- Chào chú Ba Gàn.

- Xin chào cụ Tưởng Vậy.

-          Thưa cụ thế nào là mạt pháp?

-          Không có vấn đề mạt pháp.

-          Tại sao vậy?

-          Chỉ có pháp đang biến dịch. Không có mạt và hưng thịnh.

-          Thế kinh sách nói về mạt pháp thì sao?

-          Đó chỉ là một hiện tượng của pháp chứ không phải pháp.

-          Tại sao có hiện tượng mạt pháp?

-          Ở phạm trù hiện tượng có : thành trụ hoại diệt nên có mạt pháp. Có Phật tại thế và Phật nhập Niết bàn nên có mạt pháp. Có tu có chứng nên có mạt pháp. Có pháp hữu tướng phải tin theo, có pháp tối thượng có thể đắc thành nên có mạt pháp. Thế nhưng Phật đạo là thể nhập tánh ở bản thể mà luôn tuỳ duyên hiển tướng, nên chỉ có pháp như thị chứ không có mạt pháp hay hưng thịnh pháp.

-          Thế, xây chùa to tượng lớn khiến chúng sanh có thể lầm ở Phật hữu tướng thì làm thế nào?

-          Tuỳ duyên sử dụng phương tiện ấy. nhưng phải đề cao pháp "vô tướng" của Như Lai.

-          Thế, lạm phát sách vở khiến người tu "đa thư loạn tâm" mà xao nhãng công phu thực hành thì làm thế nào?

-          Tuỳ duyên sử dụng phương tiện ấy. Nhưng phải không ngừng xiển dương  yếu pháp "Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật".

-          Thế, khoa trương cái đạo đức nhị nguyên của tâm trí đời thường, quá khuyến khích việc làm từ thiện hữu lậu, khiến người tu lầm tưởng Phật đạo chỉ là tâm trí, thì làm thế nào?

-          Tuỳ duyên sử dụng phương tiện ấy. Nhưng không ngừng xiển dương pháp: " Bố thí vô trụ tướng" và "chí thiện vô ngã" của Như Lai.

-          Thế, ham chỉ trích môn phái khác, người khác là tà đạo để tự cho mình là chánh giáo khiến chúng sanh trụ vào tâm phân biệt ngã mạn thì làm thế nào?

-          Cá thì bơi dưới nước, chim thì khắc bay trên trời. Hữu xạ tự nhiên hương, không ngừng xiển dương pháp " đại bát nhã" của Như Lai khiến " rỗng tự thông".

-          Thế, dùng tâm trí đời thường để tu tập. Bám chặt vào các khái niệm: đúng sai, thành bại, vinh nhục, phải trái, có không. . .khiến người tu ngày càng phóng thể, lệ thuộc vào dư luận và "tâm lý đám đông" thì làm thế nào?

-          Tuỳ duyên dùng tâm trí để tu chánh định. Sau đấy vượt tâm trí bằng cách thực hành pháp "nhất vị", "vô pháp" , "vô tướng", "vô ngã" của Như Lai để trực nhập "tánh".

-          Thế, tự đặt ra quá nhiều kiểu tu tập, phân lập ra quá nhiều môn phái, tưởng như vậy là làm phong phú cái vốn cổ truyền. Ai ngờ là vẽ rắn thêm chân khiến người tu hoang mang bất định thì làm thế nào?

-          Tuỳ duyên sử dụng các pháp phương tiện ấy như cành và lá. Nhưng luôn trụ vào cái gốc của đạo là: Chánh niệm tỉnh giác, vô ngã, thể nhập tánh.

-          Thưa cụ, như vậy hiện tượng mạt pháp có phải là làm sai với chánh giáo của Như Lai?

-          Không phải vậy! . . . Đó chính là "tầm thường hoá cái tối thượng".

-          Mô Phật! . . .Xin cảm ơn về buổi nói chuyện hôm nay.

-          A Di Đà Phật! . . Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Xin chú Ba hỏi các vị thiện tri thức rồi bảo cho tôi biết với.

 

Hai Lúa tui hầu trà nghe lóm như vậy! . . Xin viết ra cho mọi người cùng đọc cho vui để lấy hứng uống trà. Bởi nghe lóm mà cái tai tui lại nghễnh ngãng nên sự việc như vậy chứ chưa chắc đã vậy. Xin cười cho vui chứ đừng để bận tâm! . . .

 

                    HAI LÚA/ Viết tại quán trà/ 30/10/2004