Khi em là rỗng không. Ta bỗng thành cát bụi.

Này Cỏ May!... Namo Guru Deva Dakini Hum... là câu dalani rất quan trọng trong thiền năng lượng. Ông hỏi tại sao à? Tại vì nó qui định trình tự thông công và các nấc thang tiến tu, mà nếu không tuân thủ sẽ không có hiệu quả.

Namo nghĩa là qui y về... Trong mật tông nó có nghĩa là nhận ân điển thiêng liêng và hợp nhất với các vị thiêng liêng. Trong thiền nó có nghĩa là hợp nhất với cái toàn diện để thành thể duy nhất Một... còn gọi là thể nhập tánh.

Guru trong mật tông có hai phương diện: "Tâm linh" và "Vật lý". Đó là gạch nối giữa đạo và đời, thiêng liêng và chúng sanh... là bậc tu chứng cả hai phương diện hữu vi và vô vi. Đối với hữu vi đó là người có đạo hạnh, có trí tuệ, thông hiểu kinh điển và nghiêm trì giới luật của Như Lai. Đó chính là đức giáo thọ của người tu mật, là người trực tiếp hướng dẫn việc tu tập...
Đối với vô vi, đó là người có thể làm cho chúng sanh giao tiếp với thế giới tâm linh bằng các cách như: Lễ quán đảnh, dạy khí công, trợ điển...v.v... Bởi vậy Guru có thể dạy đạo qua năng lượng hay khí hoặc ân điển thiêng liêng mà không cần phải dùng lời nói hoặc hành động của thể vật lý...
Guru chính là nét đặc thù của mật tông... người chưa kinh qua không thể tin được... do vậy thường có lời nói và hành động không đồng cảm. Bởi thế mà khi đến gần một vị Guru đích thực và vĩ đại cũng chẳng thấy có gì khác lạ!...
Guru là cửa ải mà cũng là điều kiện bắt buộc mà người tu mật phải kinh qua...
Nghĩa là trước khi thông công nhận ân điển và học đạo trực tiếp với chư vị thiêng liêng. Người tu nhất thiết phải học đạo với một Guru đích thực.
Trước tiên học phần hữu vi với ngài, để có một cơ thể khỏe mạnh, một đời sống đạo đức và trí tuệ...
Sau đó là học phần vô vi, nghĩa là thông qua sự kiểm tra hướng dẫn của vị minh sư tại thế là Guru của mình, người học đạo phải đạt được khả năng giao tiếp với thế giới tâm linh qua các cảm nhận và biểu thị năng lượng chính xác... Chỉ khi nào vị Guru bằng kinh nghiệm của mình nhìn nhận việc thông công giao tiếp với thiêng liêng của người tu là không còn sai chệch nữa. Thì người ấy mới được phép rời thầy mình, tự thông công giao điển học trực tiếp với chư vị thiêng liêng... Còn trước lúc đó là nguy hiểm vì rất dễ sai chệch...
Người tu mật tông phải biết rằng: Tuy đã nhận được ân điển thiêng liêng hay đã đắc khí,  nhưng các cảm nhận và các biểu thị cũng như công năng xuất hiện trong lúc hành công bằng điển quang với ơn trên chưa chắc đã là đúng đắn... Thường vì tâm của người tu chưa định và tĩnh nên các cảm nhận này chỉ thỉnh thoảng mới đúng còn đại bộ phận là sai... Bởi vậy người hành công nhất thiết phải hỏi lại vị minh sư tại thế của mình nghĩa là Guru ở thể vật lý, về các cảm nhận và biểu thị trong cơn thiền quán của mình, để ngài Guru giảng giải cắt nghĩa và phân tích...v.v...
Cứ thế cho đến khi các cảm nhận và biểu thị mà người hành công nhận được, học được, qua ân điển thiêng liêng đều được Guru của mình nhìn nhận không một lần sai chệch... Lúc bấy giờ người tu mới được minh sư tại thế của mình hay Guru ấn chứng... Khi ấy gọi là Satori hay "Ngộ"...
Và chỉ sau giây phút ấy người tu mới có thể rời thầy, học đạo trực tiếp với chư vị thiêng liêng mà không bao giờ lạc vào tà đạo... Đó là giai đoạn tu "Giác"...
Người tu mật phải biết rằng, không phải ráng tập mà các cảm nhận và biểu thị công năng của mình tăng tiến và đúng đắn... mà điều ấy tùy thuộc hoàn toàn vào việc nghiêm trì giới luật, chánh định và tỉnh giác trong cuộc sống... Đây là giai đoạn học đạo thì ít mà rèn giới là chính!...
Deva là chư vị đại thần linh...
Sau khi học đạo với Guru và được ngài ấn chứng... Người tu mật bắt đầu học đạo trực tiếp với chư vị thiêng liêng... mà trước tiên bao giờ cũng là các pháp của chư vị đại thần linh... Bằng thiền đại thủ ấn với tam mật tương ưng. Người tu sẽ thông công và học đạo bằng vô vi với chư vị đại thần linh... Các pháp học được thường là thần quyền, phát công trị bệnh, các khả năng ngoại cảm cần thiết cho việc tu học và luyện công...
Dakini là chư vị Thánh Mẫu...
Sau khi hoàn tất việc học đạo với chư vị đại Thần linh... Người tu mật sẽ được thông công và học đạo với chư vị Thánh Mẫu... Cũng vậy, bằng thiền đại thủ ấn với tam mật tương ưng. Người tu sẽ thông công và học đạo bằng vô vi với chư vị Thánh Mẫu... Các pháp học được thường là viết văn, làm thơ, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, mỹ thuật, văn hóa văn nghệ... các khả năng về dịch lý bói toán, về y thuật, địa lý...v.v... Công năng hiển thị không phải bằng thần quyền, hay sức mạnh của năng lượng mà là khế ấn, linh phù và dalani...
Hum là quay về hợp nhất...
Sau khi hoàn tất việc học đạo với chư vị Thánh mẫu...
Bằng thiền đại thủ ấn với tam mật tương ưng, người tu sẽ thông công và học đạo bằng vô vi với Vua Cha, chư vị A La Hán, Bích Chi và Độc Giác Phật...
Đây là giai đoạn "Thường trụ khí"... thể năng lượng và thể vật lý của người tu hợp nhất không kẽ hở... Theo thời gian việc nghiêm trì giới luật của người tu cũng đã đi vào vô thức... cũng hiển thị một cách tự nhiên, gọi là giới tự giữ...
Các pháp học được thường là chuyển các biểu thị có tính tâm linh thành các biểu thị bình thường như của chúng sanh.
Đây là giai đọan "Bình thường tâm thị đạo"...
Không cần dùng thần quyền, khế ấn, thần chú hay linh phù... Chỉ cần dùng lời nói và các hành động bình thường như mọi người mà Phật lực vẫn hiển thị...
Đây là giai đoạn quan trọng, khiến người tu ấn tàng được trong nhân gian, rong chơi khắp nơi khắp chốn mà vẫn giúp ích được cho chúng sanh, tùy duyên mà hiển tướng...
Khi giai đoạn này phát triển tột bực, người tu tự nhiên lọt vào Phật trường của chư Phật. Bởi Phật đạo là "Vô tướng", "Vô pháp" nên không có gì để mà học... Đây là buông xuôi, thuận duyên thì tự nhiên cùng trôi với vạn pháp...
Giống như trồng một cái cây đã lớn đã đủ ngày giờ thì tự nhiên đơm hoa kết trái... Người nông dân chỉ trồng cây... chứ không thể làm ra hoa... và trái được...
Này Cỏ May!... Đến giai đoạn này, Phật đạo cũng tự nhiên thành như vậy, phi nỗ lực, chẳng cần cố gắng... mà là buông xuôi!...
...
Mô Phật!... Ta chẳng dám lộng ngôn để phạm giới vọng ngữ...
Trước kia ta nghe đức Huệ Nghiêm là thầy ta nói thế nào thì nay vì ông, ta nói lại thế ấy...
Do ta nói lại, và cũng vì ta chưa tu chứng nên có thể hiểu sai lời của Thầy mình. Bởi vậy ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Ông nên tác bạch việc này với chư tăng và chư vị thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới thật đúng được...
Nam mô chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ...
Xin đảnh lễ đại sư Huệ Nghiêm cùng chư vị đạo sư người Việt... Đệ tử xin thành tâm sám hối vì các lỗi trong bài viết này!...
 
Tưởng Vậy 
( Về miền Đất Phật - Nhà xuất bản Tôn Giáo - 8 /2007)