Phật, Pháp, Tăng.
Tạng Kinh, Tạng Luận, Tạng Luật.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụp lại nên hòn núi cao”
Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp.
Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.
Bế Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần…
….
Bạn có thấy có cái gì đó chung ở đây không, tôi nghĩ chắc bạn đã thấy. Con số ba.
Nhưng ở đây không đơn thuần chỉ là con số. Những cụm từ vừa nêu còn là sự thể hiện của một khái niệm triết học là Tam Tài.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Bế Tinh chưa đủ, thêm cả dưỡng Khí nữa cũng chưa đủ, có cả tồn Thần nữa mới tốt
Thiên thời là tốt mà chưa đủ, Địa lợi nữa cũng chưa thật thuận lợi, có cả Nhân Hòa nữa mới đủ yếu tố thành công.
Chỉ cần một trong ba mảng Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp mà đau yếu thì hệ thống xã hội bị rối loạn.
Tu tập mà không đủ cả Kinh, Luận, Luật thì khó chứng.
Quy y bao giờ cũng đủ tam bảo, Phật, Pháp , Tăng… Không quy y Phật thì làm sao học Phật, không quy y Pháp thì theo Pháp nào mà tu, không quy y Tăng thì biết nương vào đâu mà chứng Pháp .
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao..”
Bạn bỏ tạp chí xuống bàn, nhắm mắt lại, và thở dài ư…không, bạn hãy thở chậm, dài , sâu và điều hòa.
Thở ra ép bụng lại tối đa… hít vào, phình bụng ra tối đa…
Thở ra thì biết mình đang thở ra… hít vào thì biết mình đang hít vào …
Bạn hãy thở ba hơi như thế. Lại ba hơi, bạn lại nghĩ, không sao cả, bạn hãy làm thử đi, rồi chúng ta sẽ nói tiếp về việc tu học của mình.
Bạn đã thở xong, bạn thấy sảng khoái hơn và căng thẳng được giải tỏa.
Vì sao chúng ta tu học đã lâu mà vẫn còn bị tam độc tham sân si nhiễu hại…
Vì sao có người may mắn hơn ta, học ít mà thấy thanh thản ...
Có bao giờ bạn nghĩ, trong cái tam tài tu học, mình đang thiếu một, hoặc hai, hoặc cả ba cái chưa. Ô hay, nếu cái kiềng chỉ có một chân, hoặc có ba chân mà chân thấp, chân cao thì sao đây.
Bạn sẽ tò mò, cái tam tài ở đây là cái gì?
Thử nhé.
Theo tôi thì là
1. Có Bồ Đề Tâm kiên cố
2. Học được Pháp Phương Tiện nơi Minh Sư mình
3. Giữ được Giới luật của Như Lai
Theo ý tôi thì đó là ba cây này sẽ làm nên non, làm bạn thành người luôn thảnh thơi, an lạc.
Tâm Bồ Đề thường trụ, bạn thường từ, bi, luôn đồng cảm với nỗi đau khổ của người khác, đồng cảm với Minh Sư của mình, bạn luôn sống và làm việc vì mọi người, tiến tới thực hành Bồ Tát Đạo với thệ nguyện vì lợi lạc của chúng sanh .
Nhờ đó mà hạt giống Bồ Đề trong bạn luôn được chăm sóc, được để ý, nó đang lớn lên từng ngày, từng giờ…
Và bạn luôn gần gũi Minh Sư của mình, qua Minh Sư , bạn học được các pháp phương tiện của Như Lai, đặc biệt là các pháp khẩu truyền, mà Thầy truyền riêng cho bạn, truyền bí mật cho bạn. Nhờ vậy mà bạn có phương tiện chuyển hóa tham-sân-si, thành giới-định-huệ. Nhờ những pháp này mà bạn chuyển hóa được các nghiệp được tích tụ từ vô lượng kiếp, biến phiền nào thành bồ đề.
Và bạn luôn giữ giới luật của Như Lai và tuân theo những hướng dẫn thực hành của Minh Sư. Như một bệnh nhân đang được bác sỹ điều trị, tuân thủ giới luật cũng giống như bạn không ăn những thức ăn trái với hướng điều trị, bạn không ra nắng mà không đội mũ, bạn không giầm nước …vv. Việc giữ giới luật khiến pháp phương tiện mà bạn học được từ nơi Minh Sư được phát huy hiệu quả. Không giữ được giới, cũng như người uống thuốc cảm mà cứ phơi nắng, giầm mưa… . Không giữ được giới, khiến bạn học pháp phương tiện kém hiệu quả, thậm chí có thể dẫn tới… lờn thuốc.
Nếu bạn không được một Minh Sư hướng dẫn, bạn khó có thể học được pháp phương tiện phù hợp với riêng bạn. Chúng ta không ai giống ai, tâm bệnh mỗi người một khác, chỉ có cách gần gũi một vị Minh Sư có cái tự nhiên biết, tức thì, ngẫu hứng.. Chỉ người Thầy như vậy mới có thể chỉ riêng cách điều trị cho mỗi chúng ta. Thầy cũng có thể chỉ cho các bạn cách dùng thuốc bổ. Kháng sinh đặc trị mà thiếu thuốc bổ thì cũng gay lắm.
Nếu thiếu bồ đề tâm, bạn hầu như không còn có cơ hội . Bạn gần Minh Sư mà chẳng thấy Người, chỉ thấy ngài là người để bạn xin pháp thuật, thần thông.. hoặc gần Ngài để bạn có thể khoe khoang với người khác, dùng sự quen biết với Ngài như một thứ trang sức cho danh tiếng của bạn. Than ôi, bạn chẳng thể học được pháp nơi Người, vì pháp khẩu truyền thì chỉ có thể qua tâm sự và đồng cảm mà trao truyền, chẳng thể gượng ép, chẳng thế cố gắng.
Thiếu bồ đề tâm ư, con tim chai đá đâu nghe được tiếng gọi của tình yêu mà tìm gặp.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Thủy Thiên