Nó ngước lên nhìn Ông Mập và cười hềhề:
- Ông Mập ơi, ông tài thật, ông tạo các cục u này giống như thật, khiến cây mai uốn éo tạo thành các tư thế đẹp quá.
- Này nhóc, ta đâu rảnh mà làm như vậy
- Ông làm gì mà không rảnh?
- Ta bận ăn cơm uống trà và đi chơi
- Đầu tiên? Tiền đâu?
- Ta bán mấy cây mai độc chiêu này lấy tiền xài chơi.
- Để có được cái dáng uốn éo ẹo ọ này, ông cũng mất công lắm đây
- Hềhề. . .Ta đã nói rồi, ta mắc đi chơi rảnh đâu mà làm?
- Vậy chứ ai tạo dáng cho những cây mai này?
- Hềhề. . .mấy con sâu đục thân chứ ai.
- Ông nói sao, chứ không phải nó làm hại cây sao?
- Ai cũng tưởng vậy, còn ta thì không.
Này nhóc, nếu do con người cố ý làm thì dù có khéo cách mấy đi nữa cũng sẽ thấy ngay các vết giả tạo. Đấy ngươi xem cây si, cây đa, cây bồ đề bonsai này do chú Tư Chim gửi, chú ấy đã cố ý đục thân và gọt vỏ để tạo ra dáng cổ kính. Tuy lâu ngày cây đã liền da và tạo thành các hốc, các u sần, nhưng tinh mắt vẫn nhận ra được. Còn cây mai của ta thì không phải vậy.
- Ông Mập ơi, ông làm sao để được vậy?
- Ta chỉ không phun thuốc trừ sâu, để con sâu đục thân tự nó làm thành vậy. Hềhề. . . mày biết không nhóc, cái giống mai vàng này, có giống sâu hay ăn thúi đọt. Con sâu chui vào trong thân cây và ăn đọt non. Nhưng cây mai không chết được. Vì tụi sâu không đủ kiên nhẫn ở lâu trong thân cây, chúng luôn phải hóa bướm. Nên sau một thời gian “núp bóng từ bi”, chúng bèn rủ nhau đi hết. . . hềhề. . . nhờ vậy mà cây mai có thời gian hồi phục không bị chết.
Tại chỗ con sâu đục thân phá hoại, nhựa cây tự làm lành vết thương và tạo thành các cục u cục nần, cành mới của cây mai nhờ vậy cũng tự nhiên đổi hướng đi. Khiến tạo thành muôn ngàn tư thế quái dị trông rất lạ mắt và rất tự nhiên. Và thế là đến mùa xuân cây mai của ta lại ra hoa với dáng hình luôn luôn thay đổi và độc đáo.
Mùa xuân là mùa ra lộc non, nên sau khi tết xong, sâu đục thân lại xuất hiện để ăn lá non, để phá hoại ngầm cây mai. Hềhề. . . nhờ vậy cây mai lại có thêm cục u, cục nần và cành lại tự đổi chiều đi. Và thế là mùa xuân năm tới ta lại có cây mai hoàn toàn mới, đẹp hơn, lạ mắt hơn và luôn luôn đổi mới.
Những người mua mai của ta không biết bí quyết này. Họ xịt thuốc trừ sâu và tiêu diệt hết sâu đục thân nên cây mai họ không tạo thêm cục u cục nần, cành không đổi chiều, không tạo thành dáng mới được.
Vả lại cây mai của họ do không bị sâu phá nên quá sung sức, ra lá quá nhiều, dáng quá mượt, quá suông, không có dáng già cỗi kỳ quái được.
Do vậy mà người chơi mai, đều phải đến thuê mai của ta, chơi tết xong lại đem gởi cho ta săn sóc. Mà ta thì lại nhờ lũ sâu đục thân săn sóc hộ, tạo dáng giùm !!!
Hềhề . . . Nhờ lũ sâu đục thân mà ta có thời giờ đi chơi thoải mái, vườn mai của ta bao giờ cũng đẹp, cũng hấp dẫn bởi muôn ngàn cục u cục nần, muôn ngàn tư thế kỳ bí quái đản con người không cách gì tạo ra được.
Hềhề. . . hoan hô sâu đục thân, vô cùng cảm ơn các ngươi. . . Nhờ các ngươi mà ta cứ đi chơi nhưng vườn mai ta lúc nào cũng đẹp, cũng liên tục phát triển. . . hềhề. . .!
- Này lão Mập, đúng là không ai ngờ. Nhưng này, cây mai này có dáng độc đáo nhất, nó có quá nhiều cục u cục nần. Cháu đếm có đến 15 cục u lận và như vậy cành nó tự đổi chiều tới 15 lần rồi. Ông phải cho nó một cái tên chứ. . . .cây thế thì phải có tên nghe mới oách. . .hềhề. . .
- Này nhóc, cây mai này ta trồng trên 15 lăm năm rồi. Nó có trên 15 cục u cục nần và hốc. . . Do vậy cành nó cũng tự đổi hướng tới 15 lần lận. Nó là cây mai thế đẹp nhất, giá trị nhất trong vườn mai của ta.. . . Ta đặt tên nó là “CÂY MAI KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH”. . . hềhề. . .
Nắng mùa xuân vàng ươm như mật ong. Trên cây mai ”Khí Công Dưỡng Sinh” cu Tý thấy một vài đọt non đang héo. Từ những chỗ ấy một dòng nhựa vàng đang chảy ra thơm lựng. Nó chỉ cho Lão Mập thấy và cười thật to:
- Này Ông Mập, chỗ lá non đang héo đấy, chắc là có tụi sâu đục thân đang đục thân cây mai đấy.
Lão Mập chấp tay nhắm mắt điệu bộ rất hề để chọc cười thằng bé:
- Nam Mô A Di Đà Phật, đệ tử xin hồi hướng công đức tạo dáng mai Khí Công Dưỡng Sinh cho những con sâu đục thân này. . . Xin Như Lai gia hộ độ trì cho những con sâu này thân tâm thường an lạc, để chúng ra sức đục khoét . . . đục khoét cho nhiều vào. . . để cái hay cái đẹp cái từ bi liên tục được phát triển. . . . hềhề. . .
Có tiếng chim cuốc kêu oa oa trong lùm tre gai trước động Mẹ. Lũ giang cánh xám múa lượn trên mặt hồ Văn Sơn lấp lánh muôn ngàn vì sao nắng. Trong nhà sàn tiếng cười của lão Mập và cu Tý nghe như tiếng mùa xuân đang reo vui. . . reo vui.
Ba Gàn/26/2/2009