Hôm nay lần đầu tiên, thầy phát công với Đại Thủ Ấn, mà không nói và không dùng Hải Triều Âm. Thế mà lớp học vẫn chuyển động bằng Khí, việc tập luyện và điều trị bệnh bằng Khí Công vẫn diễn ra bình thường hiệu lực trong yên lặng. Gần 600 người đang vận công chuyển động mà hội trường vẫn im phăng phắc, khinh an và thanh tịnh, trang nghiêm. Ôi, Vô Tác Diệu Lực nó khởi đầu cho một sự chuyển mình của pháp môn về phía cực tịnh đầy ánh sáng, an lạc và trí tuệ. Phải chăng nó là vô công dụng hạnh tự nhiên thành ?

Khi buổi tập KCDS bắt đầu, thì nó như nhập vào cái dòng chảy không đầu không đuôi miên viễn và liên tục của thực tại. Ở đó, quá khứ, hiện tại và tương lai đều gom lại trong cái tích tắc của giây phút này đây. Nhưng là cái hiện tại miên viễn, chứ không chết lặng. Bởi vậy các biểu hiện khi thực hành KCDS là phi không gian và phi thời gian, không có đúng và sai, tự tại và vô ngại. Trong đấy cái hành động làm mà không có người làm biểu thị thuận tự nhiên, vừa vặn, trùng khít và ăn nhịp với dòng chảy miên viễn chung của thực tại. Là sự tương dung tương nhiếp của vạn hữu trên cái nền trong suốt đầy ánh sáng của không gian vô giới hạn. Một thế giới ánh sáng vượt ngoài những chia cách, âm u và xấu xí dẫy đầy. Như thế giới của sự nhắm mắt, bây giờ hoát nhiên mở ra, tràn ngập huệ quang, phúc lạc, trong suốt. Mọi sự đột nhiên rõ ràng sắc nét và không thể nhầm lẩn.

Này Cỏ May, như vậy cho nên, không phải là tập luyện mà là nhập pháp giới. Bởi vì vòng đai chật cứng của ngã chấp đã bị chảy tan ra và cảm giác về sự hữu hạn đã không còn đè bẹp chúng ta nữa.

Này Cỏ May, như vậy KCDS đầy sinh khí khi nhập thế phục vụ lợi ích của mọi người. Nhưng không vì thế mà nhuốm mùi phàm tục mà những hành động bình thường của nó luôn tỏa hào quang, bay bổng, đầy ánh sáng và ngát hương thơm của pháp giới.

. . . . .

-          Cụ ơi, vừa rồi cụ có nhân duyên di xứ người thú vị quá. Con muốn đi mà không có tiền. Vậy những người nghèo như chúng con thì làm sao có cơ hội tiếp xúc được mật pháp của Như Lai?

-          Này ông, xưa Bàng Uẩn đã có câu thơ lừng danh ta đọc để tặng ông:

Thần thông tịnh diệu dụng

Vận thủy cấp ban sai

Tạm dịch là:  

Này Thần thông !

 Này diệu dụng !

Ta gánh nướ

Ta đốn củi

-          Con ngu muội chưa hiểu được ý người xưa xin cụ cho một thí dụ khác.

-          Hề hề. . . .Cho ta bình trà sen thì ta sẽ nói

-          Có ngay. . . .có ngay . . . . .

-          Này ông, xưa Tổ Sư Lâm Tế có bài pháp về Văn Thù(Manjuri), Phổ Hiền (Samantabha) và Quán Thế Âm (Avalokitesvara) như sau :

«  Có một số tăng đồ tìm kiếm văn Thù trên Ngũ Đài Sơn, nhưng họ đã bước sai hướng rồi. Chẳng có Văn Thù nào trên Ngũ Đài Sơn. Các ngươi muốn biết Ngài ở đâu không ? - Ngay tại lúc này, cái gì đó đang hành sự trong các ngươi, vững vàng không lay động, tin chắc không nghi ngờ, cái đó chính là Văn Thù sống vậy. Ánh sáng vô phân biệt chớp lên trong một niệm của các ngươi, đấy là ngài Phổ Hiền của các ngươi thường trụ chân thật. Mỗi một niệm của các ngươi, mà biết cách bẻ gãy xiềng xích, được giải thoát trong mọi thời, đó là đang thâm nhập chánh định của Quán Thế Âm. Mỗi một vị cũng hiện hành đồng thời và đồng xứ, tuy 3 mà một. Một khi hiểu được vậy, các ngươi có thể tụng đọc các kinh điển »

Bình về bài pháp « văn Thù không có trên Ngũ Đài Sơn » một thiền sư đã làm bài tụng sau :

Hà xứ thanh sơn bất đạo tràng

Hà tu sách trượng phỏng Thanh Lương

Vân trung túng hữu kim mao hiện

Chính nhãn khan thời phi cát tường.

 Tạm dịch :

Núi xanh đâu chẳng Đạo tràng

Cần gì chống gậy hỏi Thanh Lương

Giữa trời dù có sư tử hiện

Trợn mắt trông ra chẳng Cát Tường

 

(Bị chú: Ngọn núi Thanh Lương trong dãy Ngũ Đài Sơn. Nơi đó truyền thuyết nói Bồ tát Văn Thù hay xuất hiện, có khi hóa thân làm người chăn trâu. Kim Mao Sư Tử biểu hiện cho trí tuệ. Văn Thù thường ngự trên đó. Cát Tường hay Diệu Cát Tường là Hán dịch của chữ Manjuri (âm : Văn Thù Sư Lợi) )

. . . . . .

Hum:

Khi vận động Xà Quyền bằng khí. Các khớp xương chuyển động theo đường tròn. Xà tấn di chuyển theo hình xoắn lốc. Toàn thân trông như khối cầu bằng thủy tinh trong suốt lấp lánh ánh sáng, cực tịnh và đang quay theo dòng biến dịch miên viễn. Do vậy gọi là "Viên Dung".

Người tập Xà Quyền có cảm giác tan biến và hợp nhất với trời đất trong thế Thiên Địa Nhân Đồng Nhất, khiến mỗi người tập như là một tổng thể cụ thể. Nghĩa là mỗi một thực tại cá biệt, ngoài tính cách nó là nó, còn phản chiếu trong nó cái toàn diện.

Mỗi người như một giọt nước trong đại dương của Khí. Mỗi người như một nốt nhạc trong bản đại hòa tấu vô thủy vô chung không bao giờ ngừng nghỉ của trời đất. Ở đây nó hơi giống quan niệm của Hégel về những tổng thể cụ thể, vì nó là trạng thái Cái Một hợp nhất với Cái Toàn Diện không kẻ hở. Cho nên, một hệ thống của quan hệ toàn diện, cùng một lúc, tồn tại giữa những hiện hữu cá biệt, cũng như giữa những cá thể và phổ biến, giữa những luồng nội khí riêng rẽ và trường năng lượng phổ quát. Màn lưới toàn diện của những quan hệ hổ tương này khiến mọi bài tập của KCDS đều có tính "Tương Dung".

Thí dụ như: Đốt một cây nến,rồi đặt những mặt kính thành vòng tròn quanh nó. Ánh sáng từ tâm điểm làm phát động một cuộc giao thoa toàn diện giữa các luồng ánh sáng phản chiếu. Khiến trong mỗi cái gương có vô lượng vô biên hình ngọn nến đang cháy. Đó là sự biểu thị kỳ diệu của Viên Dung và Tương Dung.

Đối với KCDS, Sức mạnh và các khả năng kỳ lạ của nó, thường làm người ta ngạc nhiên, cũng là từ Viên Dung và Tương Dung mà ra. Nó là sức manh và sự huyền diệu của sự tương quan tương hổ, đan chéo nhiều chiều, toàn diện và tổng lực, khi Cái Một hợp nhất với cái Toàn Diện, khi giọt nước rớt vào lòng đại dương của Tánh.

Ha ha. . . .ha. . . .Khi một cánh cửa đã mở ra và ánh sáng bừng lên từ nơi mạch nguồn sâu thẳm, soi vào ý thức tối tăm của chúng ta, thì tất cả những giới hạn của không gian và thời gian tức khắc bị tiêu tán mất và chúng ta những bộ xương khô từ mộ địa đang đội mồ phục sinh đứng dậy. Ngước mặt lên, nhìn mặt trời huệ đang chói chang, rống lên tiếng rống của loài sư tử chúa : " Hum. . . Trước Abraham, tôi là tôi. . . ." 

Mây/23/8/2010