Bãi cát trắng phau rất mịn và sạch. Nước biển trong vắt, lội ra đến vài chục mét mà vẫn chỉ ngang ngực. Gió thổi lồng lộng, sóng xanh đùa với bờ cát trắng, hải âu bay lượn, nắng thủy tinh nhuộm vàng lấp loáng trên mặt đại dương như muôn ngàn vì sao đang nhấp nháy. Khách Việt ít, nhưng khách Tây rất đông. Họ nằm phơi nắng với kính râm trên những sạp gỗ, tòng teng trên những chiếc võng dừa mắc dưới tán những bụi cây tra lá to bản hay thơ thẩn dạo chơi trong rừng nguyên sinh cây to và dây leo chằng chịt.
Trung là người lái xe ôm cũng vừa là hướng dẫn viên của chúng tôi.
Thật là ngạc nhiên và thú vị trước phong cách của anh ngư dân mới tập làm du lịch này. Anh ta da đen thui, tính tình chân thật, giọng nói đặc sệt Nam bộ, luôn tự nhiên, phóng khoáng như là đang làm nghề trên biển.
Đi dạo dưới tán rừng nguyên sinh, chân chúng tôi dẫm vào cát ướt, sóng biển nghịch ngợm liên tục chạy vào rồi lại chạy ra, khiến nhiều đoạn phải vén quần:
- Này Trung cây gì thế?
- À cây sao đấy mà. Còn cây da xoắn lá nhỏ thịt đỏ này là cây sắn, nó có những chùm trái nhỏ li ti màu trắng ăn ngọt và bùi. Ở đây cây rừng mọc sát mép nước là chuyện thường. Cây kia là cây sổ, lá non màu đỏ như máu, trái nó tròn to như cái chén nhỏ có nhiều múi, tách ra ăn với muối có vị chua chua. Còn cây mật cật này trông như cây cọ ở miền bắc, tú hủ nó ăn với nhum biển thì hết sẩy.
- Cây kia có phải là cây đùng đình?
- Đúng rồi, ở đây nó to thế đấy. Đây là một loại cây rất lạ, bụi phấn của nó rất ngứa. Tú hủ của nó nấu với cá biển rất ngon. Trái nó ngâm rượu uống thì rất sung chẳng kém gì cá ngựa hay ba kích cả.
- Mùa nào thì nó ra trái?
- À cây này rất lạ. Khi phát triển đúng mức nó mới ra trái. Trái nó ra ở ngách các bẹ lá. Bắt đầu ở trên, rồi xuống dần tới dưới sát đất thì nó sẽ chết và từ gốc sẽ mọc lên các cây con.
- Ồ, khu rừng kia đẹp quá.
- Đó là rừng tràm. Nó là cây thông dụng, mọc ở những trảng thấp. Thế này đã ăn thua gì. Rừng nguyên sinh ở bắc đảo có nhiều cây tràm to hơn đây nhiều, thân nó một người ôm không hết. Còn trên 99 ngọn núi cao kia là dây leo và các loại cây cổ thụ rất to. Có hai loại tràm. Tràm bông vàng thì hoa thơm hơn tràm bông trắng. Nhưng khi vò lá để chưng dầu thì lá tràm bông trắng thơm hơn. Cây tràm bông trắng ở đây người ta còn lột vỏ nó để lợp nhà và dựng vách. Thân nó thì làm cột. Còn đước thì mọc theo bờ các con sông nước xà hai.
- Ở đảo này có nhiều sông và núi không?
- À, có mấy con sông đều là nước lợ. Xưa kia rất nhiều sấu, bây giờ thì hết rồi. Thỉnh thoảng mới gặp một vài con. Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, có diện tích 567km2. Nó lớn bằng Singapore. Nếu cọng với 26 đảo nhỏ là một huyện đảo rộng 593 km2 với 85.000 dân. Từ trên cao nhìn xuống. Phú Quốc trông như một con cá xoắn đuôi, Miệng há rộng đang táp sóng đại dương. Miệng ở phía bắc đảo, đuôi ở phía nam. Từ bắc xuống nam đảo có chiều dài khoảng 52 km. Nơi rộng nhất từ Tây qua Đông nằm ở mạn bắc, khoảng 25 km. Nó là hòn đảo của 99 ngọn núi. Các ngọn núi này nối tiếp nhau trải dài từ bắc xuống nam. Một trong những dãy núi dài nhất là dãy Hàm Ninh dài 30 km ở điểm cực đông với đỉnh cao nhất là núi Chùa cao 603m.
. . . . .
Chúng tôi ăn trưa ngay trên bờ biển, dưới bóng mát của một cây da rất lớn gốc xù xì. Phong cảnh nên thơ hoang dã với tiếng chim hót líu lo trong các vòm cây xào xạc và tiếng sóng biển vỗ vào bờ cát trắng đều đều... đều đều...
Tôi yên lặng ngồi uống trà một mình trên bờ đảo xa. Trước mặt, chung quanh tôi là đại dương và rừng già ngập tràn nắng ấm. Trong lòng tràn đầy cảm khái. Khi nghĩ vừa mới đây thôi chúng tôi cũng đã cùng nhau ngồi uống trà trên đỉnh Kailash ở Tây Tạng cao trên 7.000 m ngập tràn băng tuyết với không khí loảng và cái lạnh chết người.
Ôi, đời mình chẳng khác gì con sóng trên đại dương kia, luôn sôi động, biến dịch và ngẫu hứng đến lạ lùng. Mọi chuyện cứ đến rồi đi như một giấc mơ. Chướng ngại và thành công, gian nan vất vả và cái thú vị đắm say trong cuộc rong chơi ở cõi trần gian này như có thần lực khiến tôi luôn đứng lên và đi về phía trước.
Hôm nay chúng tôi chuyển lên phía Bắc đảo để tiện việc tham quan rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia Phú Quốc, tiện việc câu đêm, thẻ mực, lặn xem thềm san hô, đi thuyền trên sông Cửa Cạn, vực Gành Dầu, bãi dương, bãi Dài, khu nuôi chó Phú Quốc, khu sản xuất và chế tác ngọc trai, Dinh Bà, Dinh Ông, Dinh Cậu, đền thờ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, chùa Quan Âm nơi ông Ngô Văn Chiêu đã thông công giao tiếp với ơn trên và được chư vị Thượng Tiên điểm đạo khai sáng ra đạo Cao Đài ở Việt Nam, Dinh Bà Chúa Xứ, Dinh Bà Kim Giao Chúa Đảo...v.v...
Bãi Khem cách thị trấn Dương Đông thủ phủ của Phú Quốc khoảng 35 km. Chúng tôi ngụ tại một khách sạn ngay tại Chợ Đêm Dinh Cậu. Nơi trung tâm, từ đó có thể đi tham quan các nơi trên đảo.
Đường đất nhiều hơn đường nhựa. Taxi rất hiếm. Xe gắn máy và xe hơi còn ít, xe lôi và xe Honda lôi chạy nhan nhản.
Trên bờ đa số là đường đất đỏ xuyên qua những khu vườn cây ăn trái rợp bóng mát. Dưới kia là những con sông nước lợ đước mọc hai bên bờ với rất nhiều thuyền đáng cá đang neo đậu.
Đài tưởng niệm các liệt sĩ của nhà tù Phú Quốc nằm kề bên di tích trại tù và ở trên một quả đồi thấp. Gió từ muôn phương như tụ hội lại rồi xuyên qua bức tượng rỗng không. Tôi đứng đấy mà lòng đầy bi tráng...
Một đôi vợ chồng trẻ đưa nhau tới đây chụp hình kỷ niệm ngày cưới. Mấy đứa bé đùa giỡn chung quanh. Người bán hàng rong mỉm cười chào khách. Mấy luống hoa đang khoe sắc thắm trong nắng chiều. Một con chim gì đậu yên lặng trên bờ đá núi, hót lên một tiếng cô đơn rồi bay về phía rừng già. Ôi, mọi sự vẫn bình thường... nhưng giữa cái bình thường này có một cái lỗ sâu... sâu đến tận vô cùng... nối liền sự sống và cái chết... Nối liền cái rỗng không và thân phận kiếp con người!
Sau khi đến thăm Cảng An Thới, cảng Hàm Ninh, một số cảng khác và làng chài. Chúng tôi đến thăm Dinh Bà ở Hàm Ninh.
Dinh nằm trên một bờ sông mọc đầy đước, rễ xòe ra như cái nơm úp xuống mặt bùn. Gió từ sông thổi lên lồng lộng. Dinh bà rất đẹp. Hai bên cổng vào có đắp long mã, cột có rồng quấn, sân có qui chầu, tường có sen đắp nổi... Bài vị gian giữa đề là: Thủy Long Thánh Mẫu.
Hai bên có tả ban và hữu ban thờ các giá hầu giống như Thánh Cô, Thánh Cậu.
Linh tượng Bà và cách bài trí trông rất giống Đệ Tam Thủy Cung Thánh Mẫu của Tam Tòa Tứ Phủ.
Bên cạnh Dinh Bà có Dinh Ông nhỏ hơn. Bài vị ban giữa Dinh Ông đề là: Thần Nam Hải Đại Tướng Quân. Phía trước ban thờ có một tủ kính bên trong trưng bày rất nhiều xương cá voi màu xám đen.
Hai bên có tả ban và hữu ban thờ Quan Công và Thần linh sở tại.
Chúng tôi dùng đại thủ ấn để đảnh lễ chư vị. Điển quang rất mạnh.
Nếu ở đồng bằng Bắc bộ, và nói chung khắp các miền thôn quê người Việt, đâu đâu cũng có điện và phủ thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và Mẫu Liễu Hạnh. Nó như một nét văn hóa đặc thù của cư dân nông nghiệp lúa nước. Thì ở các miền duyên hải và hải đảo Việt Nam đâu đâu cũng có Dinh Thờ Bà và Thờ Ông. Nó được xem như là nét văn hóa đặc thù của cư dân miền biển ở nước ta.
Trời nắng to, nhưng gió biển lồng lộng.
Đi dưới tán của những vườn cây ăn trái xanh um nên chúng tôi chả thấy nóng tí nào. Không khí thật dễ chịu, hương tràm trộn lẫn với mùi của đạị dương nên thơm thơm, cay cay và mằn mặn.
Bỗng Trung ngừng xe vừa nói vừa đưa tay chỉ:
- Đây là cơ sở nuôi heo rừng. Chúng ta có vào tham quan không?
- Tôi đọc “Lão Ngưu” thấy có nói về con heo rừng có sọc dưa tên là Lượm mà chả biết nó như thế nào. Chúng ta vào xem cho biết.
Khu heo rừng nuôi thả tự nhiên phía sau nhà được quây lại bằng lưới sắt:
- Đây... những con mình có sọc dưa như thế này là con còn nhỏ. Khi trưởng thành mấy cái sọc dưa trên mình nó sẽ tự mất đi.
- Ấy... ấy... con đấy không phải là heo rừng đâu đừng chụp hình. Chúng là heo Mọi đấy.
- Làm sao phân biệt con nào là heo rừng, con nào là heo rừng đã lai heo mọi?
- Heo rừng thì tuyền đen có lông gáy cao, không có chỗ nào trắng hoặc lông vàng dù là dưới bụng hay sát gót chân cũng vậy.
- Suối Tranh đây rồi. Chúng ta dừng lại và vào tham quan đi. Đây là cái suối có Thác đẹp nhất ở huyện đảo này. Chúng ta phải leo khoảng 500m mới lên được thác. Trên kia có hang Dơi cao 300m với nhũ đá đủ màu sắc và thiên hình vạn trạng.
Gió thổi ào ào, chim hót líu lo, suối chảy róc rách, ánh nắng mùa xuân xuyên qua cành cây kẽ lá khiến con dốc đá lốm đốm như gấm hoa. Nhiều cây cổ thụ uốn éo cao ngất trời xanh. Thác đổ ào ào xuống một cái hồ nhỏ nước trong vắt, rồi lòn qua những hòn đá bàn màu nâu thẫm nhẵn thín chảy xuống phía dưới kia là rừng già xanh đen bất tận.
Chúng tôi ngạc nhiên thích thú.
Thật là tuyệt diệu. Giữa biển khơi mênh mông lại có núi cao, có thác nước ngọt ngày đêm chảy không ngừng. Có cái bao la ngập tràn gió và nắng của đại dương và cũng có núi cao rừng rậm hang động âm u.
Chỉ có mấy người Tây đi cùng, nhưng họ đã đi rồi. Chung quanh không có ai. Chúng tôi cởi quần áo leo lên các bực đá cao trơn tuột để tắm thác.
Ánh nắng lấp loáng, tiếng cười trong vắt reo vui, cái trẻ thơ hồn nhiên như vừa sống lại. Ôi! mọi cái mệt nhọc, như theo dòng nước tinh khiết này chảy ra hòa với biển xanh, mọi cái buồn phiền như theo cơn gió ngàn kia trả lại... trả hết cho hư không...
Haha...ha!... Chẳng phải Kẹ Mẹ Nó... mà trôi tuột, mà rửa sạch hết cả rồi, chẳng còn gì để nhớ để quên...!
Thiên nhiên hoang dã như ùa vào trong tôi. Tôi như biến mất vào cái trinh nguyên thanh khiết chẳng bận chút bụi trần...!
Tôi ngửa cổ uống mấy ngụm nước ngọt của cái thác giữa biển khơi. Uống cái nước đang từ trời chảy xuống.
Haha...ha! Lòng đầy cảm xúc. Tay tôi run run chấm đầu ngón tay vào nước... lấy nước làm mực... lấy vách đá vô tri làm giấy... viết vội mấy câu ngẫu hứng để dâng Mẹ Thủy Long Thánh Mẫu và để tặng trời tặng đất:
Cảnh tiên gặp bà Thủy Long
Bà liền rửa sạch long đong sự đời
Xuống trần tớ bận rong chơi
Hơi đâu mà nhớ mà khơi cái bời bời!
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của đại dương. Phú Quốc có hệ sinh thái và các tầng thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Khu rừng nguyên sinh ở bắc đảo gần như còn giữ được nguyên trạng và là khu rừng già nguyên sinh còn lại duy nhất ở Việt Nam. Khu rừng được hình thành bởi những dãy núi trập trùng, xen giữa những rừng tràm mênh mông bát ngát. Nhiều thung lũng ngập nước. Những dòng suối róc rách chảy suốt ngày đêm, bắt nguồn từ những dãy núi cao, men theo các khe đá, rồi uốn mình qua những thung lũng xanh tươi.
Ở Phú Quốc rừng chiếm đến 70% diện tích đảo, với hơn 50.000 ha. Trong đó rừng đặc dụng chiếm đến 9.500ha, với nhiều loại động vật quí hiếm. Hầu như tất cả hệ sinh thái rừng có mặt ở Việt Nam đều có ở rừng Phú Quốc. Do vậy đảo xanh này như là một bảo tàng rừng của nước ta.
Vườn quốc gia Phú Quốc có diện tích tự nhiên rộng 31.422 ha và có một vùng rừng đệm biển rộng 20.000ha.
Vườn Quốc Gia Phú Quốc trải dài từ bắc đảo đến trung đảo khá đa dạng với nhiều hệ sinh thái quí hiếm. Rừng nguyên sinh ăn lan ra tận các bải biển thơ mộng với bờ cát trắng mịn và nước trong vắt. Đẹp nhất là các bãi Cửa Cạn, Vũng Bầu, Bài Dài, Bãi Sao, Bãi Khem. . .
Theo thống kê chưa đầy đủ, Vườn Quốc Gia Phú Quốc hiện có hơn 500 loài thực vật cùng 150 loài động vật, gồm 120 chi, 69 họ, 365 loài chim với các loài hiện có tên trong danh sách các loài quí hiếm.
Gần đây các nhà khoa học đã phát hiện thêm 2 loài thú quí hiếm là: Sói rừng và Khỉ bạch.
Chúng tôi dùng xe gắn máy lên phía bắc đảo. Đi ngang qua những vườn tiêu bạt ngàn. Xuyên qua khu rừng nguyên sinh ngập tràn bóng mát rồi đi bộ dưới tán những cây cổ thụ cành lá sum sê.
- Này Trung, cây gì to thế?
- À, cây Mè Điếc có người còn gọi là Dênh Dênh. Còn những cây to kia là cây Dầu. Ở đảo này có 3 loại Dầu. Dầu lá Mít, Dầu Nước và Dầu Trứng. Cây lá to kia là cây Dầu Nước. Nó có lá to nhất trong các loại Dầu.
- Sao gọi là cây Dầu?
- Vì mủ của nó khi chảy ra có màu vàng nhạt và trơn giống như dầu ăn hay mỡ heo vậy.
- Rừng này có nhiều cây to không?
- Ồ... rất nhiều, có cây thân nó 4, 5 người ôm còn không hết. Thường là các loại như: Kiềng kiềng, Gọi, Cội, Sao, Dầu, Dẻ, Chai... Đặc biệt hơn nhất là gỗ chai. Nó cứng còn hơn sắt, vân gỗ rất đẹp, thịt xoắn tạo ra các hình thù kỳ dị. Còn một loại cây khác rất đặc biệt là cây Tốc, tức là cây Gió Bầu làm trầm hương ấy mà. Ở các ngọn núi cao trên đảo, có nhiều cây Tốc cổ thụ rất quí. Mới năm trước đây có một nhóm người Campuchia đi thuyền lén lên đảo khai thác trầm hương bị kiểm lâm ta bắt và trả về nước.
- Campuchia ở gần đây à?
- Rất gần, đấy dưới kia chổ bờ cát trắng và có nhiều dương là bãi dương. Từ bãi dương nhìn ra biển thì thấy phía Campuchia rất gần... Đấy... đấy... còn cái núi mờ xanh kia là núi Tà Lơn... Cái gành đá sóng đập tung bọt trắng xóa kia là Gành Đá Bàng.
Gió thổi ào ào, tiếng ve râm ran trong những vòm cây lấp lánh nắng xuân. Một cây mai rừng nở vàng rực bên đường về Bãi Dương.
Nằm trên cái võng mắc giữa những cây dương râm mát. Tôi yên lặng lắng nghe. Có tiếng sóng vỗ đều đều vào bờ cát trắng tinh, tiếng gió hú trên những bãi dương hoang sơ, tiếng chim hót líu lo và tiếng gì như tiếng mùa xuân đang về chầm chậm trên đảo xanh.
Lòng tôi như dịu lại, tâm hồn tôi như rộng hơn ra... bao la hòa cùng hư không... giác quan tôi thỏa thích mà lòng mình không bị rối loạn... tôi thấy như mình đang từ từ biến mất giữa cái trinh nguyên hoang sơ mà chẳng cần phải biết thế nào là “Vô ngã”... Ôi... Tôi tự nhủ rồi đây phải chăng mình cũng phải sống và làm như thế... Chẳng cần nói năng và chẳng cần cố gắng hành động vì sự bình an... Tôi sẽ bắt chước thiên nhiên nơi đây. Để cái xanh mướt... cái lồng lộng... cái róc rách và cái yên lặng mênh mông từ đáy sâu con tim mình tự thấm đẫm ra chung quanh mà chẳng cần nói chi... Chẳng cần làm gì!
Đúng rồi... Chẳng phải thiên nhiên hoang sơ chẳng cần chi mà cũng tràn đầy rung động và đồng cảm đó hay sao?
Ôi!... Đảo xanh, phải chăng ngài chính là một thiền sư vĩ đại giữa đại dương mênh mông với muôn ngàn con sóng cuộn!
- Này Trung mùi gì hấp dẫn thế?
- À, người ta nướng cội đấy mà?
- Cội là gì?
- Nó là con Biên Mai, một loại sò biển chỉ có ở đây không nơi nào có. Nó có hình tam giác, to bằng mu bàn tay, cắm sâu dưới đáy biển. Khi chế biến Biên Mai người ta không lấy hết phần thịt như sò, mà chỉ lấy phần gân nhỏ, tròn, có màu trắng phau nằm giữa hai lớp thịt, rồi đem cế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: Xào chua ngọt, nấu cháo, nướng...v.v... Nó có vị thơm ngọt đậm đà rất đặc biệt của vùng biển nơi đây.
- Ah, con gì đen thui trông ghê thế?
- À, con Đồn Đột đen đấy mà. Rất bổ dưỡng và là loại thực phẩm cao cấp. Có nơi gọi là con Hải Sâm. Có 2 loại Đồn Đột: Đen và trắng. Con này là con đen đắt tiền hơn con trắng.
- Còn kia có phải là Cá Ngựa và Bào Ngư.
- Đúng rồi. Chúng cũng là các loại thực phẩm rất bổ dưỡng, rất đắt tiền và được nhiều người ưa chuộng.
- Này Trung, ngoài Biên Mai chỉ nơi đây mới có. Biển Phú Quốc còn có con gì độc đáo nơi khác không có không?
- À có chứ. Đó là con Cá Cúi... Nó là nàng tiên cá ở biển đảo này. Nó còn có tên là Dugong hay Bò Biển, là động vật quí hiếm có tên trong danh sách đỏ đang có nguy cơ tuyêt chủng. Chín năm tuổi Bò Biển có thể sinh sản. Chúng mang thai 13 tháng. Mối lần chỉ đẻ một con. Bò biển có tuổi thọ trên 50 năm. Con lớn nhất có thể nặng trên 400kg. Bò Biển chỉ sống ở những nơi nào môi trường và hệ sinh thái thực vật đáy biển còn trong lành và nguyên vẹn. Hiện nay ở nước ta chỉ thấy Bò Biển xuất hiện ở Côn Đảo và Phú Quốc.
. . . .
Trên đường trở về thị trấn Dương Đông thủ phủ của đảo biển. Chúng tôi ghé thăm cơ sở làm rượu Sim của ông Bảy Gáo.
Tôi chào một người đàn ông thâm thấp, tóc đã hoa râm, da trắng không giống như da của người đi biển.
- Chào bác. Bác có phải là bác Bảy Gáo
- Đúng rồi, qua là Bảy Gáo. Chắc bộ muốn xem làm rượu Sim.
- Dạ, chẳng những muốn xem mà còn muốn uống thử đặng mua một ít về nhậu chơi.
Rượu Sim ngọt lịm, nồng độ rất thấp, hơi giống nước ngọt hơn là rượu. Chắc cũng biết vậy nên chủ nhân nó có 2 loại rượu Sim:
Một loại nguyên chất. Nghĩa là sim trộn với đường, ủ vài tháng tự ra nước và thành rượu.
Loại thứ hai là lấy loại nguyên chất như trên pha với rượu gạo để có nồng độ cao hơn.
Thực tình chúng tôi đã quen uống Bầu Đá và Làng Vân rồi thì không thích cái thứ rượu nước ngọt này mấy. Nhưng nể đôi mắt có đuôi của cô con gái ông Bảy Gáo mà phải mua một chai để công chúa đảo xanh khỏi buồn.
- Này sẵn đi ngang vào thăm nhà thùng đi? Trung vừa ngừng xe vừa quay lại hỏi ý chúng tôi.
- Ừ vào xem đi.
Tôi theo mọi người chứ không thấy lạ hay tò mò tí nào. Vì quê ngoại tôi ở Tam Quan Bình Định cũng chuyên nghề làm nước mắm. Tôi thấy mãi nên đã quá chán!
Xưởng chế biến với nhiều người đi lại làm việc và vô số thùng gỗ lớn với dây đai bằng mây chứa đầy mắm và những vựa xi măng cao ngất. Hơi mắm bốc lên nồng nặc nên mấy người khách Tây và chúng tôi chỉ thăm qua loa rồi vội chuồn ra ngay.
Buổi chiều chúng tôi dùng xe gắn máy leo lên lưng chừng núi để thăm chùa Sư Muôn. Đường đi rất nên thơ vì xuyên qua rừng già đầy bóng mát. Chùa ở vị trí khá đẹp với nhiều cây cổ thụ. Đặc biệt nhất là hai cây Sơn Trà thật to trước chùa và cây Cầy còn gọi là cây Kơnia nằm phía sau chùa, cây cao ngất trời, tán che rợp cả một vùng, gốc nó 5,6 người ôm không hết.
Cây và rừng đẹp thế. Nhưng kiến trúc chùa thì không có gì đặc biệt. Các pho tượng tuy rất lớn, sơn xanh đỏ, nhưng đều không có hồn!
Duy nhất chỉ có một hòn đá lớn màu đen nằm kế bên bụi trúc núi, được sơn vẽ tự nhiên trông rất giống con cọp đang phủ phục trước chùa là sinh động và gây ấn tượng mà thôi.
Thế là ngày mai, chúng tôi sẽ quay lại đất liền kết thúc chuyến viếng thăm đảo xanh. Tối nay, một mình tôi ngồi trên kè đá trước Dinh Cậu nhìn ra biển xa.
Trong ánh trăng mờ ảo và sương mờ giăng giăng mặt biển. Tôi như thấy vua Gia Long đang dậm chân và cắm cây kiếm xuống cát để nước ngọt phụt lên lai láng... Chẳng phải Giếng Tiên là dấu vết sao?
Tôi như thấy Cậu từ biển khơi cỡi trên con quái thú trồi lên trên mặt đại dương bao la và an vị nơi đây để gia hộ độ trì cho dân đảo... Chẳng phải hòn đá kia là con thú của Cậu là gì? Chẳng phải cái Dinh này là nơi anh linh Cậu ngự hay sao?
Tôi như thấy từ ngọn Hàm Ninh cao vút và hùng vĩ soi bóng xuống mặt đại dương kia, hàng ngày ông Đạo Đụn vẫn gánh củi xuống làng để đổi gạo và trị bệnh cho dân nghèo.
Haha...ha!
Lòng đầy bi tráng, tôi như nghe thấy trên bãi ông Lang và triền sông cửa Cạn tiếng gươm giáo, tiếng súng nổ, tiếng reo hò của nghĩa binh... và tiếng ngâm thơ của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vang lên giữa cái chợ đời còn biết bao bề bộn ngổn ngang.
Ôi! Gió thổi ào ào, dương reo vi vu, sóng đập vào gành đều đều buồn bã. Ánh trăng vàng lao xao trên mặt đại dương mênh mông. Đèn câu cá và thẻ mực của ngư dân như những vì sao rụng xuống trần gian đang sáng lấp lánh trên muôn ngàn con sóng. Mơ hồ tôi chợt nghĩ phải chăng đó là những linh hồn từ thượng giới đắm say cuộc rong chơi nơi nhân thế mà quên mất đường về...
Haha...ha! Tôi phân vân tự hỏi
Không biết vì sao nào trong đó, là linh hồn của mình đây?
Và vì sao nào là của tình yêu tối thượng, vẫn âm thầm dõi mắt nhìn theo, nên làm mình quên mất đường về!
Mây/27/1/2008