Lại gần đây ta nói cho nghe!
Một người tu thiền đã lâu, một hôm đến gặp già Năm. Người ấy khoe với cụ già: -Thưa cụ tôi đã thọ giáo với nhiều thầy, đã đọc rất nhiều sách thiền và sách của Osho. -Ông đã đọc nhiều sách của Osho, vậy ông thích nhất câu nào của Osho?

-        Thưa cụ đó là câu: “Khi đệ tử đã sẳn sàng, thì thầy xuất hiện”
-        Ông hiểu thế nào về câu nói này?
-        Thưa cụ câu ấy đã quá rõ ràng chẳng có gì khó hiểu. Nó có nghĩa là khi người học đạo đã sẵn sàng thì bao giờ cơ duyên cũng khiến họ gặp được vị thầy đích thực của họ.
-        Mô Phật, có phải là ông đã là người sẵn sàng để là người đệ tử. Và sau bao ngày lặn lội ông đến đây là để học đạo với ta.
-        Thưa cụ đúng vậy, cho nên câu nói của Osho thật là chí lý.
-        Ta thì không nghĩ vậy. “Khi đệ tử sẵn sàng, thì thầy xuất hiện”. Theo ta, Osho không nói về cái hữu tướng bên ngoài là cái thân xác phàm phu của người trò và cái thân xác phàm phu của người thầy. Mà ngài nói về cái diễn biến trong tâm thức:
“Khi trạng thái đệ tử xuất hiện, thì lập tức trạng thái thầy có mặt”
1.     Trạng thái đệ tử là trạng thái buông xuôi không phán xét của người học đạo. Đó là trạng thái đồng cảm, hội nhập toàn diện, giao phó sinh mạng thân tâm của mình cho thầy không chần chừ do dự, không đắn đo suy nghĩ và phán xét. Nó là trạng thái buông xuôi triệt để.
2.     Trạng thái thầy đó là giác ngộ tràn đầy nhận biết. Nó là con người thật của người học đạo xuất hiện thay thế cho “Con người xã hội” của người cầu đạo. Nó là Phật tánh hay Phật tại tâm của người tu.
Cụ già vừa nói vừa cười rất vui với khách:
-        Đấy ông thấy chưa, ông thì đã sẵn sàng để là người học đạo từ mấy tháng trước. Nhưng nay thì mới có thể đến đây để gặp ta. Ông chẳng đang cầu xin học đạo với ta là gì. Thế mà ta đâu có xuất hiện lập tức khi ông đã sẵn sàng đâu.
Này, ông phải biết, người thầy hữu tướng không phải là thầy. mà chỉ là người chỉ đường ông đến để gặp vị thầy đích thực. Đó là Phật tại tâm của ông hay là “tánh”.
Người khách yên lặng hồi lâu rồi đảnh lễ cụ già:
-        Thưa thầy cảm ơn thầy đã khai thị cho con.
-        Đấy ông thấy chưa, câu ông thích nhất mà còn hiểu nhầm như vậy. Thì những câu từ thích nhì trở đi ắt sẽ oan cho Osho.
Ông biết không khi tâm chưa cực tịnh thì cái biết tự nhiên của bát nhã chưa có. Khi ấy mọi cái biết, mọi lời nói và hành động đều là chưa khế Tánh.
-        Thưa thầy, không lý mọi lời nói của con bây giờ đều không đúng sao? Nếu thầy cho phép, con sẽ nói một câu bất kỳ để thầy chỉ cho con những điều chưa thích ứng.
Già Năm không nói gì vừa gật đầu vừa mỉm cười hóm hỉnh.
Người khách suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
-        Tôi là ai?
Cụ già cười thật to:
-        Hềhề. . .Anh bạn, có phải khi nói điều gì, thì phải biết rõ điều mình đang nói. Nếu không là nói bậy?
-        Thưa thầy đúng thế?
-        Vậy trong câu anh nói có sử dụng chữ “Tôi”. Chữ “Tôi” anh dùng nghĩa là gì? Khái niệm “Tôi” của anh là gì, để ta khu trú phạm trù câu anh hỏi mà trả lời cho phù hợp chứ?
Người khách yên lặng không trả lời được.
Cụ già cười đôn hậu:
-        Anh đã bảo chẳng biết mà nói thì là nói bậy sao? Vậy câu anh hỏi là một câu nói sai, ta làm sao trả lời một câu hỏi sai được. Nó giống như một đề toán sai, thì làm sao có lời giải chứ! Hềhề. . .!
-        Thưa thầy, thầy cho phép con nói câu khác chứ?
Cụ già gật đầu và mỉm cười:
-        Thưa Thầy: “ Có tức thị không, không tức thị có. Có không khác không, không không khác có”
Già năm cười thật to rất vui, đưa tay ngoắc người kháchlại phía mình:
-        Ông đến gần đây ta nói cho nghe.
Khi người khách vừa tiến đến, nhanh như chớp cụ già tung một đường quyền đấm vào mặt người khách lạ.
Hắn kêu ối một tiếng, loạng choạng ra sau tay ôm mặt.
Cụ già cười phá lên:
-        Hềhề!. . .Ta đánh cũng như không đánh, ông đau cũng như không đau, phải không?
-        Thưa thầy không phải vậy. . .Con đau lắm. . .Con đã biết ý chỉ của thầy. . . Con xin đảnh lễ thầy.
-        Này con: “Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc” thì:
1.     Chữ “sắc” có nghĩa là “ Có và không có”. Như cái hình ông trong gương tuy có đấy mà không gọi ra cùng uống trà được nên lại là không có.
2.     Chữ “không” có nghĩa là “Không và chân không”. Như cái hình ông trong gương, tuy không thực có đấy. Nhưng không phải là thực không. Khi không có người soi gương. Gương không có hình gì mới gọi là chân không.
. . . . .
Cụ già cười hềhề, rồi phất tay áo đi vào rừng thông. Con Mực lon ton chạy theo. Nắng vàng tươi rải gấm thêu hoa trong khu rừng thưa tràn ngập mùi thơm của phấn thông vàng. . .
Dưới gốc thông già xù xì đang reo vi vu. Người khách lạ vẫn còn quì đầu dập sát đất.
Mây ghi lại/17/12/2007