Cái Tôi
Này Cỏ May! Gọi Um A Hum là tổng trì chân ngôn. Vì câu chú ấy bao gồm mọi câu chú khác.

UM nghĩa là từ rỗng không mà hiển thị thành vạn pháp . . . .

Ông hỏi tại sao à?

Bởi vì rỗng không nghĩa là "vô ngã", không còn cái Tôi ngăn cách, nên Cái Một và Toàn Diện là hợp nhất. Bởi vậy thay vì nhận biết sự vật qua tâm trí khiến lạc vào huyễn áo. Sự vật qua trạng thái rỗng không của người tu tập, sẽ  tự hiển thị như chính nó. . . .

Này Cỏ May!. . .Khi ấy không phải người tu nói và làm, mà người ấy biến thành phương tiện của vạn pháp. . . .Không có người ấy và đối tượng mà chỉ còn trạng thái cực tịnh rỗng không tự biểu thị. . . .

Về thực hành, tuy ông đã đắc khí, đã đồng nhất với vạn pháp ở mặt năng lượng. Nhưng do khuôn mẫu tâm thức vẫn còn nên sự vật sẽ hiển thị qua khuôn mẫu ấy chứ không hiển thị như chính nó. . . .Ông thấy không như thật nên khắc sẽ làm không như thật. . . .

Này Cỏ May!. . .Đắc khí thì mới chỉ có khả năng của bát nhả chứ bát nhã chưa hiển thị!. Phải vô ngã . . . phải vứt bỏ mọi khái niệm. . . .phải vượt khỏi xiềng xích của nhị nguyên . . . phải phi tâm trí. . . thì tự khế hợp "tánh". . .

Giống như nước đá, khi gặp lửa thì biến thành nước thường. . . nước thường ở thể lỏng thì có thể thích ứng với mọi bình đựng. . . Thế nhưng nếu chỉ nhất quyết phải đựng nước trong cái bình nhất định nào dấy, thì do vậy mà tuy là nước, nó vẫn còn chưa thích ứng và lấy mọi hình dạng của vật đựng!. . . .

Vấn đề là phải có một bình đựng, thì nước mới hiển thị được. . . Thế nhưng đừng chấp vào cái bình nào. . . hình dạng bình. . . .chất liệu bình. . . giá trị bình. . v.v. . .Bình nào đựng cũng được, thì nhiên hậu nước mới có thể lấy mọi hình dạng được. . . .Khi ấy thì mọi loại bình đựng đều có thể biểu thị hình dạng qua nước là như vậy!. . . .

Này Cỏ May!. . . Đắc khí cũng như nước đá đã chảy thành nước lỏng. . . Tâm loạn động ngã mạn do gặp lửa tam muội của chánh định lúc luyện khí nên thiền nhân đạt khả năng thích ứng. . . .Thế  nhưng nếu ông không vứt bỏ cái khuôn mẫu tâm thức đang chứa năng lượng của mình đi, thì bát nhã vẫn chưa hiển thị. . . .cái Một và Toàn Diện vẫn chưa hợp nhất. . .

Than ôi!. . .Dù bát nhã đã có, nhưng ông chưa Vô ngã thì vạn pháp chưa biểu thị qua lời nói và hành động được!. . . .

 

A. . . nghĩa là phản ảnh như thật. . .là biểu thị thuận tự nhiên. . . .là tự nhiên tự biểu thị. . . .Do vậy mà nó không chấp chặt vào mọi lề thói cũ. . . luôn sáng tạo vì không trùng lặp. . . .luôn thay đổi vì biến dịch. . . . luôn như thật và tràn đầy sức sống. . . .Đó là "tánh" tuỳ duyên hiển tướng. . . .

Bởi vậy, lúc đang hành thiền hay tu khí công, không phải qua tâm trí hữu lậu để xét đoán đúng sai, nên không nên. . . .mà yên lặng nhận biết chiều chuyển dịch của năng lượng, để rỗng không tự hiển thị! . . .

Mô Phật!. . . không có cái cố gắng nhận biết. . . .mà cực tịnh rỗng không thì cái biết phi nỗ lực tự xuất hiện. . . .

A. . . là A Di Đà. . .là thường tịch quang. . . .là vô lượng thọ Phật. . . .là tánh ở thể dụng !. . . .Như sự vật đặt trước gương trong suốt không dính bụi hay rạn  nứt. . . sự vật sẽ tự hiện nguyên hình, vì phản ảnh là bản chất của gương!. . . .vì tánh biết là bản chất của rỗng không, không phải của ngã kiến!. . . .

 

HUM là quay về thế yên lặng rỗng không. . . .

Sau khi hoạt dụng, sắc tướng lại quay về trạng thái rỗng không yên lặng của tánh. . . .Như nước do gió mà nổi sóng. . . .khi gió ngừng sóng lại về với nước. . . .Như gương không lưu ảnh, ông cũng không nên trụ bám vào các nhân duyên hay khái niệm. . .vì đó là bản chất của bát nhã!. . . .

 

Trong thực hành, sau khi tuỳ duyên hoạt dụng thích ứng với tình huống, ông hãy để sự việc qua đi, không nên lưu ảnh trong tâm mình!.

Đấy là trong tu học. . . .Ông hãy áp dụng yếu chỉ của tổng trì chân ngôn khi thực hành mọi thần chú khác hoặc thực hành mọi pháp tu khác cũng vậy!. . .

 

Còn trong cuộc sống khi đối nhân xử thế hoặc giải quyết các tình huống, thì ông nên làm ngược lại, tức là: Hum A Um !. . . .Nghĩa là:

-Trước tiên không nên vội nói hay làm, mà phải quay về thế cực tịnh. Yên lặng. . . .tránh mọi cảm xúc và xét đoán bằng tâm trí. . . .

-Sau đó yên lặng nhận biết sự việc không xét đoán gọi là tịch chiếu. . . . Khi ấy do chánh niệm và tỉnh giác ông sẽ đắc khí!. . . . .

Tại sao được vậy? - Đấy là do, trong tu học nhất thiết, ông phải tạo cho được một phản xạ có điều kiện giữa đắc khí và chánh niệm tỉnh giác. Bằng cách luôn tỉnh giác khi đắc khí!. . . .

Nhận biết sự việc như vậy, tức là ông đã hình thành một khuôn mẫu tâm thức đúng như thật. . .hay nói cách khác sự việc ấy đã phản ảnh như thật trên nền rỗng không của bát nhã. . . . Bởi vậy "Khí" sẽ vận hành các căn của ông để tự biểu thị. . . .

Công việc của ông, không phải là nói hay làm theo chủ quan, mà là yên lặng nhận biết chiều chuyển dịch của khí để thuận theo. . . .

Mô Phật!. . . .thực hành như vậy lâu ngày, thì quá trình biểu thị của "khí" qua lời nói và hành động sẽ là tức khắc. . . .tức thời. . .không chần chờ do dự. . . không  chấp trước và lệ thuộc mọi kinh nghiệm của tâm trí nhị nguyên. . . .

Khi ấy thì tịnh động tuỳ duyên. . .Hiển mật viên thông đồng pháp tánh!. . . .

 

Do ông đã có lời hỏi, tôi chẳng dám dấu. . .nên biết sao thì nói vậy. . .

Mô Phật!. . .Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. . . .Xin ông hãy tác bạch việc này với chư tăng và chư thiện tri thức để chư vị ấy giảng dạy, rồi làm ơn nói lại cho tôi biết với!.  

 

Tưởng Vậy/4/3/2006