Tu Tâm Trí vào Niết Bàn như Trâu gàn qua ống tre!
-Nội ơi, hôm nay cuối tuần, cháu được nghỉ học. Nội không ở nhà ăn cơm chay do cháu nấu hay sao mà đi đâu sớm vậy? -Hềhề. . .! Ta và và mấy cụ Già trong núi nầy, rủ Sơn Thần, Thổ Địa cùng mấy con Ma Họa Sĩ vào rừng vẽ tranh chơi.

-         Thôi đi nội, nội chơi với Ma, người đời sẽ nói nội là tà đạo là giáo phái đấy?

-         Hềhề. . .! Kệ mẹ cái đời. Ta rủ chúng cùng đi chơi để chúng khỏi làm bậy khỏi tác yêu tác quái.

-         Thôi, nội giảng cho con ý nghĩa cái tác phẩm xếp đặt này, rồi con sẽ để nội muốn đi đâu thì đi. Nếu không con cũng vào rừng chơi, trưa nay nội về chẳng có cơm chay để ăn và Trà nóng để uống đâu.

-         Hềhề. . .! Thôi được Nhóc lại đây ta nói cho mà nghe:

Cái tác phẩm sắp đặt này là do chú Ba Gàn của con làm. Khi nào con gặp tác giả nhờ giảng giải cho thì đúng nhất. Ở đây nội chỉ nói theo cảm nhận riêng của mình.

Này cháu, tác phẩm sắp đặt này minh họa lại cái lỗi thường gặp của người tu Thiền. Đấy là tu bằng tâm trí!

Cháu cũng biết đấy, tâm thức của con người thường bị lệ thuộc vào trạng thái đám đông nghĩa là: “Tâm lý bầy đoàn”. Cho nên nếu việc gì mà nhận xét qua cái lăng kính “Xã hội” này thì lạc vào trạng thái “Huyễn”.

Việc tu tập cũng vậy, nếu không qua kinh nghiệm riêng của mình. Không qua cái thực chứng của riêng mình. Chỉ có cái biết qua việc học lại, nói lại, thậm chí giảng lại cái “Thực biết” của người khác thì cũng đang lạc vào trạng thái “Huyễn tu”!

Cháu thấy đấy:

Thằng bé dắt con trâu chui qua cái ống để đi về phía niết bàn!

Con trâu tượng trưng cho tâm của người tu. Và thằng bé chăn trâu tượng trưng cho việc tu tâm của Thiền.

Nếu cháu biết về “Thập mục ngưu đồ”, biết về 10 bức tranh chăn trâu nổi tiếng của Thiền. Thì thấy đầu tiên là: “Tìm Trâu”. . . . Sau đấy là “Thấy Dấu”. . . . Rồi “Được Trâu”. . . . .Rồi “Cưỡi Trâu Về Nhà”. . . v.v. . .Khi “Cưỡi Trâu Về Nhà” thì con trâu “Đen” đã “Trắng” được một nửa. Tượng trưng cho việc tu tập đã tiến bộ được một phần. . . Tâm đã Tịnh hóa được phần nào.

Ở tác phẩm sắp đặt này. Con Trâu Đen cũng đã Trắng được một phần.

Nếu bây giờ Thằng bé “Cưỡi Trâu thẳng Về Nhà” thì đúng với Thập Mục Ngưu Đồ của Tổ dạy. Nhưng thằng bé lại dắt Trâu chui qua cái hầm “Tâm Trí” chật hẹp hữu hạn của “Tâm lý bầy đoàn” hay của “Con người xã hội”.

Do vậy mà nó không cưỡi được Trâu, phải dắt con Trâu to lớn chui qua cái lỗ chật hẹp của tâm trí nhị nguyên.

Hềhề. . .! Con Trâu Tâm không thể nào chui qua được cái đường hầm “Tâm trí bầy đoàn”, do vậy mà thằng bé mãi chưa về tới nhà. . . Nói gì tới: “Quên Trâu còn Người”. . . tới “Người Trâu đều mất”. . . . tới “Như”. . . . tới “Lai”!

Này cháu yêu của nội, nội đi vào rừng để vẽ tranh đây. Cháu nhớ làm cơm và nấu Trà đủ cho mấy ông Già bạn nội và cả Sơn Thần Thổ Địa cùng mấy con Ma họa Sĩ nhé!

. . . . .

Hoa nắng nhảy nhót reo vui. Phấn thông vàng thơm lừng trong gió. Cụ Già huýt gió gọi con Mực. Con chó nhỏ tung tăng chạy trước. Nó sục mõm vào các bụi sim già trổ hoa tim tím làm lũ chim ri và cút núi hoảng hốt bay lên trời xanh rồi yên lặng đáp xuống thảo nguyên đang xôn xao cuộn sóng.

Lát sau bóng cụ già nhòe trong bóng nắng. . . chỉ còn tiếng cười ha hả vẫn lẩn quất trên các ngọn tre đu đưa và là đà trên mặt hồ Văn Sơn với muôn triệu vì sao nắng đang long lanh lấp lánh ánh cười.

. . . . .

Chim Ri chó Mực bạn già

Thần Tiên cùng với Quỉ Ma hoa rừng

Tưng bừng rừng hát chim ca

Ta bà lãng đãng vẫn đang ở nhà

Trời già cùng với trăng già

Đất già cùng với rừng xa biển gần

Diệu thân lần chuỗi Bồ Đời

Tụng chơi tam tạng Kinh Trời rỗng không

Haha. . .ha!

Thảo nguyên nhập đồng, thảo nguyên mênh mông, thảo nguyên ngông!

Rừng già gió lộng, rừng già huyền đồng, rừng già thổng thồng thông!

Ta nay lồng lộng, ta nay lông bông, ta nay bỗng lồng bồng!

Haha. . .ha!

Ta già, tranh già, văn già, thơ già, trà già, đạo già, trời già, đất già, đời đếch già!

Haha. . .h. . .a. . .a. . .a. . .a. . .!

Uống Trà đi!

 

Bảy Xị ghi lại/12/6/2008