Sau nửa giờ đi bộ , thằng Tý dẫn Lan đến ngôi chùa cổ ở lưng chừng núi. Cạnh tam quan đổ nát, chiếc sân gạch phủ đầy rêu. Trên nóc chánh điện, đàn chim rừng thấy bóng người, giật mình bay tan tác...

-          Ông Tư ơi…ơ…ơ!.. Tiếng thằng Tý vang vọng khắp núi rừng .
Từ trên gác chuông chùa có thể thấy quang cảnh cả vùng : Những cánh đồng lúa chạy dài xanh tốt, xa xa con sông Cái uốn khúc, tại chỗ ngoặt thấp thoáng ngói đỏ giữa những lùm cây.
Nhiều năm trước, nơi đây là ngôi chùa lớn nhất vùng, tập trung nhiều tăng sỹ Khi nguồn nước khan hiếm dân làng theo con sông chuyển xuống dưới, đã bỏ hoang phế. Lan thở dài
-          Chị ơi !…vào đây. Chắc là ông đi hái thuốc.
Thằng Tý buông bao gạo đánh phịch. Sau bức tường đổ là khu vườn cây cảnh và non bộ kỳ dị.
-          Toàn là cây thuốc. Thằng Tý giới thiệu.
Ai cũng tưởng “cụ” chơi cây cảnh. Thật ra là vườn thuốc.
-          Chân chim, bồng bồng, đinh lăng. . . Cu Tý ra vẻ sành sỏi.
Nó đốt một nén hương, cắm vào chiếc lư dưới chân non bộ.
-          Chữ gì đây? Hì …hì…đố biết đấy! . . .
-          !. . .
-           “Vô tranh”.
Trên đỉnh đá lởm chởm, chung hốc cùng cây mai rừng là cây đa rễ buông chằng chịt. Cây mai rừng phát triển không mạnh bằng đa, nên thiếu ánh sáng. Nhưng nó chẳng vì thế mà còi cọc, ngược lại, nó huyền ra đón lấy ánh sáng ngoài tán đa.
-          Đẹp ở chỗ ấy đấy! . . . Ơ!...Xương rồng có hoa!
-          Hì…hì..Thế mới hay chứ.
-          Không phải hoa Xương Rồng đâu, Quỳnh đấy! Cây Quỳnh ít nhựa , lại ẻo lả. Ghép với Xương Rồng là trộn thêm cái gai góc, mạnh mẽ. Dùng ưu điểm cái này khắc phục nhược điểm cái kia. Xương Rồng nhiều nhựa, nên làm quỳnh nhiều hoa. Nó là sự kết hợp với phần thiếu sót để thành toàn diện.
-          Ghê nhỉ!…mới lên đây một thời gian mà sắp thành nghệ nhân rồi.
-          Ơ! Những non bộ này em cũng dựng đâý!
-          Xạo.
-          Chị hỏi ôngTư mà xem. Nhưng em…chỉ trộn hồ, đảo vữa thôi. ÔngTư bảo, việc nào cũng có giá trị. Như hòn đá, tự nó không đẹp xấu, mà ở chỗ hợp vị trí. Mọi hòn đá ở đúng vị trí, đều đẹp. Đây này, toàn đá bậy. Vậy mà,… đẹp đấy chứ… Không phải chỉ dựng đá đẹp là được đâu. Dựng đá dù thấy đẹp, nhưng chưa chắc đã trồng được cây. Nên dựng non bộ phải thấy được tổng thể: đá, cây, bể nước, vị trí đặt, không gian…v…v..nhiều thứ lắm.
-          Tý giỏi thật! Lan ra chiều khâm phục.
Cu cậu đắc chí phổng mũi.
-  Chưa đâu, quan trọng nhất là nội dung. Cái non bộ mà chỉ đẹp thì vô duyên. Nó phải chứa nội dung gì đấy. Đây, như thế đá vỡ này. Hai hòn đá cao hai bên tượng trưng cho hai cực của nhị nguyên: đúng sai, phải trái , thiện ác… nứt vỡ, gãy đổ. . . Vô thường đấy mà!. . . Cái đúng ở giờ phút này chưa chắc đã là đúng ở giờ phút sau. Tốt xấu cũng thế. Khe nước ở giữa hai hòn đá là khe Trung Đạo. Con thuyền Bát Nhã của người tu qua khe Trung Đạo sẽ tới Niết Bàn là nơi hoa nở đầy kia kìa…
À!....Vẫn chưa đâu, thế đá này phải xem vào đêm. Trăng lên, ánh sáng sẽ xuyên qua khe đá lên con thuyền thành một dải sáng lấp lánh. . .
Trời đã ngả chiều, những làn mây tím chạy vằn vọc. Trong vườn, tiếng hai đứa trẻ vẫn lao xao.
-          Sao non bộ này lại dựng cả ngoài bể?
-          Ấy là thế tràn chậu, thế của người tu tập. Cái chậu tượng trưng cho khuôn mẫu tâm thức. Cái tràn ra tượng trưng cho bước đột phá, vượt ra ngoài tâm trí.
-          Còn thế này ?
-          Thế này!…cu Tý gãi đầu nhăn nhó. Thế này “cao” lắm, chị không hiểu đâu…
-          Đây là Phụ Tử phải không?
-          Không phải vậy. Mà là ngẫu hứng!. . . Khi dựng non bộ, phải tuỳ theo đá mình có, nên không có thế định trước. Nó chính là phi tâm trí! . . .Thình lình! . . Tức thì!. . . Nó như là một sự tuỳ duyên thích ứng!. . Thế nào cũng được, miễn sao truyền tải được cảm xúc, nội dung và tất nhiên sẽ đẹp đối với những người đồng cảm! . . .
Tức thời không so sánh
Tại chỗ chẳng cầu toàn
Vẻ đẹp phút giây ấy,
Hiển hiện thật rỡ ràng”….
. . .
-  Muộn rồi, xuống núi thôi không tối.
-  Ừ! Cứ để gạo đấy, ông Tư biết mày lên ngay.
Gió lạnh lại về, mây núi tràn xuống lũng. Hai đứa trẻ yên lặng rời ngôi chùa cổ. Chúng như đi trong mây! . . Tiếng chuông chùa như cũng từ trong mây, ngân nga nói lời tạm biệt!. . .

ĐƯỜNG LỤA /6/1/2004