Tắm Phật
Này chư huynh. Con đường tu tập là vượt qua 5 thể, có đủ 5 thể, vượt lên trên 5 thể, để khế Tánh hay thể nhập Phật truờng của Như Lai. Năm thể ấy là:

 

  1. Thể vật lý
  2. Thể năng lượng
  3. Thể linh hồn
  4. Thể nhận biết
  5. Thể phúc lạc

 

Tuy Phật pháp là toàn diện rốt ráo và bất khả phân. Nhưng do phương tiện thiện xảo nên tùy mức độ tu tập của chư huynh mà phân ra 5 loại pháp thực hành tương ứng:

 

  1. Các bài tập Dưỡng Sinh/Liêu trình A, thuộc về Thể Vật Lý
  2. Các bài tập Khí Công/Liệu trình A nâng cao, thuộc về Thể Năng Lượng
  3. Các bài tập Thiền Động/Liệu trình B,  thuộc về Thể Linh Hồn
  4. Các bài tập của Thiền Tịnh/Liệu trình B nâng cao, thuộc về Thể Nhận Biết
  5. Các bài tập Thiền Đại Thủ Ấn/Liệu trình C, thuộc về Thể Phúc Lạc

Và sau chót là giai đoạn của các vị huynh hành Phật sự độ sanh:

 

  1. Đó là các biểu thị của “Nghệ sĩ tâm linh” có tính sáng tạo, ngẫu hứng, tức thì, nghệ thuật và phi khái niệm. Như: viết văn, làm thơ, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sắp đặt, thuyết pháp. . .v.v. . ./Đây là giai đoạn Khế Tánh Tùy Duyên Tự hiển Tướng.

 

Này chư huynh

 

1/Để hoàn thiện Thể Vật Lý. Các bài tập Dưỡng Sinh của liệu trình A và việc tuân thủ giới luật của Như Lai, nhằm tăng cường sức khỏe, ổn định tâm lý, điều chỉnh tác phong và hành vi để thân tâm dần đi vào thế Tịnh.

 

2/Để hoàn chỉnh Thể Năng Lượng. Các bài tập Khí Công của liệu trình A nâng cao nhằm làm cơ thể “đắc khí”, khiến Thể Vật Lý và Thể Năng Lượng hợp nhất thành Một không kẽ hở, không rối loạn và tùy nghi hoạt dụng. Nghĩa là người tập phải có khả năng làm chủ năng lượng và sử dụng nó thành thục trong tu tập và làm Phật sự.

 

3/Để hoàn chỉnh Thể Linh Hồn. Các bài tập Thiền Động của Liệu trình B giúp người tập luôn chứng kiến và nhận biết tỉnh giác mọi hoạt động thích ứng tình huống của cái cơ thể (Thân) đã đắc khí.

 

4/Để hoàn chỉnh Thể Nhận Biết. Các bài tập Thiền Tịnh của liệu Trình B Nâng Cao giúp người tập luôn chứng kiến và nhận biết Tâm Thức mình:

 

Rỗng không hay có niệm

Niệm hay Vọng niệm

Tri hành hợp nhất hay đang Phan Duyên theo Vọng niệm.

 

Đến giai đoạn này người tập phải có một cơ thể khỏe mạnh một tâm lý quân bình ổn định, luôn thường trụ “Khí”, luôn thích ứng tình huống, tràn đầy nhận biết, không lạc vào vô thức bản năng hay tâm trí nhị nguyên. Như vậy người tập đã gồm đủ và hợp nhất 4 thể: Vật lý, Năng Lượng, Linh Hồn và Thể Nhận Biết.

 

Đây là điều kiện bắt buộc, cần và đủ để tu học mật Tông Đại Thừa. Cụ thể là Thiền Đại Thủ Ấn của Liệu Trình C.

 

Chư huynh chú ý:

Nếu 4 thể này hợp nhất chưa nhuần nhuyễn, các biểu hiện của “khí” còn rối loạn, thường lạc vào vô thức bản năng, hoặc nói và làm chưa Chánh Niệm Tỉnh Giác thì nhất thiết đừng ham pháp mà Tu Mật sẽ hại nhiều hơn lợi.

 

5/Để hoàn chỉnh Thể Phúc lạc, nghĩa là “Cái niềm vui không nguyên nhân” luôn thường trụ, người tập sau khi đã hợp nhất nhuần nhuyễn 4 Thể Căn Bản, sẽ thực hành Thiền Đại Thủ Ấn để Thông Công thể nhập Phật trường của Như Lai, chư Bồ tát và chư Tổ, học đạo trực tiếp với thiêng liêng với sự giám Thiền của A Xà Lê mình.

 

Này chư huynh, đây là giai đoạn Khế Tánh.

Bởi vậy chỉ là người Tốt thôi không đủ. Người Tốt ấy còn phải luôn hoạt dụng thích ứng với mọi tình huống, cùng vận động biến dịch với pháp giới. Người ấy gồm đủ và vượt trên 5 Thể này để lọt vào trạng thái: Vô ngã, vô tướng, vô tác và tự tại vô ngại.

Đấy là cái người bên trong đã đồng nhất với Phật tánh, nhưng bên ngoài có cái tướng của người “Nghệ sĩ tâm linh” tức là vô tướng mà tướng nào cũng có vây.!

 

Mô Phật! người ấy tùy thời hay dùng các phương tiện khéo để độ sanh như: Thuyết pháp, viết văn, làm thơ, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, nghệ thuật, sắp đặt, xây dựng, tạo tác.. . .v.v. . .đầy ngẫu hứng, sáng tạo đích thực, tức khắc, tức thì và phi khái niệm.

Người ấy là một biểu thị của tự do và giải thoát!

 

Này chư huynh.

Như nước không thể hiển thị khi không có bình đựng. Cũng vậy Phật là một thực thể, nhưng Phật luôn hiển thị qua thật tướng của vạn pháp.

Ở con người, Phật tánh ẩn tàng trong bất cứ ai, nhưng lại nở hoa qua “Nghệ sĩ tâm linh”!

 

Này chư huynh.

Người Nghệ Si Tâm Linh chính là Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật. Còn cái Phật Tánh như như bàng bạc rỗng không vô tướng chính là Tự Tánh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật!

 

Mô Phật. Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Nếu muốn biết thật đúng chư huynh hãy tác bạch điều này với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới được.

 

Đệ tử thành tâm sám hối các lỗi nhất định có trong bài viết này cùng Tam Bảo và xin chư huynh hãy để hương vị của Như Lai còn đọng mãi trong trái tim mình, còn mồ hôi của ta thì hảy xả bỏ nó ra ngoài!

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

 

Tưởng Vậy/6/5/2008