Này Cỏ May, khi ông ngồi thì phải Thật Ngồi.
Nghĩa là cơ thể phải hoàn toàn nghỉ ngơi và hưởng thụ trọn vẹn qua động tác ấy.
Mặt đất, cái ghế, hòn đá núi hay cái bồ đoàn. . .v.v. . với ta là cái Một, không có kẽ hở. . .
Nếu khi ngồi mà ngọ nguậy nhấp nhổm không yên hay còn dùng lực phí phạm khi ngồi. Ta gọi là bất an hay trạo cử.
Này Cỏ May, trạo cử không phải chỉ có khi ngồi thiền mà phan duyên theo vọng khởi.
Mà khi xả thiền rồi, ngồi chơi hay ngồi làm việc, mà bất an trong tư thế ngồi, không hưởng thụ trọn vẹn tư thế ngồi. Cơ còn căng, còn tăng trương lực, trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi trong tư thế ngồi. Cái ấy ta cũng gọi là Trạo Cử. . . và nó mới thật là trạo cử!
Này Cỏ May, khi ông nằm thì phải Thật Nằm.
Nghĩa là cơ thể phải hoàn toàn nghỉ ngơi và hưởng thụ trọn vẹn qua động tác ấy. Toàn bộ cơ nên lỏng ra, không dùng lực, tựa hết hay ký gởi hoàn toàn cơ thể ta cho cái giường. Nhờ tựa vào cái giường mà cơ của ta được nghỉ ngơi nhiều chừng nào thì an lạc chừng ấy.
Cái giường, cái sàn nhà, mặt đất, hay trên bất cứ một chỗ nằm nào. . . với ta là cái Một, không kẽ hở. . .
Nếu khi nằm mà còn ngọ nguậy thay đổi tư thế luôn, không yên, hay còn dùng lực phí phạm khi nằm. Ta gọi là bất an hay trạo cử.
Mà khi xả thiền rồi, nằm chơi hay nằm quán tưởng về lý đạo, mà bất an trong tư thế nằm, không hưởng thụ trọn vẹn tư thế nằm. Một nhóm cơ nào đấy còn căng, còn tăng trương lực, trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi trong tư thế nằm. Cái ấy ta cũng gọi là Trạo Cử. . . và nó mới thật là trạo cử!
Này Cỏ May, khi ông đứng thì phải Thật Đứng.
Nghĩa là cơ thể phải hoàn toàn nghỉ ngơi và hưởng thụ trọn vẹn qua động tác ấy. Toàn bộ cơ nên lỏng ra, không dùng lực, tựa hết hay ký gởi hoàn toàn cơ thể ta cho mặt đất và hư không chung quanh ta. Nhờ tựa vào mặt đất và hư không chung quanh mà cơ của ta được nghỉ ngơi nhiều chừng nào thì an lạc chừng ấy.
Mặt đất và không gian chung quanh. . . với ta là cái Một, không kẽ hở.
Này Cỏ May, khi không cần thì không đứng vì đứng là còn dụng lực nhiều quá khiến cơ thể ít thoải mái.
Thế nhưng nếu đã phải đứng, thì hãy Thật Đứng, nghỉ ngơi nhiều nhất ở tư thế đứng của mình. Nếu khi đứng mà còn ngọ nguậy thay đổi tư thế luôn, không yên, hay còn dùng lực phí phạm khi đứng. Ta gọi là bất an hay trạo cử.
Mà khi xả thiền rồi, đứng chơi hay đứng làm việc, mà bất an trong tư thế đứng, không hưởng thụ trọn vẹn tư thế đứng. Một số nhóm cơ còn căng, còn tăng trương lực, trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi trong tư thế đứng. Cái ấy ta cũng gọi là Trạo Cử. . . và nó mới thật là trạo cử!
Này Cỏ May, khi ông đi thì phải Thật Đi.
Toàn bộ cơ nên lỏng ra, không dùng lực, tựa hết hay ký gởi hoàn toàn cơ thể ta cho mặt đất và hư không chung quanh ta. Nhờ tựa vào mặt đất và hư không chung quanh mà cơ của ta được nghỉ ngơi nhiều chừng nào thì an lạc chừng ấy.
Nếu khi đi mà ngọ nguậy nhấp nhổm không yên hay còn dùng lực phí phạm khi đi. Ta gọi là bất an hay trạo cử.
Mà khi xả thiền rồi, đi chơi hay đi làm, mà bất an trong tư thế đi, không hưởng thụ trọn vẹn tư thế đi. Cơ còn căng, còn tăng trương lực, trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi trong tư thế đi. Cái ấy ta cũng gọi là Trạo Cử. . . và nó mới thật là trạo cử!
Này Cỏ May, khi ông nói thì phải Thật Nói.
Nghĩa là cơ thể phải hoàn toàn nghỉ ngơi và hưởng thụ trọn vẹn qua việc nói ấy.
Toàn bộ cơ nên lỏng ra, nhất là cơ mặt, không dùng lực. Nụ cười yên lặng phảng phất trong từng lời nói.
Nói thật ít, đồng cảm rung động rồi hãy nói. Lời nói tựa hoàn toàn vào pháp Như Lai, nghỉ ngơi hoàn toàn trong Phật trường của Như lai mà cái nói cứ nói. Không phải ta nói, mà Như Lai thông qua hóa thân ta nói, còn ta thì thụ hưởng sự phúc lạc tràn đầy nhận biết từ pháp nhũ của người!
Nếu khi nói mà tâm ngọ nguậy, nhấp nhổm không yên hay mặt và cơ thể còn dùng lực phí phạm khi nói. Ta gọi là bất an hay trạo cử.
Mà khi xả thiền rồi, đang nói chơi hay thuyết về lý đạo, mà bất an trong tư thế nói, không hưởng thụ trọn vẹn tư thế nói. Một nhóm cơ nào đấy còn căng, còn tăng trương lực, trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi trong tư thế nói. Cái ấy ta cũng gọi là Trạo Cử. . . và nó mới thật là trạo cử!
Này Cỏ May, khi ông làm thì phải Thật Làm.
Nghĩa là cơ thể phải hoàn toàn nghỉ ngơi và hưởng thụ trọn vẹn qua việc làm ấy.
Cái nội dung, cái hồn, cái hình tướng của sự việc với ta là cái Một, không có kẽ hở. . .
Hãy để Thân nương theo ân điển thiêng liêng (bakti) làm. Hãy để Tâm trụ bát nhã tùy duyên hiển tướng.
Còn ta thì hãy nghỉ ngơi bằng cách cực lặng yên nhận biết tỉnh giác, chứng kiến toàn bộ công việc một cách phi nỗ lực.
Điều chỉnh Thân Tâm thế nào để sự làm là Thật Làm, để cái an lạc làm, để cái đồng cảm làm, để cái rung động làm, để cái trí huệ làm, để Phật làm. . . còn Ta thì bao giờ cũng nghỉ ngơi trong lặng yên.
Nếu khi làm mà ngọ nguậy, nhấp nhổm không yên hay còn dùng Tâm lực và Thể lực phí phạm khi làm. Ta gọi là bất an hay trạo cử.
Mà khi xả thiền rồi, làm việc mà bất an trong tư thế làm, không hưởng thụ trọn vẹn việc mình làm. Thân còn căng, cơ còn tăng trương lực, trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi trong thao tác làm. Tâm còn căng, còn dụng lực, trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi qua việc làm.
Cái ấy ta cũng gọi là Trạo Cử. . . và nó mới thật là trạo cử!
Này Cỏ May, khi ông giao tiếp với người khác thì phải Thật Giao Tiếp.
Nghĩa là Thân Tâm phải hoàn toàn nghỉ ngơi và hưởng thụ trọn vẹn qua việc giao tiếp ấy.
Pháp giới và chúng sanh với ta là cái Một, không có kẻ hở. . . Thì cái tướng giao tiếp là giản dị bình thường khiêm cung nhàn hạ và ở vị trí thấp nhất.
Mọi câu thần chú nhà Phật đều khởi đầu bằng UM: nghĩa là rỗng không mà hiển thị thành vạn pháp và kết thúc bằng Tát Bà Ha (Svaha) nghĩa là khiêm cung đảnh lễ. Nghĩa là ở vị trí thấp nhất để được nghỉ ngơi nhàn hạ!
Này Cỏ May, như nước luôn chảy về chỗ thấp nhất. Khi người tu ở vị trí tương đối thấp hơn so với cái tâm ngã mạn của chúng sanh thì sẽ luôn được nghỉ ngơi không bị lôi vào hí luận và hí sự!
Người nói xấu ta, ta không nói xấu lại
Người nói oan ta, ta không cần cải chính
Người đánh ta, ta tránh để bảo tồn tính mạng mà không đánh lại
Người lập mưu hãm hại ta, ta có trí huệ để tránh mà không hại lại
Người đem trần cảnh đến ta, ta mỉm cười giữ tâm không mà không phan duyên để mất an lạc.
Này Cỏ May, làm như vậy là luôn được nghỉ ngơi khi giao tiếp, không mất lời, mất lực, mất hòa khí, mất an lạc.
Người tự cao ngã mạn khi giao tiếp thường ngọ nguậy, nhấp nhổm không yên, phải dụng thể lực tâm lực, nói rất nhiều, làm rất nhiều để bảo vệ cái Tôi đang ngất ngưởng trên cao nên rất mệt!
Ta gọi là bất an hay trạo cử.
Mà khi xả thiền rồi, giao tiếp với người khác mà bất an trong tư thế, bất an trong lời nói, bất an trong ý nghĩ thì không hưởng thụ trọn vẹn qua cái duyên giao tiếp ấy! Thân còn căng, cơ còn tăng trương lực, trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi khi giao tiếp. Tâm còn căng, ý còn tăng trương lực, trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi trong giao tiếp.
Này Cỏ May, khi ông tu thì phải Thật Tu.
Nghĩa là Thân tâm ông phải hoàn toàn nghỉ ngơi và hưởng thụ trọn vẹn qua việc tu.
Đạo Đời và muôn sự với người tu là cái Một, không có kẽ hở. . .
Nếu khi tu mà Thân Tâm ngọ nguậy, nhấp nhổm không yên hay còn dùng ngã lực. Ta gọi là bất an hay trạo cử.
Mà bất kỳ lúc nào cũng bất an trong tu học và làm Phật sự, không hưởng thụ trọn vẹn việc tu của mình. Thân còn căng, cơ còn tăng trương lực, trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi trong việc tu. Tâm còn căng, ý còn gắng sức trong khi đáng ra nó phải được nghỉ ngơi trong việc tu.
Này Cỏ May, nếu chấp mình là cái Thân đang tu, nếu chấp mình là cái Tâm đang rèn, thì thật sự mình chưa nghỉ ngơi được.
Khi: Ăn Thật, Uống Thật, Ngủ Thật, Nghĩ Thật, Đi Thật, Đứng Thật, Nằm Thật, Ngồi Thật tức là Tu Thật.
Và Tu Thật thì sẽ Hội Nhập với Con Người Thật.
Chỉ khi hội nhập với vị Phật tại tâm này, thì mới thật sự nghỉ ngơi, mới thật sự an lạc, mới thật sự thụ hưởng Hữu Dư Y Niết Bàn. . . .
Hềhề. . . mà thật sự cũng chẳng phải là nghỉ ngơi. Vì Con Người thật thì chưa làm bao giờ!!!
Tưởng Vậy/18/9/2008
. . . . .
Nói Thật và Thật Nói
Tại QuánTrà, hai Trà sĩ đang tâm sự cùng nhau.
Một ông chồm người về phía ông kia, vừa nói vừa vung hai tay với điệu bộ và vẽ mặt cực kỳ quan trọng:
- Tôi nói với ông một điều quan trọng này nhé: Nói thật với ông, tôi chưa nói thật với ông bao giờ !
Ông kia đang nhấp nhổm trên ghế. Đột nhiên yên lặng hồi lâu rồi nói với giọng buồn buồn chán chường:
- Ối dào!. . . Nghĩa là bây giờ ông cũng đang không nói thật!
Lúc ấy, CuTý và Ba Gàn cũng đang ngồi uống Trà bàn bên cạnh.
Cu Tý hỏi Ba Gàn:
- Này chú Ba, theo chú thì ông kia có đang nói thật không?
- Này cháu ta đang thưởng thức Trà nên không để tâm phán xét việc ấy làm gì. Nhưng cháu đã hỏi thì ta nói cho cháu biết:
Hai ông ấy Nói Thậthay không thì ta không biết. Nhưng qua cung cách điệu bộ khi họ nói ta biết là họ đang không: Thật Nói
Mô Phật! Nói Thật khác với Thật Nói !
Năm Đờn Cò/19/9/2008