Chấp !
Kính mời quý vị đón xem. Xin chào quý vị ! Hôm nay, Cuội tôi thư thả, cõng Trăng đi chơi. Giữa đường gặp chú bé quạt lò đang đội cái bàn có bao nhiêu là thứ. Nào là sen, nào là ghế, là chùa, là mõ, là sách lại cả bát đũa ăn cơm, rồi cái rễ cây trông như cái thuyền rồng.… chúng đang néo vào bông sen bằng những sợi dây chằng chịt. Lạ nhỉ !...

Hỏi thì chú bảo là đây là quà mà Cụ Tưởng gửi cho quán trà nên phải mang tới ngay không muộn, rồi cứ  vùn vụt mà đi rồi biến mất.

Cuội chắc những thứ này có ý nghĩa lắm nên liền hỏi cụ già đang đi tới:

- Thưa cụ nói cho con hay cái ghế ý nghĩa thế nào ?

            - Danh - Cụ già buông một câu.

            - Thưa cụ thế cái bát là nghĩa thế nào ?

            - Lợi - cụ lại buông câu nữa

            - Dạ thưa Cụ thế còn mấy quyển sách ?

            - Hí luận

            - Thưa còn cái mõ ? - Vui

            - Vậy cái chùa ? - Vẽ - Cậu đùa tôi đấy hả sao hỏi kỳ vậy ?

Rồi cụ đi qua. Cuộị vẫn còn cố:

            - Thưa nhưng Cụ còn nến, rồi thuyền, rồi sen thì sao ạ ?

            - Cụ già ngoái lại: Nó soi, nó tỏ, nó thả, nó trôi…, thế thôi . Còn muốn biết sen thế nào thì đến quán trà mà hỏi nhé. Rồi Cụ cũng biến mất.

Quái lạ ? Thế là Cuội liền rảo bước đến quán trà.

            ……

 

            Quán trà này quý khách lắm. Họ đón tiếp Cuội như một trà sĩ thực thụ. Còn Cuội thì xin phép chỉ làm quan sát viên thôi.

            Kia, các trà sĩ đang chăm chú ngắm tiểu phẩm đặt ở góc phòng, đó chính là món quà của Cụ Tưởng. Họ đặt tên cho tiểu phẩm này là "Huyễn". Sau khi phỏng vấn chủ trà, Cuội mô tả thế này:

           

           Thân nhi nữ

            Trong trắng trinh nguyên

Vào vòng cát bụi

Bát cơm lợi lộc

Xiêm áo che thân

Dòng đời "tất bật"

Ghế chèo ghế đặt

Chẳng đứng thì ngồi

Sách đời chứa chật

Kinh kệ vui thay

Niệm mãi suốt ngày

Em đi đâu được ?

Mải theo dòng cuốn

Tơi tả tả tơi ?

Hỡi ôi !

 

Nghe thât buồn, cuội liền xin phép lộn ngược tất cả mọi thứ lên xem sao, thì có ai đó hỏi liên tục, liên tục câu hỏi : - Có dám không ?...Cuội xin chép lại ngay:

 

Có dám lên thuyền lớn?

Vượt trùng dương, vào sóng cả, hoà mình ?

Có dám nhìn cuốn kinh

Chìm trong dòng thác lớn

Có dám nhìn chùa sập

            Không còn tiếng mõ chuông

            Có dám bỏ bát cơm

            Nhặt hạt mầm ruộng cạn

            Có dám nhìn tan nát

            Ghế gãy đổ. Dám không ?

            Thân mất đấy đừng trông ?

            Tôi đâu còn để giữ.

            Còn chi nữa ?

…..       

- Thắp sáng rực ngọn lửa,

nơi trái tim trần gian,

cháy thiêu thông đất trời,

cháy tàn vòng cát bụi,

chỉ còn Em trần trụi -Hư không !

            Dám không ???                 

           

Hình như vẫn còn nghi ngờ, người thì nói "Dám" khẳng khái, người thì nói không nhè nhẹ. Tốt nhất Cuội thay mặt trà sĩ "Đại nghi" phỏng vấn cụ Tư Diệu Đế cái món "Tứ Diệu Đế" cho rõ nhé:

 

- Con xin được đảnh lễ Như Lai

Cạn chén Trà thứ nhất !

Chợt thấy ngón tay chỉ thẳng của Phật

Nơi chữ "đế" chân thật, vững vàng

Đầu tiên là chữ "khổ":

            "Cái miếng ăn cũng "nhục"

Cái "miếng uống" nhọc nhằn

Và kia…một chỗ ngồi đã ngả nghiêng

Còn cố mà chằng buộc.

Nhồi đủ thứ vào đầu

Cho vuông thành sắc cạnh

Mang cân cho đủ, cho dư

Lê bước chân nặng nề

Đều đều là tiếng mõ"

          Nếu chỉ là chỗ chất đời

          Tất cả là bể khổ !

 

Con hoang mang nên xin Chư Tổ

Được cạn chén Trà thứ hai:

Thấy rõ ràng nguyên nhân

Vì sao mà bị khổ

Đều do "tham" do "ái"

 

Dù đã biết "tập đế"

Con cũng xin Vua Cha, Mẫu Mẹ, cùng các Chư Thiên, cho con tham nốt lần này; Cạn chén trà thứ ba:

            Diệt  tận gốc "tham" và "ái"

            Bằng phương pháp "Cổ sư"chứng truyền: "Diệt đế'

….

Bỗng giật mình

Ối! cụ "Tư Diệu Đế" về

Cụ cười khà khà…vang như sấm

- Ta ban cho ngươi, cạn nốt chén Trà còn lại. Đấy không phải là Trà của ta, mà của pháp "Tư Điệu Đế". Nhớ đem pháp này, phổ độ chúng sanh: Tu để chứng. Hợp nhất cái phần thiếu sót của tâm trí thành cái "Một".

         

 

Thưa quý vị, tới đây thì các Trà sĩ cùng nhau:

Nương theo ngón tay chỉ

Thấy mưa hoa của pháp giới tràn về

Và ánh sáng của ngọn đèn Huệ

Đang tràn khắp thế gian.

 

Thế là đã rõ.

Nhưng còn những áng thơ này, trà sĩ Hào Hiệp có tâm sự gì đây:  

 

Những cánh sen tàn

Những cánh sen bay

Chùa tháp dựng lên

Chùa tháp đổ

Rồi những áng thơ

cứ thế trôi đi

Như tôi đến

Rồi về đâu chẳng rõ

Than ôi ! Chẳng bận mây bay

Hồn tôi chẳng bận đêm ngày:

Về đâu ?

 

Nghe rồi Trà sĩ ThiThi cảm tác thế này

           

          Con lang thang khắp chốn

            Mê mải với dòng đời

            Ôi ! Vẫn nghe tiếng Mẹ

            Đang gọi hoài: con ơi !

 

Và mô tả bằng một phác hoạ với một ngôi nhà đơn côi giữa cánh đồng không quạnh, hàng tre nhung nhớ đang thì thầm chia sẻ với bóng trăng treo  tặng ngay cho tác giả.

 

Có vẻ như nỗi cảm thông bắt đầu. Cuội tôi phải hỏi cho rõ hơn tâm sự của Trà sĩ Hào hiệp thì nhận được mấy câu này, nghe cũng quái;

 

            Vẫn thằng cha chả

            Hứng được trăng

            Sau cơn bão lửa

            Giữa khoảng không !

            Ngông !

 

Và gọi chú bé đốt lò nhờ châm lửa đốt cháy hết cả những sợi dây nhằng nhịt bông sen và trả lại mọi thứ như cũ.

 

Thưa quý vị:  Thế đấy ! Sau một hồi món quà của Cụ Tưởng lại về như cũ nhưng chẳng còn sợi dây nào cả. Chú bé quạt lò thốt lên:

           

Nực cười,

Giữa thế gia này

Nào có sợi dây

Ghế còn hay lật

Dính gì đến sen

Vạn pháp vốn vô ngã

Tự do là tự nhiên

Trăng hồn nhiên, như thật…

 

Các trà sĩ cười vang, Cuội tôi cũng cười vang, và Sư tổ (trong tranh của chú bé quạt lò) cũng cười vang …Cười đến nỗi mà:

           

          Rỗng chật thế gian

            Rỗng tràn muôn cõi

            Rỗng nhộn nhịp tưng bừng

            Nơi quán Trà Hà nội.

 

Thưa quý vị , đây cũng là lời kết thúc của MC Cuội cho buổi giao lưu hôm nay với quán trà Hà nội.

Xin cám ơn Quán trà và cám ơn quý vị đã cùng theo dõi.

Xin chào và hẹn gặp lại.

 

MC Cuội