Phá chấp
(Trăng rụng ...tr. 136) Cố bám víu mới đứt lìa Có cành neo đâu mà rụng?

Trăng không rụng cũng chẳng lìa

Trăng chẳng đầy cũng chẳng vơi

Trăng tự nhiên trăng thế

Có cô Hằng mới biết nguyên trăng

 

Mạc Tuấn/1/9/2006

 

Cảm ứng từ bài thơ trên:

 

Trò chơi của tâm trí

 

Đầy nên tràn

Vàng tự rụng

Bám thì chưa đứt

Còn neo chưa thể rụng

Có tướng trăng khắc có tướng đầy vơi. . .

tướng còn tướng mất. . .

Than ôi!

Lầm tánh và tướng!. . .

Tưởng tự nhiên là cái riêng!

Trăng là trăng

Còn cô Hằng chỉ là trò chơi tâm trí!. . .

 

Tư Rượu Đế/1/9/2006

 

VÔ ĐỀ

Đá nhẵn mặt thời gian

Nước xuôi dòng thế tục

Người trụ trong cõi vắng

Tất thẩy hóa như không

 

Mạc Tuấn/1/9/2006

 

 

Cảm ứng từ bài thơ trên:

 

Ngoan không

 

Tâm ngoan không thấy pháp là không!

Tất thẩy không thể hóa như không

Mà như không phải liên tục hóa thành tất thẩy

Nước không thể hiện hữu khi không có bình đựng

Vạn pháp là bình đựng của "tánh"!. . .

Này!

Ngoan không đồng vô minh! . . .

 

Tư Rượu Đế/1/9/2006

 

 

Phục sinh

Trập trùng núi

Đầu núi nào cũng trọc

Trập trùng cây

Cây nào cũng trốc gốc

Điệp trùng người

Người nào cũng lăn lóc

Hòng phục sinh

Rừng nguyên sinh hiện không còn đất sống

Còn đâu đất phục sinh

Ngay cả chúa Hài đồng cũng kiệt cùng nước mắt

Rùng rùng người và trùng trùng tham khát

Chúa cũng chìm trong cơn khát

Đến thiền viện theo những lối mòn

Cùng cõi người bối rối tượng đá toát mồ hôi

Mượn câu kệ để thoát cơn mê đắm

Hiện thời khát nhân tình

Kinh nghĩa vẫn bò quanh miệng tục

Biết bao giờ có đất để phục sinh?

 

Mạc Tuấn/Đà Lạt/ 1/9/2006 

 

Cảm ứng từ bài thơ trên:

 

Ngã tri kiến

 

Trập trùng núi

Núi nào cũng đang mọc

Trập trùng cây

Cây nào cũng vươn từ nguồn gốc

Điệp trùng người

Người cười cảnh lăn lóc

Này!

Chết và sống đồng thời

Sinh và phục sinh cùng lúc

Tưởng có "hòng phục sinh"

Ngã tự mình phân lập! . .

Sinh và dịch là không chia lìa

Nên không cái gì là nguyên sinh

Sinh mà vẫn nguyên thì đó là tánh!. . .

Tánh thì đâu còn đâu mất?!. . .

Than ôi!

Thấy tướng Chúa tưởng Chúa

Thấy tướng thiền tưởng thiền

Thấy tướng kinh tưởng kinh

Tâm thế tục thấy tục

Lúc nào cũng phục sinh

Thế mà mình không biết!

Tiếc thật! . . .

 

Tư Rượu Đế/1/9/2006

 

 

Những khái niệm

 

Thuận tự nhiên được tôi hiểu là BI

Thuận tự nhiên là PHẢN XẠ TỰ NHIÊN

CHÁNH NIỆM phải dùng TRÍ

TRÍ TRI để quán thông

TỈNH GIÁC cần cái DŨNG

Cái DŨNG phá chấp như là PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN

Phản xạ có điều kiện tạo thành thói quen thuận tự nhiên

Khi đã thuận tự nhiên thì không cần dũng không dùng trí

Chỉ còn lại cái tự nhiên hòa hợp cùng thông!

 

Mạc Tuấn/1/9/ 2006

 

Hồi âm từ bài viết trên:

. . . .

Chỉ tự nhiên mới thuận tự nhiên!

Thuận tự nhiên không phải Bi mà là thể nhập Tánh.

Thuận tự nhiên không phải Phản xạ tự nhiên mà là "Phản ảnh như thật".

Chánh niệm phải "vô trí"

Trí tri còn tâm trí, giác tri là huệ mới vượt khỏi nhị nguyên của tâm trí!

Quán thì chưa "thông"!. . .Đã "thông" thì không còn "Quán"!. . .

Tỉnh giác không cần "dũng"vì chẳng cần cố gắng!

Tỉnh giác do Tịnh tự nhiên thành!. . .

Cái "Dũng" chưa thể phá chấp. Trái lại khi đã phá chấp thì tự có đại dũng!. . .

Phản xạ có điều kiện là còn lẩn quẩn trong tâm trí. Trái lại "Vô ngã" là trạng thái của "bạch tịnh thức" nghĩa là tạng thức chẳng còn phụ thuộc lối mòn của kinh nghiệm!. . .

Phản xạ có điều kiện không tạo thành thói quen thuận tự nhiên. Mà tạo thành thói quen nô lệ cho tâm trí!. . .

Khi đã thuận tự nhiên thì không cần dũng không dùng trí.. . .

Cũng chẳng còn lại "cái biết tự nhiên hòa hợp cùng thông". Vì như vậy là vẫn còn trong tâm trí vẫn còn nô lệ cho mọi khái niệm và kinh nghiệm!. . .

Và đó vẫn là trò chơi của tâm trí đang đánh lừa người tu trụ ngã!. . . .

 

Tư Rượu Đế/1/9/2006