- Hề hề!. . .Tôi vui vì năm vừa qua phong trào tập luyện Khí Công Dưỡng Sinh phát triển rất tốt. Tôi đã mở rất nhiều lớp mới, số lượng môn sinh theo học cũng khá đông, số người lành bớt bệnh hoặc tăng cường sức khoẻ cũng khá nhiều. Nói chung phong trào có tiếng vang tốt trong xã hội. Cụ bảo thế chẳng đáng mừng và đáng tự hào sao?- Mô Phật! đáng lo chứ không phải đáng mừng.- Thưa cụ tại sao lại thế?- Đối với người truy tìm chân lý, việc hành thiện giúp đời là nên làm và phải làm. Nhưng đó không phải là mục đích. Mục đích là giác ngộ! . . Bởi vậy hành thiện chỉ là phương tiện thiện xảo để rèn tâm dưỡng tính, quay về hội nhập với cội nguồn thanh tịnh của Như Lai. Do vậy người hành thiện lúc nào cũng chánh niệm tỉnh giác trong từng hành động, tuỳ duyên hiển tướng mà không xa rời chân tâm. Được như vậy mới đáng quí và đáng mừng.Còn nếu vì ham danh tiếng hoặc xem phong trào như là một sự nghiệp thông qua đó để xác lập vị trí ở thế gian. Người hành thiện sẽ mất tỉnh giác, sa vào đấu tranh của nhị nguyên, lao vào các việc hữu lậu để hư trương thanh thế. Bị chi phối bởi các khái niệm vinh nhục, thành bại, hơn thua, có không . .v. v. . . thì dù làm được nhiều việc cách mấy đi nữa, số lượng người tham gia là đông cách mấy đi nữa, phong trào phát triển cách mấy đi nữa, uy tín trong xã hội tăng cách mấy đi nữa, thực sự là điều đáng lo chứ không phải đáng mừng. Này chú Ba! . . .chú hỏi tại sao ư? - Tại vì cái gánh nặng trần thế này sẽ ngày càng nặng thêm, nên một ngày nào đó nó sẽ đè bẹp “cái Tôi” đang gánh vác nó.- Mô Phật! thế thì hành thiện và làm Phật sự thế nào mới không sa vào luân hồi địa ngục?- Hành thiện “vô ngã”.- Nghĩa là sao?- Mô Phật! . . . Cho dù đang đi vào nhân gian với đôi chân trần, cũng đừng để lại vết chân! . . - Xin cảm ơn cụ,- Về cái gì?- Về các câu trả lời này.- Hề hề! . . . Hoa mai hoa đào cảm ơn mùa xuân sao? . . . [#breakpage#] Ngày hôm sau cũng tại quán trà Dưỡng sinh,- Chào cụ Tưởng Vậy- Chào Cỏ May. . . .Sao không vào trong uống trà đàm đạo với các vị huynh cho vui, ngồi một mình ở đây buồn thế?- Thưa cụ, tâm tịnh thì tự an vui sao lại phải cần giao tiếp với người khác?- Hềhề! . . .Tâm tịnh thì tự an vui, sao lại phải lánh xa trần thế?- Thưa cụ, tôi đã từng là huấn luyện viên môn Khí Công Dưỡng Sinh. Tôi cũng đã từng xuôi ngược khắp nẻo đường quê hương hành thiện để giúp đỡ đồng bào mình tập luyện tăng cường sức khoẻ, chứ đâu phải lánh xa trần thế. Nhưng tôi thấy đi vào đời rất dễ bị đời tha hoá, phải giải quyết quá nhiều việc, tiếp xúc quá nhiều người, rất khó giữ định, từ đó thân tâm thường mất an lạc. Tuy công việc có phát triển nhưng con đường thăng hoa tâm thức thì đi thụt lùi. Do vậy đã mấy năm rồi tôi quyết định nhập thất ẩn tu lánh xa trần thế. Tôi nghiệm thấy mình dể giữ chánh định và thường an lạc hơn trước. Cụ bảo như thế không phải là biểu hiện đáng mừng trên đường tu tập sao?- Mô Phật!. . . đáng lo chứ không phải đáng mừng.- Thưa cụ tại sao lại thế?- Này Cỏ May! . . . . Như có người kia vì sợ con mình sẽ bị nghiện ngập hoặc nhiễm các thói hư tật xấu của thế gian. Người ấy bèn lấy xích sắt giam cầm con mình một chỗ không cho đi đâu. Ông nghĩ sao, phương pháp giáo dục ấy có phù hợp và giúp cho người con phát triển thành người tốt hữu dụng không?- Phương pháp ấy là không phù hợp sẽ làm thui chột về thể chất và trí tuệ của người con thay vì phát triển thành người tốt hữu dụng! . . .- Mô Phật!. . . Phương pháp cách ly thế gian của ông cũng như vậy. Sẽ làm thui chột về thể chất và trí tuệ thay vì đưa đến giác ngộ. Thế nào Cỏ May!. . . Người cha vì ý tốt nhưng xiềng xích con mình như vậy có phải là bạo hành với con không?- Đúng là bạo hành với con của mình.- Mô Phật! Phương pháp cách ly trần thế của ông, tuy vì dụng ý tốt nhưng cũng là bạo hành với chính mình! . . .- Mô Phật!. . . Thế phải làm thế nào để đi vào đời hành thiện làm Phật sự mà không bị tha hoá?- Này Cỏ May!. . . Như người cha kia thay vì xiềng xích con mình thì phải giảng giải cặn kẽ để con mình biết đâu là việc nên làm, đâu là việc không nên làm, tạo điều kiện để con mình làm bạn với người tốt, xa lánh kẻ xấu. Người con ấy phải lấy xã hội, nhà trường và gia đình làm môi trường để rèn luyện. Người ấy áp dụng những điều cha mình đã giảng dạy vào cuộc sống. Có như thế mới nên người , vì chẳng những biết qua lý thuyết mà còn thu thập kinh nghiệm thực tiễn qua trường đời nữa. Này Cỏ May!. . . người cha kia luôn theo dõi bước đi của con mình. Khi thấy con mình có biểu hiện mất tự chủ, người ấy phải kịp thời giúp đở bảo vệ để người con không vấp ngã. Cứ như vậy người con nhờ trường đời cọ xát sẽ trở nên người tốt hữu dụng. Người tu tập cũng vậy, đem những điều Như Lai giảng dạy trong kinh điển áp dụng vào cuộc sống để học lấy cái kinh nghiệm từ thực tiễn. Trường đời với các nghịch pháp sẽ mài dũa trí huệ khiến chứng đắc Bát Nhã và các hạnh Ba La Mật Đa. Thế nhưng trong những giai đoạn nhập thế đầu tiên, khi tâm chánh định còn chưa sâu dày. Từng đợt người ấy phải trở về chốn thanh tịnh thiền môn để tự kiểm và sám hối, xả bỏ và cắt đứt mọi ràng buộc của nhân duyên nếu có, trước khi lại nhập thế hành thiện tiến tu. Cứ như thế cho đến khi thực chứng tâm không thì như gió thổi nhà trống, lửa cháy khoảng không. Người ấy sẽ cùng trôi với vạn pháp mà không hề dính mắc!. . . - Mô Phật!. . .Xin chào cụ.- Ông không cảm ơn ta sao?- Hề hề!. . .Hoa mai hoa đào cảm ơn mùa xuân sao?- Mô Phật!. . . Nếu mùa xuân đã về trong trái tim ông. Con tim yêu thương khắc sẽ nghe được bản tình ca không tiếng động của ngàn hoa, cảm ơn mùa xuân bất tận!. . .
. . . Ngày hôm sau nữa cũng tại quán trà Dưỡng Sinh.- Xin chào cụ Tưởng Vậy- Chào chú Hai Lúa.- Thưa cụ, tôi quét dọn ở quán trà này. Có nhân duyên được nghe cụ trả lời chú Ba Gàn và bác Cỏ May về việc nhập thế hay xuất thế. Thưa cụ tôi thật hoang mang. Tại sao cùng một vấn đề mà cụ nói với mỗi người mỗi khác, trái ngược nhau như vậy?- Này chú Hai !. . .Vấn đề không phải là đúng sai. Mà là bổ túc phần thiếu sót để có cái thấy toàn diện. Đó chính là phi tâm trí là bất nhị vậy!. . . .- Mô Phật! . . .
MÂY/10/1/2004