Cháu cũng đi Sambala
- Tại sao cụ thích đi du lịch ở Tây Tạng thế ? - Này Cỏ May, Đó là hành hương về miền đất Phật chứ không đơn thuần là du lịch. - Cứ cho là thế. Nhưng tại sao lại đi nhiều lần thế mà không chán? - Ta là người tâm linh. Ta đi theo tiếng gọi của tâm linh. Chứ không phải đi để nghiên cứu tìm hiểu hoặc có nhu cầu học pháp ở nơi ấy. - Xin cụ làm ơn nói rõ hơn.

-    Lấy thí dụ thế này để ông dễ hiểu. Ở Việt Nam ta, những người học trò của Tam Tòa Thánh Mẫu và Tứ phủ Công Đồng, nghĩa là những người “đồng bóng”, hàng tháng đều phải về các điện hoặc am là nơi thờ phụng chư vị và là nơi mình đội bát hương và thọ pháp để “trình đồng”. Không về không được, như có sự thôi thúc của ơn trên không thể bỏ qua được. Khi họ về không phải để học pháp mà là để “làm việc”. Nghĩa là chư vị thiêng liêng sẽ về mượn xác để giao tiếp hoặc dạy đạo cho người đời. Khi ấy người “lên đồng” là một gạch nối giữa thiêng liêng và trần tục.

Người tu Mật cũng vậy. Khi đã có ân điển thiêng liêng (Bakti), thì thường có sự thôi thúc của tâm linh để về bên cạnh Thầy mình và nơi mình đã qui y thọ pháp. Đó là các tu viện có phụng thờ chư vị thiêng liêng đang tiếp điển cho mình.

Như nam châm hút sắt. Các tu viện và bản thân người Thầy như có lực hút vô hình với người tu tập và học đạo. Ta gọi là tiếng gọi của tâm linh. Người ngoài thì không thấy gì cả. Nhưng người tu mật đã được quán đảnh hay nhận điển quang gia trì thì cảm nhận rất rõ điều này. Nếu học thiền mât, mật tông, hay các pháp tu có năng lượng mà không hề cảm nhận được sự thôi thúc và lực hút này, thì người đó chưa nhận được sự gia trì, chưa được quán đảnh, chưa thông công được và như vậy thật sự chưa biết gì về mật tông cả.

Người mới tu học thì tâm linh thôi thúc đến với ta và với nhà Tổ. Còn ta thì tâm linh thôi thúc phải về trú xứ của đức Phật và chư Tổ. Không phải ta có nhu cầu tu học hoặc nghiên cứu. Ta chẳng cần chi cả. Tự ta thấy mình như đầy đủ chẳng cần gì thêm nữa. Nhưng như đứa bé đang chơi đùa với chúng bạn thỉnh thoảng thích chạy vào lòng mẹ nó để được mẹ nó âu yếm vuốt ve. Ta cũng vậy, ta rong chơi khắp cõi ta bà này chẳng cần chi. Thế nhưng thỉnh thoảng ta thấy nhớ Như Lai và chư Tổ thì tự ta tìm về với các ngài thế thôi. Ta chẳng cần các ngài cho gì, ban ân huệ gì. Như đứa bé kia chỉ thích mẹ nó âu yếm, ta cũng vậy chỉ thích thông công, hợp nhất điển quang, để sự rung động thần thánh trào dâng lên ngút ngàn...  

Thế thôi... thế là đủ với ta rồi... và ta lại tiếp tục rong chơi quên ngày quên tháng... quên đạo quên đời... quên cả mọi buồn vui, vinh nhục, thành bại, có không.

-    Nhưng tại sao lại có sự thôi thúc ấy?

-    Như hai người yêu nhau thì tự nhiên có sự thôi thúc muốn đến gần nhau để hợp nhất. Phật và chúng sanh cũng vậy.

Như Lai do yêu chúng sanh nên luôn đến bên cạnh chúng sanh để gia trì bảo hộ. Nhưng chúng sanh thì chỉ nghiên cứu tìm hiểu Phật, chứ không có tình yêu tối thượng với Như Lai, nên chưa có sự thôi thúc phải tìm đến, phải thông công, để hợp nhất với Như Lai.

Phải có hai người cùng có tình yêu thì mới có sự hợp nhất. Chỉ một mình Phật yêu chúng sanh còn chúng sanh thì chỉ tôn kính, nghiên cứu, tìm hiểu, bắt chước, làm theo... v.v... chứ chưa thật sự yêu ngài nên chưa có sự thôi thúc về phía giác ngộ, chưa có sự hợp nhất để thành thể Bodhisattva (Bồ tát).

Bởi vậy, đối với mật tông tình yêu tối thượng với Như Lai, với chư Tổ, với minh sư mình là điều tối quan trọng để có sự thông công hợp nhất điển quang, để nguồn cảm xúc trào dâng mãnh liệt. Khiến mình trở thành người nghệ sĩ tâm linh đích thực đầy ngẫu hứng và sáng tạo chứ không phải là “thợ tu” chỉ bắt chước làm theo!

Này Cỏ May, ông biết không. Khi hai người yêu nhau, thì người này là nguồn hạnh phúc, là nguồn cảm hứng bất tận của người kia. Cũng vậy, chúng sanh đã là nguồn hạnh phúc, nguồn cảm hứng bất tận của Như Lai và chư Tổ. Thì ngược lại đối với những người tu mật như ta. Như Lai và chư Tổ, chư bồ tát, chư vị thiêng liêng cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận và vô biên, là nguồn hạnh phúc to lớn là nơi có lực hút của tình yêu tối thượng khiến ta luôn muốn tìm về.

-    Nhưng Phật thì ở khắp mọi nơi chứ đâu cứ gì phải đến tận Tây Tạng hay Ấn Độ mới có?

-    Này Cỏ May, về lý thuyết thì khi hai người yêu nhau, thường nghĩ tới nhau và làm việc vì nhau thì cũng như ở gần nhau. Nhưng đấy là vì công tác hay công việc bắt buộc chưa có điều kiện thì đành phải tự an ủi mình như thế. Chứ nếu có dịp nghỉ phép hay có cơ hội thì thế nào hai kẻ yêu nhau kia cũng đến nơi mình thường hò hẹn để gặp nhau.

Ta cũng như các vị huynh, các vị thầy tâm linh khác. Do Phật sự chưa viên thành, chưa có cơ hội thì đành gặp gỡ Như lai và chư Tổ trong “Tánh”, bằng “thể nhập Tánh”. Chứ khi đã rỗng rang, khi đã rong chơi lông bông khắp cõi trần thế, thì thế nào ta và chư vị ấy cũng đều tự tìm về nơi hò hẹn cũ với người yêu tối thượng của mình. Này Cỏ May, đó là nơi tiền kiếp chư vị ấy đã thọ pháp, đã qui y, đã cùng người yêu tối thượng sống và làm việc, nơi ấy đầy những kỷ niệm tâm linh, nó làm ta thấy rung động và hạnh phúc vô biên khi sống lại những ngày xưa yêu dấu.

Này Cỏ May, đối với người qua đường, thì những nơi chúng ta tìm về với sự rung động thần thánh, có khi chỉ là cái cây cổ thụ, cái đống đá vô tri, dãy núi, dòng sông hay thảo nguyên mênh mông lộng gió... v.v... nhưng đối với những người như ta nó gợi nhớ biết bao điều, nó là nguồn cảm hứng, là nhịp cầu nối những bến bờ tâm linh, nối hiện tại và quá khứ, nối thiêng liêng và trần thế, nối vô minh và giác ngộ, nối đau khổ và niềm vui không nguyên nhân...  haha... ha!... nó là nguồn hạnh phúc vĩ đại và bất tận, bởi vì nơi ấy ta sẽ gặp lại người xưa, ta sẽ gặp lại khuôn mặt ta lúc ta chưa sinh ra... Haha...ha!... ta tự sẽ biết “bản lai diện mục” là gì!...

Này Cỏ May, như hai người yêu nhau sau khi đã gặp nhau ở nơi hò hẹn, họ sẽ trở về với công việc hàng ngày với nụ cười ở trên môi, với sự thân thiện đồng cảm với mọi người, với sự bất cần mọi sự chỉ cần tình yêu... Ta cũng vậy sau những ngày hành hương về nơi hò hẹn cũ với chư vị thiêng liêng, ta lại về với Phật sự hàng ngày với nụ cười trên môi, ta sẽ nhìn pháp giới với con mắt đầy yêu thương đồng cảm và ta cũng chẳng cần chi vì ta đang có một tình yêu tối thượng choáng ngợp cả tâm hồn và thể xác ta.

Haha...ha! Ai rồi cũng phải có người yêu và cũng sẽ thường đến nơi hò hẹn của mình.

Này Cỏ May, ta cũng đang có người yêu tối thượng của mình và ta cũng sẽ thường đến những nơi hò hẹn của riêng mình. Ông đã biết vì sao rồi đấy!

 

Tưởng vậy/5/10/2007