nhét vào miệng ông Hổ, rơi bừa bãi trên cái nền nhơm nhớp đầy rác bẩn, vỏ trái cây, bông hoa héo úa với hương đã tắt gom lại thành từng đống nhầy nhụa.

Rất khó chen vào để đặt mâm lễ. Ba Gàn bị đám đông đẩy ra và dạt đến ban thờ Bác Hồ, tượng Bác được trùm vải đỏ, chỉ ló khuôn mặt mà thôi. Hắn chấp tay chưa kịp khấn khứa gì thì bị đẩy một cái loạng choạng suýt ngã. Cuối cùng đành phải lễ vọng từ xa.

Trước ban Mẫu, một bà to béo, ăn mặc như lên đồng đang ngồi chễm chệ trên chiếu xỉa răng. Trên nền nhà người ta ngồi ăn thành từng mâm có rượu và thịt gà. . .Tiếng cười, tiếng nói, tiếng chì thiếc phân bua, cọng với tiếng hát chầu văn, tiếng tụng kinh niệm Phật, thành một âm thanh hỗn độn lạ lùng.

Có mấy cô gái trẻ, chắc là học sinh hay sinh viên gì đấy, đang bàn tán nhau về bài thơ mình vừa xin xăm rút thẻ. Bổng một cô la toáng lên:

-        Chết cha, đôi giày mới của mình để ở đây đâu rồi?

-        Trời đất, đôi dép của mình cũng mất tiêu rồi. Kiểu này chắc phải đi chân đất về nhà rồi.

Thế là họ chạy nháo nhào đi tìm dép tìm giày, miệng vừa chửi thề, vừa đổ lỗi cho nhau:

-        Tao đã bảo phải cầm giày dép vào chùa, mày lại không nghe.

 

Gió xuân lành lạnh, khói hương nghi ngút, tiếng sóng đập vào bờ đá vẫn nghe oàm oạp. . . oàm oạp không ngớt.

Chúng tôi ra về lòng thầm cảm ơn bề trên đã linh thiêng gia hộ khiến không ai bị móc túi và mất giày mất dép. . . . hềhề. . .đúng là có cầu thì có chứng!

 

Thăm Đền Mẫu Đồng Đăng, Công Đồng Bắc Lệ, chùa Thành Lạng Sơn, Động Tam Thanh, Nhị Thanh

(Còn tiếp)

 

Mây/10/2/2009