Thưa cụ theo kinh nghiệm riêng của cụ, thì người tu thiền và tu khí công có nên tụng kinh hay không?
- Thông thường thì người tu tịnh độ mới tụng kinh còn người tu thiền thì chỉ hành thiền quán tâm, trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật. Còn người tu mật tông và khí công thì tam mật tương ưng, dùng khế ấn thần chú và linh phù để thông công hợp nhất với Như lai.
- Mô Phật! . . .Còn đối với cụ thì như thế nào?
- Đối với ta vấn đề không ở chỗ ấy.
- Vậy ở chỗ nào?
- Ở chỗ ai là người tụng.
- Lẽ dĩ nhiên người đang chuông mõ và phát âm lời kinh là người tụng.
- Không hẳn thế. Nếu không chánh niệm và tỉnh giác. Nếu không vô cầu, vô tướng, vô ngã, khi hành trì, thì "Cái Tôi" của người ấy đang tụng chứ không phải người ấy tụng.
- Thế nào là chánh niệm khi tụng kinh?
- Trụ tâm vào kinh chứ không khởi niệm.
- Trụ tâm vào kinh có phải là tìm hiểu ý nghĩa của kinh để làm theo?
- Không phải vậy, nếu làm vậy thì tâm bị duyên theo kinh, không định được. Việc tìm hiểu ý nghĩa của kinh để sống và làm theo là cần thiết nhưng không phải trong lúc tụng kinh.
- Thế nào là tỉnh giác khi tụng kinh?
- Cơ thể thì đang tụng kinh. Còn mình là cái người đang nhận biết việc tụng kinh.
- Xin cụ nói rõ hơn.
- Vừa tụng phải vừa nhận biết tỉnh giác toàn bộ quá trình hành công. Âm thanh tụng, vẻ mặt, tư thế, nghi thức. . .v.v. . .Nếu thấy mất điều hoà trang nghiêm thanh tịnh thì lập tức phải điều chỉnh. Nó thực sự là một bài tập để người tu rèn luyện khả năng, trong cuộc sống nói và làm mà không xa rời thế tịnh.
- Chứ không phải tụng kinh nào thì phải quán tưởng hình ảnh vị Phật ấy sao?
- Niệm danh hiệu Phật và quán tưởng hình ảnh của ngài là điều cần thiết nhưng không phải trong lúc tụng kinh. Vì như vậy là bị duyên theo Phật sắc tướng.
- Vậy đối tượng của nhận biết khi tụng kinh là ngay chính thân tâm người tụng.
- Mô Phật đúng vậy.
- Vậy hoá ra tụng kinh cũng chính là đang hành thiền.
- Đúng vậy. Đối với ta tụng kinh chính là thiền động.
- Thưa cụ thế nào là vô cầu khi tụng kinh?
- Vô cầu là tụng kinh không nhằm xin Như lai và thiêng liêng ban phát ân huệ cho mình. Vì làm như vậy hoá ra đang làm tăng trưởng cái tâm tham dục của người tu. Như người mẹ thương con tự biết cách săn sóc cho con mình. Như Lai cũng vậy ngài sẽ tự biết cách chăm sóc đàn con của mình.
- Thế nào là vô tướng khi tụng kinh?
- Không nô lệ cho những nghi thức lễ bái quì lạy phức tạp. Cốt sao luôn điều hoà trang nghiêm thanh tịnh là được. Bởi vì các nghi thức ấy đều do tâm trí người đời sau đặt ra. Và mỗi vị thầy lại tự đặt ra nghi thức riêng cho môn phái mình.
- Thế nào là vô ngã khi tụng kinh?
- Dùng con tim để đồng cảm và rung động, không dùng cái đầu để phán xét. Do dùng con tim nên vượt qua mọi khái niệm gọi là "Phi khái niệm" Do không dùng cái đầu nhị nguyên nên mọi định kiến chấp trước, mọi sở tri kiến đều gãy đổ. Do vậy gọi là giải thoát gọi là tự do (Moska).
- Đấy là về tịnh độ và thiền. Còn về mật tông và khí công thì có nên tụng kinh hay không? Hay chỉ cần kiết ấn trì chú vẽ linh phù thông công với thiêng liêng?
- Đối với mật tông và khí công vấn đề "Ai là người tụng kinh?" lại càng rõ ràng hơn?
- Xin cụ nói rõ hơn?
- Không phải cái thân hữu lậu cái miệng máu thịt của người ấy đang tụng. Mà là thể Bodhisattwa của người ấy đang tụng. Nghĩa là năng lượng kết hợp với thể xác tuỳ theo cái duyên "kinh" mà hiển thị thành lời tụng và nghi thức.
- Mô Phật!. . .Đó là tính Mật. Còn tính thiền ở chổ nào?
- Thể xác với năng lượng thì biểu thị qua lời tụng và động tác nghi thức. Còn người tu chính là cái người đang nhận biết, đang qui định phạm trù chánh niệm để năng lượng hiển thị theo, đang nhận biết chiều biến dịch của năng lượng để nương theo phát âm lời kinh và chuyển động tạo thành các nghi thức lễ lạy.
- Thưa cụ làm sao biết một buổi hành trì như vậy có kết quả?
- Tụng kinh theo phương pháp của Mật tông và khí công gọi là có kết quả khi qua đấy người tu tăng cường được sức khoẻ, trí tuệ và tính từ bi của con nhà Phật. Còn ngay trong lúc trì tụng, năng lượng và âm vực của lời kinh sẽ tác động đến người nghe khiến họ có các biểu hiện của trạng thái đắc khí. Đó là: Các biểu hiện giải toả stress như khóc, mỉm cười, hay chuyển động nhẹ bằng năng lượng. . . . .
- Thưa cụ như vậy một vị huynh khí công có thể tụng kinh thay cho phát công mà người tập vẫn đắc khí và tập thiền động được.
- Đúng vậy!. . . .
- Thưa cụ rât cảm ơn cụ về những lời chỉ dạy hôm nay.
- Mô Phật ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Chỉ là kinh nghiêm của riêng mình. Nếu ông muốn áp dụng thì hãy tác bạch với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài ấy có lời chỉ dẫn chính thức.
Tưởng Vậy/9/8/2006