Xin thí chủ ngồi ngay thì Thầy mới linh được!
Dưới bóng mát của gốc đa cổ thụ trước cửa đền. Một lão thầy cúng đang ngồi ngáp ruồi. Bỗng từ cửa đền, một cô gái trẻ tay cầm đồ lễ bước ra, xăm xăm đi về phía lão. Lão bèn chỉnh lại khăn áo, vuốt đôi ria mép, ngước mặt nhìn trời và A Di Đà Phật một tiếng thật to để chào khách. . . . . .

Cô gái tụt giày ngồi xuống chiếc chiếu ẩm mốc.

Lão thầy cúng được dịp ra uy:

-          Mô Phật, xin thí chủ ngồi ngay, trang nghiêm và thanh tịnh thì Thầy mới linh được.

Vừa xong cô gái lập tức trút mọi bực dọc trong lòng cho lão thầy cúng hom hem:

-          Thưa Thầy, tôi thấy người đời lúc nào cũng xoi mói người khác, giành giựt, đấu tranh, kèn cựa, tranh hơn tranh thua. Mình sống trong cái môi trường như vậy, thì làm gì cũng bị phán xét, nói gì cũng bị phán xét... hềhề... đến nghĩ gì cũng bị phán xét nốt... thế thì luôn luôn mất tự do, chẳng bao giờ thấy thoải mái. Mình cứ phải luôn luôn phải nói và làm theo cái đám đông chung quanh không thể khác. Nếu nói khác làm khác là tự chuốc sự công kích vào mình. Thế có khổ không chứ. Thầy là người được trên độ, có thần thông Phật lực, vậy xin Thầy cho con một câu thần chú để con luôn được sống tự do.

-          Xin thí chủ cứ tu đi, chừng nào chứng được “Vô Ngã” thì khắc sẽ giải thoát và đương nhiên là được tự do... tự do tuyệt đối đấy chứ?

-          Nhưng thưa Thầy con biết con càng tu thì “Ngã” lại càng to... không bao giờ có thể “Vô ngã” được. Bởi vậy trong lúc chờ vô lượng kiếp để đạt vô ngã. Xin Thầy từ bi cứu con, chứ Thầy không biết đến câu nói nổi tiếng: “Tự do hay là chết” sao? Thế mà con mất tự do quá, chắc con chết còn sướng hơn.

-          Ấy... ấy... đừng chết mà phí cái đời xuân xanh hơ hớ. Để ta ban cho cô một câu thần chú. Cô về trì tụng và sống theo thì sẽ lập tức có tự do ngay.

-          Mô Phật, câu thần chú đó là gì?

-          Mẹ mày, mày đếch thấy bà...

Cô gái niệm thầm liên tục:

-          Mẹ mày, mày đếch thấy bà... Mẹ mày, mày đếch thấy bà... Mẹ mày, mày đếch thấy bà...  Mẹ mày, mày đếch thấy bà... Nhưng thưa Thầy sao lại là: “đếch thấy bà”?

-          Thần chú là bất tư nghì. Tuy nhiên, tùy duyên ta cũng phát tâm từ bi chỉ dạy cho. Này, nghe ta hỏi đây: Cô có phải là cái thân này?

-          Dạ không phải

-          Cô có phải là cái tâm thức này?

-          Dạ không phải

-          Thế thì mọi lời nói và hành động này đều từ thân tâm giả hợp biểu thị chứ đâu phải là “chính cô”.

-          Dạ đúng thế.

-          Cô là cái người vô hình, vô tướng mà tướng nào cũng có. Cho nên khi có người đến va chạm với cô. Nó đâu có thấy “Chính cô” được, mà chỉ thấy cái vỏ giả hợp bên ngoài của cô thôi đấy chứ. Nên nó có chửi cha mình cũng đâu phải là chửi mình mà mình tức chứ.

-          Thưa Thầy, biết thế nhưng lúc nghe nó nói, tức quá con quên hết giáo lý nên lập tức sinh chuyện đôi co ngay.

-          Bởi vậy ta cho cô câu thần chú ấy. Để khi niệm nó thì cô nhớ ngay: Mẹ mày, mày đếch thấy bà... Thế cho nên mày đâu có nói bà mà bà tức chứ... hềhề...!

-          Hềhề... đúng là diệu dụng... Con sẽ về trì tụng liên tục.

-          Thế thì cô chắc chắn chẳng bao giờ đôi co cãi vã với ai nữa... Cô sẽ thực chứng tự do...

-          Thưa Thầy, Thầy đã ban ơn thì ơn cho trót. Xin Thầy ban cho bạn trai con câu thần chú để ảnh cũng được tự do như con.

-          Mẹ mày, mày đếch thấy ông...

Cô gái đang lẩm bẩm câu thần chú: Mẹ mày, mày đếch thấy ông... Mẹ mày, mày đếch thấy ông... Mẹ mày, mày đếch thấy ông... Mẹ mày, mày đếch thấy ông...thì có tiếng chuông điện thoại di động.

Cô gái trẻ nghe xong vội đứng lên gật đầu chào lão thầy cúng rồi quày quả bước đi.

Lão thầy gọi với theo:

-          Này... này... sao thí chủ không đặt tiền hương khói.

Cô gái quay lại đặt một nhúm tiền lẻ lên cái đĩa trước mặt lão thầy cúng rồi vừa bước đi vừa lẩm bẩm:

Mẹ mày, mày đếch thấy bà...

Mẹ mày, mày đếch thấy bà...

Mẹ mày, mày đếch thấy bà...

Mẹ mày, mày đếch... thấy... b...à...!

 

Nắng mùa xuân nhảy nhót reo vui. Hoa xuân cũng đang tươi cười khoe sắc thắm.

Hình như chúng cũng được tự do nhờ uy lực của câu thần chú diệu dụng.

 

Hai Lúa/18/1/2008