Mô Phật
Này Cỏ May, để thực hành thiền Đại Thủ Ấn có hiệu quả và tránh tai nạn khi hành công. Phải khởi động thật đúng phương pháp. Có 4 hình thức khởi động mà ông cần phải triệt để tuân thủ:

1.     Khởi động thể vật lý

Đó là thực hành các bài tập thể dục dưỡng sinh như: Nhu quyền, trung bình tiên, nhất nguyên quyền, thái cực quyền, . . .v.v. . .Nhất thiết phải thực hành các bài tập của bổn môn. Vì những bài tập này bao gồm những vận động mà khi đắc khí thường xuất hiện nhất. Do vậy các nhóm cơ bắp đã được hâm nóng và các khớp xương đã được bôi trơn. Nên khi hành công các động tác phức tạp không làm vọp bẻ hay co cơ. 

 

2.     Khởi động thể năng lượng hay thể khí:

Đó là thụ khí và vận động toàn bộ khớp xương trên cơ thể nhất là các khớp lớn như: khớp cổ tay, khủy tay, bả vai, khớp háng, đầu gối, cổ chân, các đốt sống cổ nhất là khớp C7 ở gáy và L4-5 ở thắt lưng.

 

Đó là tập liếc mắt, đánh lưỡi, chuyển động cơ mặt, bằng khí.

 

Đó là tập Thở đặc trị với diệu âm do khí làm hiển thị.

 

Trước thụ khí tập thật chậm sau nhanh dần và cuối cùng chậm dần rồi thu khí về đan điền.

 

Chú ý: nếu không khởi động thể khí. Thì khi hành công nhiều lúc năng lượng không thông suốt qua các khớp gây ra các động tác co giật, khiến thành loạn động mất trang nghiêm và thanh tịnh.

 

3.     Khởi động thể linh hồn:

Khi hành thiền Đại Thủ Ấn là dùng thể linh hồn mà tu tập. Nên nếu không khởi động tốt thể này mà đột ngột thụ khí kiết ấn (Mudra), trì chú(Dalani), hiển thị linh phù (Mantra). Hiệu quả sẽ kém đi hoặc thậm chí nhiều lúc sinh tai nạn do năng lượng giác ngộ (Bodhi) chưa khế hợp hoàn toàn với thể xác (Sattva).

 

Khởi động thể này bằng bài tập Liên Hoa Thủ để năng lượng giác ngộ chuyển động các ngón tay tự hiển thị thành các khế ấn trên hai bàn tay.

 

Chú ý: nếu không khởi động thể linh hồn. Thì khi hành công nhiều lúc năng lượng không thông suốt qua các ngón tay. Khiến tam mật không tương ưng. Nghĩa là thân mật, khẩu mật và ý mật không hợp nhất, hoặc thậm chí có khì trì tụng đúng dalani nhưng khí chưa ra các đầu ngón tay nên khế ấn không hiển thị được hoặc hiển thị không chính xác. Khiến bài tập không hiệu quả hoặc phát sinh phản ứng phụ.

 

4.     Khởi động thể nhận biết:

Đây là thể quan trọng nhất. Vì mục đích của tu tập là làm thể này phục sinh trong chính thể xác vật lý của mình. Nên các bài tập của thiền Đại Thủ ấn là nhằm thực tập sự nhận biết trong các trạng thái: Tịnh, động, ở thân, ở tâm, ở thể khí, ở thể linh hồn, ở thể năng lượng. . .v.v. . .

Năng lượng qua thể nào thì thể ấy tự có các biểu hiện gọi là :”Cùng trôi”. Thế nhưng người tập phải luôn tỉnh giác nhận biết và chứng kiến toàn bộ quá trình hành công ở động tác, hơi thở, năng lượng, tâm lý. . .v.v. . .để kịp thời tự điều chỉnh nếu mất tính trang nghiêm, mất ung dung tự tại và mất thiền vị. . .v. .v. . 

 

Muốn vậy phải khởi động thể nhận biết bằng các bài tập:

-        Thở và đếm hơi thở. Hay còn gọi là thiền quán niệm hơi thở. Thở ra đếm 1, hít vào đếm 2, thở và đếm đến 10 không cho nhầm. Xong tiếp tục thực hiện các chu kỳ thở và đếm khác cũng như vậy. Thở chỉ là phương tiện. Nhận biết hơi thở vô ra mới là quan trọng. Gọi là chánh định và tỉnh giác khi nào đếm hơi thở  vô ra không nhầm.

-        Nhận biết toàn thân khi chuyển động bằng năng lượng. Nếu thấy chỗ nào chuyển động chưa nhẹ nhàng thông suốt, động tác có tính co giật, mặt đỏ, cơ thể thấy nóng ran hay thấy lạnh. . .v.v. . .đều là các biểu hiện chưa thư giãn tốt. Hãy lỏng cơ các nơi có hiện tượng ấy. Khí sẽ thông thoáng nên động tác toàn thân sẽ lại khinh an.

-        Nhận biết tâm lý mình khi đang chuyển động bằng năng lượng. Nếu thấy rỗng không an lạc thì động tác và các biểu hiện sẽ có thiền vị. Còn nếu trạng thái của động tác mình và các biểu hiện là sân si, tham dục hay bị phan duyên thất niệm thì phải tỉnh giác nhận biết ngay để tự điều chỉnh. Điều chỉnh ngay tâm chứ không điều chỉnh ở thân. Nghĩa là tái lập trạng thái chánh định, rồi rỗng không an lạc thì động tác và các biểu hiện của cơ thể tự có thiền vị.

 

Khởi động mỗi thể như vậy khoảng 10 phút. Xong thực hành Đại Thủ Ấn trong vòng 1 tiếng. Và cuối cùng hồi phục và làm các thủ tục hồi hướng, tự quy, khoảng 20 phút. Như vậy một bài thiền Đại Thủ Ấn phải thực hành liên tục trong vòng 2 tiếng.

 

Chú ý: Sau khi đã khởi động. Trước khi thông công giao điển với thiêng liêng để thực hành Đại Thủ Ấn. Hành giả phải dùng tam mật tương ưng để đảnh lễ tam bảo. Khi ấy động tác là do điển quang làm tự xuất hiện. Nhưng cơ thể phải ung dung, trang nghiêm, thanh tịnh, khế ấn phải hiển thị trên luân xa 7 rồi vẽ linh phù toàn thân. Di chuyển theo đường xoắn lốc điều hòa , tiến thối không rối loạn.

 Nếu khi đảnh lễ bằng hóa thân mà không được vậy. Thì hành giả không được thực hành thiền Đại Thủ Ấn vì thân tâm và các thể chưa được khởi động kỹ, năng lượng giác ngộ và thể xác chưa khế hợp hoàn toàn. Nếu cưỡng cầu cố tập sẽ không hiệu quả nhiều khi còn phát sinh phản rứng phụ do rối loạn khí.

 

Này Cỏ May, ta chỉ là một lão già quê mùa, ít học ở nơi xó núi. Thiền Đại Thủ Ấn lại là một phương pháp thiền tối thượng thừa nên đâu dám lạm bàn hí luận. Nay do ông thực tình hỏi, ta qua kinh nghiệm riêng của mình biết sao thì nói vậy. Nhưng ông nên nhớ rằng:

“Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy”

Bởi thế ông nên tác bạch việc này với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới thật đúng được.

 

Tưởng Vậy/24/11/2007