Giờ thì con đã biết, thưa Như Lai. Con cũng đã biết tại sao những kẻ đang truy tìm chân lý như con và chư huynh của mình lại hướng về thăm những nơi Như Lai đã đi qua, bởi “con tim rung động là cửa ngõ vào linh hồn ngươi đó”. Cái hạt mầm bồ đề trong trái tim con như được tưới nước, được bón phân, được ánh sáng của Như Lai chiếu tới, nó đang rung rinh , khe khẽ, rồi bùng dậy….
Để con kể lại người nghe….
Từ Việt Nam tới xứ của ngài không dễ, tàu chẳng có, đường bay trực tiếp cũng không, mà đợt này thì lại nóng quá, nên không nơi nào chịu tổ chức du lịch cả Như Lai ạ. Thế là con phải tự mày mò, tìm đường đi. Thời nay có thêm cái gọi là Internet, nên cũng thuận tiện, thưa Như Lai. Con vào các trang web, tìm thông tin về những nơi mà Như Lai đã đi qua, con cũng tìm được các hãng hàng không có bán vé trực tiếp trên Internet và cuối cùng, cũng quyết định được đường đi qua Ấn Độ. Con tính mua vé qua Bangkok rồi từ đó bay qua Calcuta, từ Calcuta con bay đi Kathmandu của Nepal rồi đi xuống Lâm Tỳ Ni, là nơi Như Lai đản sanh.
Ấy là con định vậy, mà hình như Như Lai không cho vậy, nên cuối cùng con chỉ còn một lựa chọn duy nhất là tới thẳng Bồ Đề Đạo Tràng, là nơi Như Lai đã thành đạo. Bay tới Calcuta, tồi từ đó đi tàu tới Bồ Đề Đạo Tràng.
Con đã bay ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội, con bay bằng máy bay của hãng Nokair qua Bangkok, từ Bangkok con bay tiếp qua Calcuta bằng hãng Air India Express. Lên tàu, đêm hôm đó chúng con đã tới được Bồ Đề Đạo Tràng.
Chúng con tìm được một khách sạn đối diện ngôi chùa Nhật Bản và ngủ ngon lành, đêm đầu tiên trên đất của Như Lai.
Sáng hôm sau con ngủ dậy sớm, và đi vòng quanh khu vực Bồ Đề Đạo Tràng để làm quen, và chuẩn bị để ba Thầy trò con vào thăm Như Lai và quay phim, chụp hình gửi về quê nhà. Quanh nơi Như Lai thành đạo bây giờ nhiều chùa lắm, chắc thời Như Lai tại thế thì nhiều chùa chiền, và đẹp hơn bây giờ nhiều, đúng là mọi sự đều vô thường phải không Như Lai, đã từng có lúc mà cây Bồ Đề nơi Như Lai thành đạo bị đốn chặt, đã từng có lúc Bồ Đề Đạo Tràng bị lãng quên hàng thế kỷ trong rừng… Giờ nơi đây lại đã có một bảo tháp Đại Bồ Đề nguy nga, khuôn viên với hàng trăm tháp lớn nhỏ, tu tập hàng ngàn tăng sỹ, phật tử từ các nơi trên thế giới về thăm Như Lai. Cây Bồ Đề giờ chẳng phải cây ngày xưa Như Lai đã từng ngồi, mà cũng chính là cái cây Bồ Đề đó phải không Như Lai. Lá vẫn xanh như ngày nào, vẫn rì rào cùng gió, vẫn che chở cho những kẻ hành hương về thăm ngài.
Con đi vòng quanh cây Bồ Đề, để thân tâm được ở cùng Ngài, và sự rung động thật bao la.
Rồi chúng con còn đi thăm chỗ mà nàng Sujata dâng sữa cho Như Lai. Cây đa hồi nào cũng đã không còn, cây đa bây giờ đã năm trăm tuổi . Chúng con tới thăm di tích này của Như Lai trong một đêm trăng tuyệt đẹp. Đi ngang qua một cánh đồng lúa mỳ chín tới, thơm ngát, bàng bạc ánh trăng rơi trên từng bông lúa.
Ở Bồ Đề Đạo Tràng của Như Lai ngày xưa, chỉ còn lại mấy thứ con vừa kể , còn lại thì dấu tích của tăng đoàn ngày nào chẳng thấy đâu. Ngay cả những người trông coi, quản lý khuôn viên cũng không còn là Phật Tử, mà Phật tử Ấn Độ thì con chưa gặp ai Như Lai ạ. Các con ngài qua Việt Nam ở hết rồi thì phải. Ấy là con đùa vậy, chứ anh em con còn qua cả Trung Quốc, Tây Tạng, Châu Âu, Châu Mỹ, Thái Lan, Miến Điện… nơi nào cũng có … Chúng con chỉ khác về màu da, về cách ăn mặc, về cái tướng bên ngoài, khác nhau về cái tướng tu, chứ giống nhau hết à, nhất là cái nụ cười từ ái luôn nở trên môi, tới cái tánh Bồ Đề thường trụ . Chút con quên, giống nữa là đứa nào cũng nhớ thương ngài, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đấy là tên Ngài ở Việt Nam bây giờ, chứ hồi bé, con thường gọi ngài là ông Bụt.
Chúng con ở Bồ Đề Đạo Tràng ba ngày, vừa thăm các di tích của Như Lai, vừa làm quen với cái nóng, với muỗi và thức ăn của quê Ngài.
Thức ăn quê Ngài mới khó ăn làm sao Như Lai ơi… khó ăn tới nỗi, con phải xin Minh Sư, lần sau có gửi con xuống cõi Ta Bà của Như Lai, xin Minh Sư ..gí.. con về Việt Nam, có ăn mỳ tôm thì cũng dễ chịu hơn cà ri Ấn Độ. Như Lai đừng trách con còn phân biệt hương trần, vị trần. Con chẳng phân biệt chi đâu, có điều tỷ thức và thiệt thức thì nó đã được huấn luyện lâu năm, nó dứt khoát không chịu cho cái miệng con nhận thức ăn vào.
Lần sau khi tới thăm Như Lai, anh em chúng con nhất thiết sẽ mang theo một số thức ăn dự trữ để chờ mấy cái thức giặc đó quen với khẩu vị quê ngài. Mỳ tôm chay, muối vừng… kẻo không có sức mà hành hương trong cái nóng ghê người quê Như Lai. Ấy , con cũng phải đính chính, là quê ngài có món sữa Lasi ngon lắm, con về rồi mà vẫn còn nhớ món sữa đặc trong ly gốm, trộn lẫn vài hạt nho khô…
Từ Bồ Đề Đạo Tràng, chúng con ghé thăm nơi Như Lai đã tu khổ hạnh suốt sáu năm trời. Thấy cái tượng Như Lai, ai đó tạc ngài, gày lắm, nhưng con nghĩ nghệ nhân tạc tượng còn thương Như Lai , chứ sáu năm không ăn, uống thì chắc ngài còn gày hơn, như ngài đã từng kể đâu đó. Cái động ngày xưa Như Lai luyện công khổ hạnh vẫn còn đó, sát động của Như Lai, mấy anh em con từ Tây Tạng đã xây một tu viện để tiện thờ và chăm sóc Ngài, thế cũng vui Như Lai nhỉ. Ngài đã bỏ tu khổ hạnh mà thành đạo, nhưng những gì Như Lai đã từng qua đều rất quý với anh em chúng con. Nó nhắc chúng con nhiều lắm. Khổ hạnh đâu phải chỉ là khái niệm liên quan tới thân thể, phải không Như Lai.
Rời Bồ Đề Đạo Tràng, con cùng Minh Sư và chư huynh lang thang tới từng nơi Như Lai đã đi qua, vừa đi về ôn lại những câu chuyện về Như Lai và tăng đoàn, về Như Lai và những đại đệ tử của Ngài, như A Nan, Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên... Con thấy Như Lai thật gần gũi, và các vị đệ tử của ngài cũng vậy, cũng dễ thương, dễ gần. Con thích mấy chuyện ngài kể về Đại Mục Kiền Liên, hay dùng thần thông để hành đạo, hay bướng bỉnh kiểm chứng lời Như Lai. Hay về lão Ca Diếp, biết chiêu của Như Lai hay bắt mấy biện sư im lặng vài năm, có lần cười mà không dừng lại nổi. Con thích chuyện A Nan phải chui qua lỗ khóa mà vào nơi kiết tập lần nhất. Chuyện Như Lai đã nhập niết bàn mà còn thò hai bàn chân động đậy để báo cho Ca Diếp là ngài đã biết là Ca Diếp tới, hãy nổi lửa thiêu thân xác Như Lai ở vườn Sala, Câu Thi Na.
Những chuyện của Như Lai, vừa gần gũi thân thiết, vừa mang đầy hương thơm của Như Lai. Chúng con như được cùng bước với Như Lai, khi đứa con đi cùng cha của mình thì đâu quan tâm chuyện Cha nói là đúng hay sai, thực tế hay cổ tích phải không Như Lai. Chỉ có một sự đồng cảm có đó.
Con cứ đi và đi như vậy, rồi từ chỗ này qua chỗ khác
Con có một thắc mắc khi về dạo bước cùng ngài, là ở quê ngài nhiều muỗi lắm. Làm sao Như Lai ngủ được? hay muỗi không cắn Như Lai? Hay Như Lai có thuốc gì đặc biệt??
Con thì chịu không nổi, đập muỗi thì sát sinh, không đập thì con không ngủ được, làm sao theo bước Như Lai.
Lần sau con nhất định phải mang theo kem chống muỗi.
Thư đã dài rồi, Như Lai tuổi thì đã cao, hơn hai nghìn năm trăm tuổi rồi chứ đâu ít ỏi gì, nên con tặng Như Lai một bài thơ, rồi xin dừng bút.
PS. Như Lai đừng buồn, muỗi hay thức ăn khó ăn cũng chỉ là chuyện để con kể cho Như Lai nghe , chứ con lang thang tới lui vậy chứ có xa rời Như Lai ngày nào. Nhất là khi con tim đã nhiều lần bật khóc trong những ngày lang thang theo dấu chân ngài. Nhất định con sẽ về với Như Lai.
Cỏ Non/16/8/2008