-Trạng thái" Thiên địa nhân đồng nhất" của người luyện khí là gì?

-   Bất nhị
-   Không phải là Cái Một đại ngã?
-   Không.
-  Tại sao?
-   Cái Một ngụ ý cái "có đấy". Còn bất nhị không ngụ ý "có đấy" hoặc "không có đấy".
-   Nhưng có cái bất nhị!
-  Không thể được. "Có cái bất nhị"được xác lập thì không gọi là bất nhị. Vì bất nhị là không cả có lẫn không! 
-  Vậy bất nhị là gì?
-  Không biết! . . .
-  Không biết thì luyện khí thế nào?
-  Biết cái bờ mé chứ không biết cái lổ hổng của vũ trụ! . . . .
-  Sau đấy là sự phục sinh hay tự sinh của người tu tập?
-  Phục sinh tức tự sinh! . . .
-  Biết cái bờ mé, thì con đường tiến tới cái bờ mé ấy là gì?    

-  Con đường tiến tới Cái Một có tên là :"Nhận Biết"
-  Đối tượng của nhận biết là gì?
-  Con đường tiến tới "Cái Một"thăng hoa qua 3 giai đoạn: Nhận biết "Hành động", nhận biết "xúc động" và nhận biết "rung động".
- Tại sao gọi thế?
- Nhận biết hành động tức nhận biết cơ thể hay thể vật lý của mình. Qua nhận biết, thể vật lý biến thành đối tượng của "người nhận biêt"chứ không trùng với người nhận biết. Do vậy người nhận biết thăng hoa đến thể vi tế hơn là thể "Xúc động".
   Xúc động còn gọi là cảm thọ là trạng thái tâm lý của người tu tập. Nhận biết xúc động tức "dụng tâm quán tâm"nhận biết toàn bộ trạng thái tâm lý, tình cảm và ý nghĩ của mình. Cũng vậy, qua nhận biết, tâm thức biến thành đối tượng của "người nhận biết"chứ không trùng với người nhận biết. Do vậy mà người nhận biết thăng hoa đến thể vi tế hơn nữa. Đó là thể rung động.
  Thể rung động còn gọi là thể năng lượng hay "thể khí". Vật chất và tâm lý bây giờ hiển thị chung dưới dạng các rung động năng lượng. Mọi màu sắc nhị nguyên đều hiển thị chung dưới một dạng duy nhất là "các rung động năng lượng". Do vậy thiền quán nhận biết các rung động năng lượng này gọi là "Nhất Nguyên" hay "Cái Một" vì thống nhất hai phạm trù đối đãi của nhị nguyên. Nếu để tự phát, các rung động này sẽ biến thành các trạng thái tâm lý ở tâm thức và sẽ hiển thị ra bên ngoài thông qua cơ thể bằng lời nói và hành động. Như vậy cùng ở trong phạm trù cái tôi. Đối tượng của thiền quán ngày càng vi tế hơn. Bởi năng lượng là dạng vật chất vi tế nhất nên khi nhận biết sự rung động của trường năng lượng (khí) cũng là đang nhận biết cái tôi ở cực vi tế. Do vậy sẽ biến cái tôi ở dạng năng lượng là cái tôi bản chất, thành đối tượng của "người nhận biết"chứ không trùng với người nhận biết. Cái tôi như vậy sẽ sụp đổ và tiêu tan đi và như vậy nó cũng kéo theo sự tiêu tan của cái "người nhận biết". Bởi chiều hướng nhận biết của người tu tập là hồi quang phản chiếu hay là "cái tôi". Nay cái tôi biến mất, nên người nhận biết cũng tự biến mất. Người luyện khí do vậy đuợc gọi là "giải thoát". Nghĩa là chẳng những thoát khỏi sự cầm tù của tâm thức hay cái tôi nhị nguyên mà còn thoát khỏi sự nô lệ với cái "người nhận biết" giả lập.
   Do cái tôi đã chết đi, nên quá trình tu tập tiếp theo là các hoạt động vô ngã còn gọi là "Vô tác". Do tâm thức và vận hành của tâm trí đã sụp đổ, do cái "người nhận biết" cũng biến mất, nên cái biết trong giai đoạn tiếp theo gọi là "tự nhiên biết" hay "vô sư trí". Đây là giai đoạn phục sinh qua tự sinh mà ở đó tu tập là phi nỗ lực! . . .

Bởi vậy "thiên địa nhân đồng nhất" trong khí công chính là sự buông xuôi để rơi vào cái lổ hổng vũ trụ không đáy. Rơi vào cái thực tại vũ trụ hiện hữu và không hiện hữu! . . .
- Mô Phật! . . cái đấy gọi là bờ mé?
- A Di Đà Phật! Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy! . . . Mong ông hỏi các vị thiện tri thức rồi bảo cho tôi biết với!                           

ĐẠI NGU/13/9/2004