Làm chơi
Một người khách vừa ghé núi Vân. Rất nhiều người hiếu kỳ đang ngồi chung quanh nghe anh ta nói chuyện:

-         Quí huynh biết không, ta đã thọ giáo nhiều đại lão hòa thượng trong nước. Ta cũng là học trò của nhiều cao tăng ở nước ngoài. Ta cũng đã viết và xuất bản rất nhiều sách dạy đạo, dạy thiền và dạy khí công.Ta có rất nhiều học trò, Tây có ta có. . . Ta cũng sang tận Tây Tạng để học Mật Tông nên đã được ấn chứng và đã nhận được ân điển thiêng liêng. Hôm nay ta đến đây không phải tự nhiên mà là do mặc khải . . .
-         Thế ngài đến đây có việc gì?
-         Ta đến để đàm đạo với cụ Tưởng Vậy. Thế cụ có nhà không?
-         Cụ kìa!
. . .
Nhìn theo tay chỉ hắn thấy một cụ già đầu tóc bạc phơ đang rửa ly chén và lau bụi ở cái bàn sát bên cạnh. . .
Thấy vậy người ấy rất ngạc nhiên:
-         Mọi người thì đang ngồi chơi sao cụ lại phải làm?
-         Mô Phật! Họ có việc của họ và ta có việc của ta. Họ đang ngồi chơi, còn ta thì làm chơi!. . .Vừa nói cụ già vừa mỉm cười và từ tốn ngồi xuống rót cho khách một ly trà nóng khác. . .
-         Tôi đến đây cốt để hỏi cụ một câu: Thưa cụ, tại sao cụ lại tu tập?
-         Vì ta biết ba điều thực tế để khỏi làm nô lệ cho kẻ khác. Thường thì ở đời:
1.     Người có tiền bóc lột người không có tiền
2.     Người trí thức bóc lột người ngu
3.     Người có vũ lực bóc lột người yếu đuối
Nếu không có tiền, có trí thức cao, hay có sức mạnh thì nhất thiết phải làm nô lệ cho kẻ khác.
Ta đã lỡ không tiền, không trí thức cao, nên ta phải tu pháp môn này để có pháp lực thần thông. Mục đích trước tiên không nô lệ cho người đời, sau cầu giác ngộ đạo vô thượng!. . .
. . .
Người khách nghe nói há hốc mồm ngạc nhiên, rồi chẳng nói chẳng rằng, đứng dậy cầm túi xách quày qua bỏ đi, không quay đầu lại. . . .
Nhìn theo bóng người khách nhòe dần trong bóng núi. Cụ già yên lặng mỉm cười. . .
Ba Gàn rót cho cụ một ly trà. . .
Chờ cụ nhấm nháp rồi đặt ly nhẹ nhàng xuống bàn đá. Hắn mới hỏi:
-         Thưa cụ tại sao người khách lại vội bỏ đi như vậy?
-         Tại ta mời đi!. . .
-         Sao tôi chẳng nghe cụ bảo hắn đi?
-         Ta thấy hắn ba hoa khác lác nên đã mời hắn đi để tránh hí luận.
-         Thế nào là mời đi.
-         Người ấy còn tâm trí, nên chấp vào lời ta nói. Cho rằng ta ham pháp thuật thần thông và còn tâm hiếu thắng nên khinh thường bỏ đi.
Rất tiếc!. . .Người ấy đã tu rất lâu bằng tâm trí, nhận biết đúng sai theo các khái niệm đã được học nên mới vậy!. . .
Nếu người ấy thật sự có ân điển thiêng liêng và đã phá ngã thì người ấy khắc biết là ta chỉ đùa với tâm nhị nguyên của hắn.
Còn hắn là “người tự biết” thì khắc vượt qua hàng rào ngôn ngữ mà trực ngộ với “con người thật” của người đối diện!. . . .

Tưởng Vậy/16/9/2006