Im lặng sấm sét
Này Cỏ may, có một số vấn đề ông cần lưu tâm: 1. Không phải khi ông đảnh lễ thì cố ý nằm bẹp người xuống đất như vậy. Mà khi thực chứng tát bà ha (Saraha) thì điển quang sẽ làm ông tự nằm bẹp người sát đất như người Tạng vẫn thường lễ Phật như vậy. Ông hỏi tại sao vậy à?

- Tại vì đó là vị trí thấp nhất so với người đối diện, nên về mặt tương quan thì đó là “chỗ trũng tát bà ha” so với đối tượng nên năng lượng từ đối tượng tự chảy về người đảnh lễ, như nước tự chảy về chỗ trũng. Trong cuộc sống cũng vậy, người khiêm cung luôn nhận được năng lượng tự chảy của người đối diện về phía mình, còn kẻ tự cao ngã mạn năng lượng của hắn luôn chảy ra khỏi cơ thể một cách tự phát, nên dần dần hắn sẽ nóng nảy mất bình tĩnh nên lời nói và hành động tự bị rối loạn.

2.     Theo kinh nghiệm của ta thì các sách viết về mật tông đều không bao giờ chính xác hoàn toàn. Ông hỏi tại sao vậy à? Tại vì có quá nhiều câu dalani và các điều phải ghi nhớ để hành công. Nên người tu không phải cần nhớ hết vì như thế sẽ rất khổ mà còn là điều không thể được. Nên chỉ phải học thuộc một ít điều cơ bản, còn lại khi dùng cái gì thì tra cứu vào kinh điển. Thế nhưng nếu cái gì cũng ghi rõ ràng ra giấy trắng mực đen thì đâu còn gì là mật. Bởi vậy các vị thầy tâm linh bèn nghĩ ra một cách, là cứ viết hết ra sách, nhưng trong mỗi cuốn đều cố ý viết sai đi một vài điểm yếu hệ. Để sau này có kẻ không thực chứng mà nói khoác nó sẽ dùng luôn cả phần viết sai ấy trong tài liệu hay phương pháp cóp nhặt của mình. Còn người tu thật sự thì Thầy của mình sẽ dặn riêng khi dùng sách ấy thì phải bỏ hay sửa chữa một ít. Người tu học do vậy không cần nhớ hết cuốn sách mà chỉ nhớ các điểm nhỏ phải hiệu đính khi dùng sách ấy mà thôi. Cho nên mới bảo nếu chấp y kinh điển thì tam thế Phật oan mà nếu rời xa kinh điển thì lạc vào tà đạo là vậy. Cho nên cách ông dùng sách là phải đi đôi với pháp khẩu truyền của Thầy mình mới được.

3.     Các khế ấn hữu tướng (mudra) ghi trong kinh sách, đều chỉ là pháp phương tiện để giao tiếp với chư vị thầy vô vi, chứ nó không có công dụng thực hành nội dung câu thần chú (Dalani). Nội dung câu dalani là sở nguyện của người tu. Khi vị thầy vô vi ứng điển nhập thân mới dạy cho người tu khế ấn khác để vận dụng các sức mạnh của pháp giới thực hành nội dung câu thần chú mà người tu đang niệm. Bởi vậy cho nên không biết thiền đại thủ ấn (mahamudra) mà chỉ kiết ấn trì chú theo như kinh sách thì sẽ không hiệu quả. Muốn hiệu quả thì phải thông công với vị Thầy vô vi. Mà trước đó phải thông công với Guru mình.

4.     Tam mật phải tương ưng. Nghĩa là thân mật, khẩu mật, ý mật phải hợp nhất mới có hiệu lực. Nhưng trong kinh điển thường chỉ ghi 1 hoặc nhiều nhất là hai mật chứ không đủ tam mật( Mudra, dalani, mantra) nên hành trì sẽ không kết quả. Phần kinh điển không ghi là phần khẩu truyền của minh sư tại thế của mình. Nên tu mật mà chỉ căn cứ vào sách vở thì sẽ không hiệu quả hoặc hiệu quả sẽ kém hẳn đi.

5.     Khi hành công thì vừa thông công với tâm linh, vừa trì Dalani, để điển quang tự biểu thị Mudra, khi sự hợp nhất giữa năng lượng và thể xác lên cực độ thì khế ấn (Mudra) sẽ tự vẽ mantra hay linh phù lên cơ thể. Nếu là độ sanh thì sẽ vẽ mantra ra chung quanh lên trời và xuống đất mục đích vận dụng sức mạnh của pháp giới, để cúng dường chư Thiên hay để trừ tà. Vậy nếu thấy cơ thể chỉ múa may bằng điển mà không tự vẽ phù vào người thì sẽ không hiệu lực. Khi hành công thì minh sư tại thế sẽ giám thiền để quan sát sự biến hóa của khế ấn hữu tướng thành các đại thủ ấn có đúng không. Nếu sai thì sẽ cắt điển và điều chỉnh cho người tập. Bới vậy nếu tự tập mà không có Thầy kiểm tra hệ thống khế ấn thì rất có thể bị sai. Nên tập lâu năm mà không hiệu quả là vì vậy. Do thế việc ở gần Thầy là quan trọng.

6.     Khi đại thủ ấn đã tự biểu thị thành thục. Minh sư tại thế sẽ kiểm tra lại bằng cách cùng trì câu dalani của người tập để điển quang thông qua tâm không hiển thị khế ấn. Người tập nếu đã thông công với Guru mình thì nhất định sẽ tự hiển thị khế ấn (mudra) giống hệt của Thầy mình. Nếu khế ấn của trò lúc ấy không giống của thầy, thì có nghĩa người trò không thông công được với minh sư tại thế. Nên nhất thiết không bao giờ thông công được với Deva, Dakini và Hum được. các khế ấn mà người trò đang hiển thị như vậy đã bị sai chệch do tâm bất định hay đang trụ bám vào các sắc tướng giả hợp.

7.     Khi các biểu hiện trong cơn thiền động đều đã được minh sư tại thế nhìn nhận là chính xác. Thì ngài sẽ kiểm tra tính thường trú của điển quang trong cuộc sống của học trò mình bằng cách:Ngài sẽ tự kiết ấn và niệm thầm câu dalani để phụng thỉnh vị thầy độ mạng của người trò. Sau đó chú nguyện để người trò làm việc gì đấy. Xong người Thầy sẽ gọi người trò và bảo làm việc khác. Nếu người trò lúc ấy đã thường trú điển quang thì sẽ không làm như thầy bảo mà sẽ làm cái điều mà người thầy đang chú nguyện. Nếu được như vậy người thầy sẽ ấn chứng cho học trò mình. Thí dụ:

Khi người trò chào thầy để định ra về trong đêm tối. Thì người thầy bảo:

-   Con hãy cầm cái đèn này để đi

Khi người trò vừa thò tay cầm đèn thì ngài bèn thổi tắt đi. Người trò liền chứng ngộ.

Đó không phải người trò chứng cái LÝ “ Đèn luôn luôn sáng không bao giờ tắt, chỉ có cái tướng đèn thì mới có tắt có sáng” mà chứng cả cái SỰ là thầy đã ngầm bảo hóa thân của mình hãy cầm cái đèn tắt mà soi đường đi!

Nếu chỉ chứng lý mà không chứng sự thì gọi là Lý Sự chẳng viên thông! Vì người trò vẫn còn bị trói buộc của vòng vây của “khái niệm”.

Làm như vậy gọi là “Thiền cơ”.

8     Tương tự như vậy, để kiểm tra người trò có thường trú điển quang khi nói hay không. Người Thầy sẽ kiết ấn trì chú để phụng thỉnh thầy độ mạng hay Guru của học trò mình ứng điển nhập thân trả lời một câu hỏi mà trước đó mình đã khởi trong tâm. Thí dụ:

-   Tượng Tổ Sư liên Hoa Sanh đã về Việt Nam, vậy Tổ đã về hay chưa?

Trong tâm vị Thầy tự khởi câu trả lời là :

-   Đấy

Thầy bèn gọi người học trò của mình lại và hỏi:

-   Tượng Tổ Sư liên Hoa Sanh đã về Việt Nam, vậy Tổ đã về hay chưa?

Nếu người trò đã thường trú điển quang thì sẽ tức khắc trả lời là:

-   Đấy!

Khi ấy người Thầy sẽ ấn chứng cho học trò mình.

Làm như vậy gọi là thiền ngữ. Chứ thiền ngữ không phải là các lời đối đáp qua lại do tinh thông giáo lý.

9.     Khi người trò đã được thầy kiểm tra qua thiền ngữ và thiền cơ. Thì gọi là “Ngộ” vì đã gặp được vị “Thầy vô vi” chứ không phải gặp ông Thầy tại thế mà gọi là ngộ được. Lúc ấy người học trò sẽ rời minh sư tại thế của mình để tự thông công tu “Giác” với chư vị vô vi là các vị thầy tâm linh không có sắc tướng. Bởi vậy cái mà ông gọi là “Tu” bây giờ thực ra chỉ là cùng vị thầy tại thế chuẩn bị để “thực tu” với vị thầy trên trời. Cho nên nếu chỉ dừng ở các phép tu hữu tướng, ông sẽ chỉ thành người tốt, người có trí tuệ, đức hạnh, chứ không thể thành người giác ngộ được.

Ông hỏi, thế trong quá trình này ông ở đâu à?

-   Khi tu “Ngộ” ông luôn là người chứng kiến và nhận biết, không phải cái cơ thể đang chuyển động cũng không phải là điển quang.

-   Khi tu “Giác” khắc ông sẽ tự thực chứng “ Cái biết chính là hành động” và ông là gồm thu cả thể xác và điển quang mà không phải hai thể này. Ông là “Vô”!

Này Cỏ May, đó chỉ là kinh nghiệm của riêng ta. Ông đã hỏi thì ta cứ tình thật mà nói. Nhưng ông nên biết: Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Ông nên tác bạch việc này với chư tăng và chư vị thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho, thì mới thật đúng được.


 Tưởng Vậy/23/10/2007