Này Cỏ May

Ta ngồi một mình trên bải cỏ khu nhà nghỉ Bamboo Village. Gió từ biển thổi vào lồng lộng. Sóng biển rì rào. Hoa nắng lung linh trên mặt hồ trong vắt với hoa súng màu tím than. Bải cỏ xanh rì. Rừng dừa xỏa tóc. Chim hót khe khẻ trong vòm lá xanh tươi. Những ngôi nhà tường đất, mái tranh, lấp ló trong ngàn cây và hoa lá. Mới ngày nào làng chài này chỉ là rừng dừa hoang vu của Mũi Né/PhanThiết. Thế mà bây giờ đã là khu nghỉ dưỡng cao cấp sang trọng và đẹp vào bậc nhất nước ta. Dòng đời vẫn thế, vẫn cứ tuôn chảy theo nhịp điệu riêng của trời đất. Còn ta, ta vẫn buông xuôi mỉm cười yên lặng cùng trôi với dòng chảy ấy để về với hợp nhất với đại dương bao la của sự sống vĩnh hằng. Thế rồi, những dòng hải lưu ẩn tàng trong biển lớn Nirvana, lại đưa ta lang thang rong chơi khắp tam thiên đại thiên và thế giới loài người. . . .

Ha ha. . .ha. . .Nhớ lại những ngày vừa qua ở Népal, Bhutan, Tây Tạng, Ấn Độ và các nước Phật giáo khác. . . .Để cho những lao xao của ngoại giới và những cảm xúc từ nội tâm thật sự chìm xuống, lắng đọng và rồi tan biến đi. Ta ngồi đây, đối diện với chính mình, ngẫm người rồi nghĩ tới ta. Thấy cần phải làm mấy việc sau đây, để bước đi mà chẳng để lại dấu chân nào. Để hư không thật sự rỗng không mà ẩn tàng vạn pháp. . . .

Này Cỏ May

". . .Nhập thủy bất lập ba. Nhập lâm bất động thảo"

(Xuống nước đừng làm dậy sóng. Vào rừng đừng làm xao động cỏ cây)

Ông nghĩ sao? Ta thấy cần phải dùng chữ Vô triệt để trong pháp môn. Thế thì ta và chư huynh sẽ như gió mùa xuân nhàn du mà  chẳng thấy đầu thấy đuôi, tự nhiên rong chơi cùng trời cùng đất, chẳng cưởng cầu, chỉ thuận tự nhiên mà cơn pháp vũ vẫn đến cho muôn loài.

-          Vô sở hữu

-          Vô ngôn

-          Vô tác

-          Vô pháp

-          Vô trụ

-          Vô ngã

-          Vô vi

Này Cỏ May

-          Vô sở hữu: Nên không thu tiền của người đến tập KCDS. Sách vỡ, tài liệu, băng tập đều pháp thí cho mọi người không lấy tiền và không giữ bản quyền phương pháp. Lớp đông người mà vẫn thực hiện được là do những người hảo tâm và chính quyền giúp đỡ. Nhà Tổ và các phương tiện khác là của chung mọi người, không nhận làm của riêng.

-          Vô ngôn: Không dùng lời nói và âm thanh để tác động người khác. Sau khi một người có chức năng và chuyên môn hướng dẫn cách tập cho bà con. Trong lớp KCDS, thầy và chư huynh không cần dùng Hải Triều Âm và lời nói để dẫn dụ nữa. Không cần dùng âm thanh trong lớp tập. Hoàn toàn yên lặng. Thế mà mọi người vẫn đắc khí vẫn điều khí trị bệnh và vẫn vận động toàn thân được bằng năng lượng, và lẽ dĩ nhiên bệnh của họ sẽ vẫn lành như bao lâu nay không có chi thay đổi. . . .Này Cỏ May, đó chính là ta và chư huynh sẽ dùng Vô Ngôn mà vẫn Thông được với bà con, để bà con không bị ảnh hưởng bởi âm thanh và lời dẫn dụ.

-          Vô tác: Trong lớp học KCDS, thầy và chư huynh sẽ ngồi im không cần dùng Đại Thủ Ấn để phát công. Chỉ cần ngồi yên lặng mỉm cười, không có chuyển động nào. Thế mà mọi sự vẫn cứ diễn ra như bao lâu nay: Bệnh nhân sẽ vẫn đắc khí, sẽ vẫn điều khí tự trị bệnh và sẽ vẫn tự vận công tập toàn thân để tự trị lành thân và tâm bệnh của mình. Và lẽ dĩ nhiên bệnh của họ sẽ vẫn lành như bao lâu nay không có chi thay đổi. . . . Đó chính là vì ta và chư huynh dùng Vô Tác Diệu Lực để làm mà như không làm vậy. Này Cỏ May, đã là hòn than thì đặt đâu hơi ấm cũng sẽ tỏa ra chung quanh. Đã là hoa sen thì đặt đâu hương thơm cũng sẽ lan tỏa ra chung quanh. Thật sự đã là vị huynh của KCDS, thì chỉ cần ngồi im không cần làm gì, không cần nói gì, năng lượng cũng cứ tỏa ra chung quanh cần gì phải cường điệu chứ ?!

-          Vô pháp: KCDS nhằm giúp người tập tự điều trị Thân và Tâm bệnh của mình. Tăng cường sức khỏe, chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Trên căn bản của văn hóa dân tộc. KCDS du nhập tất cả những phương pháp nào có lợi cho mọi người theo các mục tiêu trên. Hợp sáng với phương pháp của bản địa, để tạo thành một pháp môn luôn mới, hiệu quả hơn, thích ứng với tình huống hơn và phù hợp với cuộc sống luôn biến dịch. Nó không phải là một tôn giáo hay nhằm truyền bá giáo lý của tôn giáo nào. Nó là khách quan cho dù chỗ này hay chỗ khác nó áp dụng nhiều nội dung của Thiền và đây đó có dấu vết của Kim Cương Thừa Phật giáo, cũng như Yoga của Hindu giáo. . . .Nó chỉ là một phương pháp tập luyện về cơ thể và tâm lý và hình thành một một phong cách sống có tính nhân văn, nghệ thuật và luôn tràn đầy hạnh phúc. Vì thế, nó là Pháp Vô Pháp. . .

-          Vô trụ: Bản thân ta không có nơi nào là trụ xứ nhất định. Ta và chư huynh cùng ăn, cùng ở, cùng làm với mọi người ở khắp mọi nơi. Cùng vui buồn, đói no, ấm lạnh với mọi người. Đem pháp môn KCDS đến cho mọi người để góp phần nhỏ bé của mình vào việc nâng cao hạnh phúc của cộng đồng. Qua đó học tập những điều hay cái đẹp ẩn tàng trong nhân gian. Cho dù phong trào phát triển và có yêu cầu của học viên. Cũng không tổ chúng quần chúng, mà để việc này cho chính quyền và các Hội đoàn thể đứng ra làm. Áp dụng pháp môn vào thực tiển của đời sống bình thường để tự thu lấy kinh nghiệm chứng ngộ riêng cho từng người, chứ không học vẹt và không nhất thiết cứ phải đi theo lối mòn của những người đi trước. Không đóng khung phương pháp. Không trụ vào hình tướng. Không trụ vào các sở tri kiến. Mà luôn tùy duyên thích ứng tình huống, tánh tự hoạt dụng, thiên biến vạn hóa mà không xa rời cái gốc tịnh, lạc và tràn đầy nhận biết.

-          Vô Ngã: Do không chấp vào sở tri kiến, luôn Vô Tướng, Vô Tác, Vô Ngôn, Vô Sở Hữu, Vô Pháp, Vô trụ. . . .v.v. . . .nên gọi là Vô ngã.

-          Vô Vi: Xuyên qua hiện tượng vô thường biến diệt. Hợp nhất với cái thường hằng bất biến, cảm nhận cái chiều biến dịch của trời đất. Thế rồi cùng trôi với dòng chảy của sự sự vật vật. Tùy theo duyên mà tánh tự biểu thị không cần dụng công, không cần cố gắng. Tự tại vô ngại, du hý càn khôn, làm mà chơi, chơi mà làm. Thật là vui thú chẳng bút nào tả được. . . .

Này Cỏ May:

". . .Thị dĩ thánh nhân cư vô vi chi sự , hành bất ngôn chi giáo, vạn vật tích nhi phất thủy,vi nhi phất thị dã. Thành công nhi phất cư dã. Phù duy phất cư thị dĩ phất khứ. . ."

Tạm dịch:

Vì vậy thánh nhân ở chỗ vô vi mà hành sự. Dạy dỗ mà không dùng lời. Để vạn vật sinh hóa mà không can thiệp. Làm mà không cậy khéo. Thành công mà không ở lại. Vì không ở lại nên không bị bỏ.

. . . . . . .

"Thị dĩ thánh nhân cư vô vi chi sự" :

Người thực hành KCDS đắc khí thông công dùng thể hóa thân mà tu luyện. Không dùng cơ bắp và tâm trí nhị nguyên.

". . . hành bất ngôn chi giáo" :

Minh sư tại thế dùng vô tác diệu lực, thông qua các biểu hiện khi hành công của từng học viên, để minh chứng các yếu chỉ của thiền, không cần dùng lời nói nhiều. Không cần hỏi bệnh, không cần cho uống thuốc, hoặc chạm vào người bệnh nhân, chỉ dùng năng lượng cách không, vẫn trị lành thân và tâm bệnh cho đám đông.

". . . .vạn vật tích nhi phất thủy, vi nhi phất thị dã. . ." :

Khi thực hành KCDS, người tập buông xuôi toàn thân, thư giãn lỏng cơ không ra gân. Tùy theo bệnh lý riêng của từng người, khí sẽ làm động tác hành công tự xuất hiện phù hợp với việc tự điều trị Thân và Tâm bệnh của mình. Không làm theo chủ quan, nghĩa là không can thiệp vào việc trị bệnh khách quan của Khí. Chỉ nhận biết tỉnh giác chiều tác động của khí để cùng trôi.

". . . .Thành công nhi phất cư dã. Phù duy phất cư thị dĩ phất khứ"

Khi lớp học KCDS kết thúc. Tất nhiên sẽ có kết quả tốt. Nhưng người dạy KCDS không vì vậy mà đứng ra tổ chức quần chúng để phát sinh nhân duyên hoặc trụ vào một chỗ nhất định nào. Việc thành lập các tổ chức có pháp nhân cho phong trào KCDS là do các Hội nhà nước hoặc chính quyền các địa phương có lớp tập làm.

Vì phong trào KCDS không phải là của riêng ai, mà là của chung mọi người, nên nó sẽ được mọi người nuôi dưỡng và ngày càng phát triển.

>>>>>>>> 

". . . .thị dĩ thánh nhân chi trị dã, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ chí, cường kỳ cốt. Hằng sử dân vô tri vô dục dã. . ."

Tạm dịch:

Vì vậy cách hành xử của thánh nhân là: Trống lòng, đầy bụng, yếu trí xảo, mạnh gân cốt. Khiến người dân vô tri vô dục. . . .

. . . . . .

". . . .hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ chí, cường kỳ cốt.. . ."  :

Người thực hành KCDS, phải luôn giữ tâm không, ăn uống đúng phép vệ sinh đầy đủ chất bổ dưỡng, không dùng tâm trí nhị nguyên phán xét suy đoán lúc hành công tránh rối loạn khí hoặc không đắc khí. Chủ yếu là rèn luyện cơ thể khỏe mạnh không bệnh tật và có tâm lý lạc quan yêu đời không bị stress.

". . . .hằng sử dân vô tri vô dục dã. . ."

Ban đầu dùng ý chí để nhận biết tỉnh giác và tạo trạng thái an lạc. Dần dần sẽ đạt "cái tự nhiên biết" và một niềm vui không nguyên nhân.

Ban đầu dùng ý chí để chuyển hóa dục thành năng lượng giác ngộ. Dần dần chuyển hóa tâm thức về hướng giác ngộ là tự nhiên tự động, không cần dụng công.

Như vậy là hướng đến cái biết tự nhiên của bát nhã và phi tâm trí. Đồng thời không diệt dục mà chuyển hóa dục thành vô dục hay giác ngộ.