Kính thưa cụ, cuối cùng con có những ý kiến sau và theo lời của huynh con có rút ra một hướng chữa bệnh cho mình.
Con nghĩ Tâm bệnh thì tương tự như thân bệnh. Thân có vô số bệnh. Trong cơ thể có bao nhiêu cơ quan, tạng phủ. Mỗi cơ quan tạng phủ lại có nhiều bệnh. Như da thì có những bệnh như ghẻ ngứa, nhiễm trùng da, dị ứng hóa chất thời tiết thức ăn, vảy nến, luput đỏ, lao da, ung thư da... Chỉ riêng mỗi loại bệnh da thôi, thầy thuốc phải dùng những loại thuốc đặc hiệu khác nhau. Rồi lại tùy cơ địa, cân nặng của từng bệnh nhân lại phải sử dụng liều lượng khác nhau... Bệnh thân thì vô số, thuốc thì nhiều. Nhưng mục đích đều đưa đến sự khỏe mạnh. Và nhiều lúc, một cân sâm, nhung cũng không quý bằng một vài lá ổi cho một bệnh nhân tiêu chảy.
Tâm bệnh thì con nghĩ cũng giống như vậy. Tùy theo người bị bệnh, mà sư phụ sẽ hướng dẫn cho những phương cách, những lời khuyên khác nhau chứ không hẳn chỉ có một pháp. Trong phép chữa bệnh thân, có vô số bệnh, vô số cách chữa. Nhưng vẫn có những nguyên tắc chung chẳng hạn như ăn uống đủ dinh dưỡng, phải hít thở không khí trong sạch, phải vận động thích hợp. Con nghĩ trong bệnh tâm cũng vậy. Ngoài những bệnh chung của con người, những bệnh đó bắt nguồn từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ứng với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nhưng mỗi người có bệnh chỗ này nhẹ, chỗ nọ nặng hơn, nên phải cần những biện pháp khác hơn một chút.
Chứ không hẳn người tu phải cần lên non, vào chùa để tu. Đã có mặt trên cõi trần này, đã sống trong môi trường, xã hội này, đã có gia đình, cha mẹ, vợ con này thì con nghĩ đấy mới chính mới là Đạo tràng thích hợp cho mỗi người. Nơi đây mới có điều kiện để chứng kiến sân hận, ái dục... và có biện pháp đối trị. Đồng thời phải hoàn thành nhiệm vụ tại nơi ở, và tu trong hoàn cảnh hiện tại để vừa tu vừa giải nghiệp. Đâu phải mặc áo nâu, áo vàng mới là đệ tử của Phật, còn mặc quần Tây, áo sơ mi thì không. Đâu phải đợi mặc áo rộng rãi, ở chỗ thanh tịnh thì tâm an. Đâu phải dành nhiều thì giờ, mà con nghĩ ngay khi làm gia đình sự, xã hội sự cũng có thể tu được vậy.
Chuyện tu hành là quan trọng nhất nhưng không hẳn phải thay đổi, xáo trộn thời khóa biểu thường ngày.
Xin phép thầy cho con có ý kiến, không phải chỉ uống Thiên hương khí để thanh lọc cơ thể mới thải độc khỏi cơ thể. Con nghĩ Ơn trên còn cho nhiều biện pháp khác, xông giải cảm, tắm rửa, nhịn ăn, thụt tháo, thuốc đông y, tây y... cũng có thể thải độc hữu hiệu vậy.
Như vậy, con nghĩ bệnh thân thì có nhiều thuốc đông lẫn tây y hoặc những biện pháp không dùng thuốc. Bảo dưỡng thân thể này thì có thể tập thể dục dưỡng sinh, tập khí công, bát đoạn cẩm, dịch cân kinh, thể dục thể hình. Về thân con có chọn những phương cách, những loại thuốc thích hợp với cơ thể con. Còn bệnh Tâm thì con nghĩ có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Nhưng tất cả đều có mục đích là làm sao phải tỉnh thức.
Tỉnh thức 24/24. Có thể quán sát hơi thở. Có thể quán sát tâm. Quán sát liên tục ở mọi nơi, mọi tình huống. Nhưng chỗ này con nghĩ là rất khó khăn.
Phải quán sát hơi thở lúc nào, ở trong tình huống nào và quán sát tâm lúc nào, trong tình huống nào mới được. Lúc ăn, đi vệ sinh, trong sắc dục, trong thành bại, hơn thua, vinh nhục, khi bị khinh rẻ, phỉ báng, đối xử không công bằng...
Đối diện với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp con phải làm sao để luôn tỉnh thức???
Kính thưa thầy, như trong Kinh Lăng nghiêm, Anan hóa thân làm người không hiểu Phật pháp, thưa hỏi với Phật nhiều lần. Con nghĩ mình cũng là người mê, một trong vô số kẻ bị Tâm bệnh.
Kính thưa thầy mở lòng từ bi, thương xót khai thị cho con
duongsinh58/
. . . . .
Nói nhỏ nhau nghe:
"Tỉnh thức 24/24. Có thể quán sát hơi thở. Có thể quán sát tâm. Quán sát liên tục ở mọi nơi, mọi tình huống. Nhưng chỗ này con nghĩ là rất khó khăn”
- Phải dùng sức mạnh tổng lực, chứ chỉ duy ý chí thì sẽ gặp khó khăn khi muốn tỉnh thức 24/24.
- Đó là ăn uống ngủ nghỉ, sinh hoạt và tu tập, đầu tiên phải theo đúng giới luật, phải ở môi trường thanh tịnh và cắt nhân duyên để dễ tỉnh thức.
- Khi thức dùng ý thức để tỉnh giác cao độ và liên tục rồi thì quán tính của việc này sẽ làm tỉnh giác được trong giấc ngủ.
- Khi đã đạt như vậy rồi. Nhiên hậu mới tập tiếp xúc với sinh hoạt bình thường của thế gian mà vẫn tỉnh thức.
- Lúc bắt đầu tiếp xúc với thế gian, phải có người đã có kinh nghiệm đi cùng. Và chỉ tập giao tiếp trong những khoảng thời gian nhất định. Khi sư trưởng đi cùng thấy có biểu hiện bị lôi, thì phải về chỗ tịnh tái lập tỉnh thức.
- Cứ như vậy lâu dần do tịnh sẽ đạt tỉnh thức trong mọi trường hợp và mọi nơi mọi lúc.
"Phải quán sát hơi thở lúc nào, ở trong tình huống nào và quán sát tâm lúc nào, trong tình huống nào mới được?"
- Quán hơi thở hay quán tâm đều được và áp dụng mọi nơi mọi lúc với mọi tình huống, nhưng có thể hành trì như sau cũng được:
o Quán hơi thở khi tập có động tác hay làm việc một mình
o Quán tâm khi ngồi thiền định hay lúc ở một mình
o Và trụ vào danh hiệu A Di Đà Phật khi tiếp xúc với người khác hay với các sự việc và tình huống.
"Đối diện với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp con phải làm sao để luôn tỉnh thức???”
- Dùng đại thủ ấn thông công để Khế ấn vẽ linh phù toàn thân và các căn khi ra ngoài tiếp xúc với trần.
- Giữ điển đồng thời quán tâm để biết tâm mình đang an lạc hay đã bắt đầu bị lôi.
- Nếu bắt đầu bị lôi mà không biết thì đại thủ ấn sẽ tự hiển thị để nhắc.
Không phải tập tỉnh thức để có thể luôn luôn tỉnh thức. Mà thực hành tỉnh thức để biết độ tịnh của tâm như thế nào?
Nếu thường thất niệm quên tỉnh giác, thì có nghĩa tâm còn chưa đủ độ tịnh.
Còn muốn tâm tịnh thì phải TU chứ không phải cố học.
Học kinh điển và nghe lời giảng của Thầy chỉ là để biết cách tu. Chứ không phải nhằm hiểu biết suông.
Mô Phật, đó là kinh nghiệm riêng của ta, chưa chắc đã dùng được cho mọi người. Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy.
Huynh nên tác bạch điều này với chư tăng và chư vị thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới thật đúng được.
Tưởng Vậy/27/2/2008