Âm dương tương thôi
Kính gửi Cụ Tưởng Vậy! Thưa cụ, con viết thư để hỏi mượn cụ cái cối xay bột nước.

Chẳng là, con muốn làm mấy cái bánh để dâng Thầy con, Cha, Mẹ và Như Lai. Nên con đã mua nhiều gạo nếp, đậu, mè, và gia vị. Nhưng con lại chưa có cái cối xay Bột nước.
Hôm trước, con thấy cụ quảng cáo là ở chỗ cụ có Cái Cối ấy, nên con mạn phép xin cụ cho con mượn cái cối.

Thưa cụ, con mới tập làm bánh nên còn nhiều bỡ ngỡ, vì vậy, nếu cụ có lòng hảo tâm cho mượn thì xin cụ hướng dẫn con sử dụng cái cối ấy. Con muốn sử dụng thuần thục để sau này con có thể thường xuyên làm nhiều loại bánh, để dâng mời Như Lai, Thầy , Mẹ cùng chứng hưởng.

Xin cụ giúp đỡ con, nếu có điều gì thất lễ thì con xin cụ đại xá cho con. Con trẻ còn chưa biết lễ nghi.
Con xin cảm tạ công đức của Cụ!

Ba Rùa 21/10/2006

 

Thư gửi Ba Rùa

. . . .

Này Ba Rùa

Ai cũng có cái cối xay này, chỗ ngươi cũng có đấy!. . . .

Hềhề!. . . Đó là bửu bối để các con của Như Lai xuống chơi trần gian rồi biết đường mà về nếu muốn! . . .

Nhưng có khi cái cối của ngươi lâu ngày không dùng nên chưa ích dụng. Hoặc có khi ngươi quên mất cách sử dụng nên không dùng được! . . . .

Để ta nhắc ngươi nhớ lại:

-        Cái cối luôn có hai phần gọi là : Thớt đực và thớt cái

Tượng trưng cho âm dương hợp nhất thành nhất nguyên

Mô Phật! Nó cũng là: có và không. . . .tịnh và động. . . .nền tảng và thăng hoa. . . .thể và dụng. . . .tánh và tướng. . . .

-        Trong đấy phần tiếp xúc trước tiên với gạo, nếp, đậu, mè. . . . và nước. . .v. v. . . phải là cái "thớt trên" nghĩa là phần thăng hoa. . . .phần "dụng". . . .phần biểu thị. . . .phần "động". . . Chứ không phải cái "thớt dưới" là cái nền tảng. . . cái bản thể . . . .

-        Cái cối xay phải quay theo đường tròn. . .Nghĩa là viên dung. . . là tương thôi đối đãi. . . .Chứ không phải vận hành theo đường "thẳng" của đạo hoặc đường "ngang" của đời!. . . .

-        Khi vận hành thì chỉ phần trên chuyển động còn phần dưới nằm im. . .Gọi là tịnh động giao hòa. . . .tánh tướng tùy duyên. . . .trong tịnh ngoài động. . . .động mà không mất bản chất tịnh. . . v. .v. . . .

-        Gạo, nếp, đậu, mè. . . .cũng như nước. . . .sau khi được tiếp nhận ở phần thăng hoa, phần động, phần dụng, phần thích ứng. . . .được nghiền nát và trộn lẫn làm một trong cái cơ chế vận hành vừa tịnh vừa động này. . .Cái cơ chế vận hành được Như Lai và chư Tổ gọi là:

 ". . .Sắc bất dị không, không bất dị sắc. . .Sắc tức thị không không tức thị sắc. . ."

-        Sự chuyển hóa của gạo nếp, đậu, mè. . . .luôn xảy ra ở giữa thớt đực và thớt cái, ở giữa âm dương tương thôi, ở giữa tịnh động giao hòa. . . .

-        Sau đó bột nước nhất thiết phải chảy qua thớt dưới, chảy qua cái phần tịnh, phần lặng yên, phần tánh, phần bản thể, trước khi được sử dụng để làm bánh. . . Mô Phật!. . .Cái đó gọi là: Yên lặng rồi hãy nói, hãy làm,. . . . hoặc là trong từng lời nói và hành động phải có con mắt Phật thấy và biết. . . .Cái đó gọi là: Tỉnh giác!. . . .

Này Ba Rùa!. . .Ngươi muốn làm bánh dâng tặng Như Lai, tặng Mẹ, tặng Thầy ngươi. . . . thì nên sửa sang và sử dụng cái cối của ngươi như lời ta đã hướng dẫn. Chứ mượn của ta thì chỉ thỉnh thoảng, đôi lúc, chứ đâu có thể mượn mãi được, bởi ta cũng cần dùng nó làm bánh hằng ngày để ăn chơi và chiêu đãi bạn bè. . . .

 

Tưởng Vậy/23/10/2006