Ta cũng vậy, mà chư huynh cũng vậy thì việc tu tập thiền mật mới có hiệu lực. Này chư huynh, năm thể ấy hợp nhất trong cơ thể của mình, điều ấy không phải là lý thuyết suông, mà là trình tự của ta và của chư huynh khi dự pháp thoại này.
Ta lấy thí dụ :
Đối với ta chẳng hạn, đầu tiên ta ngồi ở tư thế Liên Hoa, thân thể trang nghiêm, lục căn bế chặt. Gọi là “chỉ” về cơ thể , tọa thiền chỉ quán là vậy. Đấy nghĩa là gì.
Đấy là ta dùng thể vật lý của cơ thể để truyền thông với chư huynh.
Nhưng như thế chưa đủ, như thế là phàm phu, là hữu vi, không phải tâm linh và thiêng liêng.
Sau khi ta đã có thể xác trang nghiêm, thanh tịnh như vậy, ta phải đắc khí. Nghĩa là ta còn dùng thể năng lượng để truyền thông cho chư huynh. Năng lượng ấy phải trang nghiêm, điều hòa, thanh tịnh không loạn động.
Này chư huynh, như vậy vẫn chưa được, như vậy là lệ thuộc vào phần năng lượng, nên ta phải thông công để Đại Thủ Ấn hiển thị trên đỉnh đầu, vẽ mantra vào hệ thống luân xa, khiến năng lượng bodhi khế hợp với sattva là thể xác, thành thể tâm linh bodhisattva. Này chư huynh, đó là hoạt động của thể linh hồn. Như vậy đến đây chẳng những ta dùng thể xác để làm Thầy chư huynh, ta còn dùng thể năng lượng để làm Thầy chư huynh, ta còn dùng thể linh hồn để làm Thầy chư huynh.
Này chư huynh, như vậy chưa đủ, vì còn có một linh hồn có ngã, nên ta tiếp tục phải dùng cái thể sâu hơn, là thể thứ tư, để hướng dẫn, truyền thông với chư huynh, đó là thể nhận biết, thể của Thiền. Ta nhận biết lời nói, hành động, tâm thức mình, mọi sự chung quanh cái biết tự nhiên do nhập định, tịnh mà tự có, không phải cố gắng. Này chư huynh, như vậy ngoài ba thể trước, ta còn dùng thể nhận biết để làm Thầy chư huynh.
Mô Phật, như vậy cũng chưa đủ. Không phải như người học thiền thường nói “Ta không phải cơ thể này, ta không phải tâm thức này, ta là cái người nhận biết” , đấy là Thiền phái nói như vậy, chứ vấn đề không phải vậy! Tại sao? Vì sau thể nhận biết còn có thể phúc lạc, thể an lạc, thể hạnh phúc, cái thể ấy là quan trọng nhất. Ta cũng dùng cái thể sâu hơn thể của thiền, là thể phúc lạc để làm Thầy chư huynh, để truyền thông chư huynh, để làm cái phúc lạc lan ra, thấm đậm vào pháp giới.
Này chư huynh, vị Thầy Mật Tông thật sự là gồm có năm vị Thầy như vậy, đồng nhất, thành một người Thầy vĩ đại. Người Thầy thể xác, người Thầy năng lượng, người Thầy linh hồn, người Thầy hiểu biết và người Thầy phúc lạc đồng nhất lại thành Guru tâm linh.
Kia! . . .
Thế mới gọi là Guru, thế mới gọi là Minh Sư. Thiếu một trong các thể này là khiếm khuyết.
Mô Phật, ta thế nào thì chư huynh phải thế ấy. Chư huynh không phải học bằng thể xác, đó là cái học của kẻ phàm phu… Chư huynh không phải học bằng thể năng lượng, đó là cái học của người lệ thuộc vào thế giới tâm linh, không làm chủ…Chư huynh không phải học bằng thể linh hồn, đấy là sự lệ thuộc vào cái đại ngã của Thần đạo… Chư huynh không lệ thuộc vào sự hiểu biết… đó là cái biết của nhị nguyên. Chư huynh cuối cùng phải có mặt ở thể an lạc… Bởi vì người học trò đích thực gồm có năm người học trò, phối hợp, tổng hợp, thống nhất…..Con người thật của người trò là năm người như vậy, năm đặc tính như vậy…
Năm đặc tính ấy do cái con người thật rỗng không bên trong, hiển thị ra………Vậy phải có một người Thầy tâm linh vĩ đại dùng năm trạng thái hợp lại, để thông công, đồng cảm với người học trò vĩ đại cũng bao gồm năm trạng thái như vậy. Thiếu một trong năm trạng thấy ấy thì Thầy không ra Thầy, Trò chẳng ra Trò !
Mô Phật, vậy ngươi tới đây bằng thể xác hay bằng năng lượng, bằng năng lượng hay bằng linh hồn , bằng linh hồn hay bằng niềm vui có nguyên nhân vậy?!
Mô Phật, hãy thống nhất lại, đến đây, đến hết, đến đủ năm thể của viên mãn báo thân Lô Xá Na Phật… Thế thì có sự hội nhập, không có dạy và không có học, có sự đồng cảm to lớn và mênh mông giữa cái gọi là Thầy và cái gọi là Trò. Ngươi chẳng học tự nhiên ngươi biết, ta chẳng dạy, sự việc tự nhiên truyền. Điều ấy chỉ xảy ra khi ta hội đủ năm trạng thái tâm linh ấy, điều ấy chỉ xảy ra khi các người hội đủ năm trạng thái tâm linh ấy.
Vậy trước khi nghe pháp thoại, ngươi phải làm thế nào?
Ngươi ngồi im đấy thì khác gì cục đá ngồi nghe ta nói. Ngươi dùng cái thể xác ngồi đấy, thì khác gì phàm phu, sao nghe được lời của thiêng liêng!
Ngươi đắc khí thì chẳng qua như kẻ mê tín, làm sao hiểu được chánh giáo!
Ngươi lạc vào thể linh hồn có khế ấn, chẳng qua như Thần đạo, sao học được Phật đạo.
Ngươi phải ngồi đây với đủ năm trạng thái tâm lý, ngươi mới có khả năng thông công với bề trên.
Ta bảo ngươi, đắc khí chẳng làm cái mẹ gì…. Hiểu biết chẳng làm cái mẹ gì. Thân xác kia cũng vậy.
Không được, ngươi phải có đủ, làm đủ. Điều kiện ắt có và đủ là năm trạng thái ấy phải có mặt, ngay tức khắc, chỗ này, ở đây, không phải chỗ khác.
Vậy ngươi nghe thế nào?
Ngươi hãy nghe bằng cơ thể trước, biết cách nghe, nghe mà không phán đoán, buông xuôi hết để nghe. Lắng nghe, hiểu chưa. Đấy là nghe bằng cơ thể trước.
Sau đấy ngươi đắc khí mà ngươi vẫn lắng nghe. Đắc khí mà biểu hiện của khí không lấn át sự lắng nghe, chẳng loạn động, mà khiến cho cái lắng nghe sâu sắc hơn, tế nhị hơn, toàn diện hơn, ngươi hiểu chưa. Đại bộ phận các ngươi khi đắc khí thì múa may, quay cuồng, lấn át sự lắng nghe thì làm sao ngươi nghe được !
Đến giai đoạn ngươi đắc khí mà cái lắng nghe phát triển lớn, không ảnh hưởng, không rối loạn thì ngươi phải có sự hiểu biết, sự nhận biết… không mê muội, không mê tín, không ngã mạn… Ngươi biết tâm thức ngươi đang sắc bén. Ngươi biết người đang nghe từng lời của Thầy, biết rõ cái gì nên nghe, cái gì vớ vẩn… Cuối cùng ngươi phải có niềm đồng cảm sâu sắc, khiến cho sự an lạc hiển thị. Ngươi vui mừng được dự pháp hội này, biết được chánh giáo của Như Lai, tâm thức thăng hoa và phát triển nên cái an lạc hiển thị.
Đến đây thì ngươi mới đủ sức nghe lời ta nói. Nếu không, ngươi sẽ hiểu nhầm, hiểu thiếu, hiểu sót, hiểu sai đi.
Mô Phật, chẳng những ngươi nghe, ngươi hãy sống bằng năm thể như vậy. Ngươi hãy làm việc bằng năm thể như vậy. Người hãy tu bằng năm thể như vậy. Thiếu một cái là cái con người thiêng liêng bị mất một giác quan đi.
Nếu cơ thể của ngươi tai mắt mũi miệng là ngũ quan, mà thiếu một giác quan nào, ngươi là người tàn tật. Cuộc sống của ngươi, lập tức bị co lại. Vậy con người tâm linh của ngươi mà thiếu một trong năm trạng thái ấy thì có nghĩa là mất một giác quan tâm linh, ngươi là người tâm linh tàn tật!
Trên thế giới tâm linh, ngươi là kẻ tàn tật, không thể phát triển hết sức. Đừng làm kẻ tâm linh tàn tật, mà hãy để năm giác quan tâm linh phát triển rực rỡ, sắc bén, đầy đủ. Thể chất vật lý, năng lượng, sự nhận biết, sự an lạc và linh hồn, đều có mặt, thăng hoa và phát triển đồng bộ, đừng thiếu hụt!
Thể vật lý biểu hiện chỗ nào? - Ở chỗ thể xác ngươi chuẩn bị kỹ lưỡng.
Thể năng lượng biểu hiện chỗ nào? - Ở chỗ người đắc khí toàn diện, toàn thân.
Thể linh hồn biểu thị chỗ nào,? - Ở chỗ đại thủ ấn hiển thị, thành Mahamudra, vẽ Mantra toàn thân.
Thể hiểu biết biểu thị chỗ nào? - Ở chỗ tâm trí ngươi tỉnh giác, chứng kiến đầy nhận biết, không mê muội vào vô thức bản năng.
Sự phúc lạc biểu thị chỗ nào? - Ở nụ cười yên lặng nở trên môi, ở sự rung động, an lạc lan tỏa ra xung quanh.
Mọi sự đều phải vậy. Ăn uống ngủ nghỉ đều phải vậy. Đi đứng nằm ngồi đều phải vậy. Tu phải vậy . Mà không tu cũng vậy.
Mô Phật, đấy là ta nhắc lại yếu chỉ của đợt hành công này. Chư huynh chẳng những nhận biết về vẻ mặt, về lời nói, ý nghĩ và cảm thọ. Mà cái quan trọng, chư huynh nhận biết năm việc ấy, năm thể ấy có đang thường trực tại cơ thể mình chăng?!
Mô Phật, tý nữa, khi thực hành, chư huynh hãy kiểm tra mình trong bài thực hành ấy, đã biểu thị đầy đủ năm trạng thấy ấy chưa:
Cơ thể chuyển động đúng với định hướng của bài tập.
Năng lượng sạch và tịnh, không phải thô trọc và loạn động.
Linh hồn có mặt bằng cách có một sự đồng cảm to lớn với mọi người và pháp giới
Nhận biết có mặt bằng cách tỉnh giác không mê muội.
Và quan trọng là niềm vui mênh mông không bờ bến luôn tự hiển thị chẳng có nguyên nhân gì.
…………………….
( Kết thúc phần pháp thoại, tiếp theo là phần thực hành)
Ba Gàn ghi lại/