KHÍ có nghĩa là bất nhị, CÔNG có nghĩa là Dụng của khí qua duyên, còn DƯỠNG SINH là tính Diệu Hữu của Khí Công tánh không.Vậy KCDS có nghĩa là: Không, Vô tướng, Vô tác và Vô Niệm.

Bởi Không cho nên : Không nhằm hình thành giáo phái, không thu học phí, không tổ chức quần chúng, không giữ bản quyền phương pháp, không trụ xứ ở một nơi nhất định nào, mà nhàn du trong nhân gian, không có người phát công và kẻ thụ công, không xác lập một điều gì mà tùy duyên hiển tướng. . .v.v. .  .Ở nơi cái thường của Khí mà tùy duyên thích ứng an lạc với vô thường của cuộc đời. Biết rằng có bệnh giả nên có chữa giả, có tạm thời quên nên có tu phương tiện. Biết huyễn áo (maya) nhưng vui với cuộc huyễn áo này mà không chấp.

Bởi Vô Tướng cho nên: Tướng nào cũng tùy thuận. Như con ong hút mật hoa mà không làm hư cái hoa đi. Rong chơi khắp nhân gian, tu và chơi, chơi và tu mà không phân biệt, Thu góp mà không chất chứa tinh hoa của cuộc sống, để tạo thành mật ngọt cho cuộc đời này. Thế thì hoa nào cũng ghé qua, chỗ nào cũng bay đến, hòa hợp đồng nhất với pháp giới. Thành giọt nước rót vào lòng biển cả mênh mông của tình nhân ái, chớ không ngã mạn biến phương pháp thành vết dầu loang trên mặt đại dương của Tánh.

-          Này, nếu đã là Tánh Không thì giữa "nội khí" của người niệm"Tôi đang nhận khí đây" với Khí Bản Nhiên có sự khác biệt nào chăng?

-          Không khác biệt giữa hai bên. Thậm chí không khác biệt với chính người đang niệm.

-          Nếu không có sự khác biệt tại sao có niệm để Đắc Khí?

-          Niệm là Dụng của Khí và Khí là Thể của các biểu thị và động tác tự hành.

Bởi vậy Vô Tác chính là yếu chỉ của KCDS. Cho nên khi chứng Tánh Không thì tất cả các sự thấy, nghe, nghĩ, biết và chuyển động khi thực hành KCDS, mãi mãi vẫn là tịch tỉnh không hư.

Này, như con chim chích chòe kia, mặt trời vừa lên, ánh sáng ban mai làm nó hưng phấn cất lên tiếng hót. Ta cũng vậy dưới ánh áng của mặt trời huệ, ta cũng hát bài ca KCDS trên khắp mọi miền đất nước. Ta không có ý muốn riêng, ta không có ý định riêng, ta không có suy nghĩ riêng, ta chỉ như cái gương tròn và sáng sẳn sàng phản ảnh thế gian, thiên đường và địa ngục.

Mọi sự chính là Khí, nhưng Khí không chỉ là mọi sự mà còn là cái chưa hình thành nên mọi sự.

Ha ha. . . .ha. . . .tất cả những cái phản ảnh chỉ là bóng trong giương, cái thực là ở chỗ khác, không thể nói năng, bày biểu, chỉ vẽ hay thấy biết được. . . .

. . . . .

Nói chuyện với người trong gương

Đêm đã về khuya. Bên ngoài mưa gió đầy trời. Trong nhà Cỏ May và ông Mập đang ngồi uống trà tán dóc. Hai cái bóng chập chờn trên vách:

-          Hề hề. . .Này Ông Mập, làm sao để thường trụ khí ?

-          Vô sở trụ

-          Người xưa đã dạy: "Phàm Thánh tình tận, thể lộ chân tình, sự lý bất nhị tất như như Phật."Thế thì có phải người tập KCDS chỉ cần trừ bỏ vọng tưởng vọng niệm thì khế hợp Chân Tâm hay thường trụ Khí. Tâm ấy là bất sinh khi đối trần cảnh ?

-          Đối KCDS, tâm cũng bất sinh.

-          Bất sinh thì làm sao hoạt dụng ?

-          Phản ảnh

-          Thế nếu mình và Khí hợp nhất thì thế nào?

-          Này Cỏ May, khi Khí hợp nhất với Thân Không và Tâm Không thì tự nhiên luôn hoạt dụng thích ứng tình huống và như vậy sẽ khinh an trong dòng biến dịch của sự sự vật vật.Thế nhưng con người thật của ông thì phải luôn yên lặng giữ gìn tịch tĩnh để hợp nhất với hạnh phúc tối thượng.

Ha ha. . . .ha. . . Ứng theo cơ, tùy vật chiếu, ngu ngơ hoạt dụng, chẳng chấp chẳng bỏ, tùy thích an vui trong từng cử động nhỏ của mình. Như thế thì hương trà chẳng ngớt thơm, trăng xưa vẫn thường tịch chiếu, lối củ đường mây khách đến chơi.

"Bản lai vô nhất vật, nên dù có mang đến ngay cũng chẳng có chỗ để". Bởi thế nên tạm gọi là Phát Khí, Thụ Khí và Đắc Khí! Chứ tình thật đều như đứa bé đang cử động trong bào thai của mẹ nó.

-          Này Ông Mập, một mảy trần cũng không lập, làm sao đúng sai, xấu tốt, bệnh, không bệnh, sinh tử khổ đau. . . .hiện tiền cả ?

-                    Như nói chuyện với người trong gương rồi nhăn mày nhíu trán. . . .

 

Mây/22/8/2010