Trong một buổi toạ đàm ngẫu hứng tại quán trà Dưỡng Sinh. Thầy Đồ Vi Tính hỏi Ba Gàn:

-         Tam giáo đồng nguyên", thì như vậy Phật học và Khổng học ắt có những mối tương đồng. Xin huynh cho một thí dụ minh hoạ cho vấn đề này?

-         Sách Đại Học trong tứ thư ngũ kinh đã mở đầu bằng bài :

 

Đại học chi đạo

Tại minh minh đức

Tại thân dân

Tại chỉ ư chí thiện.

 

Để minh hoạ cho mối tương đồng ấy, Gàn tôi xin mạn phép nương theo âm vận của các bậc tiền hiền cổ đức để có mấy câu sau:

 

Phật học chi đạo

Tại minh minh giác

Tại thân "Phật"

Tại chỉ ư chí thiện.

 

-         Này bác Ba, bài của sách Đại học thì nhà nho chúng tôi đều đã hiểu ý nghĩa rồi. Hềhề!. . . Nhưng bài của bác độ chế thì chưa, xin bác vui lòng có thể giải thích được không?

-         Được thôi!. . .Đệ sẽ giải thích nhưng đúng thì chưa chắc! . . . Xin quí vị vui lòng bổ túc, cải chính hoặc cho thí dụ minh hoạ khác. Hềhề!. . Cứ xem đây như là chuyện tầm phào để giải trí lúc thư giãn!. . .

 

"Phật học chi đạo": Nghĩa là Phật học là con đường.

"Tại minh minh giác": Con đường ấy ở chỗ làm sáng cái "minh giác" ở bên trong. Minh giác này có nghĩa là cái hiểu biết sáng suốt. Nó cũng là tánh.

"Tại thân Phật": Nghĩa là, muốn minh cái "minh giác" này thì phải thân Phật. Phật ở đây được hiểu như là giác ngộ. Còn đối với những người đang tu tập như chúng ta, nó có nghĩa như là trạng thái chánh niệm và tỉnh giác.

"Tại chỉ ư chí thiện": Muốn thân phật thì phải "chí thiện". Chí thiện ở đây có nghĩa là cái thiện cùng cực cao tột chứ không phải cái thiện bình thường. Mô Phật!. . .cái thiện bình thường thì xét theo tiêu chuẩn đúng sai phải trái của tâm trí. Còn chí thiện là hoạt dụng vô ngã, vì khởi nguồn từ trạng thái như thị của Bát nhã ba la mật đa.

Thầy Đồ Vi Tính ngước mắt nhìn qua khe hở của cặp kính lão đang trễ xuống sống mũi, đằng hắng giọng rồi nói:

-         Những điều bác ba nói đều là lý thuyết. Tôi muốn hỏi bác các kinh nghiệm thực tiễn trong tu tập để "thân Phật". Vì tôi nghĩ đó là khâu then chốt để tiến tới "chí thiện".

-         Hềhề!. . .Đối với cá nhân tôi để thân Phật, trong sinh hoạt tôi áp dụng ba cùng: "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Phật".  Một hành động dù là nhỏ nhặt cách mấy đi nữa tôi cũng áp dụng nguyên tắc: "Phật biết, Phật bàn, Phật làm, Phật kiểm tra". Hềhề!. . .Đối với đời nguyên tắc "dân chủ" là quan trọng nhất, thì đối với người học Phật tôi nghĩ nguyên tắc " Phật chủ" cũng là quan trọng nhất!. . .

-         Với Phật là trạng thái chánh niệm tỉnh giác ở "dụng" và "giác ngộ" ở "thể".

-         Mô Phật, đúng vậy.

-         Cảm ơn bác Ba. Xin mời bác dùng trà.

 

YÊN TỬ/20/6/2005