Cỏ May tranh thủ hỏi cụ già:
- Thưa cụ thế nào là Phật hữu tướng?
- Này muốn làm tượng Phật bằng đồng, thì các vật dụng làm nguyên liệu như: nồi, niêu, chảo, mâm, lư,. . v.v. . .đều phải bằng đồng. Cũng vậy muốn tạo muốn tôn giáo hữu tướng, người ta phải đặt ra rất nhiều qui định để các thành viên của tập thể ấy có các đặc tính chung của tôn giáo ấy. Này Cỏ May, nếu bây giờ ta không làm bằng đồng mà tạc tượng bằng gỗ hay làm bằng xi măng, thậm chí đắp bằng đất. . .thì có phải là tượng Phật không?
- Vẫn là tượng Phật nếu dung mạo không có gì thay đổi
- Thế cái “dung mạo Phật” do ai đặt ra? Ngoài đức Thích Ca mâu Ni Phật là Phật lịch sử. Có kinh sách nào qui định chăng?
- Không có ai đặt ra cả. Không có kinh sách nào qui định cả. Đều do con người tự nặn ra cả, rồi sử dụng mãi thành ra thói quen. Nên bây giờ, nếu có người làm khác đi, thì đám đông liền cho là tà đạo, ngoại đạo.
- Như vậy đúng là đúng với cái đám đông ấy chứ vấn đề không phải vậy. Vì đức Phật có thể hóa hiện ra vô lượng vô biên hình tướng để tùy duyên mà giáo hóa chúng sanh.
- Thưa cụ “vô ngã” khác với “đại ngã chỗ nào?
- Như cái nồi đồng này, được nấu chảy ra, rồi nhất quyết lúc nào cũng phải đúc thành tượng Phật. Thì cái nồi nó bỏ cái “ngã nồi" chứ nó biến thành “cái ngã Phật” to hơn bự hơn vì nó hợp lực với cái mâm, cái thau, và vô số vật dụng khác nữa. . .Trong trường hợp này, cái tượng Phật bằng đồng là đại ngã của những cái thau, cái mâm, cái nồi. . .v.v. . . và “cái ngã Phật” ấy liền cho mọi Thượng Đế hữu nhân cách khác tuy cũng được tạo dựng theo cùng một phương cách như mình là tà đạo còn “cái ngã Phật” của mình mới là chánh giáo!
- Thế còn “Vô ngã” là sao?
- Như cái nồi đồng này, bỏ cái “hình dạng nồi” của mình, được nấu chảy ra, để “ có thể” đúc thành vô số các vật dụng khác và cũng có thể đúc thành tượng Phật hay bất kỳ một tượng Thượng Đế hữu nhân cách nào. Cái khả năng. . .cái có thể này. . . .được gọi là “Vô ngã”. Vậy vô ngã phải luôn được biểu thị qua một “ngã” nào đấy nhưng không chấp không bám chặt vào ngã đang biểu thị mà có thể bất cứ lúc nào trong mọi nơi mọi lúc đều có thể biến thành cái ngã khác để tùy duyên hay thích ứng với tình huống đang xảy ra. Chứ vô ngã không phải là không có ngã nào!
- Thưa cụ thế nào là giới?
- Như cái lò kia, nấu đồng chảy ra để có thể đúc thành cái khác. Giới là những qui định làm người ta mất “cái ngã riêng” để thành “cái ngã chung” hay “cái ngã tập thể”.
- Vậy đến khi nào mới là giới thật sự?
- Làm như vậy khi đến cực độ thì Cái Giới tự giữ giới, chứ không có cái Tôi cố gắng giữ giới!
- Thưa cụ thế nào là chánh định?
- Như cái khuôn bằng đất sét kia. Để mọi vật dụng bằng đồng khác nhau như cái nồi, cái mâm, cái thau, cái khay. . .v.v. . .sau khi nấu chảy đổ vào thì thành một hình tướng duy nhất cố định đã được qui định trước, ở đây là cái tượng Phật. Cái hình tướng chung này là Đại Ngã Duy Nhất Một. Và chánh định kiểu như thế nhằm định hướng tư tưởng và qui định phạm trù tâm lý để thành đại ngã!
- Vậy đến khi nào mới là Định thật sự?
- Làm như vậy khi đến cực độ thì Cái Định tự Định, chứ không có cái Tôi cố gắng giữ Định. Gọi là Đại Định.
- Thế nào là tỉnh giác?
- Như người thợ kia rót đồng vào khuôn phải khéo léo đổ đều vào các lỗ đúng kỹ thuật. Nếu sơ xuất thì cái tượng đồng sẽ thiếu mất một phần nào đấy hay sẽ hư đi. Ông thấy đấy, dùng tâm trí tỉnh giác chỉ là để hoàn chỉnh đại ngã!
- Vậy đến khi nào mới là Tỉnh Giác thật sự?
- Làm như vậy khi đến cực độ, thì cái Tỉnh Giác tự nó Tỉnh Giác, chứ không có cái Tôi cố gắng tỉnh giác!
- Thưa cụ như vậy khi còn tâm trí, dù chánh định, dù tỉnh giác, dù bỏ cái ngã riêng của mình tuân thủ mọi giới luật, nhưng cái kết quả mới chỉ là “Đại ngã” hay hữu tướng và duy nhân cách. Vậy thế nào mới là cái rốt ráo?
- Làm như vậy mà không bám vào các tướng cố định. Không phải Phật bằng đồng, bằng gỗ, bằng xi măng, hay theo một khuôn mẫu do xã hội định sẵn mà là: Hoạt Phật!
- Xin cảm ơn cụ về những gì cụ đã nói hôm nay
- Mô Phật, ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Ông nên tác bạch việc này với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới thật đúng được.
Tưởng Vậy/13/3/2008