- Này các cụ ơi, các cụ đã có người nào chở đò chưa? Nếu chưa thì tui giới thiệu cho.
- Sao lại phải thế?
- Nếu các cụ đồng ý, thì tui sẽ dán tên cửa hàng ăn-ngủ-dịch vụ ấy lên kính xe để đuổi tụi ruồi nhặng đang bám theo xe kìa.
Theo tay bác tài chỉ tôi thấy mấy chiếc xe Honda đang chạy kèm theo xe chúng tôi rất ráo riết.
- Này các cụ ơi, ở đây nó thế. Chúng sẽ bám theo xe mình lằng nhằng mời ăn, ngủ, đi đò, gửi xe, làm luật. . .v.v. . . Nếu mình không đồng ý chúng sẽ làm mình rất bực mình, có khi còn gây gổ làm chuyến đi hành hương của quí cụ mất vui đi.
- Thế giá cả như thế nào?
- Tiền đi đò, vé thắng cảnh, tiền đi cáp treo thì nhà nước đã qui định. Còn tiền dịch vụ cho họ tốn mất 200.000, tiền làm luật để xe mình được vào tới đền Trình nơi bến đò mất 80.000. Nếu các cụ không đồng ý, thì sau khi mua vé thắng cảnh mình phải đi bộ rất xa mới đến được chỗ xuống đò ở đền Trình. Mà xe mình lại phải gửi ở tít ngoài này, tui sẽ bị chúng nó hành rất khổ.
- Thế nếu tụi tui không ăn chịu với chúng thì thế nào?
- À, chúng sẽ có nhiều chiêu để hành mình khiến mình phải xì tiền ra. Thí dụ: khi đi thuyền vào chúng sẽ chèo rất chậm như rùa bò trên nước vậy. Mình sợ mất thời gian không tham quan được nhiều, thúc hối, thì chúng bảo phải bồi dưỡng thêm, chúng sẽ gọi thêm người chèo để đi nhanh hơn. Còn khi ra nếu mình không ăn chịu trước, chúng sẽ không chờ đúng hẹn, lấy cớ đò đang bận chờ chút, nhưng chờ mãi chúng sẽ không tới. Khi nào thấy tối mình sợ trễ xe, thúc hối chúng sẽ đòi giá cao để nhờ thuyền khác đi thay. Nếu mình có bực mình gây gổ thì bao giờ cũng bị lỗ với bọn mất dạy này.
Không muốn lằng nhằng, chúng tôi đồng ý. Bác tài lấy bảng tên của một cửa hàng dịch vụ dán lên kính xe. Kỳ diệu thay bọn ruồi nhặng tản đi đâu hết cả.
Xe ngừng ở ngã ba, rất nhiều trẻ em và người lớn ào đến để mời chào, chèo kéo mua đủ thứ nào: mua hương, đồ lễ, đổi tiền lẻ, áo đi mưa, bánh mỳ, hàng lưu niệm. .v.v. . .
Đã được dặn trước nên chúng tôi không ai dám hỏi han trả treo gì với chúng. Bởi chỉ cần hỏi, trả giá, hay thậm chí cầm lên xem thử, thì thế nào chúng cũng bắt ép mua với một giá cắt cổ, nếu không mua chúng sẽ sẵn sàng gây sự.
Chúng tôi miệng câm như hến, mắt chẳng dám ngó chúng, cúi đầu, miệng niệm Phật và đi như chạy về phía bến đò.
Thế mà chúng còn gọi với theo:
- Ê, câm hay sao mà hỏi không nói.
- Khinh người vừa vừa chứ, mới sáng chưa bán gì cho ai thì cũng phải trả giá mở hàng cho người ta chứ.
- . . .v.v. . .và .v.v. . .
Trời lạnh quá. Tôi và mấy người nữa nhìn quanh quất tìm chỗ đi tiểu. Bãi đất rộng mênh mông đầy rác, vỏ đồ hộp, bao nilon và ruồi nhặng. Tít đằng xa kia có một cái phòng vệ sinh. Chúng tôi đi về phía ấy, thấy trên tường có ghi: 1.000đ/người. Khi đến gần mới hay cửa đang khóa.
Túng quá có mấy người đi vào chỗ khuất định giải quyết nỗi buồn. Thì một cô gái ở đâu bất thần xuất hiện và quát thật to:
- Ê, không được tiểu bậy.Tiểu bậy sẽ bị phạt 500.000đ.
- Nhưng không có nhà vệ sinh nào cả, cái này lại đang đóng?
- À, chắc người phụ trách đi đâu đấy sẽ về ngay đấy mà.
Chờ khá lâu, mà cửa vẫn chưa mở. Có mấy anh cuống quít. Nhưng có cô gái đứng đấy nên không ai có thể đái bậy được. . .
Túng quá tôi bèn hỏi:
- Cô ơi, hay cô có chìa khóa không thì mở hộ cho chúng tôi. Chứ không thì đành “đái đường”, rồi phạt bao nhiêu thì phạt chứ chịu hết nổi rồi.
- Tôi có đây, nhưng mỗi người phải trả thêm hai nghìn thì tôi mới mở dùm. Chứ không phải nhiệm vụ của tôi.
- Người đẹp ơi em làm ơn làm phúc đi... hai nghìn chứ mười nghìn thì bọn này cũng phải chịu... hềhề...!
. . . . .
Hai mái chèo bì bõm. Xuồng chúng tôi trôi nặng nề trên mặt suối Yến. Có lúc phải len qua khe giữa các thuyền khác. Mái chèo chạm nhau côm cốp, lại chửi thề, lại văng tục và lại niệm Phật. Qua màn mưa những dãy núi đá vôi hiện ra đậm nhạt mờ ảo như có như không: con gà, mâm xôi, con voi,... chín mươi chín con quay đầu về chầu, chỉ có một con quay ra liền bị chư Thiên chém, bay một mảng mông.
- Đấy cái mông nó đấy... thuyền chúng ta sẽ chui qua chỗ cái mông con voi bị chém...
- Này tớ nói khí không phải...Xưa kia các cụ chém mông voi rồi để đấy... Chứ như bây giờ thì nấu lẩu rồi còn đâu mà đi qua... hềhề...!
- Này, sao gọi là Thiên Trù ?
- Thiên Trù là bếp trời... Ông xem chẳng phải bếp trời là gì...
Nhìn theo tay chỉ của ông chèo đò tôi thấy hai bên đường vào chùa, san sát tiệm ăn, tiệm nhậu, lủng lẳng nào bò, lợn, mang, chó, gà, vịt, mèo...v.v... móc trên các móc sắt máu chảy đỏ lòm đọng lại từng vũng trên sàn, bốc mùi tanh lợm giọng. Bên những vũng nước đọng hôi rình là những đống rác với hương cháy dở, bao nilon, vỏ đồ hộp, lá gói thịt, gói cá và ruồi nhặng...
Mặc kệ! người ăn nhậu vẫn đông nhung nhúc không chỗ chen... Họ ngồi bên bàn hoặc trên những tấm phản trải chiếu vừa chạm ly côm cốp vừa hò reo: Dô!... thật to lấy khí thế để uống cho nhiều... làm như cả năm qua họ chưa được ăn. Hay là nhậu trước cổng chùa chắc thấy ngon hơn hay sao, mà tập trung tại nơi tôn nghiêm ăn nhậu nhiều đến thế!
Đã quá trưa, nhìn quanh nhìn quất, thấy chỗ nào cũng vậy. Tôi đành nín thở bước vào một quán ăn sát cổng chùa.
- Bác có bán đồ ăn chay không?
Lắc đầu không nói...
Sau khi nghe tôi gọi một số món chay. Chắc thấy quá ít hay khó thu nhập gì nhiều với cái thực đơn khiêm tốn như vậy nên các nhà hàng ở đây đều từ chối. Tôi đành phải gọi một mâm mặn rồi kèm cơm trắng, rau. Họ mới chịu dọn.
Không dám cho ai... tôi ăn cơm trắng với rau, muối và để mấy đĩa đồ mặn lại trên bàn cho nhà hàng.
Một tốp thanh niên nam nữ vừa cười vừa ngả ngớn với nhau.
Mấy bà già leo lên dốc, vừa đi vừa chống gậy vừa niệm A Di Đà Phật.
Một ông tóc đã hoa râm mặc đồ vét, bụng phệ, ria mép, đi với một cô tóc vàng mắt xanh mỏ đỏ, đáng tuổi con mình. Vừa đi thỉnh thoảng vừa ôm nhau hôn, chắc là bồ nhí...
Tốp thanh niên nam nữ vào một sạp bán băng đĩa. Chủ sạp bỏ đĩa vào đầu chiếu thử để họ chọn:
- Một cảnh lên đồng với nhạc chầu văn xập xình, Xuân Hinh hát eo éo như lại cái. Họ lắc đầu, xua tay.
- Cảnh một đoàn tăng mặc áo vàng vừa đi vừa tụng kinh, giọng nhừa nhựa nghe như buồn ngủ. Họ lại bĩu môi lắc đầu.
- Cảnh quân ta đang xung trận bom bay đạn nổ đầy trời với tiếng nhạc đỏ thúc dục. Họ lại lắc đầu xua tay quầy quậy.
- Cảnh có tiếng nhạc giật gân rậm rực và mấy cô người mẫu mặc áo tắm ưỡn ẹo khêu gợi, chớp mắt, ưỡn mông. Họ gật đầu, lấy cái đĩa, trả tiền, bỏ đĩa vào cái máy xách tay. Rồi vừa nhún nhẩy theo điệu nhạc vừa chen vào đám đông đi vào chùa.
Mấy bà già niệm Phật kéo nhau vào một sạp bán đồ lưu niệm. Một bà đã già vẫn còn son phấn đỏm đáng, ngoắc tay gọi chủ sạp:
- Ê, chủ tiệm, có bán tượng Phật Di lặc không cho tụi tui thỉnh một pho?
- Thưa có đây cụ.
- Sao, bộ tui già lắm rồi hay sao mà gọi là cụ
- Hềhề... đây... Tượng Phật Di Lặc đây xin quí vị chọn đi.
- Đây mà là tượng Phật sao? Tôi thấy giống như tượng Thần Tài Thổ Địa thì đúng hơn. Phật gì mà tay bưng cục vàng, tay cầm xâu tiền thế?
- Thưa, đâu có gì mà lạ. Đó là kiểu tượng “Làm giàu chính đáng” kiểu mới nhất đấy ạ.
- Sao gọi là “Làm giàu chính đáng”?
- Vì Phật thì phải luôn là người “Chính đáng” rồi. Còn tay bưng vàng tay xách tiền chẳng phải giàu sao. Thế thì đúng là kiểu tượng “Làm giàu chính đáng” theo sự khuyến khích của xã hội ta hiện nay đấy mà.
- Sao quí vị có thỉnh không? Thỉnh cái tượng này ngài sẽ hộ cho quí vị “làm giàu chính đáng”, có thể xây chùa to, làm tượng lớn, đặt thùng phước sương để hốt tiền khách du lịch... hềhề...!
Mấy bà già son phấn quày quả bỏ đi mặc chủ tiệm léo nhéo phía sau. Không biết vì già quá rồi, không thể làm giàu được nữa hay là vì biết mình không thể chính đáng nên không dám thỉnh ngài về.
Lão bụng phệ và cô bồ nhí bước vào sạp bán đồ lễ để mua cây lộc với lá vàng ánh quả đỏ thắm, lủng lẳng vô số thỏi vàng và tiền vàng. Cô gái nũng nịu:
- Anh ơi, cúng tiền thật là được rồi. Sao lại phải có cành lộc hay cây vàng lá ngọc này?
- Cưng dốt quá. Đây là “văn hóa cây lộc” mới bắt đầu hình thành và phát triển mấy năm hội nhập này đây. Đấy em xem, mâm lễ nhà ai không có cây lộc nào? Bàn thờ nhà ai đầu năm không có cành vàng lá ngọc đâu nào? Hềhề... bây giờ nó như một nét văn hóa đặc trưng của thời đại kinh tế thị trường định hướng theo xã hội chủ nghĩa. Em xem đấy, cả rừng cây lộc, vàng rực núi đồi thế mà bán đều hết nhẵn, ai ai cũng mua cho được. Em biết không ngoài văn hóa “mì tôm”, văn hóa “lễ hội”, thì văn hóa “cây lộc” cũng góp phần làm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đấy!
Mưa bụi bay đầy trời. Rét như cắt thịt cắt da. Bùn đất lép nhép. Đá núi và những bậc cấp leo lên chùa trơn như thoa mỡ.
Tiếng cười nói la hét, tiếng chửi thề văng tục, chen với tiếng niệm Phật. Tiếng mời chào chèo kéo chen với tiếng nhạc chầu văn xập xình với giọng nam đồng cô ưỡn ẹo. Tiếng tụng kinh “Tình Đạo Phật” rập y khuôn kiểu tụng của Phật giáo Hòa Hảo Nam bộ, nghe khê khê chua chua, lợn cợn.
Tiếng nhạc giật gân đĩ thõa chen với tiếng quảng cáo bánh củ mài hiệu chú Béo và tiếng mời chào thuốc Nam bổ thận cường dương nghe tưng tưng giật giật...
Khói hương bay mù mịt la đà lẩn quẩn trong cái không khí ẩm ướt đầy bụi nước, khói nướng xúc xích Đức Hiệp, khói nướng thịt rừng, thịt chó, thịt tiểu hổ... mùi khói thuốc lá khen khét, mùi nước hoa rẻ tiền, mùi mồ hôi thum thủm, cọng lại thành một cái mùi chua chua, tanh tanh, lợm giọng...
Dây cát tường xanh đỏ kiểu Tây Tạng giăng mắc khắp nơi. Giữa chánh điện, tượng bà chúa Ba là Quan Âm Hương Tích với khuôn mặt và cái mũ đội đầu đặc trưng kiểu Tây Tạng lạc lõng giữa các pho tượng Phật và Bồ tát khác theo phong cách Trung Quốc.
Dọc theo các hàng cột và tường treo đầy những miếng vải lớn có ghi những câu thơ ca tụng cảnh chùa với cái logo trông rất lạ mắt vẽ hai con rồng rất dữ tợn đang dương vuốt ôm trọn cái gì như cái bình bên trong...
Tôi hỏi một người mặc áo nhà chùa đang lần tràng hạt đứng bên cạnh:
- Cái dấu hiệu gì lạ vậy?
- Bộ không thấy hai con rồng sao mà hỏi?
- Nó tượng trưng cái gì?
- Con rồng là biểu tượng thiêng liêng của người Trung Quốc.
- Còn cái bên trong hai con rồng đang ôm chặt là cái gì?
- Cái đó là biểu trưng của người Tạng.
- !?. . .
Giữa chánh điện một đám người rất đông vừa sì sụp lạy vừa tụng theo một quyển kinh gì cầm trên tay. Lời kinh dịch ra Việt ngữ ngang phè không có âm điệu nên tụng nghe như “rụng răng mà ăn ngô rang”. Khói hương nghi ngút, người chen chật như nêm. Người đứng sau lạy vào mông người phía trước. Chung quanh tôi tiếng cầu nguyện rì rì rầm rầm, có người nói rõ to kèm theo tiếng hít hà như ăn phải ớt...
Tôi cũng chấp tay, tịnh tâm lòng thành hướng về phía tam bảo, vái chư Phật chứ không có chỗ để lạy.
Trước khi lên cáp treo leo lên động Hương Tích. Chúng tôi vào lễ mẹ Quán Âm ở động Tiên Sơn.
Đèm điện sáng choang, người ra vào tấp nập. Khói hương nghi ngút, lễ vật xanh đỏ đủ màu... Thế mà tôi vẫn thấy dửng dưng, nhạt thếch, vô hồn và vô cảm!
Chả bù mười mấy năm trước khi tôi và mấy người bạn đến đây. Hang động phong sương, rêu phủ xanh rì, nhũ đá ẩn hiện trong ánh sáng mờ ảo. Chung quanh không một tiếng động. Sương núi mù mịt, mây bay trước cửa, chim kêu trên cành, nước chảy róc rách. Cái lặng yên thanh tịnh như thấm từng hòn đá cành cây, thấm từng đường gân thớ thịt, thấm vào tận đáy tâm hồn... Khi ấy chúng tôi ở tại chùa Hương và thường lên động Tiên Sơn luyện công trước tượng đá có gân máu của Mẹ Quán Âm.
Mười lăm năm rồi. Bây giờ tôi lại về đây. Người cũ chẳng còn ai! Chỉ còn mưa lạnh đang bay và cái nhố nhăng của chợ đời về ngự nơi đất Phật.
Ôi! Cái yên lặng thanh tịnh, cái hồn núi, hồn rừng, cái hồn Tiên Sơn biết tìm ở đâu bây giờ!
[#breakpage#]
Cáp treo đang chạy thì bỗng nhiên dừng lại và cửa tự mở ra... Dưới nền đầy những tờ bạc hai trăm và một tấm biển với dòng chữ ghi rõ to:
“Xin đừng ném tiền xuống đây”
Chúng tôi tưởng đã tới nên vội bước ra khỏi cáp treo. Một người bên trong trạm gõ tay vào cửa kính ra dấu để chúng tôi vào lại cabin cáp treo.
Tôi hỏi người ngồi bên cạnh:
- Này bác gì ơi, sao người ta ném tiền xuống nền nhiều thế?
- À, chỗ này là ngang với chùa Giải Oan trước mặt. Người đi lễ ngang qua suối Giải Oan thường có tục ném tiền xuống suối để cầu may. Bây giờ đi cáp ngang qua chỗ này họ cũng ném tiền xuống như vậy.
- Nhưng chỗ trạm ấy đâu phải chùa Giải Oan
- Không phải, nhưng ngang ngay trước mặt là chùa Giải Oan, họ ngồi trong cáp treo lễ vọng và ném tiền xuống nền trạm.
Đường vào Nam Thiên Đệ Nhất Động lát đá, mưa phùn và đất núi làm nó trơn như thoa mỡ. Hai bên hàng quán san sát.
Vừa đi ngang một cửa hàng xem tướng số, đổi tiền lẻ và viết sớ, đã nghe tiếng mời chào đon đã:
- Vào đây coi bói đi các bác, các anh, các chị. Đường công danh tài lộc, gia đạo tình duyên. Mời các bác... Đấy cái bác gì đi trước đấy, có tướng phú quí... mời bác vào đây tôi xem cho một quẻ nếu sai thì không lấy tiền.
Ông thầy bói vừa nói vừa chỉ vào Ba Gàn đang đi phía trước.
Hắn liền ung dung bước đến và cười thật hóm:
- Này bác, nếu bác là thầy bói thật. Thì trước tiên bác phải bói để biết xem trong số người đi đây ai là người sẽ coi bói thì mời đích danh người ấy chứ sao lại mời lung tung như vậy cho hao hơi mỏi tiếng mà chả ma nào vào thế... hềhề...!
Người ra vào nhung nhúc. Lúc bấy giờ trời đã ngả sang chiều rồi nên mọi người tranh thủ trở ra xuống núi. Khói hương gặp không khí lạnh không bay lên được, la đà, lẩn quất, mờ mịt.
Từ trên cổng nhìn xuống, động Hương Tích như một cái tổ kiến bị hun khói đang trào ra.
Chúng tôi chọn một người khỏe nhất trong bọn đội mâm lễ, chen vào động để đặt lên ban thờ tam bảo có đèn điện xanh đỏ đang nhấp nháy.
Người đông như nêm. Trời lạnh là thế mà ai cũng đổ mồ hôi. Tiếng cười nói, tiếng chửi thề, tiếng niệm Phật, tiếng tụng kinh “Tình đạo Phật” phát qua cái loa sắt đã quá tả nghe rè rè như nghẹt mũi. Đám đông chen lấn nhau để vuốt vào đầu Cậu, đầu Cô, đụn Gạo, đụn Tiền, chuồng lợn... để cầu sinh con trai, con gái, gạo thóc, tiền vàng, lợn gà gia súc...v.v...
Tại một góc tranh tối tranh sáng, từng chặp có tiếng kêu thét lên mừng rỡ khi một giọt nước từ nhủ đá nhỏ trúng một người nào đấy đang ngửa cổ ngóng chờ... À, thì ra đám đông đang ngóng chờ giọt sữa từ “bầu sữa mẹ” thỉnh thoảng sẽ nhỏ xuống. Chen lấn, xô đẩy, nhiều người ngã quị trên nền đá ẩm ướt mà vẫn cố chen vào để hứng giọt nước thiêng từ nhũ đá...
Sau khi người của chúng tôi đã chen vào đặt được mâm lể trên ban tam bảo. Chúng tôi lui ra sau, chỉnh trang y phục, trang nghiêm cơ thể và thanh tịnh tâm, chấp tay nhận ân điển thiêng liêng dùng đại thủ ấn đảnh lễ Như Lai, Mẹ Quan Âm, chư Bồ tát, chư Tổ và Hộ pháp chư Thiên chư Thần.
Hoàng hôn đang về trên vách đá cheo leo. Gió hú từng chặp và mưa xuân vẫn rả rích rơi. Tôi đứng đấy giữa nơi tôn nghiêm mà lòng tràn đầy xúc động. Mưa xuân ướt đầy đầu tóc, khói hương cay nồng đôi mắt. Con tim băng giá, bất giác chợt rùng mình kinh sợ cho cái gọi là chánh giáo luôn bài bác kẻ khác là mê tín dị đoan... là ngoại đạo... là tà đạo!
Thấy tôi có vẻ buồn Ba Gàn lại gần mỉm cười:
- Nhìn kìa!
Theo tay Ba Gàn chỉ tôi thấy một vị tăng vì quá mệt mỏi nên đã dựa vào vách đá ngủ ngon lành. Mặc cho chung quanh đám đông đang chen lấn cãi vã giẫm đạp nhau để dành quyền lạy Phật!...
Tôi cười khoái trá, khi nghe tiếng ngáy của ngài vang lên ngay giữa cái chợ đời nơi cửa Phật!
Bóng tối lợn cợn trên dòng suối Yến. Núi non lờ mờ xa vời vợi. Mặt nước như sáng lên từng mảng. Thuyền chúng tôi yên lặng mệt mỏi chui vào vùng bóng tối mông lung.
Mưa xuân lất phất, lạnh như cắt da. Có con chim ăn đêm bay ngang qua cất tiếng kêu cô độc. Tôi nhớ ngày này những năm về trước, đã biết bao lần tôi cùng những người bạn đồng tu ngồi thuyền trôi trên dòng suối Yến. Đâu đây trong giá lạnh như còn vang vọng tiếng cười khanh khách ngây thơ, tiếng hát, tiếng ngâm thơ, tiếng đàn và tiếng thì thầm tâm sự...
Ôi! Cảnh cũ vẫn còn đây, nhưng người xưa nào thấy. Ân tình vẫn còn đây sao mây gió đã vội phôi pha!
Haha... ha... Quá nửa đời người rong chơi nơi trần thế. Tóc này đã pha sương, ta nay đã già! Đạo nay đã già! Tình nay cũng đã già! ...
Thế mà mang bình trà, ta vẫn đi tìm người đồng ẩm!
Haha...ha...
Thuyền trôi
Người trôi
Trời trôi
Đất cũng trôi
Chuyện xưa chuyện nay cùng trôi tuốt
Phật, Thánh, Thần, Tiên, qua kẻ tay
Đêm nay
Uống trà pha mưa bay
Mới hay!
Đời này, đạo này, tình này vẫn còn say!