Dưới kia, trong cái thung lũng hẹp quanh co như ruột dê, luồng không khí lạnh như dòng sữa trắng đục đang chầm chậm chảy. Rừng cây như bay! Đá núi như bay! Trời đất như đang chảy theo mây. Mây tràn cả vào chánh điện. Tượng Phật như ngồi trên mây! Ba Gàn như quỳ trên mây! Im lặng và giá rét! Chỉ còn có đốm lửa trên cây hương vẫn đỏ hồng, ngan ngát hương thơm trong cái lạnh tàn thu!
Ba Gàn xả thiền, đảnh lễ, khép cửa chánh điện, rồi bước ra sân đi về phía thác Bạc. Chân đi dép, lão phong phanh bộ bà ba cộc tay màu đà đã sờn vai. Bộ quần áo luyện công mà hơn mười năm trước lão đã thường mặc. Ba Gàn nhớ lại, ngày lão bái biệt ân sư và chư huynh đệ xuống núi, được thầy tặng cho bộ quần áo mới. Lão đã xếp bộ quần áo luyện công này cẩn thận và đặt trên đầu chiếc đơn trong thất. Tối hôm qua khi về phòng ngủ, lão phát hiện bộ quần áo ngày nào vẫn còn nguyên chỗ củ. Ai đã giặt nó sạch sẽ, xếp cẩn thận, cho vào bọc vải và đặt dưới bồ đoàn.
Trong thất ngọn đèn dầu leo lét. Cũng vẫn cái đèn mà lão đã mua ở thị trấn ngày nào. Cái đơn nhỏ xíu để ngủ là một phiến đá lủa thật lớn mặt nhẵn thín. Ngày thằng bé Ba Gàn mới nhập môn, chư huynh đã ra thác khiêng về phiến đá ấy.
Trong góc thất, cái bàn con bằng gốc cây ké, đặt cạnh cái tủ mây đựng dược liệu và kinh sách. Cây ké này nghe nói ở tít trong rừng sâu, không biết nguyên do gì bị trốc gốc. Nó chết và phần dát bên ngoài đã mục chỉ còn phần lõi vàng sậm, xù xì cứng như thép. Ngày chàng thanh niên Ba Gàn tập pháp môn "tả thiên thanh" , tập tò viết văn làm thơ, sư huynh Huệ Tâm đã dẫn hắn vào rừng dùng búa sắt để chặt và đẽo thành cái bàn kỳ dị này.
Còn cái tủ đựng dược liệu và kinh sách ư? Ngày hắn bắt đầu học y thuật, hai sư huynh Huệ Đức và Huệ Trung đã vào rừng mây, chọn loại tốt nhất mang về chùa. Chư huynh dùng dao chẻ mây thành sợi rồi đan thành từng tấm. Ba Gàn phụ việc đốt lửa, thoa dầu dừa vào các thanh mây lớn, rồi uốn cong để làm sườn cho cái tủ. Hắn vận công uốn cong thanh mây lớn như cổ tay. Thanh mây quật qua quật lại như con mãng xà hung tợn. Hắn hít một hơi thật dài, kìm thanh mây vào hai cái móc tre trên nền đất. Vừa buông tay ra, thanh mây bật ra khỏi móc, bay thẳng vào mặt. Ba Gàn hụp đầu xuống tránh nhưng đuôi của thanh mây vẫn quệt vào vai, máu chảy ròng ròng. Sư huynh Huệ Trung phải điểm huyệt để cầm máu. Lấy cao trị thương xong, huynh ấy đưa đến trước Ba Gàn một thanh mây cực lớn. Dùng búa đập dập chỗ định uốn, nhẹ nhàng gập cong nó lại và kìm trên nền đất. Cái tủ mây vẫn còn kia, dấu máu lờ mờ trên thanh mây vẫn còn đó.
Biết bao kỷ niệm thân thương! Tối hôm đó Ba Gàn cầm bộ quần áo luyện công ngày nào trên tay mà lòng bồi hồi xúc động.[#breakpage#]
- Mô Phật, phòng đệ sư phụ dặn phải giữ nguyên như vậy. Hàng ngày Huệ Nhi vẫn vào đây quét tước thay hoa và đốt hương. Sư huynh Huệ Tâm ôn tồn lên tiếng.
- A Di Đà Phật! huynh nói Huệ Nhi nào?
- Mô Phật, ngày đệ xuống núi, ta được sư phụ giao nhiệm vụ thay đệ làm tiếp phẩm cho nhà tổ. Trong một lần xuống thị trấn ta nhặt được một cháu sơ sinh. Khi mang về chùa, được sư phụ cho phép nên ta đã nuôi nó đến ngày nay. Đệ đi bao năm thì nó bấy nhiêu tuổi. . .
Men theo hàng lão tùng xanh um, Ba Gàn đi về phía thác Bạc. Một bên là vách đá dựng đứng cao ngất trời xanh. Một bên là vực sâu thăm thẳm, mây lang thang dưới chân. Lão tỉnh giác trong từng bước chân để khỏi rơi xuống vực. Nhưng lòng lão nao nao, nằng nặng, đầm ấm trong cái tình cái nghĩa chốn thiền môn. Lão thấy mình hạnh phúc như những ngày ấu thơ được ngồi trong lòng mẹ! . . .
Có tiếng cười nói ríu rít trên cao. Ngẩng đầu nhìn lên vách đá cao vút chằng chịt dây leo, lão thấy một thằng bé đầu trọc áo thâm, đang bám dây, leo thoăn thoắt. Phía sau nó, một con khỉ thật to trên lưng có mang cái gùi mây đang nhảy nhót chạy theo. Vừa đùa cợt với nhau, chúng vừa chuyền đi rất nhanh về phía đầu nguồn thác Bạc đang đổ ầm ầm.
- A! tiểu hầu đây mà! Ngày mình mới vào đây, nó cũng chạy theo mình như vậy!. Chắc chúng đi hái cúc đá ! . . . Đã cuối thu rồi còn gì! . . . Thằng bé kia chắc là Huệ Nhi! . . . Ba Gàn mỉm cười, cả quãng đời trẻ thơ như vừa mới đâu đây!
Ngày ấy thằng bé Ba Gàn cứ mỗi độ hè sang. Khi ve sầu đã ngừng kêu vang trong khu rừng mù u cổ thụ. Khi tia nắng chiều cuối cùng thoi thóp tắt trên đỉnh tháp chuông. Nó lại cùng con khỉ nhỏ chèo chiếc thuyền nan nhỏ xíu chui vào đám lá sen rậm rạp, vạch từng búp sen sắp nở, bỏ vào một nhúm trà ngon. Xong nó lấy cọng rơm vàng ệch buộc đầu búp sen lại. Khuya này, khi ngày và đêm giao nhau, búp sen sẽ bắt đầu nở. Khi ấy bên trong nhị đực như hạt gạo sẽ rụng phấn vào nhị cái và búp sen sẽ tiết ra một chất dịch màu vàng sậm rất thơm. Chất dịch ấy sẽ thấm vào trà. Búp sen bị cột, không nở ra được do vậy mà hương thơm được trà khô hút như được ướp. Sáng hôm sau, khi thời luyện công đã xong, khi tiếng chuông công phu đã dứt, khi chim rừng bắt đầu ríu rít trong cánh rừng mờ sương, thằng bé Ba Gàn lại cùng tiểu hầu chèo thuyền đi hái các búp trà sen đã ướp chiều hôm qua.
Ngày ấy con khỉ vừa mới lớn mà đã thật khôn! Nó có nhiệm vụ men ra mũi thuyền kéo hoa vào cho chú bé. Hôm nào nhiều muỗi, nó biết cầm lá sen quạt muỗi cho bạn mình. Khi hầu trà thầy, con khỉ nhỏ đã biết đặt một cái lá sen lớn xuống dưới làm đĩa. Đặt búp trà lên lá sen, bên cạnh nó đặt một lá chành còn ướt đẫm sương đêm.
Bạn nó thằng bé Ba Gàn thì bận đun nước để pha trà. Khi nước sôi, thằng bé cẩn thận mở cọng rơm ra, khéo léo trút trà trong hoa sen vào bình. Nó rung nhè nhẹ cho đến khi hạt gạo và trà bên trong đã vào hết bình, mới đổ nước. Hoa sen và lá chành được cắm vào cái lọ đất. Khay trà được đặt trên lá sen. Cuối cùng nó đốt một viên trầm đặt vào cái lư nhỏ xíu bên cạnh khay trà .
Bao giờ cũng vậy, thằng bé và con khỉ nhỏ cũng đều tranh nhau đi mời sư phụ. Tiểu hầu bao giờ cũng nhanh chân hơn! . . . Bao giờ thằng bé cũng phụng phịu nghỉ chơi với chú khỉ con! . . . Thế nhưng chỉ lát sau, đã nghe tiếng chúng cười đùa la hét trong khu rừng trúc xanh um.
Ba Gàn và con khỉ nhỏ là tiểu đồng phụ việc trong những buổi trà đạo. Nên sau này khi bôn ba khắp chân trời góc bể lão không thể nào quên cái thiền vị của chốn rừng thiêng:
Xuân về uống trà lão mai, ngắm phong lan treo lơ lửng từng không.
Hạ đến uống trà sen, đón gió nồm, nằm nghe suối hát.
Mùa thu ư? uống trà cúc đá, đi dạo trong rừng bàng trơ trụi, đón mây bay và sương mờ hiu hắt.
Những ngày đông, núi rừng dậy muộn, giá rét về, ngồi ở động Huyền Không, uống trà đắng càng cương, nghe gió gào trên đồi vắng.
Mùa nào thức ấy, lấy thanh đạm làm vui, mượn núi rừng thác đổ làm bạn tri âm, lấy trăng thanh gió mát để thay người tri kỷ!
Những ngày thu như hôm nay, khi sen tàn trên đầm thì cúc đá nở vàng vách núi. Hoa cúc đá bằng đầu ngón út, vàng tươi, thơm phức, mọc thành từng đám trên núi đá vôi, trong các khe nứt và men theo sườn thác. Sáng nào thằng bé ba Gàn và con khỉ nhỏ cũng mang cái gùi mây nhỏ xíu, dùng "cầm nã thủ" bám dây rừng, bấu vào các mô đá, leo thoăn thoắt. Ngày ấy chúng cũng trèo lên cái vách đá dựng đứng kia, lên tít tận trên đỉnh thác Bạc để hái hoa cúc đá và dược liệu cho thầy. Đó là con đường độc đạo duy nhất!
Chúng tỏ ra rất được việc! Thằng bé mang cái gùi nhỏ xíu vào lưng, dùng xà tấn men ra các vách đá trơn tuột để hái hoa cúc đá, hái các loại tảo, rêu, và nấm rừng. . . "Thượng hư hạ thực", hai chân tấn của nó bám chặt vào các mô đá tai mèo nhọn hoắt, lưng và hai tay mềm dẻo chờn vờn như mãng xà tranh mồi. Nó hái và ném vào gùi sau lưng mà không cần nhìn. Những nơi quá xa, nguy hiểm không thể vươn tới được thì thằng bé vận công ném một viên sỏi chính xác vào chỗ ấy. Thế là tiểu hầu khọt khẹt, nhanh nhẹn chuyền đến làm thay. Hái xong con khỉ nhỏ bỏ dược liệu vào cái túi vải, rút miệng túi lại và ném cho thằng bé. Hai chân vẫn bám vào mô đá, thằng bé dùng công phu "thiết bản kiều"uốn dẻo cột sống, tay dùng "cầm nã thủ" chộp chính xác cái túi vải. Nó trút dược liệu trong túi vào gùi, đoạn lại ném trả cái túi cho tiểu hầu. Khi con khỉ nhỏ đã chộp được túi, thằng bé lại ném một viên sỏi khác để tiểu hầu di chuyển đến.
Chúng vừa làm vừa đùa cợt nhau. Tiếng cười trẻ thơ trong vắt, tiếng la hét, tiếng tiểu hầu khọt khẹt, tiếng chim rừng ríu ra ríu rít, tiếng thác đổ ào ào, tiếng cành cây khô gãy răng rắc trong rừng, tiếng con mang tác trên trảng tranh, tiếng con công tố hộ trong rừng tùng bên bờ suối vắng, tiếng tắc kè điểm giờ vang động, tiếng sột soạt của con gì đang bò trên lá khô . . . Ba Gàn đã nghe, đã quen và đã thuộc. Bởi thế, sau này khi lang bạt giang hồ, nó đã trở thành nỗi nhớ khôn nguôi! . . .
Đã trở thành nỗi nhớ khôn nguôi! . . . . .
(Còn tiếp)
MÂY/mùa mưa/2004