Như mây bay trên trời. Bay đầy trời mà không để lại dấu vết gì.

Này Cỏ May :

-          Đừng ham thuyết giảng mà nên yên lặng lắng nghe. Khi lắng nghe người khác, thì nét mặt thanh tịnh, nụ cười yên lặng, tùy hỷ với những điều tốt đẹp và không công kích những điều mình cho là không đúng. Đấy là vì tâm Phật thì nhìn đâu cũng Phật. Còn tâm nhị nguyên nhìn đâu cũng thành đấu tranh.

-          Yên lặng, tùy duyên làm điều tốt, thì tự nhiên sẽ chuyển hóa được pháp giới, chứ không cần chứng minh mình đúng người kia sai để sa vào đấu tranh hý luận và hí sự.

-          Hung dữ thì dùng từ bi, loạn động thì dùng thanh tịnh, sân hận thì dùng an lạc, đấu tranh thì dùng rỗng rang tự tại, phi pháp thì dùng hợp pháp, vô minh thì dùng bát nhã, chấp hữu thì dùng vô sở hữu, chấp pháp thì dùng vô pháp, chấp ngã thì dùng vô ngã. . . . . . .

Này Cỏ May:

-          Kẻ ác dương thế, thiên ma nghịch cảnh, chính là cơ hội để rèn tâm dưỡng tánh, phát huy huệ lực và từ bi lực. Không có huệ thì không vượt qua được tình huống. Còn không từ bi thì sẽ lạc vào ma sự.

-          Như vậy mặc cho sự đời hung hiểm, người tu đi vào đời bằng 2 chân: Một chân Bát Nhã và chân kia là Từ Bi, thì luôn ung dung nhàn hạ, tự tại vô ngại, rong chơi hành thiện khắp nơi mà lúc nào cũng rỗng rang thú vị. Việc đời việc đạo như nước đổ lá sen, chẳng dính vào đâu được.

Này Cỏ May:

-          Khi ngươi có vật chất thì tự nhiên sẽ khêu gợi lòng tham nơi kẻ ác khiến nó nổi tâm tham muốn chiếm hữu. Vậy người tu thì không nên có tư hữu.

-          Khi ngươi có danh tiếng thì tự nhiên sẽ khêu gợi lòng háo danh nơi kẻ ác khiến nó nổi tâm tham muốn cũng được như vậy nên sinh giặc miệng. Cho nên người tu khi thấy mình qua việc hành thiện sinh nổi tiếng thì phải tự biết làm giảm cái tiếng ấy đi bằng cách làm cho nhiều người cũng làm được như mình.

-          Khi người tu có bí mật pháp môn diệu dụng thì tự nhiên sẽ khiến kẻ ác nổi tâm tham, muốn sở hữu riêng pháp ấy, do vậy sinh ra lừa lọc giả danh, đấu tranh và đạo đức giả. Vậy người tu phải "Phổ cúng dường nhi trụ", phải "pháp thí vô trụ tướng" làm cho mọi người ai cũng đều có được pháp môn ấy.

-          Khi người tu qua việc hành thiện được chúng sanh kính ái gọi bằng thầy, thì tự nhiên sẽ kích động sự ham muốn làm thầy và thổi bùng sự ganh tị nơi kẻ ác khiến hắn sa vào ma sự. Vậy người tu đừng đóng vai thầy của chúng sanh mà chỉ nên làm học trò của Như Lai. Làm cho nhiều rất nhiều người cũng làm được như mình. Làm cho pháp trở thành phổ thông đơn giản ai cũng làm được.

Này Cỏ May:

-          Khi người tu mới chứng được một ít pháp của Như Lai, thường làm công đức có hiệu lực, mọi người tin theo đông. Người ấy thường tự xác lập cho mình "pháp môn riêng"để ganh đua với pháp của các vị khác cũng như vậy. Do vậy sinh đấu tranh phiền não và bị kẹt vào sở trị kiến khiến không tiến bộ được. Do vậy, ông không nên theo lối mòn ấy, vì đó là biểu hiện của Ngã. Ông hãy dùng bất định pháp. Nghĩa là không có pháp cố định, mà hãy dùng pháp Phật làn nền tảng, sau đó bất cứ cái gì có thể làm lợi lạc cho chúng sanh mà không ngược với Phật pháp thì đều có thể dung nạp hợp sáng, để tùy thời tùy lúc, khế lý khế cơ làm lợi lạc cho cộng đồng. Người xưa đã dạy: "Nay ta trao cho con pháp vô pháp. . . ." chính là như vậy.

Này Cỏ May:

-          Nhà là chùa, chùa là nhà. Tu sĩ là dân, dân là tu sĩ. Phật pháp bất ly thế gian pháp. Thế gian pháp hàm tàng Phật pháp. Không có tướng mà tướng nào cũng biểu thị được. Không có pháp cố định mà pháp nào cũng có thể hiển bày Phật pháp. Làm cái Phật tánh trong từng sự vật biểu thị ra ngoài, khiến việc bình thường có hào quang. Làm cái « Minh đức » trong từng người "tự minh" ra ngoài, khiến ta bà thành cõi nhân hậu có nghĩa có tình. Trong từng sự sự việc việc đều cảm nhận, đều thọ hưởng cái thú vị, cái an lạc, cái đồng điệu của Phật Tánh ẩn tàng nơi biến dịch.

Thế thì khi có người hỏi niết bàn là gì ? Ông hãy trả lời :

-          Đấy !

Ba Gàn/ ghi lại theo lời giảng của Già Năm /27/7/2010