- Chào ông Tưởng Vậy
- Chào Bác Ba Gàn, hôm nay rảnh rang đến quán trà sớm thế.
- Chẳng là tôi nhân tiện đến uống trà ghé qua thăm bác.
- Chắc là có điều chi muốn trao đổi?
- Quả đúng vậy. Nếu ông vui lòng, tôi xin được hỏi một việc?
- Xin bác cứ nói.
- Theo ông thì trong cuộc sống hàng ngày làm sao để được "khinh an"?
- Khinh an là cảm thấy mọi việc nhẹ nhàng không quá căng thẳng nặng nề do vậy mà tâm lý an ổn không bị stress. Người tu thiền khi thực chứng trạng thái khinh an, lúc hành công cơ thể cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn cao độ, nhịp tim chậm dần, vệ khí hiển thị ở bề mặt da. Chân khí sung mãn vận hành thông suốt trong kinh mạch, hơi thở đạt trạng thái "qui tức" tức là thở như rùa. An thần, giảm hoàn toàn căng thẳng não. Bởi vậy khinh an đem lại trạng thái thoải mái về tinh thần, khoan khoái về thể chất. Khinh an chưa phải là bát nhã, chỉ là một trạng thái tu chứng trên đường tịnh hoá thân tâm. Người tu thiền trước hết phải thực chứng trạng thái khinh an và an lạc thiền, nhiên hậu mới nói đến bát nhã và thể nhập tánh. Định thì an, tịnh thì khinh.
Muốn định thì luôn nhận biết tỉnh giác đề mục của thiền khi hành công, quán tâm mình khi tiếp người và xử lý sự việc. Do giữ định như vậy nên dần tịnh, do tịnh mà đạt "khinh". Khinh an khi tiến đến cùng cực sẽ chứng thực "an lạc thiền", đó là niềm vui không nguyên nhân, do tâm tịnh mà có. Đó chính là cái an lạc tự nhiên thuộc bản chất của tịnh.
Bởi thế do "tri vọng, vọng liền tan". Khi vọng niệm không có thì đáng lẽ cái đối lập của nó là tri không tồn tại do mất đối tượng so sánh. Nhưng tiếc thay còn "rỗng không" là cái khuôn mẫu tâm thức. Nên tri vẫn còn. Do vậy nếu người tu thiền chỉ tri vọng thì lạc ngoan không.
Bởi vậy sau khi vọng tan, người tu thiền phải tiếp tục tri "rỗng không". Do nhận biết rỗng không nên rỗng không biến thành đối tượng của nhận biết chứ không trùng với ta là người nhận biết. Do vậy ánh sáng của "tri" sẽ làm rỗng không biến mất. "Rỗng không" và "vọng"biến mất thì "tri" là cái nhận biết cũng biến mất bởi chúng là cặp tương tác đồng hành của nhị nguyên.
Tri, vọng, rỗng không đều biến mất còn gọi là tâm thức biến mất hay "cái tôi" biến mất. Tức khắc "tự nhiên biết" mà không còn nhận biết. Đó là cái biết phi tâm trí còn gọi là Bát Nhã(praijna).
Khi ấy sự vật là như như vì không còn môi trường tâm thức để phóng chiếu.
- Cảm ơn ông, nhưng tôi xin hỏi: Thế nào là vọng?
- Vọng là mọi ý nghĩ tình cảm khởi lên trong tâm thức.
- Kể cả về cái thiện?
- Đó là cái thiện tâm trí, chí thiện do vô ngã mới là chân thiện.
- Có phải bức thư pháp "Nhất tiếu khinh" treo ở quán trà này cũng hàm ý như vậy.
- Đúng vậy!
- Ông thật thông tuệ. Tôi xin chân thành cảm ơn.
- Hề hề! . . .chứ bác không biết tôi có biệt danh là Tưởng Vậy sao? Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Bác nên hỏi các vị thiện tri thức khác rồi bảo cho tôi biết với.
TƯỞNG VẬY/25/8/2004