Sau một thời gian dài đi công tác xa trở về, tôi đến cung văn hoá lao động Hữu nghị Việt Xô trước lúc 5 giờ sáng để tiếp tục tham gia lớp KCDS ngoài trời của các môn sinh Hà Nội.

Như một đứa trẻ nhỏ nghỉ học lâu lại được trở lại trường, tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi hoà nhập vào không khí chung của lớp tập. Tôi được gặp tất cả bà con tham gia lớp tập- những lão KCDS bền bỉ như tôi đã từng được biết và những gương mặt trẻ trung tươi tắn tôi mới gặp lần đầu. Ai cũng gọn gàng trong đồng phục quần xanh áo trắng với hàng chữ sau lưng:" Tất cả vì sức khoẻ cộng đồng ". Bộ quần áo này đã gắn bó với bà con với phong trào từ cả chục năm nay. Nó như một dấu ấn lặng lẽ của thời gian ghi nhận sự bền bỉ kiên trì của những người đang mặc nó.

Tôi gặp hai hướng dẫn viên của lớp tập là cụ Thi và Bác Khải và được biết lớp tập vẫn duy trì liên tục từ 10 năm nay. Được vậy, ngoài cái lợi về sức khoẻ tôi chắc còn là cái tâm, cái tình của bà con học viên và các hướng dẫn viên!

Tôi cứ đứng nhìn mãi cụ Thi người hướng dẫn viên đầu tiên của tôi. Người lính già của chúng tôi năm nay đã 78 tuổi rồi, mà cụ vẫn nhanh nhẹn lạ thường, với tầm vóc nhỏ nhắn xương xuơng nhưng rắn rỏi và mạnh mẽ!

Cụ nhìn tôi cười rất trìu mến và nói: "Tôi mừng là cô đã trở về. Hàng ngày cô cứ đến đây. Lớp tập bắt đầu vào lúc 5 giờ và kết thúc lúc 6 giờ. Chắc chắn là cô sẽ đủ thời gian để chuẩn bị mọi việc trước khi đi làm. Ở đây cũng nhiều bà con vẫn đi làm ở cơ quan xí nghiệp như cô đấy. Vào thứ bảy chủ nhật chúng ta sẽ sinh hoạt tập thể sau buổi tập. Cùng nhau hát những bài truyền thống, trao đổi kinh nghiệm luyện tập và thỉnh thoảng sẽ đi dã ngoại. Chúng tôi luôn chào đón các môn sinh đến tham gia lớp tập. Rồi cô sẽ thấy đây như mái nhà chung của những người quyết rèn luyện thân tâm. Đấy là tôi chưa kể chuyện đôi khi còn có thể dành lại sự sống từ tay tử thần nữa đấy!"

Rồi cụ bắt đầu hướng dẫn bà con vào vị trí để bắt đầu buổi tập.

Tiếng của Thầy vang lên dõng dạc hô cho bài tập Nhu quyền khởi động, rồi dẫn dụ trên nền nhạc cho bài tập chữa bệnh, bài dịch cân kinh, thở điều hoà, tập côn khí và kết thúc là bài tập xoa bóp bấm huyệt toàn thân để hồi phục cơ thể.

Như gió thổi rừng mai!. . .Các bài tập dường như đã trở thành thân thuộc với mọi người. Động tác họ nhịp nhàng, đều đặn, thần thái ung dung an lạc thuận tự nhiên.

Buổi tập kết thúc tôi gặp lại cụ và hỏi: "Cụ có bí quyết gì cho chúng cháu biết với". Cụ nói: "Tôi già rồi mà được thế này là nhờ kiên trì luyện tập đấy. Hàng ngày tôi thức dậy từ 3 giờ sáng, tập khởi động xoa bóp ở nhà trước. 4giờ 15 là tôi đạp xe ra sân để tập cùng bà con và đôi khi hướng dẫn môn sinh mới. Sau đó tôi về nhà nghỉ ngơi đọc sách. Đến chiều tôi lại tiếp tục hướng dẫn bà con tập luyện tại nhà, chỉ thế thôi mà".

"Chỉ thế thôi mà!" - Với cụ công việc thật đơn giản nhẹ nhàng, vậy mà cụ đã giúp cho nhiều người đến được sân tập, đến được với phương pháp tập luyện Dưỡng Sinh kỳ diệu này!

Tôi chợt nhớ lại câu nói của một người bạn cùng luyện tập ở lớp do cụ hướng dẫn: " Chính nhờ sự kiên trì và nhiệt tình của cụ mà chúng tôi vượt qua được những quản ngại ban đầu. Chỉ từ những việc đơn giản. Đó là những ngày mưa gió, cụ vẫn đi xe buýt đến lớp như chẳng có gì xảy ra, mặc dù cụ ở rất xa. Vì thế nên chúng tôi không thể không đến lớp học. Ai cũng có thêm quyết tâm để đến lớp tập đều đặn cùng nhau."

 

Giản dị như vậy thôi, nhưng đối với tất cả môn sinh Hà Nội, cụ thật sự là tấm gương sáng về tinh thần rèn luyện và hoạt động cộng đồng. Mọi người đều gọi vị "lão khí công" ấy với cái tên rất trân trọng và trìu mến:"Cụ Thi".

 

Liên Hoa/5/7/2005