Căn nhà cổ tối mờ mờ. Ánh sáng từ các ô cửa sổ chiếu vào thành những luồng chảy chầm chậm mệt mỏi. Bên ngoài trời nắng to, nhưng trong nhà mát âm. Yên lặng cùng cực. Chỉ có tiếng gió thì thào trên mái ngói rêu phong và tiếng chim sẻ chim chíp khe khẽ thật nhẹ. Tiếng con sâu bò lười biếng trên tàu lá chuối. Tiếng con kênh trước nhà rì rào rúc đầu vào khu vườn rậm rạp. Mùi bùn non và mùi gió từ sông Sài Gòn ngai ngái, nồng nàn, như mùi thơm da thịt.

Có tiếng chim bìm bịp kêu buồn thiu trong đám dừa nước và tiếng cá táp móng dưới chân cầu. Hắn bỏ dép đi chân trần vào nhà để cái lạnh của đất từ từ thấm dần vào da thịt. Không gian như đông lại và thời gian như lười biếng chẳng buồn trôi. Còn hắn thì bỗng dưng nghe tiếng con tim mình đập to đến thế! Nhịp tim lơ đãng chẳng vì sự sống, mà vì giao thoa với cái linh hồn lặng lẽ ở nơi đây.

Hắn yên lặng đi vào thế giới của bụi bặm thời gian, thế giới đồ cổ, đa số là tượng Phật, tượng Thần linh, bàn thờ, hoành phi câu đối bằng gỗ, sơn son thếp vàng, tróc từng mảng lớn, mối mọt làm hư hại cũng nhiều, nhiều tượng sứt đầu gãy tay đang phục chế. . . .

Hắn lặng lẽ đi dạo và nhìn ngắm khắp nơi trong khu nhà cổ. Bỗng dưng trong tiếng gió và tiếng hoàng hôn trôi chầm chậm, hình như có tiếng ai thở dài.  . . .Hắn giật mình nhìn quanh. . . .

Nhưng nào có ai. Chỉ có những hàng cột gỗ đứng im lìm và những tượng Phật, tượng Thần Thánh bày trên các bục gỗ.

-         Chào Người Gỗ

Một cái tượng cổ đang mỉm cười đưa tay lên chào hắn. Hắn dụi mắt tưởng mình đang mơ ngủ. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc cột sống. . . .

-         Chào anh bạn Người Gỗ.

Cái tượng cổ lại đang mỉm cười chào hắn. . . .Hắn định thần, bình tĩnh nhìn thẳng vào cái tượng đang nói chuyện với mình. Đó là cái tượng cổ, sơn son thếp vàng đã tróc từng mảng lớn. Còn cái bệ hoa sen, mối mọt cũng đã tàn phá nhiều rồi.

Nhìn bụi bặm và màng nhện giăng quanh. Chắc cái tượng ngồi đây đã lâu rồi, mà chưa ai có lòng hoài cổ, thỉnh về để thờ hay để chơi. Tôi chấp tay và nói với cái Tượng Gỗ:

-         Thưa ngài, sao ngài lại gọi tôi là Người Gỗ.

-         Hề hề. . . .còn anh bạn gọi ta là gì, chẳng phải là Tượng Gỗ sao?

-         Đúng vậy. Nhưng ngài là Tượng Gỗ thật. Còn tôi là người bằng xương bằng thịt sao gọi là Người Gỗ.

-         Cả ta và ông đều do xã hội đục đẽo sơn phết nhào nặn mà thành. Chất liệu cơ thể ông và ta tuy có khác nhưng đều là Gỗ cả đấy mà. . . .hề hề. . .

-         Nhưng ngài thì được người đời cung kính thờ phượng, cúng dường tôn trọng. Còn tôi chỉ là một con người tầm thường bé nhỏ chẳng ai biết đến. Nếu ngài được ai đấy thỉnh về thờ, thì tôi phải cung kính lạy ngài rồi. . . .giống nhau làm sao được chứ?

-         Nhưng ông thì còn có cơ may vứt bỏ cái tâm lý bầy đoàn để trở thành con người thật, sống thực sống. Chứ cái Tượng Gỗ như ta dù là tượng Thần Linh hay Thượng Đế tối cao đi nữa cũng chỉ là sống giả, do con người nhào nặn ban cho chứ có thật sống đâu. Ta muôn đời vẫn là Gỗ thôi mà. Nực cười thay, con người tạo ra sản phẩm rồi lại quỳ lạy van xin trước sản phẩm do mình tạo ra. Đó chính là sự phóng thể hay là rời xa gốc. Con người do muốn hạnh phúc đã tạo ra những cơ chế. Thế rồi những cơ chế ấy quay lại nô dịch chính chủ nhân của nó. Haha. . .ha. . .đó là thảm kịch của nhân loại. Nó càng vùng vẫy, càng tạo ra, càng cải tiến những cơ chế để mưu cầu hạnh phúc, thì lại bị nô dịch bởi chính những cơ chế và sản phẩm của mình. Này ông bạn Người Gỗ, ông biết không đó là trò chơi của thượng đế và là bài học để con người trưởng thành.

-         Thưa ngài Tượng Gỗ, Ngài nói đúng, chết thành cái tượng để người ta thờ, sao bằng còn sống để rong chơi khắp nơi.

-         Này ông bạn Người Gỗ. Nếu ông thật sống sao gọi là Người Gỗ chứ ? Chẳng có ai thật sống cả. Đều là xã hội sống qua thể xác của họ đấy chứ. Còn con người thật của họ từ xưa đến giờ, vô lượng kiếp rồi, chưa từng có cơ hội sống. Cho nên chỉ là những cái xác biết đi thôi, nên ta gọi là Người Gỗ.

-         Hề hề. . . .Ngài ngồi ở đây lâu quá nên chưa biết đấy thôi. Bây giờ người ta còn thông minh hơn trước nhiều. Người ta đã phối hợp 2 cơ chế: Tượng Gỗ và Người Gỗ để thành Thượng Đế Sống!

-         Này anh bạn, làm sao làm như vậy được?

-         Có gì đâu. Ngài là cục gỗ thế mà người ta còn làm cho mọi người phải quì lạy, van xin, cung kính, sợ hãi như thế huống hồ là người thật ! Chỉ cần người ấy đừng thực sống, phải nói và làm theo những chuẩn mực của phạm trù Thượng Đế Đám Đông. Thế là đám đông liền suy tôn người ấy là Thượng Đế Sống !

Thực ra là Thượng Đế Gỗ !

-         Này anh bạn Người Gỗ, có gì là lạ đâu chứ. Khi còn bé thì người ta chơi với con chó con, con miu, con gấu bông, khi lớn lên thì người ta chơi với bạn trai hay bạn gái của họ và khi lớn thêm chút nữa thì người ta bèn chơi với Thượng Đế Gỗ Biết Đi của mình ! . . . Hề hề. . . .

Một cơn mưa giông bỗng đổ xuống ầm ầm. Mưa rơi rào rào trên mái ngói rêu phong. Trong gian nhà cổ tối lờ mờ, thỉnh thoảng những lằn chớp trên bầu trời lóe sáng, soi rõ những pho tượng cổ đứng im lìm trong cô liêu.

Mơ hồ tôi thấy ngôi nhà chẳng khác gì một khu nghĩa địa tâm linh  với những ngôi mộ là những pho tượng cổ, trong đó chôn lấp biết bao linh hồn chưa một lần được sống.

Than ôi! Ngoài kia cũng vậy, xã hội rộng lớn như một nghĩa địa khổng lồ, mênh mông, với những nấm mồ biết đi là vô số Người Gỗ, bên trong chôn lấp biết bao linh hồn vô lượng kiếp rồi, cũng chưa một lần được sống.

 

Mây / 25/6/2011

 

Thế Giới Gỗ     /  (Nguồn: dieuquansat.com)

 

Và khi người ta lớn thêm chút nữa . . .  /  (Nguồn: dieuquansat.com)

 

Cho xin Cái Tôi   / ( Nguồn: dieuquansat.com)