1. Chất độc cũng có thể dùng làm thuốc. Thành công không phụ thuộc nhiều vào yếu tố thuận lợi hay yếu tố trở ngại. Mà phụ thuộc vào cách bạn sử dụng các yếu tố nầy. Những người có kinh nghiệm thật sự trong tu học đều biết, phiền não có thể dùng làm nguyên liệu để thăng hoa chuyển hóa thành giác ngộ.

2. Giúp đỡ người khác là giúp đỡ cái bóng phóng chiếu của mình lên đối tượng, nên bạn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Vì đơn giản bạn chưa biết bạn là ai, sao bạn có thể biết được người khác? Giúp đỡ thật sự chỉ có, khi bạn làm việc ấy một cách tự nhiên như bản năng chứ không thông qua suy nghĩ tính toán thiện ác.

3. Dấu kín, đè nén tham vọng và cảm xúc đạo đức. Con người bị quá tải về tâm lý, nên phải giải tỏa stress bằng nhiều cách:
- Chia sẻ với người quen và sẽ tạo ra thị phi va chạm.
- Thổ lộ với thượng đế, thổ lộ như thế mà hoàn toàn vẫn giữ được bí mật. Nên nhiều người ưa dùng cách nầy. Tuy nhiên nếu bạn cường điệu khâu chuẩn bị để thổ lộ cùng thượng đế, bạn sẽ tạo ra stress mới.
- Dùng âm nhạc, thi ca, hội họa. . .v.v. . .và các môn nghệ thuật để tải cảm xúc ra ngoài thành sản phẩm. Đây là cách hay nhất vì bạn giải tỏa stress mà nhiều khi còn bán được và còn được khen. 
- Tuy nhiên còn có cách khác hay hơn. Đó là luôn sống vui tươi hồn nhiên, chẳng cần dấu kín hay đè nén thì khỏi phải làm các cách trên. . . hề hề. . .

4. Dù bạn làm gì đi nữa thì “hành động vô ngã”luôn là con đường an toàn nhất. Đó là giảm tối đa hoặc không có yếu tố cá nhân của mình. Thế mà sự việc cứ tiến hành, cứ xảy ra đúng như ý định. Muốn vậy phải “tạo ra ý chí chung” để định hướng sức mạnh tổng lực của con người, của chuyên môn và các yếu tố khách quan khác. Dấu mình thật kín đáo, tiến hành thật tích cực quyết liệt. Vấn đề chung cuộc không phải là thành công mà là sau thành công thì thế nào?


5. Nước lên thì bèo lên, nước xuống thì bèo xuống. Bèo luôn luôn an vì cùng trôi và biến hóa theo nước. Gió bão làm cây lớn bật gốc, nhưng cỏ chỉ nằm xuống. Sau khi bão tan cỏ lại vươn mình đứng dậy chẳng hề tổn hao. Cỏ luôn an vì cùng biến dịch. Bình an là quân bình động chứ không phải Định và Tịnh theo kiểu ngồi im, trong khi môi trường chung quanh đã thay đổi.

6. Có người bảo: “Khi cuộc đời đẩy ngã bạn, hãy cố hạ cánh bằng lưng. Bởi vì nếu bạn có thể nhìn lên, bạn có thể đứng dậy. Hãy để lý trí kéo bạn dậy”. - Les Brown
Thật ra thì không nên thế. Khi cuộc đời đẩy bạn ngã. Ngã ít bạn giả vờ ngã nặng và thật đau. Nếu rủi mà hạ cánh bằng lưng. Hãy lật úp người lại, úp mặt xuống đất . Đừng để cuộc đời thấy bạn như thế nào. Nếu không, cuộc đời sẽ làm bạn không dậy được nữa, dù bạn rất có lý trí. Bạn hãy lợi dụng việc ngã. Nằm xuống nghỉ ngơi hồi phục sức và suy nghĩ sau khi đứng dậy sẽ làm gì.

7. Một người dù xấu tính đến đâu, vẫn còn có một chút gì đấy để yêu thương. Người nhận thấy và hành động vì “cái chút gì ấy” thì đầy lòng nhân ái. Hãy tha thứ chính mình thì tự nhiên dễ chấp nhận người khác.

8. Con số 0 dù viết thật to giá trị vẫn là 0. Đừng cố cường điệu cái hữu tướng bên ngoài. Giá trị của bạn thật sự nằm ở nội dung bên trong.

9. Ký hiệu vô cực dù bạn ngồi gần hoặc xem lâu cách mấy đi nữa, bạn vẫn không xác định được giá trị thực của nó. Cũng vậy, chân lý tối thượng không thể tiếp cận và thể nhập bằng hữu tướng được. Dù bạn có cố gắng lâu ngày và nhiều kiếp thì cũng vậy.

10. Bạn đang bị cái bệnh bất an. Do vậy mới tu học và tìm mọi cách để được bình an. Nếu vậy bạn hãy dùng vác xin thay vì điều trị bệnh. Vác xin của bệnh bất an là chấp nhận cuộc là vô thường nên nhất định luôn bất an. Bởi vậy, thay vì tìm mọi cách để bình an mà nhất định bạn sẽ thất bại khi bệnh nặng. Bạn sẽ học tập cách thích ứng và lợi dụng bất an để phục vụ cuộc sống. Để chích vác xin ngăn ngừa bệnh bất an, bạn có thể học Khí Công Dưỡng Sinh , thiền động hay thiền năng lượng.