Đang chăm chú đọc một cuốn kinh dày cộm. Ngước nhìn lên qua khe chiếc kính lão mang trệ ở sống mũi, Tưởng Vậy mỉm cười: - Biệt truyền ấy không phải là có cách truyền riêng mà là: Bất truyền truyền. . . . Giáo ngoại bất truyền truyền. - Thế còn: Bất lập văn tự: Sao lại thế? Không được viết sách. Không được ghi lại bằng văn tự. Thế nói thì được hay sao? Hay lời nói có thể diển đạt chân lý, còn chữ viết thì không? - Ý! đừng nóng, văn tự ở đây có nghĩa là mọi phương cách hữu tướng, chứ không cứ gì chữ viết. Lời nói hay điệu bộ hoặc bất kỳ phương cách diễn đạt nào cũng đều không thể giải thích được chân lý là cái tuyệt đối. Bởi vậy không phải như chú nghĩ đâu. Câu ấy có nghĩa là: Bất lập hữu tướng. - Như vậy là vô tướng ? - Không phải hữu tướng không phải vô tướng mà là " Vô". - Thế còn: Trực chỉ nhân tâm? Tớ cũng không hiểu nổi người xưa định nói gì? Trực chỉ nhân tâm, thế thân thì sao? Tớ nghĩ, thân và tâm không thể tách rời? Cái thân này cũng từ Phật tánh hiển thị mà thành. Bởi vậy, mọi biến chuyển nơi thân đều gây ra tác động nơi tâm và ngược lại. Vậy cũng cần trực chỉ thân nữa chứ? - Không phải như chú nghĩ đâu. Người tu tập bất cứ lúc nào cũng phải nhận biết tỉnh giác mọi hành động của mình trong sinh hoạt thường nhật, thế chẳng phải luôn trực chỉ thân là gì? Câu trực chỉ nhân tâm là nhằm nhấn mạnh sự quan trọng của phương pháp dụng tâm quán tâm khi hành thiền. Vậy câu ấy, chú nên hiểu là: Trực chỉ thân tâm. - Thế còn câu: “Kiến tánh thành Phật”? Theo tôi nghĩ thì: Kiến tánh thì tánh là đối tượng của kiến. Vậy kiến và tánh là 2 cực của tâm trí nhị nguyên, nên chưa thành Phật được. Hơn nữa Phật không thể thành vì bản thể vốn là Phật, chưa bao giờ không phải Phật nên không có việc thành. - Không phải vậy đâu. Kiến không phải là thấy. Kiến vượt trên thấy và không thấy. Nó có nghĩa là trạng thái thể nhập. Vậy kiến tánh không phải là thấy tánh mà là thể nhập tánh như giọt nước rớt vào lòng đại dương vậy. Còn thành Phật: Đúng như chú nói, bản thể tức Phật, nhưng toàn thể hiện tượng cũng là Phật, nên thành Phật nhằm chỉ sự hội nhập hoặc thống nhất giữa hiện tượng và bản thể, giữa giới hạn và vô giới hạn, giữa cái một và toàn diện Bởi vậy câu ấy, chú nên hiểu là: Tánh tức Phật. - Hì hì! Bác thông tuệ thật, em thật bái phục. - Mô Phật! chứ chú không biết tôi có biệt danh là Tưởng Vậy sao? Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy? Chú nên hỏi các vị thiện trí thức khác rồi bảo cho tôi biết với.