-Này chư huynh, cái lu này đã bể ra nhiều mảnh. Ta lấy dây dừa cột lại. Trong các ông ai có thể dùng cái lu này đựng nước được ?

-         Này chư huynh. Ta có cái gáo múc nước đã cưa mất đít. Ai trong các ông có thể dùng cái gáo này để múc nước ?

 -         Này chư huynh. Nếu thân tâm mất nhận biết. Ai trong các ông có thể dùng thân tâm ấy để tụng kinh, ngồi thiền?

 -         Này chư huynh. Nếu có một người “Vô ngã “ ở đây. Ai trong các ông có thể giao tiếp với người này?

. . . . .

Học trò nước
 
Cái Tôi như cái lu đã vỡ
Nhân duyên như dây thừng buộc nó lại
Từ đó lại có tướng cái lu
Nó được dùng để đựng lúa nếp đậu mè. . .
Những thứ có cái tướng nhất định
Và nó tự nhiên chứa cái rỗng không mang hình cái lu
Thế nhưng chẳng chứa được nước
Cái hữu tướng
Nhưng vô tướng mà tướng nào cũng có!
 
Nước chẳng chứa được trong lu vỡ nên nước chảy trên đất
Đất biến thành cái lu của nó!
Nước bốc thành hơi
Thì hư không thành cái lu của nó
Hơi nước hóa thành mưa
Thì trần gian thành cái lu của nó
Cái hữu tướng dù thích ứng mọi tình huống
Dù giải thoát khỏi cái lu vỡ
Nhưng bao giờ cũng hiển thị qua một “cái lu” nào đấy.
 
Này Cỏ May
Thầy ngươi như cái lu đã vỡ
Thiện thệ như dây thừng buộc lại
Từ đó mới có tướng là Thầy ở thế gian
Những người học trò hữu tướng còn ở trong Thầy
Cùng với cái Phật tánh rỗng không mang tướng Thầy
Thế nhưng
những người “học trò nước” chảy khỏi cái tướng Thầy
Giải thoát khỏi cái tướng Thầy
Giải thoát khỏi cái Phật tánh rỗng không mang tướng Thầy.
 
Than ôi
Dù luôn thích ứng mọi hình tướng
Dù liên tục giải thoát khỏi mọi bình đựng
Những người “học trò nước”
Những vị huynh cao cấp của Thầy ngươi
Vẫn liên tục thọ nhận những tướng khác làm Thầy
 
Này Cỏ May
Đừng đồng nhất với người học trò hữu tướng
Đừng đồng nhất với người học trò nước
Đừng là cái gì cả
Thì cái vô vi huyền diệu của ông sẽ tự hợp nhất với cái vô vi huyền diệu của Thầy ông
 
Này Cỏ May, đó là vô sư trí.
 
Tưởng Vậy/13/12/2007

Múc ?!