Xuân thuỷ mãn tứ trạch

Nước xuân đầy thì tự nhiên tràn ra bốn phương. Chẳng dụng công gì. Chẳng cố gắng làm chi. Chẳng chấp vào các điều hữu vi phương tiện. Thế nhưng thuận duyên thì lấy cái làm để thành việc chơi. Chơi với người. Chơi với thú vật cỏ cây hoa lá. Chơi với sông hồ biển sộng đường xa. Chơi với kẻ tốt người xấu. Chơi với Thần Thánh Quỉ Ma. . . . .Bốn mùa xuân hạ thu đông, lòng rỗng tâm không nên đồng với cỏ cây hoa lá. Nhìn rừng trúc vỗ bụng rau bình bịch. Ngắm trăng tà, say chén trà tình nghĩa. Nằm khểnh trên đỉnh Hòn Chùa xem công múa, đùa với Quỉ Ma. Chọc ba đứa con nít vô tư, cười cho thoả thích. Ngu gì dính vào chuyện đời, chuyện đạo, chuyện tào lao Quỉ Ma, chuyện ta bà Phật Trời, Thần Thánh chứ ?Trong tam thiên đại thiên thế giới, chỗ nào vui thì mình tới. Ai chấp, ai trụ, ai đấu tranh, ai thị phi, ai khen chê, thì mắc chi dính dáng đến mình chứ. Hề hề. . . .vừa rồi về Nam Định xem hát kịch vui ghê! . . .Bây giờ thuận cơn gió đời, mây trời lại lang thang về Sài Gòn chơi.  Cho nên, . . . Ừ! An vị thì an vị. . . . .dẫu biết rằng chẳng bao giờ bất an thì an làm gì kia chứ ?! Nhưng nếu cứ chấp vào cái vô tướng chẳng cần an, thì cũng chính là đang lọt vào nhị nguyên an và bất an rồi vậy! Thế cho nên, an thì an. . . .để chúng sanh an chứ không phải Phật an!. . . .Bởi Chân Như thì chẳng cần nguyên nhân gì cũng cứ Như Như thường hằng chẳng bao giờ đứt đoạn.

Than ôi! vô thuỷ vô chung muôn đời vẫn vậy, thì làm gì có an hay không an kia chứ?

Thầy và bà con môn sinh uống trà ở Nhà Tổ Nam Định :

-  Thưa thầy, thầy có khoẻ không ạ?

-  Hề hề. . . .bà con còn bệnh nên già vẫn đang bệnh

- Thầy bị bệnh gì thế?

-  Bà con bị bệnh gì thì già bị bệnh ấy

-  Sao lạ vậy, chúng con thấy thầy vẫn leo núi cao, tập tạ, tập võ thuật, ngồi thiền luyện công hàng ngày sao gọi là bị bệnh được.

-  Đấy là vì bà con khoẻ nên ta khoẻ.

-  Thưa cụ, chúng con không hiểu

- Như người kia đứng giữa khu rừng đang cháy. Người ấy không cháy nhưng vẫn thấy rất nóng. Bây giờ đám cháy rừng đã được dập tắt , hết nóng, nên người ấy cũng không thấy nóng nữa. Này ông, lúc ấy có làn gió mát thổi qua. Ông có cho là người kia thấy mát không?

-  Thưa cụ, nhất thiết người kia sẽ thấy mát.

- Già này cũng vậy

Nhà Tổ Bình Dương / 8/2011

 

  

 Các bà các cô chuẩn bị cỗ chay :

-  Này Cỏ May, ăn thức ăn tịnh, nói lời tịnh, làm điều tịnh, ở trong môi trường thanh tịnh, sẽ khiến tâm bất sinh nên tịnh. Tâm tịnh lâu ngày huệ sẽ tự phát sinh.

 

 Trong lúc chờ đợi, thầy uống trà, còn chư huynh thì đánh cờ :

-  Nếu đánh cờ mà trụ vào thắng thua, thì đấu tranh thị phi sẽ phát sinh.  Nếu đánh cờ, tuy vẫn có ngươi thắng kẻ thua, nhưng cái nhắm đến là vui vẻ, hoà hợp, hạnh phúc qua trò chơi này, thì tình người sẽ phát sinh, thương yêu, hoà hợp và đồng cảm với mọi người hơn, chất lượng sống nhờ vậy sẽ thú vị hơn. Này chư huynh, cuộc đời này là một ván cờ vĩ đại biến hoá khôn lường. KCDS là một thế cờ, nhờ đó chư huynh chơi ván cờ đời mà không lạc vào đấu tranh của nhị nguyên, không cay cú ăn thua, không sa vào tham dục, luôn thấy hạnh phúc an lạc và hoà hợp với mọi người. Này chư huynh, nếu chư huynh biết dùng thế cờ KCDS này, thì cuộc đời dâu bể sẽ biến thành hí trường vĩ đại, mặc tình chư huynh thưởng thức và rong chơi.

 

 

Đảnh lễ Tam Bảo :

-  Này con, Ai là người đang lạy ? Ai là người đang tu ? Ai là người đang sống? Ai là người đang hành thiện giúp đời? Nếu không biết điều này, khi sống đã sống trong mơ, thì khi tu cũng là tu trong mơ. Nếu có thành tựu gì đấy, cũng chỉ là trong giấc mơ mà thôi!

Con hãy tỉnh thức, thì tự nhiên thành. Hề hề. . . .đó là ngày con phục sinh làm con người thật.

 

Đảnh lễ Di Đà Tam Tôn:

 - Này Cỏ May, Bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho sự quán xét âm thanh của thế gian. Thế gian ấy ở trong đầu con chứ không phải ở ngoài. Qua pháp Quán Âm ấy mà tâm hành giả trở nên thanh tịnh. Bồ tát Đại Lực Đại thế Chí tương trung cho mọi hành động hay biểu thị của tướng. Tu theo pháp của ngài thì hành động trở nên trang nghiêm và luôn thích ứng mọi tình huống. Hai Bồ Tát này đều từ Tánh khởi Dụng, nghĩa là từ Phật biến hoá mà thành, để gia hộ độ trì dạy đạo chúng sanh. Đức Phật A Di Đà tượng trưng cho bản thể hay Tánh. Người học pháp A Di Đà thì phải luôn trụ ở bản chất tịch tĩnh trang nghiêm rỗng không vô tướng của Như Lai và khi vào đời thì thuận duyên biểu thị qua tướng trạng Quán Thế Âm và Đại thế Chí. 

 

 Đảnh lễ Bồ Tát:

- Này con

Năng lễ sở lễ tánh không tịch 

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì

Người đang lễ lạy và người nhận sự lễ lạy này bản chất đều rỗng không và tịch lặng.

Nếu ngươi đồng cảm thì thiêng liêng sẽ tự ứng hiện và như thế đường đạo đã được thông. Điều ấy không thể dùng sự suy luận hay hiểu biết bình thường mà biết được.

- Đã rỗng không và tịch lặng, thế thì tại sao thầy và vị huynh đang thọ pháp vẫn biểu thị các tướng trạng ?

- Nhạn quá trường không

  Ảnh trầm hàn thuỷ

  Nhạn vô di tích chi ý

  Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm

 

  

 Đảnh lễ đức Di Lặc:

-  Này con

Khi vào thất thì mật tu theo Ngủ Trí Như Lai và A Di Đà để thực chứng Tánh Không.

Khi sinh hoạt tu học ở Nhà Tổ với người đã đắc khí, đã hưởng được phúc lạc qua giáo pháp, thì hành theo đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật để biểu thị trang nghiêm và thanh tịnh.

Nhưng khi ra đời nhập thế hành thiện thì hành theo giáo pháp và tướng trạng của đức Di Lặc

-  Thưa thầy tại sao phải vậy?

-  Bởi vì:  

Tiếng cười Di lặc sẽ làm con hóa giải mọi hận thù hiềm khích, luôn vui vẻ an lạc trong sự quậy phá của ngũ ấm ma, thiên ma và kẻ ác dương thế. 

Sự rỗng không thoải mái vô pháp vô trụ tướng của Di Lặc sẽ làm con thoát khỏi mọi chướng ngại trở lực và nghiệp báo, có thể rong chơi qua lại lưới Ma mà không dính mắc.

Sự phúc lạc của Di Lặc sẽ làm con giúp đỡ được mọi người thoát khổ, lý và sự đi liền mà không sa vào ba hoa khoác lác không thực tiễn.

  

 Tâm truyền tâm:

- Này con, nếu có cái để truyền thi đừng nên học. Vì đó chưa phải là rốt ráo. Cái tối thượng chỉ cảm nhận được bằng trực giác, rồi hoà tan trong nó, để nó tự biểu thị vô ngã. Còn có người học, còn có người dạy, thì đó chỉ là "ngón tay chỉ trăng" mà thôi. Nhìn trăng chứ sao lại nhìn và chấp vào hình tướng ngón tay của ta như thế ?!

 

 

Đảnh lễ đức Phật Thích Ca:

-  Này con, đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni là Phật. Vậy ngoài tướng trạng Thích Ca còn có Phật hay không?

-  Thưa cụ, vạn pháp đều là Phật biểu thị. Vậy không có gì không phải Phật.

-  Vậy cho nên khi con hằng ngày đảnh lễ các Phật hữu tướng, thì cũng phải biết cung kính với chư Phật đang ẩn tàng trong vạn pháp. Cái đấy gọi là "Phật tại Tâm" hay "Tâm tức Phật". Khi con suốt ngày chỉ biết lễ lạy các tướng trạng của tượng Phật mà quên mất vị Phật đang ẩn tàng trong tâm mình, thì chẳng khác chi người kia " ăn xin tại cửa nhà mình " vậy !

 

 

 

Dù trời đang mưa, nghi thức truyền thừa vẫn tiếp tục:

-  Thưa cụ, sao hôm ấy trời bỗng đổ cơn mưa lớn. Mọi người đang theo cụ đi các nơi đảnh lễ đều chạy vào nhà để tránh mưa, mà cụ và vị huynh đang thọ pháp vẫn tiếp tục nghi lễ như chẳng có việc gì xảy ra. Sau đó một số môn sinh mới quay ra tiếp tục công phu dưới mưa?

-  Không phải ta chấp vào việc đang hành lễ mà không dám chạy tránh mưa. Mà là ta thấy mưa hay không mưa đều không dính dáng gì việc ta đang làm. Một số người khi gặp mưa lập tức bỏ chạy, dù họ có bị ướt cũng chả sao. Đấy là vì tập khí lâu ngày' Thấy mưa là tự nhiên chạy". ta đã giải thoát khỏi mọi khái niệm và tập khí nhiều đời nên không cần phải làm theo thói quen lâu ngày của "vô thức tập thể" nữa.

Hề hề. . . .Con biết không. Nếu mà hôm ấy ta đang bị cảm, thì ta đã chạy rồi. Vì dầm mưa thì sẽ đau nặng hơn đấy!

 

  

 

Bữa cơm chay sum họp thầy trò, huynh đệ, tỷ muội, đồng môn, đầm ấm nghĩa tình:

-  Này con, người đang ăn mặn, chuyển sang ăn chay trường rất khó, vì thấy nhạt nhẽo khó ăn, khẩu vị chưa quen nên ăn ít và bị ép trí. Do vậy ăn chay mà cơ thể gầy yếu xanh xao. Đấy là do tập khí ăn mặn nhiều đời cản phá. Nội tiết cơ thể quen dung hoà với thức ăn mặn. Con cứ giữ tâm thanh tịnh, luyện công hằng ngày đúng phương pháp, giữ giới tốt và tiếp tục ăn chay. Một thời gian sau, nội tiết trong cơ thể tự thích ứng với thức ăn chay, tập khí ăn mặn giảm đi, thì tự nhiên ăn chay sẽ rất ngon miệng. Khi ấy cơ thể hồng hào, mắt sáng môi đỏ, thần thái rạng ngời, tâm tính trở nên hiền hoà, thú vật thân thiện, thấy mình không sợ bỏ chạy. Ma Quỉ kính ái tự theo tu học không theo quậy phá nữa. Này con, tuy nói vậy. Nhưng con cũng cần biết. Chay tâm quan trọng hơn chay thức ăn! Nếu vì cuộc sống, điều kiện chưa cho phép, phải ăn mặn thì cứ "Chay tâm" cũng là tốt rồi. Đến khi nghiệp giảm bớt, điều kiện cho phép thì sẽ nhập lưu. . . .hề hề. . .