Thầy bảo, như chiếc ruột xe đạp lâu ngày, đã rã rời, mòn mỏng, chỉ chực chạm viên đá nhọn, hay hơi dồn căng vào chỗ mỏng nhất, là vỡ ra, bệnh của người cao tuổi cũng đòi hỏi phải đối xử như với chiếc ruột xe đầy nguy cơ ấy. Đừng chất thêm vật nặng lên chiếc bánh xe ấy nữa, dù đó là những tập luyện, hay trăn trở tìm cầu giác ngộ; đừng bơm thêm hơi vào chiếc ruột xe đang chờ vỡ ấy, dù đó là hơi ngồi thiền, đi bộ, hay tập vẫy tay; đừng đưa bánh xe vào nơi có nhiều đá nhọn, dù đó là đá của việc nhà, hàng xóm, cơm áo gạo tiền…Ô kìa, lời khuyên của thầy thuốc với bệnh nhân, mà sao trùng khớp với khách hành hương đang muốn tìm cách điều tâm trong khi chưa quán thân mình được vậy. Những sơ khởi căn bản về duy thức diễn ra trong một không gian chật chội khi đang xê dịch. Điều mấu chốt bỗng dưng được tháo rời, bày ra, như chìa với khóa chưa từng ăn kết với nhau để đánh đố người tìm cửa. Cũng sợi dây và con rắn, qua bao trang sách, bao lời giảng luận, mà chẳng thể hình dung đó là duy thức, lại đi tìm cách hiểu duy thức tận đâu đâu. Hóa ra, trong hành trình xê dịch giữa trời khô nắng, sắc thọ tưởng hành thức bỗng nằm ngay đó, và tiền ngũ thức, ý căn, ý trần cũng một bước không xa… Thế là, điều dự báo ngay lúc khởi hành “Trời còn để có hôm nay/ tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời”, làm ấm lòng thêm những người con đang tìm về Suối Ngổ… 2. Lá vàng rơi rắc lối… mùa thu chớm muộn rồi… Bước chân người lên núi… giữa yên lành mây trôi… Đường đi quen thuộc, nhưng cảm xúc bồi hồi. Năm năm trước đây, cùng Thầy đi như giữa chiêm bao: Suối Ngổ tựa như một nơi gần gũi lắm, mà hóa ra thuở ấy vẫn còn xa nơi chốn linh thiêng này. Bây giờ những bước chân lại về đây, đá núi cũng trở mình theo màn váng nhện rung rinh, lá đào rung rinh, cụm giang rừng cũng rung rinh như nhận ra bước chân của thiên nhiên đang về với thiên nhiên, của thiêng liêng đang hội ngộ thiêng liêng, của thần tiên đang hòa cùng nhân duyên tao ngộ… Sườn đồi xanh mướt chuối, lão thiên tuế trầm tư, gốc xoài mát rượi và cỏ lau rập rờn trong bước hành hương đang giữ tịnh. Giữ tịnh, sẽ nâng cường độ làm việc của quả tim lên một bậc, sẽ tỉnh giác nhận ra tư thế cất bước và đặt chân sao cho ít hao lực nhất. Và quan trọng hơn, giữ tịnh, là cảm nhận trong tỉnh giác niềm vui không nguyên nhân trong bất cứ cuộc hành trình nào… Thầy bảo, đi chuyên chú từ chân núi lên chùa như hạnh tinh tấn của người tu, hành hương vã cả mồ hôi như tâm đang trong ngôi nhà lửa, qua gộp núi, nhìn thấy cổng chùa phía trước là kiến tánh với niềm tin tưởng và an lạc thong dong bước qua đoạn cuối đến chùa, vào đến cổng chùa chính là Bát nhã ba la mật đa, vào lễ lạy và sống tại chùa chính là thể nhập tánh. Thế rồi, sẽ đến lúc lại quay xuống núi, là thiện thệ độ sanh, hành Bồ tát đạo… Lời ví von về pháp đại thừa văng vẳng trong sân. Suối Ngổ đây rồi. Mẹ Quan Âm đây rồi. Chí Linh Sơn tự đây rồi. Đàn con bốn phương cũng đang về cả đó, Mẹ ơi! 3. Đêm Suối Ngổ. Trong tiếng chuông mõ rơi đều giữa núi rừng yên ả, trong tiếng tụng kinh rì rầm nơi chánh điện, đàn con của Mẹ từ các vùng miền lặng lẽ tìm về. Những đàn con xuôi ngược, những vị huynh tóc bám bụi đường, những cụ già nương theo niềm mộ đạo tìm về chốn linh thiêng. Từ Sài Gòn ra, Hà Nội vào, cao nguyên xuống, Nha Trang, Phú Yên lên… tất thảy như những cánh chim thiên di bỗng tề tựu trong mùa trở lại. Đêm Suối Ngổ - thời khắc hạnh ngộ thiêng liêng, là lúc những con tim đồng cảm và rung động cùng năng lượng. Mạch đạo vẫn chảy không ngừng, thác ghềnh có đấy, vực sâu còn đấy, truông dài phá rộng trùng trùng đấy, nhưng dòng chảy vẫn chan hòa, bền bỉ… Năm năm trước, dòng chảy ấy là động tác Kim cang quyền, là tay ấn, linh phù, là tam mật tương ưng của người tu học; giờ đây, dòng chảy không chỉ thế, mà lắng lại trong Tứ niệm xứ, Phẩm trợ đạo, quán đảnh trong tỉnh giác, và vượt lên, tràn ra, chảy qua những kỹ thuật tâm linh, đọng lại trong lời Thầy nhắc nhở: Vào chùa phải biết lạy Phật, làm con của Như lai phải biết giao tiếp với Như lai… Những bàn tay đảnh lễ, những mantra liên miên bất tận, những vũ điệu tâm linh thăng hoa giữa đêm thiêng. Truyền và bất truyền truyền gặp nhau; học không học và dạy không dạy gặp nhau, những nhân duyên kỳ lạ không phân biệt, chẳng tư nghì… Càng xúc động hơn khi cảm nhận hương vị mồ hôi “giáo nhi bất quyện” của người tải đạo - nếu nhìn theo quan điểm của Nho gia. Đêm Suối Ngổ, lời dạy thiêng liêng nhưng giản dị tận cùng: đó không chỉ là câu chuyện lúc Đức Phật Thích Ca học ngài Uất Đầu Lam Phất, mà thế nào là bỏ “xứ” trong “Phi tưởng phi phi tưởng xứ”; Đó không chỉ là ý nghĩa tên gọi “Giáo Bồ tát pháp chư Phật hộ niệm sở thuyết kinh” của bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, mà quan trọng là cách tu tập và hành đạo trong thời đại mới; Đó không chỉ là xuất xứ ra đời của Kinh Hoa Nghiêm mà ngay cả câu chuyện của bà Tu Mật Đa nữ và Thiện tài đồng tử cũng không đơn giản để thâm nhập ý chỉ Như lai… Đêm Suối Ngổ còn hẹn đêm Suối Ngổ, như bình minh hẹn bình minh, như mùa xuân hẹn mùa xuân, như hạt mưa hẹn với núi sông đồng ruộng… Pháp vũ vẫn không thôi chan hòa, dòng chảy vẫn không ngưng dào dạt… 4. Sáng, đứng tại đầu hồi chánh điện đã nhìn thấy khói bếp chờn vờn trong sương sớm. Khách hành hương vén áo, nhóm lửa, thổi một ấm nước để pha trà, cảm nhận hương vị quê nhà gần gũi biết bao nhiêu. Chiếc ấm ám khói đen là dấu chỉ thời gian cụ thủ từ gắn bó cùng mái chùa nơi Suối Ngổ. Bếp đơn sơ, nhưng thuận tay cho tất cả khách hành hương đến chùa. Nguyên liệu hoặc mang lên từ dưới núi, hoặc tìm hái quanh vườn, đều cảm hóa thực khách phương xa bằng những bữa chay làm ngon miệng kể cả người chưa quen. Bữa cơm rau rừng Suối Ngổ là “thương hiệu” khó quên với chư vị sống lâu ở chốn thị thành. Chén tương hột, bát canh măng, đĩa hoa chuối lăn bột chiên giòn… khiến mọi người tấm tắc tiếc thầm giá như “thương hiệu” bếp Suối Ngổ mở thêm nhiều “chi nhánh” ở các vùng miền chư huynh cư ngụ… Có lần Thầy bảo, nấu chay bằng tình thương của người tình nguyện hộ giúp người ăn chay, món ăn ấy sẽ ngon hơn trong cảm nhận của người thọ thực. Không chỉ thế, gian bếp còn là nơi thực tập hạnh ăn uống của chư huynh. Ngoài việc phân định khu vực ăn của nam – nữ, khả năng nhận biết tỉnh giác lúc lấy thức ăn, trong khi ăn, và khi kết thúc bữa ăn cũng được xem như yêu cầu bắt buộc để nghiêm trì giới luật. Có như thế, thì kỹ thuật nhận sự hộ niệm của Như Lai và chư vị Thánh chúng trong khi thọ thực mới đạt hiệu quả. Có như thế, người hành đạo vẫn ăn chay, mà vẫn làm việc nặng và hành công với dụng cụ nặng đến mức người ăn mặn cũng không đủ sức khỏe để thực hiện. “Nhiều vị cao tăng, chư Tổ đã bước ra từ nhà bếp chứ không phải chỉ từ chánh điện hay thiền đường”, lời dặn của Thầy mới thâm trầm ý vị làm sao… 5. Ông Tư già trầm ngâm hẳn khi nghe nhắc về cây xoài tỏa bóng mát bên giếng chùa bị dân làm rẫy đốn ngã. Dòng suối Ngổ trong lành tụ về trong hai chiếc giếng mát rượi sau chùa, bao đời nay là nơi tươi nhuận của vùng núi hoang vu này. Đi đường leo núi nóng bức, lên đến chùa, chạy ào ra giếng, vục gàu xối nước để nghe bụi trần rũ bỏ, nghe hơi mát của giếng nước nơi non cao thấm vào từng thớ thịt, khách thập phương bỗng chốc thấy nhẹ nhàng, những lo âu phiền não bức bối muộn phiền chốn thị phi ở “dưới kia” như được rửa sạch. Giếng mát, vì bên giếng có cây xoài tỏa bóng. Giếng mát, vì từ ngày chư huynh về tu tập, nhiều hiệu ứng tích cực đã gắn liền với nước giếng nơi đây. Do vậy, giữ bóng mát cho giếng không chỉ là giữ cho người đến sinh hoạt có một không gian thoải mái nhẹ nhàng, mà còn giữ cho trường năng lượng của giếng không bị xáo động, giữ cho môi trường sống của chim chóc xung quanh giếng cũng luôn được bình yên. Tình yêu thương sẽ từ những người tu tập tỏa ra muôn loài xung quanh, bắt đầu từ những nơi bình dị như chiếc giếng chùa vậy đó. Đôi chân mày Ông Tư già chùng lại. Ngày mai, sẽ trồng một cây đa niên bên bờ giếng, sẽ bắt tay dành dụm xây dựng một chiếc hồ chứa nước. Chùa đơn sơ không tăng chúng, nhưng khách thập phương đến thường, nên nguồn nước giếng cần phải ưu tiên giữ gìn – như mạch sống của những người đi mở đất và cũng chính là lý do chọn nơi trú xứ của người xưa nơi đây. 6. Với Suối Ngổ, bàn trà là nơi tập hợp những câu chuyện nối liền đạo và đời – hiểu theo cách cảm nhận của nhiều khách trà cùng có mặt. Bàn trà có thể thiết lập bất kỳ đâu, đằng sau hiên chùa, bên gộp đá dưới gốc đa, hoặc bên cánh võng trong vườn chùa… Có khi, chuyện đời nở rộ bằng những tràng cười khi nghe kể những tình huống tiếu lâm có thật của Thầy và chư huynh khi làm Phật sự. Và cũng có khi, bàn trà là nơi trăn trở về một vài bước ngoặt sắp tới trên đường hành đạo. Lại có lúc, bàn trà chính là buổi ôn lại những kiến thức Phật học do Thầy khéo léo lồng vào các câu chuyện, các tình huống thường gặp trong giao tiếp, sinh hoạt, và cả trong khi… online. Sau buổi hành công, chư huynh tề tựu bên bàn, nhấp một ngụm trà xanh được hãm chế kỹ bằng nước giếng chùa, nghe hơi ấm và mùi hương làm tỉnh cơn buồn ngủ, thấy câu chuyện thêm hào hứng. Cũng tại bàn trà, không hẹn trước, mà những vấn đề như “Nếu tu tập dùng ngã đế quán thì càng quán, ngã càng to; còn nếu không dùng ngã để quán thì ai quán?”; hay như vấn đề “Ta là ai” sẽ giải quyết như thế nào? ..v..v… được trình bày chẳng khác những công án thiền trong truyền thống của Thiền tông, khiến khách trà càng thêm phấn khởi. Có người thắc mắc về bệnh, có người băn khoăn về khác biệt tôn giáo, có người muốn nghe kể chuyện về những chuyến hành hương, cũng có người muốn hỏi về cách hành trì, ý nghĩa kinh sách… tất cả cùng tụ hội, cùng trình bày. Không tổ chức mà nội dung chuyện có thứ tự, không chuẩn bị mà mọi vấn đề rốt cuộc đều được giải quyết, không lưu ý mà khách trà đều thầm nhận ân sâu của Thầy khi tận tình chỉ bảo mọi nơi mọi lúc như vậy. Bàn trà còn là nơi khơi gợi những niềm tin, vào những con đường trước mặt, vào những chuyến rong chơi, vào lẽ đạo, nghĩa đời, vào tương lai với sự trưởng thành của những người con của Như Lai đang chuyên tâm rèn luyện. Bàn trà cũng là nơi làm nảy sinh một đề tài viết sách, một câu chuyện viết báo, một vấn đề còn tồn nghi… Khách trà uống và tỉnh giác, lắng nghe và thâm nhập ý đạo, quán sát và quyết tâm trau dồi, tinh tấn… Tất cả truyền cho nhau niềm an lạc trong lúc dừng chân nơi Suối Ngổ… 7. Một chú ong rừng với hai nửa vàng – đen trên thân bay ra từ cổng chùa. Khách hành hương lại bắt đầu xuống núi, tiếp tục cuộc hành trình nơi những miền quê lặng lẽ, hay những phố thị ồn ào, trong những môi trường lao xao, và cũng có khi là những công sở nghiêm trang giả tạo… Như chú ong rừng với hai nửa đen – vàng trên thân, những người con của Như Lai đang hướng về phía cộng đồng nhân sinh để đi trên đường trung đạo, giữa những tốt –xấu, đúng – sai... Mặc kệ đâu đó có người hại nhau vì được mất hơn thua, mặc kệ đâu đó có người bận tâm vì sướng khổ vinh nhục, dòng Suối Ngổ đang rời khe đá non cao, chảy âm thầm vào mạch sống của người đời, tưới mát cho mầm đạo đang âm thầm đâm chồi nảy lộc. Và như thế, Suối Ngổ đang tiếp tục cuộc hành của mình trong vô vàn sắc diện của cuộc sống. Xin chào nhé, chú ong vàng Suối Ngổ, Hẹn một ngày nắng mật gọi thu sang… Suối Ngổ - cuối thu năm Mậu Tý, 2008 Lãng Lý/