Hôm nay là bữa khai mạc lớp học Khí Công Dưỡng Sinh của làng ta. Tôi là Hai Lúa rất vinh hạnh được bà con cho phép lên phát biểu.

Thưa bà con chẳng gì tôi cũng là học viên khoá trước. Hơn nữa tôi tập rất có kết quả. Bệnh tật đã đỡ đi rất nhiều, tâm lý an lạc, hết nóng nảy. Tôi cũng đã bỏ được rượu và thuốc lá. Về chuyện này bà nhà tôi rất ưng ý. Tôi còn lên được mấy ký nữa đấy. Bởi vậy bà con mới đề nghị tôi lên báo cáo lại kinh nghiệm của mình.

Thưa bà con, chẳng dám từ chối, chứ thật ra tôi rất xấu hổ. Đời ông đời cha tới giờ tôi chưa bao giờ nói trước đám đông. Mà tôi lại ít học, tôi chỉ giỏi nghề làm ruộng thôi. Cho nên tôi xin liên hệ việc tập khí công với việc làm ruộng của mình vậy:

Thưa bà con, người nông dân chúng ta, khi làm mùa ai cũng biết những chuyện thế này:

1.      Phải cày xới và gieo hạt. Giống như người tập khí công phải sửa tâm, đổi tính, luôn nghĩ đến làm việc tốt cho bà con. Đó cũng chính là cày xới ruộng để hạt mầm  Phật có điều kiện đâm chồi.

2.      Khi lúa lên thì cỏ dại cũng mọc theo, do hạt giống cỏ dại đã có sẵn từ vụ trước rồi bà con ạ. Bởi vậy trước khi tháo nước bón phân, người nông dân chúng ta phải nhổ sạch cỏ trước. Nếu không, khi có nước và phân, cỏ dại sẽ phát triển nhanh lấn át cả lúa. Cũng vậy, trước khi tập khí công, chúng ta nhất thiết phải tự xem mình đang nghĩ gì và giữ làm sao cho tâm ta được trong sáng. Khi chúng ta thấy tinh thần thật thoải mái, nhẹ nhàng, mới thụ khí để tập. Nếu không làm thế, tâm ta dễ bị rối loạn làm việc tập và chữa bệnh khó mà tốt được.

3.      Người làm ruộng phải luôn giữ nước chân cho lúa. Nếu đám ruộng khô nước, sẽ có cơ hội cho cỏ dại phát triển và lúa thiếu nước năng suất sẽ kém đi. Cũng vậy bà con khi tập  khí công phải luôn tập trung vào bài tập , không xao lãng,  để khí lúc nào cũng được duy trì. Chúng ta duy trì được khí thường xuyên thì cơ thể sẽ khoẻ mạnh, tinh thần thoải mải, không có chỗ cho cái xấu nó xuất hiện nữa.

4.      Khi lúa mới mọc cây còn thấp bé. Nếu người nông dân tháo nước quá nhiều. Lúa ngập sâu trong nước lâu ngày sẽ bị úng rễ và chết. Cũng vậy chúng ta mới tập mà đã tập quá mạnh, tập quá lâu, sẽ dẫn đến quá sức không có lợi , bà con chú ý nha.

5.      Người nông dân phải tuỳ đất và tình hình phát triển của cây lúa mà bón phân đúng loại và bón vừa đủ thì lúa mới phát triển tốt và được mùa. Nếu ham bón quá nhiều phân, bón sai chủng loại và không đúng lúc thì thay vì lợi sẽ làm giảm năng suất lúa. Cũng vậy các bài tập khó , tuỳ vào tình hình bệnh lý sức khoẻ và trình độ khí công cụ thể của từng người mà các thầy sẽ khuyên nên tập bài gì, khi nào, bao nhiêu thì vừa đủ. Nếu ai mà ham pháp thuật thần thông, sa đà vào việc luyện công năng thì sẽ làm giảm hiệu quả của khí công, nhiều khi còn làm chúng ta bệnh thêm đó .

6.      Khi thu hoạch người nông dân phải để giống cho vụ tiếp theo. Nếu ăn mất giống thì sẽ không làm mùa được nữa và sẽ bị đói khổ. Cũng vậy người luyện khí công chẳng những vì mình mà còn vì hạnh phúc của bà con, làng xóm. Cho nên phải kể cho bà con, hàng xóm mình cùng nghe, cùng biết,  để mình và mọi người cùng chung hưởng an vui. Nếu bo bo nắm giữ bí quyết riêng để thu lợi thì cũng như ăn mất giống vậy. Khi hết công đức tránh sao khỏi khổ đau.

Thưa bà con, tui ít học, thấy sao nói vậy. Có gì không phải xin bà con bỏ quá cho. Chúc bà con ta cùng gia đình sức khoẻ, hạnh phúc. Chúc vụ lúa này làng ta được mùa to.

Trân trọng kính chào bà con.

HAI LÚA/3/11/2004