- Thưa nội! câu thơ nội đề vào bức tranh này con thấy không đúng?
-   Đâu, cháu ông thử cho ý kiến xem nào?

-          Câu thơ đề là: “Im lặng nhìn nhau suốt đêm không ngủ” mà sao trong tranh con thấy chỉ có một người. Còn một người nữa đâu? Một là nội vẽ thiếu, hai là câu thơ nội không đúng.
-          Hề hề!. . . Cháu ông thông minh và có tài quan sát. Tuy nhiên không phải như cháu nghĩ. Câu thơ này là nghệ thuật hoá một yếu lĩnh hành công.
-          Như thế nghĩa là gì?
-          Con thấy bức tranh thiền này chứ. Tranh vẽ rất ít nét, minh hoạ một người ngồi im lặng nhìn trăng. Mặt trăng này được nhân cách hoá để có tính thi vị. . . . Người ấy yên lặng nhìn trăng!. . . Trăng yên lặng nhìn người ấy!. . . Ánh trăng chiếu sáng suốt cả đêm!. . . Người ấy thức ngắm trăng cả đêm không ngủ! . . . .
-          Thưa nội do vậy chỉ có một người, còn người kia là “nàng trăng” phải không? Hìhì!. . .Thế mà, mấy cô mấy bác đến đây chơi, khi đọc câu thơ này nói nội đã già mà còn bay bướm lãng mạn!. . .
-          Hềhề!. . .Thất thập cổ lai hy rồi!. . .Nếu được vậy cũng còn quí!. . .hềhề!. . .
-          Thưa nội nhưng nội nói bức tranh này minh hoạ cho một yếu lĩnh hành công mà?
-          Đúng vậy!. . .Trong Dưỡng Sinh trăng yên lặng chiếu sáng được gọi là “tịch chiếu”, nó tượng trưng cho sự nhận biết tỉnh giác khi hành công. Thế nhưng chỉ nhận biết tỉnh giác đề mục hành công thì chưa đủ. Mà người hành công còn phải “nhận biết mình đang trong trạng thái nhận biết đề mục”. Đây là yếu chỉ “mũi tên kép” hay là nhận biết hai lần, rất quan trọng trong hành công, luyện khí hoặc hành thiền.
-          Tại sao lại quan trọng?
-          Vì nếu chỉ nhận biết đề mục, thì khi thất niệm quên nhận biết sẽ không thể tự phát hiện được để tái lập nhận biết đề mục. Vì thế nhận biết đề mục hành công thì gọi là “nhận biết”. Còn nhận biết mình đang trong trạng thái nhận biết thì gọi là “tỉnh giác”. . . Bởi vậy, nội vẽ “mặt trăng đang nhìn người ấy” ngụ ý chỉ trạng thái nhận biết đề mục trong yên lặng. Vì đề mục trong thiền và Khí Công Dưỡng Sinh đều phải là đối tượng ở ngay chính thân tâm của người hành công, cho nên chẳng phải mặt trăng đang yên lặng nhìn người ấy là gì!. . . Còn “người ấy yên lặng nhìn trăng” biểu thị cho trạng thái tỉnh giác, nghĩa là “biết mình đang trong trạng thái nhận biết đề mục”.
-          Thưa nội!. . .Còn suốt đêm không ngủ nghĩa là gì?
-          “ Ngủ” biểu hiện cho vô thức, hôn trầm mất tỉnh giác. Cho nên cả câu này ngụ ý người hành công phải luôn luôn duy trì sự nhận biết tỉnh giác khi hành công, cũng như trong cuộc sống.
Này cháu!. . . Mỗi người có một cách. Người thì tụng kinh gõ mõ để luôn nhớ lời dạy của Như Lai, người thì dán câu khẩu hiệu chỗ dễ nhìn để nhắc nhở cái lý tưởng mà mình đang theo đuổi. . .v.v. . .Còn nội thì treo cái tranh này cũng vì mục đích mỗi lần thấy nó thì nhớ mình phải luôn “Chánh niệm và tỉnh giác”. Hề hề!. . . Nội thích thi vị hoá mọi việc cho đời bớt khổ đấy mà!
. . .
”Im lặng nhìn nhau suốt đêm không ngủ” cháu thấy có bay bướm và lãng mạn không? . . . hềhề!. . .
-          Hìhì!. . . Nội ơi trăng lên rồi kìa! . . .Đêm nay nội có dám suốt đêm không ngủ với nàng trăng hay không?
-          Hềhề!. . .Nội sợ bà nội cháu lắm!. . . .

 

 ĐẠI NGU/25/11/2004