Cái quần bỏ quên
Tiếng thác bạc chảy ào ào, tiếng gió hú buồn bã trong khu rừng ngù hương bên kia suối; tiếng nhạc chầu văn ẽo ợt, đơn đớt của một giọng nam đồng cô; tiếng đàn bầu não nuột của ông già mù ăn xin ngồi ở đầu dốc đá; tiếng bà đồng đền the thé chua chua: - Tấu lạy Cô, Cô ban tài ban lộc, Cô ban quyền ban phép cho ghế của Cô... Tiếng cầu khấn của con nhang đệ tử rầm rầm rì rì, thỉnh thoảng có tiếng hít hà như ăn phải ớt..

Trong gió núi lồng lộng, Ba Gàn ngồi đấy lặng yên, những âm thanh kia hắn nghe mơ hồ khi có khi không như từ một cõi nào đấy xa lắc xa lơ trong quá khứ vọng về. Trước mặt hắn ông La vie đang cúi đầu suy nghĩ thế cờ. Phải rồi mười lăm năm về trước cũng tại nơi này, Ba Gàn và ông La Vie cũng thường ngồi đánh cờ như vậy.

 

  ***

 

... Ngày ấy ông La Vie còn chưa già như hôm nay, phong sương còn hằn trên nét mặt rám nắng với bộ quần áo bộ đội đã sờn vai. Còn Ba Gàn cũng còn rất trẻ, lòng đầy nhiệt huyết, bộ đồ đà bạch thếch, túi vẽ lủng lẳng sau lưng, trên bước đường giang hồ lang bạt hắn cũng đã đến đây.

 

Ngày ấy khu Tây Thiên Quốc Mẫu nhà nước chưa làm du lịch nên vẫn còn cái đẹp nguyên sơ hoang dại. Từ dưới chân núi chỗ cây đa rễ phụ uốn éo như cái cổng chào lên đến đền Quốc Mẫu chỉ có duy nhất một cái nhà lá của ông La Vie. Dọc đường lên núi, suối chảy rì rào, thác tung bọt trắng. Rừng đại ngàn rất nhiều cây ngù hương trong gió rừng tỏa hương thơm ngát. Chim kêu vượn hót, trúc dây phất phơ, gà rừng gáy te te, nhen sóc và kỳ đà chạy theo chân Ba Gàn lên đến tận đền Mẹ.

 

Ngày ấy trên núi chỉ duy nhất có một cái đền của Mẹ, không có chùa và hàng quán thêm vào ăn có như bây giờ. Đền rất thiêng, cảnh đẹp hùng tráng diễm lệ mà tràn đầy hoang dại, mây bay vào đền, sương núi mù mịt, rừng cây thế đá chập chùng, luyện công rất hiệu quả, nhà đền lại tử tế. Thế nên Ba Gàn rất thường đến đây.

 

Ban đầu Ba Gàn chỉ đi một mình nên thường đi thẳng lên chùa không nghỉ ở cái nhà lá của ông La vie. Sau này khi hắn nổi tiếng, lúc hắn lên đền lễ Mẹ, hàng trăm người đi theo. Hắn thường cùng mọi người nghỉ chân ở chỗ ông La Vie. Cái nhà lá do vậy đã biến thành cái quán lá bên thác Bạc từ đó.

 

Một hôm như mọi khi, đoàn người đi lễ, dừng chân tại đó nghỉ ngơi ăn uống. Chờ mọi người đi hết Ba Gàn mới gọi ông chủ quán lại. Hắn đưa ra trước mặt lão ta một chai nước La Vie chưa khui, nhưng trong đáy chai lại có một con ruồi. Đoạn hắn chỉ cho lão ta thấy cái vỏ ni long bao nút chai có dấu đã khui ra rồi hàn lại bằng lửa.

 

Mặt lão ta đỏ bừng, lão đứng lặng im một lát rồi ấp úng:

-                Xin Thầy tha lỗi cho. Mọi người đến đông quá. Không đủ nước La Vie để bán nên tôi đã lấy nước suối đổ vào rồi khằn lại. Tôi xin đền Thầy và đoàn, tiền tất cả chai nước tôi đã thay bằng nước suối. Xin Thầy làm phúc đừng nói việc này ra. Mọi người sẽ tẩy chay quán của tôi mất.

 

Ba Gàn ôn tồn:

-                Ông không phải lo, không ai biết việc này đâu. Khi phát hiện ra, tôi đã cất nó đi. Bây giờ không có ai, mới bảo với ông, để sau này ông không làm như vậy nữa. Ông cũng không phải trả lại tiền đâu. Coi như chúng tôi cảm ơn ông đã giúp chúng tôi có chỗ nghỉ ngơi ăn uống để đủ sức leo lên đền.

 

Từ đó hai người đàn ông quen nhau và lão chủ quán có thêm biệt danh “ông La Vie”.

Chính hắn bảo Ba Gàn gọi mình như thế:

-                Thầy cứ gọi tôi như thế để tôi nhớ cái sai lầm này mà tu tâm sửa tánh.

-                Mô Phật, đấy là ông bảo đấy nhé

Ba Gàn cười lên ha hả rồi hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau, vỗ vào vai nhau bồm bộp, vô cùng thân thiết!

 

Chợt La Vie ngồi xuống ghế, nước mắt chạy quanh và nói với Ba Gàn:

-                Thầy biết không, thầy quá tốt. Trước đây tôi cũng có một thằng bạn quá tốt như Thầy. Khi còn ở chiến trường, nó đã nhiều lần liều mình để cứu tôi, tôi mang ơn và thương nó lắm. Thế nhưng chính tay tôi đã giết chết bạn mình. Thầy ơi, tôi là một thằng khốn nạn!

 

Ba Gàn yên lặng kính trọng cái giây phút thiêng liêng này.

Hắn tự pha một bình trà, rót cho La Vie một ly, rồi ngồi uống một mình và yên lặng nhìn người bạn mới quen ngập chìm trong niềm cảm xúc khôn nguôi.

Lát sau, trong gió rừng lồng lộng và tiếng thác bạc chảy ào ào La Vie bắt đầu kể cho Ba Gàn nghe câu chuyện về cái chết oan nghiệt của bạn mình…

 

***

 

Thầy biết không, hết chiến tranh hai thằng tôi đều về công tác tại huyện đội. Hồi đấy chỗ này rừng rậm lắm, thú rừng rất nhiều, một hôm thằng bạn tôi nó tới và bảo:

-                Này ở thác Bạc, chỗ cái nương của tao, có dấu lợn rừng về ăn sắn. Tối nay tối trời mày và tao lên phục thế nào cũng hạ được nó.

Khi trời chưa tắt nắng hai đứa tôi, đã tới nương sắn bên thác Bạc. Nhìn dấu chân trên mặt đất ướt gần bờ suối tôi biết nó là con lợn nọc rất lớn.

-        Này nó đi từ hướng kia xuống nương, mày có thấy đấu chân của nó không?

-        Đúng rồi.

 

Tôi nhặt một cái bông lồng mứt trắng muốt và nhẹ như bông gòn, đưa lên trời và thả ra. Cái bông bay là là xuống phía khu rừng tối nhờ nhờ.

-                Mày thấy chưa, hướng gió về phía ấy, nếu tao và mày núp ở đây. Khi nó tới sẽ phát hiện được mùi mồ hôi của chúng mình. Lợn rừng là loài rất thính. Vậy bây giờ hai đứa mình phải đi tắm thật sạch để hết mùi mồ hôi, mà không được tắm bằng xà phòng thơm đâu nhé. Súng cũng phải chùi thật sạch để nó không phát hiện mùi dầu.

 

Thế rồi chúng tôi phục tới nửa đêm mà con lợn rừng chết tiệt vẫn chưa thấy tới. Hai đứa bèn chia hai ngả đi vòng khắp nương, biết đâu hôm nay nó về ăn ở chỗ khác cũng nên. Hồi chiều chúng tôi thấy phía đầu nương bên kia cũng có dấu nhưng ít và mờ hơn.

 

Trong rừng trời tối như mực, nhưng chúng tôi đi không một tiếng động. Không mặc quần áo để khỏi có mùi mồ hôi. Người thoa đầy lọ nghẹ để ngụy trang. Chúng tôi nhấc chân lên đặt mũi bàn chân xuống trước. Lấy ngón chân gạt nhẹ lá khô rồi mới đặt bàn chân xuống nền đất núi. Vì không mặc quần áo nên cành lá chỉ hơi khẽ chạm vào người chúng tôi cũng biết để tránh.

 

Chợt phía đằng kia có tiếng hộc thật to của lợn rừng, rồi một bóng đen tầm thấp chạy xuống suối. Tôi phản xạ đưa súng lên bóp cò.

 

Súng nổ, có tiếng rên đau đớn:

-                Mày bắn nhầm tao rồi!

Tôi chạy vội tới, rọi đèn. Thằng bạn tôi nằm trên vũng máu. Nó thều thào:

-                Con lợn rừng nó phát hiện ra tao nên hộc thật to để chuẩn bị tấn công. Tao không thấy nó đâu vì trời tối quá, nên khom người chạy xuống suối để nó có chạy theo thì dễ quan sát mục tiêu.

Tôi bàng hoàng chưa kịp phản ứng gì thì nó đã tắt thở…

 

Sau đó tôi bị đi tù 3 năm. Mãn hạn tù về, tôi bỏ hết mọi sự đời lên đây cất cái nhà lá bên dòng thác Bạc gần ngay chỗ nó đã chết, để ngày ngày hương khói tạ tội với vong linh người đã khuất.

-                Đây, hình nó đây.

 

Vừa nói La Vie vưa đưa tay chỉ vào một cái bàn thờ nghi ngút khói hương. Ba Gàn thấy người trong ảnh là một anh bộ đội còn rất trẻ.

-                Đây là hình nó hồi ở chiến trường. Tôi thờ để ghi nhớ công ơn nó đã nhiều phen cứu mạng tôi. Bao nhiêu năm rồi làm bạn với núi rừng với hương hồn của người đã khuất. Tôi như giao cảm được với thế giới tâm linh. Ăn cơm, uống trà, uống rượu, hút thuốc, chơi đàn, đi câu dưới thác, làm nương làm rẫy... tôi như đều thấy nó hiện về cùng làm, cùng ăn như hồi nó vẫn còn sống. Thế cho nên tôi cứ ở đây, chẳng vợ chẳng con, chẳng bạn bè thân thích mà không bao giờ cô độc. Thầy à, tôi biết nó vẫn quanh quẩn bên tôi, bầu bạn với tôi để tôi khỏi buồn bã cô đơn. Còn tôi thì chắc trọn đời trọn kiếp này lòng hối hận và thương tiếc chẳng bao giờ nhạt phai. [#breakpage#]

 

***

Chuyện đã xảy ra mười lăm năm qua, mà giờ đây ký ức Ba Gàn chợt ùa về, như chỉ mới hôm qua!

 

Mười lăm năm rồi, bây giờ hai người đàn ông tóc đều đã hoa râm. Ba Gàn thì vẫn vậy, nhưng phong trần và khắc khổ hơn. Sau thời gian dài bôn ba khắp mọi miền đất nước, hôm nay hắn lại về đây leo lên núi lễ Mẹ. Chẳng còn đám đông tu học vì danh vì lợi, cũng chẳng còn đám đông đố kỵ theo để trộm pháp Phật, đi cùng hắn là vài chục người bạn đồng tu đã còn lại qua phong ba bão táp của trần gian. Còn La Vie thì mập mạp phốp pháp ra dáng một ông chủ lớn.

Hề hề... chẳng gì thì bây giờ hắn cũng là giám đốc của một công ty xây dựng và buôn bán địa ốc làm ăn đang khấm khá.

Quán lá của hắn đã biến thành một quán ăn có chỗ nghỉ trọ, xây bằng gạch khang trang rộng rãi, khách khứa ra vào ăn uống cười nói ồn ào.

 

-                Nè đi đi chớ, Thầy nghĩ gì mà thừ người ra vậy

 

Ba Gàn giật mình, nhìn xuống bàn cờ. Chợt hắn cười lên ha hả, bởi vì La Vie đang đút con xe vào miệng con ngựa của hắn. Nếu hắn ăn con xe thì đối phương xem như sẽ bị thua là cái chắc. Thế nhưng Ba Gàn không ăn con xe mà lại đi nước khác. La Vie ngước nhìn Ba Gàn không nói gì, chợt hắn mỉm cười buồn bã:

-                Thầy ơi, mười lăm năm rồi, cờ của con bây giờ cao hơn trước nhiều. Thầy không thể thua mãi như mười lăm năm trước được. Bây giờ con đã ngộ được nước cờ thua của Thầy. Thầy không ăn con xe của con mà cố ý để cho con chiếu bí chứ gì. Thầy ơi, thời thế đã đổi thay. Con bây giờ giàu hơn Thầy nhiều. Thầy phải để con thua Thầy chứ.

 

Ba Gàn, bỏ lỡ ván cờ đang dở dang. Hắn nhìn La Vie và mỉm cười với người bạn phong trần của mình:

-                Hềhề... hóa ra ông đã biết hết rồi sao.

-                Con bây giờ được như thế này là nhờ công ơn Thầy. Để con cho Thầy gặp người này... Em ơi, ra đây lễ Thầy đi.

 

Có tiếng đáp lại, rồi một người đàn bà xinh đẹp từ phía trong bước ra chào Ba Gàn.

-        Ồ, Dung Nhí phải không?... Sao cô không ở trên đền Mẹ với cụ đồng đền mà lại ở đây.

-        Thưa thầy, con là vợ anh La Vie.

-        Ủa vậy hả. Hèn gì.

-                Hôm qua đoàn Thầy điện lên trước với cụ đồng đền, bây giờ là bố vợ con. Nên bà xã con nói cho con biết. Con đã bỏ hết mọi công việc của công ty lên núi làm bữa tiệc để đón chờ cố nhân. Thầy ơi, không ngờ bao năm xa cách thế mà nước cờ thua của Thầy vẫn không có gì thay đổi!

 

...

Chẳng là trước kia, thấy hắn khí khái và tình nghĩa với người bạn đã khuất. Ba Gàn đã kết thân với hắn. Thỉnh thoảng lên ở với hắn ít ngày, cùng hắn lội rừng tìm chỗ để vẽ và luyện công. Hắn chỉ cho Ba Gàn từng cây ngù hương, từng con mang, con rắn, từng tổ ong vò vẽ, từng cây thuốc nam, từng lối tắt đường vòng để băng qua thác Bạc lên đền Mẹ. Ba Gàn đưa tiền ăn và trọ hắn mang ơn nên không lấy. Thấy thế Ba Gàn thường giả vờ đánh cờ cá độ với hắn. Bao giờ Ba Gàn cũng giả vờ thua để có cớ biếu hắn khi ít tiền, khi là bữa nhậu, khi thì canh rượu đế, bánh thuốc rê hay gói trà Thái nguyên với phong thuốc lào Thái Thịnh... . .

 

La Vie đưa tay chỉ cái radio đã sờn tróc vỏ bọc, đặt trang trọng trên đầu kệ sách:

-                Thầy thấy không, bao năm rồi con vẫn giữ cái ra dô Thầy thua cờ con. Lúc ấy con háo thắng nên mới lấy của thầy. Nhờ nó mà lúc đó con đỡ buồn khi một mình ở cái xó núi này. Bây giờ có tiền, ôi thôi máy gì cũng có nhưng đi đâu con cũng mang nó theo, như là có Thầy bên cạnh. Còn kia là cái bùa giải hạn Thầy đã trao cho, hôm bà xã con lên đồng. Trước kia con thờ nó như là một quyền lực tâm linh. Bây giờ bà xã con đã nói hết chuyện ấy rồi thì con lại thờ nó như là một bằng chứng của tình người, một kỷ vật của con tim Thầy.

-                Này La Vie, ông không giận tôi đã lừa ông chứ.

-                Mô phật, không đâu vợ chồng chúng con biết tấm lòng của Thầy. Mà sao hôm ấy Thầy và cô Dung nhà con lại đóng kịch khéo thế. Y như là hương hồn thằng bạn của con nhập đồng vào cô Dung rồi bảo với con rằng: - Mày thương, mày ở với tao như vậy là quá đủ rồi. Bây giờ mày phải về với mọi người với cuộc đời, phải có vợ có con, phải có công ăn việc làm và môt hạnh phúc bình thường như bao người bình thường khác, thì ở suối vàng tao mới ngậm cười. Chứ nếu mày cứ hối hận buồn rầu thương tiếc tao như vậy, làm sao tao siêu thoát được!

 

Nói thực với Thầy, lúc ấy con tin sái cổ, nên đã lạy hương hồn thằng bạn rồi quay về xuôi quyết chí làm ăn tạo dựng cơ ngơi. Thầy ơi, hình như hương hồn thằng bạn con nó độ hay sao ấy mà con làm đâu thắng đấy. Rồi cơ duyên thế nào con lại gặp và kết hôn với nhà con đây. Bởi thế mà nhà con mới nói lại mọi việc Thầy đã vì con mà làm. Thầy ơi, thằng bạn nối khố của con đã chết, nhưng bây giờ con lại có một người bạn, một người Thầy cũng tình nghĩa thân thiết biết bao! Thầy ơi, ván cờ tình nghĩa với thế cờ luôn luôn thua của thầy mười lăm năm rồi bây giờ con mới có lời giải.

 

...

Gió núi gào lên thảm thiết trong khu rừng ngù hương đã bị chặt phá hoang tàng chỉ còn trơ những gốc là gốc. Thác Bạc chảy ào ào, tiếng cười tiếng nói của đám thanh niên nam nữ với tiếng nhạc giật gân và áo thun hở rốn... Tiếng nhạc chầu văn ưỡn ẹo với giọng nam đồng cô đơn đớt; tiếng đàn bầu não nuột của ông lão mù ăn xin trên đầu đốc đá; tiếng bà đồng đền the thé giọng âm:

-                Tấu lạy Cô, xin Cô ban tài ban lộc, xin Cô ban quyền ban phép cho ghế của Cô...

 

Ôi! Đạo đời đều như hòa tan, thực hư đều chẳng còn ranh giới. Tiếng cười ha hả của hai người bạn mười lăm năm qua bây giờ mới gặp nhau, như át cả gió núi, như át cả mọi âm thanh hỗn độn của trần gian!...

 

Ôi! Cái tình gặp cái nghĩa. Thực và hư gặp nhau. Linh hồn người xưa như đang chập chờn qua cuộc cờ nhân thế!

 

La Vie đưa ly rượu lên trước mặt đến trước bàn thờ của người đã khuất. Nước mắt chạy quanh. Hắn đổ ly rượu xuống nền và khấn thật to:

-                Mày có linh thiêng thì về đây uống rượu với tao và Thầy. Thế là chúng mình đã thành bộ ba rồi đấy. Có thêm một người bạn như Thầy đây chắc mày cũng ưng cái bụng. Tao đã về lại với đời mà vẫn có mày trong cuộc sống của tao. Hôm nay bọn mình gặp nhau tại cái nơi đầy kỷ niệm nầy thì bọn mình hãy nhậu say chết bỏ. Hềhề... chưa say chưa về...  chưa say chưa về... Nào dzô!... Dzô đi Thầy...!

 

Ba Gàn đổ ly nước trà ra, rót rượu vào ly và đưa lên định cụng ly với La Vie, thì hắn đưa tay ngăn lại rồi rót một ly trà mới đưa cho Ba Gàn và cười:

-                Thầy ơi Thầy lại chơi thế cờ thua với con sao. Bây giờ con cao cờ lắm rồi. Thầy chẳng cần vì chúng con mà phải tùy duyên giả vờ như vậy. Con biết Thầy vẫn dùng trà thay rượu mà...!

 

Ba Gàn rót một ly trà nâng lên hướng về phía bàn thờ của người đã khuất, hắn khấn thầm rồi đổ ly trà xuống đất.

 

Ôi! Hai người bạn và một cái linh hồn như đang cùng say sưa... Núi rừng trời đất cũng đang say sưa... và trên đỉnh núi cao kia chắc Mẹ đang âu yếm nhìn đàn con của mình và mỉm cười trong yên lặng!

 

Cỏ May

Kỷ niệm chuyến dã ngoại ở đền Tây Thiên Quốc Mẫu /28/10/2007